Soạn bài: Đàn ghi ta của Lorca - Thanh Thảo

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Ngọc Hạc Phong, 31 Tháng ba 2022.

  1. Ngọc Hạc Phong

    Bài viết:
    250
    1. Lời đề từ

    "Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn

    Ph. G. Lorca"

    - Hình ảnh "cây đàn" : Đàn ghi - ta – đặc trưng của Tây Ban Nha, sự nghiệp sáng tác của Lorca, biểu tượng của sáng tạo nghệ thuật.

    - Nhân vật "tôi" : Lorca.

    - Lời di ngôn của Lorca mang nhiều ý nghĩa. Di ngôn của Lorca muốn nhắn nhủ hãy chôn vùi, quên đi sự nghiệp sáng tác của Lorca, để sáng tác ra những tác phẩm mới có giá trị nghệ thuật hơn, góp phần làm phong phú hơn nền văn học nghệ thuật.

    Lời di ngôn, lời đề từ của Lorca đã đề cập đến khát vọng đổi mới, cách tân nghệ thuật của Lorca.

    [​IMG]

    2. Hình ảnh Lorca trong khung cảnh chính trị và nghệ thuật Tây Ban Nha

    "Những tiếng đàn bọt nước

    Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt

    Lilalilalila

    Đi lang thang về miền đơn độc

    Với vầng trăng chếnh choáng

    Trên yên ngựa mỏi mòn"

    - Những năm đầu thế kỉ XX được miêu tả thông qua những hình ảnh giàu chất siêu thực pha lẫn tượng trưng.

    - Sáu câu thơ đều có số lượng âm tiết không giống nhau. Âm tiết đầu dòng không được viết hoa, các câu thơ không được gieo vần như thơ truyền thống mà Thanh Thảo đã có sự cắt chữ, phân công theo một trật tự mới.

    - Hình ảnh "tiếng đàn bọt nước" : Tượng trưng cho sự thụ cảm vừa bằng thính giác vừa bằng thị giác. Sự kết hợp khác lạ này gợi cảm giác mong manh, ngắn ngủi, tan vỡ nhanh chóng.

    - Khung cảnh chính trị và xã hội của Tây Ban Nha được tác giả miêu tả qua hình ảnh "áo choàng đỏ gắt". Đây là hình ảnh gợi đến những cuộc đấu bò đẫm máu – biểu tượng cho Tây Ban Nha.

    - Trên nền hiện thực đó bỗng vang lên một giai điệu "li-la li-la li-la". Đó là giai điệu của tiếng đàn ghi – ta, biểu trưng cho văn hóa Tây Ban Nha.

    - Từ láy "chếnh choáng", "mỏi mòn" giàu sức gợi: Người nghệ sĩ đang lẻ loi cô đơn, mệt mỏi trên con đường sáng tạo nghệ thuật, trên con đường đi tìm kiếm đổi mới cách tân.

    Qua những hình ảnh thơ, tác giả thấu hiểu được tâm trạng và đồng cảm với những diễn biến trong tâm hồn người nghệ sĩ của Lorca.

    3. Lorca bị sát hại

    "Tây Ban Nha

    Hát nghêu ngao

    Bỗng kinh hoàng

    Áo choàng bê bết đỏ

    Lorca bị điệu về bãi bắn

    Chàng đi như người mộng du"

    - Thanh Thảo tiếp tục sử dụng từ ngữ, hình ảnh mang màu sắc siêu thực pha lẫn tượng trưng.

    - Hình ảnh đất nước "Tây Ban Nha / hát nghêu ngao". Lorca đang sống ở đất nước Tây Ban Nha hát nghêu ngao trên hành trình sáng tạo nghệ thuật, đem lời ca tiếng hát làm đẹp cho đời, cho đất nước. Trong hoàn cảnh đó, trên cuộc cách tân nghệ thuật bỗng kinh hoàng "áo choàng bê bết đỏ" xảy ra sự sát hại dã man của chế độ độc tài. Một trong những cuộc ám sát đó là "Lorca bị điệu về bãi bắn".

    - Cụm từ "bỗng kinh hoàng" đặc tả được tâm trạng thảng thốt của Lorca khi bị bắt.

    - Hình ảnh so sánh "chàng đi như người mộng du" : Lorca không thể hiểu được tại sao một người nghệ sĩ chỉ có khát vọng được sáng tác, chỉ muốn đi tìm cái đẹp, mang cái đẹp đến cho đời qua những lời ca tiếng hát, qua những bài thơ lại có thể bị bắt. Lorca không thể hiểu được tại sao mình chỉ muốn cách tân, đổi mới nghệ thuật lại có thể bị bắn.

    Lời thơ là sự đau đớn của Thanh Thảo trước cái chết của Lorca. Qua hình ảnh "áo choàng bê bết đỏ", Thanh Thảo đã gián tiếp cho người đọc cảm nhận được sự phẫn nộ với chế độ độc tài, phát xít đạp lên quyền hưởng tự do, quyền được sáng tác nghệ thuật của con người chân chính.

    4. Hình tượng tiếng đàn ghi – ta

    "Tiếng ghi ta nâu

    Bầu trời cô gái ấy

    Tiếng ghi ta lá xanh biết mấy

    Tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan

    Tiếng ghi ta ròng ròng

    Máu chảy"

    - Hình ảnh "tiếng đàn ghi – ta" được lặp đi lặp lại 4 lần ở 6 dòng thơ ngắn. Tác giả sử dụng nghệ thuật điệp để gây ấn tượng mạnh với bạn đọc.

    - Ý nghĩa biểu tượng "tiếng đàn ghi – ta" : Sự nghiệp sáng tác, tinh thần đổi mới, cách tân sáng tạo nghệ thuật của Lorca, lí tưởng sống cao đẹp mà Lorca đang theo đuổi.

    - Hình ảnh "tiếng đàn ghi – ta" được miêu tả gắn liền với bốn hình ảnh siêu thực và tượng trưng.

    - Màu "nâu" là gam màu tối, tượng trưng cho sự già nua. Hình ảnh "tiếng ghi - ta nâu" gợi liên tưởng đến nền nghệ thuật đang héo mòn, thiếu sức sống của Tây Ban Nha lúc bấy giờ. Đó là hình ảnh tượng trưng cho hiện thực.

    - Trong bối cảnh đó lại xuất hiện bầu trời cô gái ấy. Bầu trời là không gian bao la vô tận của tự do, xuất hiện hình ảnh cô gái ấy.

    - Tác giả sử dụng triết lí gián đoạn. Vì giữa hai câu đầu không có sự kết nối liền mạch, triết lí đặc trưng của chủ nghĩa siêu thực. Cô gái ấy có thể là người yêu của Lorca nhưng cũng có thể là nguồn cảm hứng sáng tác trong các bài thơ, bản nhạc của Lorca.

    - Âm thanh "tiếng đàn ghi – ta lá xanh biết mấy" : Sự tươi mới, tượng trưng cho sáng tạo. Màu xanh ấy đã xua đi sắc màu gam tối ảm đạm. Lorca đã sáng tạo ra hình ảnh mới mẻ nhằm đổi mới cách tân nghệ thuật của Tây Ban Nha.

    - Hình ảnh "tròn bọt nước vỡ tan" : Sự mong manh dễ vỡ và đến khổ này, nó đã vỡ tan. Lorca đã bị bắn, ước mơ cách tân không còn, những khát vọng sáng tác tác phẩm đẹp không còn. Tình yêu tự do vỡ tan, sự nghiệp sáng tác vỡ tan, tất cả đều không còn.

    - Các cụm từ được liên tục xuống dòng "vỡ tan", "ròng ròng", "máu chảy" là một trong những thủ pháp nghệ thuật gây ấn tượng mạnh thường gặp trong thơ tượng trưng, đi vào trực giác của bạn đọc.

    Thanh Thảo đau đớn trước cảnh tiếng đàn ghi – ta vỡ tan, ròng ròng máu chảy, cuộc đời bi kịch ngắn ngủi của người nghệ sĩ đã tạo ra tiếng đàn. Dường như âm thanh, tiếng đàn cũng có số phận bi kịch giống số phận của chủ nhân nó.

    5. Tác giả xót thương và tiếc cho những cách tân nghệ thuật của Lorca

    "Không ai chôn cất tiếng đàn

    Tiếng đàn như cỏ mọc hoang

    Giọt nước mắt vầng trăng

    Long lanh trong đáy giếng"

    - Không ai có thể chôn cất được "tiếng đàn", không ai chôn cất được sự nghiệp sáng tác của Lorca.

    - Lorca không còn nữa nhưng tiếng đàn của Lorca, lí tưởng sống cao đẹp vẫn như "cỏ mọc hoang". Hình ảnh so sánh ẩn dụ rất mới mẻ gợi cho chúng ta cảm nhận được sức sống mãnh liệt của tiếng đàn, của sự nghiệp, tinh thần Lorca.

    - Hai câu cuối là những hình ảnh mang chất siêu thực pha lẫn tượng trưng. Hình ảnh "giọt nước mắt" ẩn chứa biết bao nỗi niềm xót thương, đau đớn của tác giả trước cái chết của Lorca. Hình ảnh "vầng trăng" tượng trưng cho thiên nhiên, nguồn cảm hứng sáng tác cho người nghệ sĩ. Câu thơ như một giọt nước mắt chân thành khóc cho cái đẹp, khóc cho sự nghiệp sáng tác của Lorca không còn được tiếp nối nữa. Hình ảnh "giọt nước mắt vầng trăng" còn gợi đến cuộc đời đầy bi kịch của Lorca. Có ý kiến cho rằng sau khi giết Lorca, bọn phát xít đã quăng xác ông xuống giếng và Lorca đã trở thành "long lanh trong đáy giếng".

    Đây là hai câu thơ có tứ thơ rất đẹp, mang màu sắc siêu thực và ẩn chứa được sự xót thương, đau đớn vô cùng của Thanh Thảo, của nhân loại trước sự ra đi vĩnh viễn của Lorca.

    6. Suy tư về việc giã từ cuộc sống

    "Đường chỉ tay đã đứt

    Dòng sông rộng vô cùng

    Lorca bơi sang ngang

    Trên chiếc ghi ta màu bạc"

    - Hình ảnh "đường chỉ tay đã đứt" : Cuộc đời ngắn ngủi của Lorca. Tác giả dùng cách diễn đạt hình ảnh trường phái thơ siêu thực, tin vào linh cảm, tin vào những dự đoán mơ hồ nhưng dự đoán đó đã trở thành hiện thực khi Lorca chết năm 38 tuổi.

    - Hình ảnh "dòng sông vô cùng" : Dòng sông của cuộc đời, dòng sông của năm tháng vĩnh cửu. Trên dòng sông vô tận đó, "Lorca bơi sang ngang / trên chiếc ghi – ta màu bạc". Hình ảnh mang đậm chất siêu thực.

    - "Màu bạc" : Lorca đã giã từ cuộc sống bạc bẽo này. Cuộc sống không cho người nghệ sĩ cách tân, đổi mới nghệ thuật. Nhưng cũng có thể hiểu "màu bạc" là màu của sự lấp lánh sáng chói.

    - "Chiếc ghi – ta màu bạc" tượng trưng cho sự nghiệp sáng tác sáng chói của Lorca.

    Hình ảnh trong khổ thơ gợi cho người đọc cảm nhận dù cuộc đời này ngắn ngủi, đối diện nhiều bi kịch nhưng Lorca vẫn mang theo "chiếc ghi – ta màu bạc", mang theo lí tưởng, tinh thần cách tân của mình sang thế giới bên kia.

    7. Kết thúc giàu chất suy tưởng và nhạc tính

    "Chàng ném lá bùa cô gái Digan

    Vào xoáy nước

    Chàng ném trái tim mình

    Vào lặng yên bất chợt

    Lilalilalila.."

    - Khổ thơ có lối viết điệp cấu trúc. Câu 1 và câu 3 đều xuất hiện hình ảnh "chàng ném".

    - "Chàng" trong câu thơ là Lorca – người nghệ sĩ tài năng Tây Ban Nha.

    - Hình ảnh "lá bùa cô gái di – gan" : Con người có cuộc sống phóng khoáng, yêu tự do, nghệ thuật.

    - Hình ảnh "lá bùa" liên tưởng đến sự may mắn, tin vào linh cảm. Lorca mất đi, chàng ném lá bùa cô gái di – gan vào vòng xoáy nước, ném cả tình yêu tự do, cảm hứng sáng tạo nghệ thuật, lí tưởng cao đẹp vào cõi "lặng yên bất chợt". Hình ảnh thơ giàu chất suy tưởng mang đậm màu sắc siêu thực và triết lí.

    - Kết thúc bài thơ là một giai điệu li la, giai điệu của tiếng đàn ghi – ta, giai điệu tượng trưng cho sự nghiệp sáng tác của Lorca. Lila là tên một loài hoa thường gặp trên đất nước Tây Ban Nha.

    Câu thơ cuối bài như một lời ngợi ca, như đóa hoa đặt trên mộ Lorca tỏ sự ngưỡng mộ và tri ân sâu sắc của Thanh Thảo đối với Lorca.
     
    Chỉnh sửa cuối: 2 Tháng tư 2022
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...