Soạn bài: Cửu Long Giang ta ơi – Ngữ văn 6 Kết nối tri thức với cuộc sống Tri thức ngữ văn Tác giả Nguyên Hồng - Nguyên Hồng (1918 – 1982). - Quê quán: sinh ra ở Nam Định và sống chủ yếu ở thành phố cảng Hải Phòng; - Nguyên Hồng sáng tác ở nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, kí, thơ, v.v... Những trang viết của ông tràn đầy cảm xúc chân thành, mãnh liệt với con người và cuộc sống. - Các tác phẩm chính: Những ngày thơ ấu (hồi kí), Bỉ vỏ (tiểu thuyết), Trời xanh (thơ), Cửa biển (tiểu thuyết), Bước đường viết văn (hồi kí), v.v... (Theo SGK Ngữ văn 6 – Kết nối tri thức với cuộc sống, NXB Giáo dục, 2021) Tác phẩm Cửu Long Giang ta ơi Văn bản: Bấm để xem Ngày xưa ta đi học Mười tuổi thơ nghe gió thổi mùa thu Mắt ngẩng lên trông bản đồ rực rỡ Như đồng hoa bỗng gặp một đêm mơ. Bản đồ mới tường vôi cũng mới Thầy giáo lớn sao, thước bảng cũng lớn sao Gậy thần tiên và cánh tay đạo sĩ Đưa ta đi sông núi tuyệt vời. Tim đập mạnh hồn ngây không sao hiểu Mê Kông sông dài hơn hai ngàn cây số mông mênh Nguồn tự Trung Hoa có Vạn Lý Trường Thành Có Hy Mã lạp sơn, Động Đình hồ, Tây du, Thuỷ hử Mê Kông chảy Cây lao đá đổ Ngẫm nghĩ voi đi Thác Khôn cười trắng xoá Lan hoang dứa mật thông nhựa lên hương Những trưa hè ngun ngút nắng Trường Sơn Rừng Lào - Miên rộng quá Dân Lào - Miên mến yêu Xôi nếp nước trong sẵn sàng chia bạn đói. Ta đi... bản đồ không còn nhìn nữa... Sáng trời thu lại còn bướm với trời xanh Trúc đào tươi chim khuyên rỉa cánh sương đọng long lanh Ta cởi áo lội dòng sông ta hát Mê Kông chảy Mê Kông cũng hát Rừng núi lùi xa Đất phẳng thở chan hoà. Sóng toả chân trời buồm trắng. Nam Bộ Nam Bộ Chín nhánh Mê Kông phù sa nổi váng Ruộng bãi Mê Kông trồng không hết lúa Bến nước Mê Kông tôm cá ngập thuyền Sầu riêng thơm dậy đất Thủ Biên Suối mát dội trong lòng dừa trĩu quả. Mê Kông quặn đẻ Chín nhánh sông vàng Nông dân Nam Bộ gối đất nằm sương Mồ hôi vã bãi lau thành đồng lúa Thành những tên đọc lên nước mắt đều muốn ứa Những Hà Tiên, Gia Định, Long Châu Những Gò Công, Gò Vấp, Đồng Tháp, Cà Mau Những mặt đất Cha ông ta nhắm mắt Truyền cháu con không bao giờ chia cắt. Ta đã lớn Thầy giáo già đã khuất Thước bản to nay thành cán cờ sao Những tên làm man mác tuổi thơ xưa Đã thấm máu của bao hồn bất tử 1955 Nguồn: Nguyên Hồng, Trời xanh (thơ), NXB Văn học, 1960 a. Xuất xứ: - VB Cửu Long Giang ta ơi được trích trong tập thơ Trời xanh, NXB Văn học, Hà Nội, 1960, tr. 5 – 9. b. Thể thơ: Tự do (các câu dài ngắn đan xen) c. Phương thức biểu đạt: tự sự, miêu tả, biểu cảm. d. Bố cục: + Phần 1: "Ngày xưa ta đi học" à "... hai ngàn cây số mênh mông": Hình ảnh sông Mê Kông trong những ngày đi học; + Phần 2: "Mê Kông chảy" à "... không bao giờ chia cắt": Hình ảnh sông Mê Kông gắn liền với những sinh hoạt lao động; + Phần 3: Còn lại: Chủ thể trữ tình nhìn sự đổi thay hiện tại và nhớ lại kỷ niệm xưa. Soạn văn 6: Cửu Long Giang ta ơiTrả lời câu hỏi trang 121, 122 – Văn 6 Kết nối tri thức với cuộc sốngCâu 1. Theo em, nhan đề bài thơ có gì đặc biệt? Nhan đề ấy gợi lên ấn tượng, cảm xúc gì? Trả lời câu 1 trang 121 văn 6 - Kết nối tri thức - Nhan đề bài thơ có điểm đặc biệt: là một tiếng gọi tha thiết, bồi hồi (ơi). - Nhan đề dưới hình thức tiếng gọi ấy kết hợp với cụm từ chỉ sự sở hữu Cửu Long Giang (của) ta gợi lên tình cảm yêu thương sâu nặng cũng như niềm tự hào về dòng sông Cửu Long của tác giả. Câu 2. Em hình dung như thế nào về "tấm bản đồ rực rỡ"? Nhân vật trong bài thơ có cảm xúc như thế nào khi nhìn tấm bản đồ ấy? Trả lời câu 2 trang 121 văn 6 - Kết nối tri thức + "Tấm bản đồ rực rỡ": tấm bản đồ trong bài giảng của thầy giáo không chỉ "rực rỡ" vì nhiều sắc màu, đường nét mà còn đẹp lạ thường trong mắt những học trò nhỏ, tấm bản đồ ấy không chỉ có hình ảnh sông Mê Kông mà còn tượng trưng cho Tổ quốc thiêng liêng. + Nhân vật trong bài thơ nhìn tấm bản đồ của thầy với cảm xúc háo hức, say mê khám phá cùng tình cảm xúc động, thiêng liêng dành cho Tổ quốc thân yêu. Câu 3. Tìm những chi tiết miêu tả vẻ đẹp của dòng sông Mê Kông. Trả lời câu 3 trang 121 văn 6 - Kết nối tri thức Những chi tiết miêu tả vẻ đẹp của dòng sông Mê Kông là: "Mê Kông chảy Cây lao đá đổ Ngẫm nghĩ voi đi Thác Khôn cười trắng xoá Lan hoang dứa mật thông nhựa lên hương Những trưa hè ngun ngút nắng Trường Sơn." "Mê Kông chảy Mê Kông cũng hát Rừng núi lùi xa Đất phẳng thở chan hoà. Sóng toả chân trời buồm trắng." "Chín nhánh Mê Kông phù sa nổi váng Ruộng bãi Mê Kông trồng không hết lúa Bến nước Mê Kông tôm cá ngập thuyền Sầu riêng thơm dậy đất Thủ Biên Suối mát dội trong lòng dừa trĩu quả." Câu 4. Hình ảnh người nông dân Nam Bộ được tác giả khắc họa qua những chi tiết nào? Những chi tiết đó gợi cho em cảm nhận gì về con người nơi đây? Trả lời câu 4 trang 121 văn 6 - Kết nối tri thức - Hình ảnh người nông dân Nam Bộ được tác giả khắc họa qua những chi tiết: Nông dân Nam Bộ gối đất nằm sương Mồ hôi vã bãi lau thành đồng lúa Thành những tên đọc lên nước mắt đều muốn ứa Những Hà Tiên, Gia Định, Long Châu Những Gò Công, Gò Vấp, Đồng Tháp, Cà Mau Những mặt đất Cha ông ta nhắm mắt Truyền cháu con không bao giờ chia cắt. Những chi tiết đó gợi cho em suy nghĩ về sự gắn bó máu thịt của những người nông dân nơi đây với ruộng đồng, với dòng sông Cửu Long. Cuộc sống của họ vất vả, lam lũ: gối đất nằm sương, mồ hôi vã... Nhưng họ yêu quê hương, xứ sở, đến khi chết vần truyền con cháu "không bao giờ chia cắt", rời xa. Câu 5. Bài thơ Cửu Long Giang ta ơi có nhiều hình ảnh sinh động, giàu sức gợi. Em thích những hình ảnh nào? Vì sao? Trả lời câu 5 trang 122 văn 6 - Kết nối tri thức Bài thơ Cửu Long Giang ta ơi có nhiều hình ảnh sinh động, giàu sức gợi. Em thích những hình ảnh người nông dân Nam bộ trong hai câu: Nông dân Nam Bộ gối đất nằm sương Mồ hôi vã bãi lau thành đồng lúa Bởi hình ảnh trong hai câu thơ trên khiến em vô cùng xúc động. Người nông dân là những người quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Những lam lũ, khổ cực của họ không thể kể xiết. Hình ảnh "gối đất nằm sương" và "mồ hôi vã" trong hai câu thơ phần nào nói lên điều đó. Thành quả của những nhọc nhằn ấy là những bãi lau hoang hút mênh mông đã biến thành đồng lúa. Đọc hai câu thơ, em chợt nhớ đến bài ca dao: Cày đồng đang buổi ban trưa, Mồ hôi thành thót như mưa ruộng cày. Ai ơi bưng bát cơm đầy, Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần. Câu 6. Nêu những cảm nhận của em về tình yêu của tác giả đối với dòng Mê Kông, với quê hương đất nước được thể hiện trong bài thơ. Trả lời câu 6 trang 122 văn 6 - Kết nối tri thức Qua bài thơ, em cảm nhận được tình yêu tha thiết, sâu đậm của tác giả đối với dòng Mê Kông và với quê hương, đất nước. Tình yêu ấy được thể hiện qua những cảm nhận của tác giả về dòng sông. Với tác giả, dòng sông luôn có sự gần gũi, thân thiết. Dòng sông gắn bó với chính tác giả và với những người dân nơi đây. Dòng sông chảy trôi chứng kiến những sinh hoạt của người dân, bồi đắp và tạo nên sản vật trù phú cho người dân, cùng người dân trải qua những lao động vất vả. Đằng sau lời thơ là niềm tự hào, là sự đồng cảm, thấu hiểu của tác giả đối với dòng sông, với người lao động. Đó cũng chính là tình yêu sâu nặng đối với quê hương, đất nước.