Soạn bài Cô Tô – Ngữ văn 6 Kết nối tri thức với cuộc sống

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 16 Tháng mười 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908

    Soạn bài: Cô Tô – Ngữ văn 6 Kết nối tri thức với cuộc sống


    Tri thức ngữ văn

    Tác giả: Nguyễn Tuân (1910 – 1987)

    - Quê quán: Hà Nội

    - Ông là nhà văn có phong cách độc đáo, lối viết tài hoa, cách dùng từ ngữ đặc sắc. Thể loại sở trường của ông là kí, truyện ngắn. Kí của Nguyễn Tuân cho thấy tác giả có vốn kiến thức sâu rộng về nhiều lĩnh vực đời sống. Một số tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Tuân: Vang bóng một thời (tập truyện ngắn), Sông Đà (tùy bút)...

    Tác phẩm: Cô Tô

    - Cô Tô được viết nhân một chuyến ra thăm đảo của nhà văn. Bài kí được in trong tập , xuất bản lần đầu năm 1976.

    (Theo SGK Ngữ văn 6 – Kết nối tri thức với cuộc sống, NXB Giáo dục 2021).​
    - Thể loại: Kí.

    Kí, bút kí: là thể loại thuộc loại hình ký thường có quy mô tương ứng với truyện ngắn. Bút ký khác truyện ngắn ở chỗ tác giả bút ký không sử dụng hư cấu vào việc phản ánh hiện thực.

    Bút ký ghi lại những con người thực và sự việc mà nhà văn đã tìm hiểu, nghiên cứu cùng với những cảm nghĩ của mình nhằm thể hiện một tư tưởng nào đó. Sức hấp dẫn và thuyết phục của bút ký tùy thuộc vào tài năng, trình độ quan sát, nghiên cứu, khám phá, diễn đạt của tác giả đối với các sự kiện được đề cập đến nhằm khám phá ra những khía cạnh "có vấn đề", những ý nghĩa mới mẻ, sâu sắc trong va chạm giữa tính cách và hoàn cảnh, cá nhân và môi trường. Nói cách khác giá trị hàng đầu của bút ký là giá trị nhận thức.
    (Theo wikipedia)​

    - Phương thức biểu đạt: Tự sự kết hợp miêu tả;

    - Bố cục: 4 phần

    + Hình như gió bão... quỷ khốc thần linh: Cơn bão biển Cô Tô;

    + Ngày thứ Năm trên đảo Cô Tô... lớn lên theo mùa sóng ở đây: Cảnh biển Cô Tô sau khi cơn bão đi qua;

    + Mặt trời... nhịp cánh: Cảnh bình minh trên biển Cô Tô;

    + Còn lại: Buổi sớm trên đảo Thanh Luân.

    Soạn văn 6: Cô Tô – Kết nối tri thức với cuộc sống


    Trả lời câu hỏi văn 6 trang 113 - Cô Tô

    Câu 1. Qua bài kí Cô Tô, nhà văn đã đưa người đọc đến những nơi nào và gặp gỡ những ai?

    Qua bài kí Cô Tô, nhà văn đã đưa người đọc đến những nơi như: đồn biên phòng Cô Tô, đảo Thanh Luân, hợp tác xã Bắc Loan Đầu và gặp gỡ gia đình anh hùng lao động Châu Hòa Mãn. (Anh hùng lao động ngành ngư nghiệp những năm 60 của thế kỉ XX).

    Câu 2. Tìm những từ ngữ miêu tả sự dữ dội của trận bão. Những từ ngữ nào cho thấy rõ nhất việc tác giả có chủ ý miêu tả trận bão giống như một trận chiến?

    - Những từ ngữ và các phép tu từ miêu tả sự dữ dội của trận bão:

    + Cánh cung, hỏa lực, trống trận, thủy tộc, quỷ khốc thần linh (danh từ, cụm danh từ).

    + ba ngàn thước, trăm thước...(lượng từ).

    + buốt, rát, liên thanh quạt lia lịa, trắng mù mù, thúc, âm âm rền rền, vỡ tung, rít lên, rú lên, ghê rợn;...(cụm tính từ, động từ mạnh).

    - Những từ ngữ cho thấy rõ nhất việc tác giả có chủ ý miêu tả trận bão giống như một trận chiến: trận địa, cánh cung, hỏa lực, viên đạn, bắn, thay băng đạn, đánh, kẻ thù, trống trận, vây, dồn...

    Cách sử dụng từ ngữ như trên cho thấy phong cách nghệ thuật độc đáo cũng như kho từ vựng phong phú, bộn bề của Nguyễn Tuân.

    Câu 3. Biển sau bão hiện lên như thế nào (qua hình ảnh bầu trời, cây, nước biển, mặt trời,...)?

    Biển Cô Tô sau cơn bão được miêu tả qua các từ ngữ:

    + Bầu trời: "trong trẻo sáng sủa", "trong sáng";

    + "Cây trên núi đảo lại thêm xanh mượt, nước biển lại lam biếc đặm đà";

    + "Cát lại vàng giòn hơn nữa".

    => Cảnh đẹp, trong trẻo, sáng tươi.

    + "Lưới càng thêm nặng mẻ cá giã đôi".

    => tài nguyên biển trù phú.

    Câu 4. Theo em, để nhận ra vẻ đẹp của Cô Tô, nhà văn đã quan sát cảnh thiên nhiên và hoạt động của con người trên đảo ở những thời điểm nào và từ những vị trí nào?

    - Để nhận ra vẻ đẹp của Cô Tô, nhà văn đã quan sát cảnh thiên nhiên và hoạt động của con người trên đảo ở những thời điểm: khi cơn bão kéo đến, khi cơn bão đi qua, vào những thời giờ hoặc cụ thể: "canh một sang canh hai", "canh tư", hoặc qua hình ảnh "khi mặt trời đã lên bằng con sào".

    - Tác giả quan sát đảo Cô Tô ở nhiều góc nhìn đa dạng:

    + Trên nóc đồn biên phòng Cô Tô;

    + Nơi đầu mũi đảo;

    + Từ cái giếng nước ngọt ở rìa đảo.

    => Tác dụng của sự quan sát ở nhiểu thời điểm và nhiều vị trí: Khiến cho cảnh thiên nhiên và hoạt động của con người hiện lên sinh động, phong phú, chân thực hơn.

    Câu 5. Chỉ ra một câu văn thể hiện sự yêu mến đặc biệt của tác giả đối với Cô Tô trong đoạn văn từ "Ngày thứ năm trên đảo Cô Tô ... theo mùa sóng ở đây".

    Câu văn thể hiện cảm xúc yêu mến đặc biệt của tác giả đối với Cô Tô trong đoạn văn trên là: "càng thấy yêu mến hòn đảo như bất cứ người chài nào đã từng đẻ ra và lớn lên theo mùa sóng nơi đây."

    Câu 6. Em hình dung khung cảnh Cô Tô sẽ như thế nào nếu thiếu chi tiết miêu tả giếng nước ngọt và hoạt động của con người quanh giếng?

    - Sinh hoạt quanh giếng nước ngọt đông vui, nhộn nhịp: "cái sinh hoạt của nó vui như một cái bến và đậm đà mát nhẹ hơn mọi cái chợ trong đất liền."

    - Giếng nước ngọt là một phần không thể thiếu của người dân đảo Cô Tô, là dấu hiệu của sự sống con người trên đảo. Nó vừa là nguồn sống cho dân đảo, vừa ghi dấu sự sống của họ. Nếu thiếu chi tiết này thì "dấu hiệu" của sự sống trên đảo sẽ khá "mờ nhạt", hòn đảo sẽ mất đi sức sống, hơi ấm của con người, chỉ còn là một quần đảo thiên nhiên hoang sơ. Đồng thời thiếu chi tiết này, ta cũng khó có thể hình dung được tầm quan trọng của nước ngọt đối với cuộc sống người dân trên đảo.

    Câu 7. Kết thúc bài kí Cô Tô là suy nghĩ của tác giả về hình ảnh chị Châu Hòa Mãn: "Trông chị Châu Hòa Mãn địu con, thấy nó dịu dàng yên tâm như cái hình ảnh biển cả là mẹ hiền mớm cá cho lũ con lành". Cách kết thúc này cho thấy tình cảm của tác giả với biển và những con người bình dị trên biển như thế nào?

    Kết thúc bài kí bằng câu văn có sử dụng phép tu từ so sánh: "Trông chị Châu Hòa Mãn địu con, thấy nó dịu dàng yên tâm như cái hình ảnh biển cả là mẹ hiền mớm cá cho lũ con lành.", tác giả vừa tô đậm tình mẹ yêu con bao la của chị Châu Hòa Mãn, vừa còn khẳng định thiên nhiên, biển cả như người mẹ hiền mang đến cho con người biết bao sản vật giàu có, trù phú. Vì thế, câu văn đã thể hiện được tình cảm mến yêu chân thành của nhà văn đối với những người dân bình dị nơi đây cũng như tình yêu, niềm tự hào đối với biển cả quê hương.

    Viết kết nối với đọc – trả lời câu hỏi văn 6 trang 113 – Kết nối tri thức

    Trong Cô Tô, mặt trời lúc bình minh được ví như lòng đỏ quả trứng thiên nhiên đầy đặn. Viết đoạn văn (khoảng 5 – 7 câu) chỉ ra ý nghĩa của hình ảnh so sánh đó (có thể liên hệ với cách miêu tả mặt trời lúc bình minh của tác phẩm khác mà em biết).

    Nguyễn Tuân là nhà văn "có tiếng" tài hoa độc đáo. Ngôn từ, hình ảnh qua trang văn của ông là sự chọn lọc, sắp xếp, tính toán công phu, vì thế luôn gợi lên những liên tưởng phong phú nơi người đọc. Miêu tả hình ảnh mặt trời, Huy Cận so sánh "Mặt trời xuống biển như hòn lửa" đã là kì thú, đến với câu văn Nguyễn Tuân: "Mặt trời tròn trĩnh phúc hậu như lòng đỏ một quả trứng thiên nhiên đầy đặn. Quả trứng hồng hào thăm thẳm và đường bệ đặt lên một mâm bạc đường kính mâm rộng bằng cả một cái chân trời màu ngọc trai nước biển ửng hồng", người đọc lại được thưởng thức một hình ảnh so sánh tuyệt lạ về mặt trời. Hình ảnh lòng đỏ quả trứng dùng để so sánh với mặt trời vừa chính xác, lại ngộ nghĩnh, đáng yêu. Câu văn lí giải thêm phía sau về hình ảnh quả trứng và cái mâm bạc càng tăng thêm cảm giác về sự độc lạ của văn Nguyễn Tuân. Thế mới biết, sức sáng tạo của nghệ thuật là vô biên. Nguyễn Tuân đã khơi đến tận cùng trí tưởng tượng để tạo nên màu vẻ tuyệt mĩ nhất cho mỗi hình ảnh ông đặt vào trang văn của mình.
     
    Chỉnh sửa cuối: 24 Tháng mười 2021
Trả lời qua Facebook
Đang tải...