Soạn bài Cô bé bán diêm - Ngữ văn 6 - Kết nối tri thức với cuộc sống

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Gonewiththewind, 1 Tháng mười 2021.

  1. Gonewiththewind

    Bài viết:
    2
    Bài 3. YÊU THƯƠNG VÀ CHIA SẺ

    ĐỌC: CÔ BÉ BÁN DIÊM (trang 67)

    Trước khi đọc

    1. Giới thiệu ngắn gọn một truyện kể hoặc một bộ phim có nhân vật trẻ em gây ấn tượng với em.

    Gợi ý: Truyện kể về một nhân vật trẻ em gây ấn tượng với em là truyện "Cậu bé thông minh". Câu chuyện bắt đầu khi một vị vua muốn tìm kiếm người tài ra giúp nước. Vua sai một viên quan đi khắp nơi để tìm kiếm. Viên quan ghé đến một vùng quê nọ, thấy hai cha con đang cày ruộng. Viên quan mới lên tiếng hỏi "Trâu của nhà ngươi cày một ngày được mấy đường". Trong khi người cha lúng túng không trả lời được, người con lên tiếng hỏi ngược lại "Nếu ông trả lời được ngựa của ông đi một ngày được mấy bước thì con sẽ trả lời trâu của nhà con cày một ngày được mấy đường". Biết là người thông minh, viên quan bẩm tấu lên triều đình và ra thêm nhiều thử thách khác. Cậu bé đều đưa ra câu trả lời vô cùng xuất sắc. Bấy giờ, giặc ngoại xâm đang lăm le dòm ngó đất nước nên mới đưa ra một câu đố. Cả triều thần không ai giải được. Chỉ có cậu bé hoàn thành được thử thách vô cùng khó khăn này. Thấy vậy, nhà vua đã phong cậu bé trở thành trạng nguyên.

    2. Chia sẻ một vài cảm nhận của em về nhân vật đó

    Gợi ý: Cậu bé trong câu chuyện là một người vô cùng tài năng. Cậu đã thể hiện được sự thông minh khi trả lời các thử thách được đặt ra từ nhà vua. Không những thế, cậu bé còn giúp cho đất nước tránh được sự xâm lược của các nước láng giềng. Sự thông minh của cậu bé đã giúp cho cậu trở thành trạng nguyên và bảo vệ được sự hòa bình của đất nước.

    Sau khi đọc

    Trả lời câu hỏi

    Câu 1. Truyện Cô bé bán diêm được kể bằng lời của người kể chuyện ngôi thứ mấy?

    Gợi ý: Truyện "Cô bé bán diêm" được kể bằng lời của người kể chuyện ngôi thứ ba vì người kể chuyện không tự xưng "tôi" mà người kể chuyện đang "giấu mình", không tham gia vào câu chuyện nhưng biết được tất cả mọi thứ đang xảy ra.

    Câu 2. Cô bé bán diêm phải ở ngoài đường phố trong một đêm như thế nào? Vì sao cô bé không muốn trở về nhà?

    Gợi ý:

    Cô bé bán diêm phải ở ngoài đường phố trong một đêm "Rét dữ dội, tuyết rơi. Trời đã tối hẳn". Trong không khí giá rét ấy, không một ai để ý đến em vì họ phải nhanh chân trở về nhà. Cô bé trở nên cô đơn và lạnh lẽo giữa một khoảng không mênh mông.

    Cô bé không muốn trở về nhà vì cô bé không bán được bao diêm nào cả. Nếu trở về nhà mà không có tiền, cô bé sẽ bị cha đánh. "Tuy nhiên, em không thể nào về nhà nếu không bán được ít bao diêm, hay không ai bố thí cho một đồng xu nào đem về; nhất định cha em sẽ đánh em".

    Câu 3. Nêu các chi tiết miêu tả ngoại hình của cô bé bán diêm. Những chi tiết đó giúp em hình dung như thế nào về cuộc sống của nhân vật?

    Gợi ý:

    Các chi tiết miêu tả ngoại hình của cô bé bán diêm:

    + "đầu trần, chân đi đất, đang dò dẫm trong đêm tối".

    + "chân em đỏ ửng lên, rồi tím bầm lại vì rét".

    + "Em bé đáng thương, bụng đói rét vẫn lang thang trên đường. Bông tuyết bám đầy trên mái tóc dài xõa thành từng búp trên lưng em".

    + "Em ngồi nép trong một góc tường".

    + "Em thu đôi chân vào người, nhưng mỗi lúc em càng thấy rét buốt hơn".

    + "đôi bàn tay em đã cứng đờ ra".

    Những chi tiết đó cho thấy cô bé có cuộc sống vô cùng cực khổ. Cô không được ăn no cũng không được mặc ấm. Cô bé tuổi còn nhỏ nhưng đã phải bươn chải để kiếm tiền. Cô bé phải sống trong một xó tối tăm, ẩm thấp. Bà của cô bé mất, cô bé cũng không được sống trọn vẹn trong hạnh phúc của gia đình. Cô bé vừa thiếu thốn về vật chất, vừa thiếu thốn về tinh thần.

    Câu 4. Những hình ảnh xuất hiện sau mỗi lần quẹt diêm phản chiếu những ước mong nào của cô bé bán diêm? Theo em, có thể thay đổi trình tự xuất hiện của các hình ảnh đó không?

    Gợi ý:

    Những hình ảnh sau mỗi lần quẹt diêm của cô bé:

    + Lần thứ nhất: "Em tưởng chừng như đang ngồi trước một lò lửa bằng sát có những hình nồi bằng đồng bóng nhoáng" thể hiện mong muốn được sưởi ấm trong đêm đông giá rét.

    + Lần thứ hai: "Em nhìn thấu vào tận trong nhà. Bàn ăn đã dọn, khăn trải trắng tinh, trên bàn bày toàn bát đĩa bằng sứ quý giá và có cả một con ngỗng quay" thể hiện mong muốn được có một bữa ăn ngon và no bụng.

    + Lần thứ ba: "Em bỗng thấy hiện ra một cây thông Nô-en" thể hiện ước mơ được sống trong không khí hạnh phúc của gia đình.

    + Lần thứ tư: "Em bé nhìn thấy rõ ràng bà em đang mỉm cười với em" thể hiện ước mơ có được tình thương và sự quan tâm.

    Trình tự xuất hiện này không thể thay đổi vì nó thể hiện ước mơ theo trình từ tăng cấp, từ nhỏ nhoi tới lớn lao, từ vật chất tới tinh thần.

    Câu 5. Nêu cảm nhận của em về thái độ của người kể chuyện đối với cô bé bán diêm. Phân tích một vài chi tiết làm cơ sở cho cảm nhận đó.

    Những lần quẹt diêm được miêu tả cụ thể và chi tiết chứng tỏ sự đồng cảm của tác giả đối với cô bé.

    Tác giả thương xót cho số phận của cô bé "Em đã chết vì rét trong đêm giao thừa".

    Tác giả trân trọng ước mơ của cô bé "Nhưng chẳng ai biết những cái kì diệu em đã trông thấy, nhất là cảnh huy hoàng lúc hai bà cháu bay lên để đón lấy những niềm vui đầu năm".

    Câu 6. Đọc lại một số câu văn miêu tả cách ứng xử của người đi đường trước tình cảnh của cô bé bán diêm

    Các chi tiết:

    + "Còn chiếc thứ hai, một thằng bé lượm được, cười sằng sặc, đem tung lên trời".

    + "Khách qua đường đều rảo bước rất nhanh, chẳng ai đoái hoài đến lời chào hàng của em".

    + "Suốt ngày em chẳng bán được gì cả và chẳng ai bố thí cho em chút đỉnh".

    Những chi tiết trên chứng tỏ sự vô tâm, dửng dưng của người qua đường. Những người qua đường đều không cảm nhận được sự cô đơn và cực khổ của cô bé cũng như không đồng cảm và không dành một chút tình thương nào với cô bé đáng thương.

    Câu 7. Trong truyện, tác giả đã sử dụng nhiều chi tiết, hình ảnh tương phản như: Cảnh đoàn tụ của các gia đinh đêm giao thừa với tình cảnh đói rét, đơn độc ngoài đường phố của cô bé bán diêm; không khí tươi vui của ngày đầu năm mới với cảnh tượng em bé chết rét nơi xó tường;.. Em hãy chỉ ra ý nghĩa, tác dụng của một vài chi tiết, hình ảnh đó.

    Những chi tiết đối lập khiến cho tình cảnh của cô bé đã đáng thương lại càng trở nên đáng thương hơn bao giờ hết. Mọi người đều được ăn ngon, mặc đẹp, được vui vẻ đón giao thừa nhưng cô bé thì cô độc, lạnh lẽo và phải chết rét nơi xó tường. Những hình ảnh đối lập đặt cạnh nhau gợi lên sự đồng cảm và xót xa của người đọc dành cho cô bé. Qua đó, thể hiện mong muốn của tác giả là lan tỏa sự yêu thương đến tất cả mọi người.

    Câu 8. Những câu chuyện cổ tích thường kết thúc có hậu: Nhân vật chính được hưởng cuộc sống bình yên, hạnh phúc. Theo em, truyện Cô bé bán diêm có kết thúc giống như vậy không?

    Cái chết của cô bé là một cái chết bi kịch. Vì cô bé chết trong đêm đông lạnh giá, cô độc và thiếu vắng tình thương. Thế nhưng, dường như cô bé đã chết một cách hạnh phúc vì "ở một xó tường người ta thấy một em gái có đôi má hồng và đôi môi đang mỉm cười".
     
    LỤC TIỂU HỒNG thích bài này.
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...