Soạn bài: Chuyện cổ nước mình – Ngữ văn 6 Kết nối tri thức với cuộc sống Tri thức Ngữ văn Nhà thơ: Lâm Thị Mỹ Dạ - Họ tên: Lâm Thị Mỹ Dạ; - Năm sinh: 1949; - Quê quán: Quảng Bình; - Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ nhẹ nhàng, đằm thắm, trong trẻo, thể hiện một tâm hồn tinh tế, giàu yêu thương. Bài thơ: Chuyện cổ nước mình - Rút từ Tuyển tập Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, NXB Hội nhà văn, Hà Nội, 2011, tr.203; - Thể loại: thơ lục bát; - Phương thức biểu đạt: tự sự kết hợp biểu cảm. - Văn bản: [Bài Thơ] Chuyện Cổ Nước Mình - Lâm Thị Mỹ Dạ Soạn văn 6: Chuyện cổ nước mình – Kết nối tri thức với cuộc sốngTrước khi đọc 1. Những câu chuyện cổ Việt Nam: Tấm Cám, Sự tích trầu cau, Thánh Gióng, Sơn Tinh Thủy Tinh, Thạch Sanh, Cây tre trăm đốt, Cây khế... 2. Trong những câu chuyện trên, những nhân vật: cô Tấm, Thánh Gióng, Thạch Sanh...là những nhân vật được yêu thích vì họ là những người hiền lành, chăm chỉ, tốt bụng, dũng cảm... Sau khi đọc Trả lời câu hỏi văn 6 trang 95Câu 1. Bài thơ được viết theo thể thơ nào? Hãy cho biết những dấu hiệu giúp em nhận ra thể thơ đó. Bài thơ được viết theo thể thơ lục bát. Dấu hiệu: Dựa vào số tiếng trong các câu thơ: Cứ một câu thơ 6 tiếng đến một câu thơ 8 tiếng; bài thơ gồm nhiều cặp lục bát (6 – 8). Câu 2. Qua lời thơ, em nhận thấy bóng dáng của những câu chuyện cổ nào? Tìm từ ngữ, hình ảnh gợi liên tưởng đến những câu chuyện đó. Qua lời thơ, em nhận thấy bóng dáng của những câu chuyện cổ: - Tấm Cám: Thị thơm thì giấu người thơm Chăm làm thì được áo cơm cửa nhà. - Đẽo cày giữa đường: Đẽo cày theo ý người ta, Sẽ thành khúc gỗ chẳng ra việc gì. - Sự tích trầu cau: Đậm đà cái tích trầu cau, Miếng trầu đỏ thắm nặng sâu tình người. Câu 3. Chuyện cổ đã kể với nhà thơ những điều gì về vẻ đẹp tình người? Chuyện cổ đã kể với nhà thơ, với người đọc nhiều bà học đạo lý làm người mà cha ông ta để lại. Khi đọc truyện cổ, ai cũng nhận ra những vẻ đẹp ấy qua các nhân vật được xây dựng trong truyện: Vẻ đẹp của lòng nhân hậu: "Vừa nhân hậu...", Vẻ đẹp của tình yêu thương, biết sống vì người khác: "Thương người rồi mới thương ta", Vẻ đẹp của tình yêu bền bỉ, sâu nặng: "Yêu nhau dù mấy cách xa cũng tìm", Vẻ đẹp của lẽ sống hiền lành, ngay thẳng, trung thực: "Ở hiền thì lại gặp hiền/ Người ngay thì gặp người tiên độ trì", Vẻ đẹp của lẽ công bằng, trí tuệ, sự độ lượng, bao dung, giàu tình nghĩa: "Rất công bằng, rất thông minh/Vừa độ lượng lại đa tình, đa mang", Vẻ đẹp của sự chăm chỉ, chịu thương chịu khó: "Chăm làm thì được áo cơm, cửa nhà", Vẻ đẹp của tình người sâu nặng: "Miếng trầu đỏ thắm nặng sâu tình người"... Câu 4. Chỉ còn chuyện cổ thiết tha, Cho tôi nhận mặt ông cha của mình. Tình cảm của nhà thơ với những câu chuyện cổ được thể hiện như thế nào qua hai dòng thơ trên? Trong nhận thức của nhà thơ, chuyện cổ là nơi lưu giữ lẽ sống, nếp nghĩ, lưu giữ vẻ đẹp tâm hồn của ông cha. Đó là những thứ sẽ còn lại mãi mãi. Ai đọc chuyện cổ cũng đều nhận thấy trong mỗi câu chuyện là lẽ sống, là tâm hồn, là ước mơ, là tinh thần lạc quan, yêu đời, yêu quê hương đất nước... của cha ông xa xưa. Dù đời cha ông có cách xa chúng ta bao nhiêu thế kỉ, (Đời ông cha với đời tôi/ Như con sông với chân trời đã xa) thì những gì còn lại trong truyện cổ sẽ là sợi dây kết nối các thế hệ với nhau. Những chữ "nhận mặt cha ông" khiến ta cảm nhận tình cảm thiêng liêng, sự kính trọng, lòng yêu mến vô bờ mà nhà thơ dành cho các thế hệ cha ông mình. Nhà thơ trân trọng, tự hào về những giá trị đạo lý truyền thống mà cha ông mình để lại khi sáng tạo ra những câu chuyện cổ. Câu 5. Tôi nghe chuyện cổ thầm thì Lời ông cha dạy cũng vì đời sau. Hai dòng thơ trên gợi cho em những suy nghĩ gì? Hai tiếng "thầm thì" gợi người đọc liên tưởng đến những lời thủ thỉ, tâm tình mà cha ông nhắn nhủ lại cho con cháu. Những lời ấy không "đao to búa lớn" như mệnh lệnh, như khẩu hiệu nhưng lại bền bỉ và khắc sâu. Dòng thơ Lời ông cha dạy cũng vì đời sau nói rõ hơn về những lời "thủ thỉ" ấy. Đó chính là những lời răn dạy, khuyên bảo, những bài học đạo lý nhân sinh sâu sắc mà ông cha gửi gắm trong truyện cổ với mục đích cao cả, nhân ái là mong muốn con cháu muôn đời sau qua những câu chuyện cổ ấy mà biết sống nhân ái, bao dung, thẳng ngay, dũng cảm...Những chữ "vì đời sau" – đã nói lên tấm lòng yêu thương, sự vun vén trọn vẹn ấy của cha ông cho các thế hệ con cháu sau này. Câu 6. Vì sao với nhà thơ, những câu chuyện cổ "Vẫn luôn mới mẻ rạng ngời lương tâm"? Những câu chuyện cổ "vẫn luôn mới mẻ rạng ngời lương tâm": vì trong nhận thức của nhà thơ, kho tàng truyện cổ mà ông cha để lại sẽ không bao giờ cũ, sẽ luôn là ngàn vạn viên ngọc lấp lánh tỏa sáng trong cuộc sống hiện tại. Những câu chuyện ấy sẽ muôn đời làm say đắm tâm hồn con người Việt Nam, nhất là những tâm hồn thơ trẻ. Bài học từ những câu chuyện cổ vẫn luôn đúng và vẹn nguyên giá trị. Viết kết nối với đọc - Văn 6 trang 95 Viết đoạn văn khoảng 5 -7 câu nêu cảm nhận của em về đoạn thơ sau: Đời cha ông với đời tôi Như con sông với chân trời đã xa Chỉ còn chuyện cổ thiết tha Cho tôi nhận mặt ông cha của mình. Lời thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ không chỉ đưa người đọc vào một khu vườn cổ tích đủ các sắc màu huyền thoại, mà còn khơi dậy trong lòng ta biết bao tình cảm yêu mến, tự hào về kho tàng truyện cổ cha ông, khơi dậy lòng thành kính thiêng liêng đối với những gì mà cha ông ta vun vén để lại cho con cháu mình. Dù giữa các thế hệ là thời gian đằng đẵng, là không gian xa xôi, nhưng không hề đứt rời, ngắt quãng. Bởi nhờ có chuyện cổ, ta vẫn nhận ra mạch kết nối bền vững ấy. Ông cha ta đã ân cần để lại cho con cháu mình, đâu chỉ những giá trị vật chất mà còn cả những giá trị tinh thần nhân văn cao quý – đó là những bài học đạo lí làm người gửi gắm trong ngàn vạn câu chuyện cổ dân gian. Thời gian có phủ mờ đi tất cả, nhưng nhờ những "chuyện cổ thiết tha" ấy, mà ta nhận ra "cha ông" của mình: lẽ sống, tình cảm, vẻ đẹp tâm hồn... của cha ông. Bốn câu thơ đã thể hiện lòng biết ơn, tình cảm trân trọng, tự hào mà nhà thơ nói riêng và các thế hệ người Việt nói chung dành cho các thế hệ xa xưa. Tình cảm ấy được bộc bạch qua lời thơ lục bát du dương, mộc mạc, như lời ca, điệu hát... ngân nga mãi trong lòng.