Soạn bài: Cây tre Việt Nam – Ngữ văn 6 Kết nối tri thức với cuộc sống

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 11 Tháng mười 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024

    Soạn bài: Cây tre Việt Nam – Ngữ văn 6 Kết nối tri thức với cuộc sống


    Tri thức ngữ văn

    Tác giả: Thép Mới

    Thép Mới (1925 – 1991) là nhà văn, nhà báo nổi tiếng chuyên viết về đề tài Chiến tranh Đông Dương và Chiến tranh Việt Nam. Tác phẩm của ông giàu chất trữ tình, cảm hứng nổi bật là ca ngợi tinh thần yêu nước của nhân dân ta.

    [​IMG]

    Tác phẩm Cây tre Việt Nam

    Bài Cây tre Việt Nam là lời bình cho bộ phim cùng tên của các nhà làm phim Ba Lan.

    (Dẫn theo Sách giáo khoa Ngữ văn 6, Kết nối tri thức với cuộc sống – NXB Giáo dục, 2021)

    - Thể loại: bút ký chính luận trữ tình, giới thiệu phim tài liệu.

    - Phương thức biểu đạt: miêu tả kết hợp biểu cảm.

    - Bố cục: văn bản chia làm 4 phần:

    + Từ đầu... như người: giới thiệu về cây tre trong mối quan hệ với con người Việt Nam.

    + Tiếp... chung thủy: tre là người bạn gắn bó với đời sống sinh hoạt của người dân Việt Nam.

    + Tiếp... chiến đấu!: tre anh dũng đồng hành chiến đấu cùng con người Việt Nam.

    + Còn lại: Hình ảnh cây tre khi Việt Nam đã giành chiến thắng (tre gắn với đời sống tinh thần) và tre trong tương lai.

    Soạn văn 6: Cây tre Việt Nam – Kết nối tri thức với cuộc sống

    Trả lời câu hỏi văn 6 trang 99

    Câu 1. Vẻ đẹp của cây tre Việt Nam được tác giả miêu tả cụ thể qua những chi tiết, hình ảnh nào?

    Vẻ đẹp của cây tre Việt Nam được tác giả miêu tả cụ thể qua những chi tiết, hình ảnh:

    + Hình dáng: "Dáng tre vươn mộc mạc"; "Rồi tre lớn lên, cứng cáp, dẻo dai, vững chắc.": dáng gầy, cao. Cách miêu tả gợi lên vẻ đẹp phẩm chất thanh cao, thẳng thắn, bất khuất của cây tre.

    + Màu sắc: "Dưới bóng tre xanh"; "Cây tre xanh"; "màu tre tươi nhũn nhặn"": gợi màu xanh bình dị, khiêm nhường nhưng cũng đầy sức sống.

    + Môi trường sống: "Vào đâu tre cũng sống. Ở đâu tre cũng xanh tốt": Tre dễ thích nghi, không kén chọn, dù trong môi trường nào cũng có sức sống mãnh liệt.

    + Tre gắn bó với cuộc sống con người: "Tre ăn ở với người đời đời kiếp kiếp. Tre, nứa, mai, vầu giúp người hàng nghìn công việc khác nhau." " "Trong mỗi gia đình nông dân Việt Nam, tre là người nhà, tre khăng khít với đời sống hàng ngày." "Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép của quân thù. Tre xung phong vào xe tăng, đại bác. Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hi sinh để bảo vệ con người. Tre, anh hùng lao động! Tre, anh hùng chiến đấu!"...Vẻ đẹp của tre qua những chi tiết này là vẻ đẹp của tình thủy chung, gắn bó, của tinh thần anh dũng, kiên cường.

    Câu 2. Những từ ngữ nào trong văn bản biểu đạt rõ nhất đặc điểm của cây tre?

    Những từ ngữ trong văn bản biểu đạt rõ nhất đặc điểm của cây tre: mọc thẳng, xanh tốt, mộc mạc, nhũn nhặn, cứng cáp, dẻo dai, vững chắc, thanh cao, giản dị, chí khí, khăng khít, thẳng thắn, bất khuất, hi sinh, anh hùng, cam đảm, thủy chung...

    Hệ thống các từ ngữ trên (chủ yếu là tính từ) đã nhấn mạnh phẩm chất của tre: sức sống kì diệu, mạnh mẽ với những vẻ đẹp riêng, mang những giá trị cao quý: thanh cao, giản dị, chí khí. Phẩm chất tốt đẹp này của tre cũng chính là phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam trên những chặng đường vẻ vang của lịch sử.

    Câu 3. Khi nói về cây tre, tác giả đồng thời nói đến khung cảnh, cuộc sống, văn hóa của Việt Nam. Hãy chỉ ra những chi tiết đó trong bài.

    - Bóng tre trùm lên âu yếm làng, bản, xóm, thôn. Dưới bóng tre của ngàn xưa, thấp thoáng mái đình mái chùa cổ kính. Dưới bóng tre xanh, ta gìn giữ một nền văn hoá lâu đời..

    - Cối xay tre nặng nề quay, từ nghìn đời nay, xay nắm thóc.

    - Giang chẻ lạt, buộc mềm, khít chặt như những mối tình quê cái thuở ban đầu thường nỉ non dưới bóng tre, bóng nứa.

    - Tre còn là nguồn vui duy nhất của tuổi thơ. Các em bé còn có đồ chơi gì nữa ngoài mấy que chuyền đánh chắt bằng tre.

    - Tuổi già hút thuốc làm vui. Với chiếc điếu cày tre là khoan khoái.

    - Suốt một đời người, từ thuở lọt lòng trong chiếc nôi tre, đến khi nhắm mắt xuôi tay, nằm trên giường tre, tre với mình, sống có nhau, chết có nhau, chung thuỷ.

    - Ta kháng chiến, tre lại là đồng chí chiến đấu của ta. Tre vốn cùng ta làm ăn, lại vì ta mà cùng ta đánh giặc.

    - Buổi đầu, không một tấc sắt trong tay, tre là tất cả, tre là vũ khí.

    - Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép của quân thù. Tre xung phong vào xe tăng, đại bác. Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hi sinh để bảo vệ con người. Tre, anh hùng lao động! Tre, anh hùng chiến đấu!

    - Nhạc của trúc, nhạc của tre là khúc nhạc của đồng quê.

    - Nhưng, trên đường trường ta dấn bước, tre xanh vẫn là bóng mát. Tre vẫn mang khúc nhạc tâm tình. Tre sẽ càng tươi những cổng chào thắng lợi. Những chiếc đu tre vẫn dướn lên bay bổng. Tiếng sáo diều tre cao vút mãi.

    Câu 4. Vì sao tác giả có thể khẳng định: "Cây tre mang những đức tính của người hiền là tượng trưng cao quý của dân tộc Việt Nam"?

    Tác giả có thể khẳng định: "Cây tre mang những đức tính của người hiền là tượng trưng cao quý của dân tộc Việt Nam" vì những phẩm chất của tre có nét tương đồng với phẩm chất của con người. Như vậy hình ảnh cây tre là hình ảnh con người Việt Nam, phẩm chất đẹp đẽ, cao quý của tre: thanh cao, giản dị, chí khí... tượng trưng cho vẻ đẹp của con người và dân tộc Việt Nam trong chiến đấu và xây dựng Tổ quốc.

    Câu 5. Tìm một số chi tiết, hình ảnh cụ thể làm rõ cho lời khẳng định của tác giả: "Cây tre là người bạn thân của nông dân Việt Nam, bạn thân của nhân dân Việt Nam".

    [​IMG]

    - Dưới bóng tre xanh, đã từ lâu đời, người dân cày Việt Nam dựng nhà, dựng cửa, vỡ ruộng, khai hoang.

    - Tre ăn ở với người, đời đời, kiếp kiếp.

    - Tre, nứa, mai, vầu giúp người trăm nghìn công việc khác nhau.

    - Tre là cánh tay của người nông dân.

    - Tre vẫn phải còn vất vả mãi với người.

    - Trong mỗi gia đình nông dân Việt Nam, tre là người nhà, tre khăng khít với đời sống hàng ngày.

    - Tre còn là nguồn vui duy nhất của tuổi thơ.

    - Tuổi già hút thuốc làm vui. Với chiếc điếu cày tre là khoan khoái.

    - Suốt một đời người, từ thuở lọt lòng trong chiếc nôi tre, đến khi nhắm mắt xuôi tay, nằm trên giường tre, tre với mình, sống có nhau, chết có nhau, chung thuỷ.

    - Ta kháng chiến, tre lại là đồng chí chiến đấu của ta. Tre vốn cùng ta làm ăn, lại vì ta mà cùng ta đánh giặc.

    - Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hi sinh để bảo vệ con người. Tre, anh hùng lao động! Tre, anh hùng chiến đấu!

    Câu 6. Em đang sống ở thời điểm "ngày mai" mà tác giả nhắc đến trong VB, "khi sắt thép có thể nhiều hơn tre nứa". Theo em, vì sao cây tre vẫn là một hình ảnh vô cùng thân thuộc với đất nước, con người Việt Nam?

    Tác giả khẳng định: "sắt thép có thể nhiều hơn tre nứa", nhưng tre vẫn là một hình ảnh vô cùng thân thuộc, bởi:

    + Tre có sức sống mãnh liệt, dù đất đai có khô cằn đá sỏi, tre vẫn có thể sống được.

    + Tre đã gắn với con người Việt Nam qua rất nhiều thế hệ, tre có mặt trong đời sống của con người Việt Nam từ những vật dụng thô sơ nhất. Chính tác giả cũng minh chứng: Tre nứa vẫn trở thành bóng mát, làm cổng chào, hóa thân vào âm nhạc, văn hóa ...

    Như vậy, hình ảnh cây tre mãi mãi gắn bó máu thịt, tình nghĩa với người dân Việt Nam.
     
  2. Phạm Hàn Tịch Ryon

    Bài viết:
    73
    Nguyễn Khoa Điềm có viết: "Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre đánh giặc"

    Viễn Phương đã viết:

    "Ôi hàng tre xanh xanh Việt Nam

    Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng"

    Tre không chỉ là minh chứng cho lịch sử dân tộc, cho con người Việt Nam mà còn là biểu tượng bình dị, mộc mạc, gần gũi với người dân, thôn làng ngõ hẻm khắp non sông gấm vóc.

    Là bạn của vạn đầu em nhỏ với những món đồ chơi từ tre nứa, là kế mưu sinh của những con người cùng cực, là món quà cho "thần lửa" những ngày nấu bếp, là thứ lưu niệm cho bạn bè năm châu mỗi mùa du lịch.

    Tre hát khúc tình ca vì con người Việt Nam. Lắng đọng mùi trầm tích lớn lên với tuổi thơ.
     
    Last edited by a moderator: 24 Tháng mười 2021
  3. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Rất nhiều bài thơ hay viết về cây tre Việt Nam, trong đó có bài "Tre xanh" của Nguyễn Duy, đọc từ lâu lắm rồi mà vẫn nhớ, vẫn thuộc:

    Tre xanh,

    Xanh tự bao giờ?

    Chuyện ngày xưa.. đã có bờ tre xanh.

    Thân gầy guộc, lá mong manh,

    Mà sao nên luỹ nên thành tre ơi?

    Ở đâu tre cũng xanh tươi,

    Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu.

    Có gì đâu, có gì đâu,

    Mỡ màu ít chắt dồn lâu hóa nhiều.

    Rễ siêng không ngại đất nghèo,

    Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù..


    Chính bài thơ này đã mang đến những nhận thức sơ khai nhất về mối quan hệ giữa cây tre và phẩm chất con người Việt Nam. Đến "Cây tre Việt Nam" của Thép Mới, nhận thức ấy càng trở nên rõ ràng hơn bởi những góc nhìn đa dạng và cụ thể hơn!
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...