Soạn bài: Cảm xúc mùa thu - Đỗ Phủ - Ngữ văn 10 Cánh diều

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 11 Tháng chín 2022.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Cảm xúc mùa thu (Thu hứng) là văn bản được chọn in trong Sách giáo khoa Ngữ văn 10, bộ Cánh diều . Bài thơ là thi phẩm nổi tiếng của nhà thơ Đỗ Phủ (Trung Quốc). Việc tiếp cận một bài thơ Đường luật không phải đơn giản đối với các học sinh lớp 10. Phần soạn bài dưới đây định hướng những kiến thức cơ bản khi các em tiếp cận bài thơ.



    Soạn bài: Cảm xúc mùa thu - Đỗ Phủ - Ngữ văn 10 Cánh diều

    [​IMG]

    Câu 1. Từ những thông tin mà em tìm hiểu được, hãy trình bày hoàn cảnh. Ra đời của bài thơ.

    Định hướng:

    Năm 763, loạn an Lộc Sơn tuy đã được dẹp nhưng tình hình xã hội Trung Quốc vẫn còn rối ren. Đất nước vẫn chìm ngập trong cảnh loạn li, đời sống nhân dân cực khổ. Đỗ Phủ phải đưa gia đình đi lánh nạn khắp nơi. Mùa thu năm 766, Đỗ Phủ sống những ngày phiêu bạt, đau ốm tại đất Quỳ Châu (Tứ Xuyên, Trung Quốc nay). Nhớ quê hương, buồn cho thời thế, ông viết bài thơ này.

    Câu 2. Xác định đề tài, thể loại, bố cục của bài thơ.

    Định hướng:

    - Đề tài: Viết về mùa thu và tình cảm quê hương

    - Thể loại: Thơ thất ngôn bất cú Đường luật

    - Bố cục: Đề - Thực - Luận - Kết hoặc:

    + Bốn câu đầu: Cảnh thu

    + Bốn câu cuối: Tình thu

    Câu 3. Cảnh thu trong hai câu đề và hai câu thực của bài thơ có gì đặc biệt so với cảnh thu thông thường mà em từng biết? Để có thể miêu tả được quang cảnh đó, nhà thơ phải quan sát từ những vị trí nào?

    Định hướng:

    - Cảnh thu trong 4 câu đầu có nét đặc biệt: Không thanh sơ, êm dịu, tĩnh lặng như những bài thơ mà chúng ta biết (Ba bài thơ thu - Nguyễn Khuyến, Sang thu - Hữu Thỉnh) mà vừa hùng vĩ, vừa lạnh lẽo, hoang sơ, tiêu điều: Sương móc phủ kín khắp nơi, hơi thu hiu hắt, mây và sóng vần vũ chuyển động..

    Trong thực tế, cảnh thu ở đất Quỳ Châu khá đẹp nhưng trong cảm nhận của nhà thơ tha hương nó chứa đựng sự bất an, buồn bã. Lòng người lo âu, sầu muộn nên cảnh cũng nhuốm màu tâm ấy.

    - Nhà thơ nhìn cảnh vật từ nhiều góc nhìn: Từ gần đến xa, từ lòng sông đến lưng trời, rồi lại dõi theo sự chuyển động của mây, sóng.. - sự quan sát tổng thể, nhiều chiều không gian.

    Câu 4. Nỗi lòng của chủ thể trữ tình được thể hiện qua những hình ảnh nào trong bốn câu thơ cuối? Hình ảnh nào ấn tượng nhất, vì sao?

    Định hướng:

    - Nỗi lòng của chủ thể trữ tình được thể hiện qua những hình ảnh:

    + Khóm cúc nở hoa hai lần làm tuôn rơi dòng lệ cũ. Đó là dòng lệ của người lữ khách tha hương, dòng lệ của năm nay nhưng nhà thơ tưởng chừng đã chảy từ năm trước. (Cũng có thể nhà thơ nhìn hoa cúc mà tưởng hoa đang nhỏ lệ)

    + Cảnh nhà nhà rộn ràng may áo rét - chuẩn bị cho mùa rét, mùa Tết gợi nỗi nhớ quê hương, nhớ cảnh đầm ấm sum họp gia đình trong lòng Đỗ Phủ.

    + Hình ảnh con thuyền buộc chặt mối tình nhà cũng gợi lên cái "tình" của nhà thơ với cố hương.

    - Hình ảnh nào ấn tượng nhất (theo quan điểm cá nhân) là hình ảnh con thuyền buộc chặt mối tình nhà. Vì:

    Hình ảnh đó gợi lên sự cô độc của con thuyền đồng thời cho ta cảm nhận nỗi cô đơn trong lòng thi nhân. Càng cô đơn, nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương thêm da diết. Con thuyền cô đơn, lẻ bóng như buộc chặt thêm mối tình nhà, như càng khiến cho nhà thơ mong muốn, tăng thêm khát vọng được trở về quê cũ.

    Câu 5. Theo em, viết về mùa thu nhưng Đỗ Phủ đã gửi gắm trong bài thơ tâm sự gì?

    Định hướng:

    Bài thơ không dừng lại ở việc tả cảnh thuần túy, qua bài thơ, Đỗ Phủ còn gửi gắm trong đó nỗi nhớ quê hương, tâm trạng bất an, buồn phiền, lo lắng. Tâm trạng này là tâm trạng thời thế của biết bao người dân Trung Quốc phải li tán quê hương trong loạn An Lộc Sơn. Ngoài ra, qua bài thơ, Đỗ Phủ còn thể hiện lòng thương cảm của mình đối với gia đình, với chính bản thân và với biết bao người dân phiêu bạt khác. Bài thơ vì thế không chỉ là cảm xúc riêng, là tiếng khóc cho chính mình mà còn là nỗi lòng yêu nước, thương yêu quê nhà đang chìm trong cảnh binh đao.. Đó chính là tiếng nói nhân văn sâu sắc của bài thơ này.

    Câu 6. Hãy viết một đoạn văn khoảng 8 - 10 dòng để làm rõ tình cảm của Đỗ Phủ với quê hương thể hiện trong bài thơ Cảm xúc mùa thu .

    Cảm xúc mùa thu tiêu biểu cho bút pháp tả cảnh ngụ tình quen thuộc của thơ Đường luật. Qua cảnh thu mà người đọc có thể nhận ra tình thu. Tác giả mượn cảnh thu để nói nỗi lòng mình, tâm trạng mình và tình cảm của mình với quê hương, đất nước. Bài thơ có hai phần: Bốn câu đầu tả cảnh thu và bốn câu cuối bộc lộ tình thu song thực tế cả tám câu thơ, câu nào cũng chứa đựng cảnh thu và chan chứa tình thu. Cảnh và tình ấy hòa quyện với nhau, đưa tới cao trào là nỗi niềm đau đáu nhớ nước, thương dân, là sự xót xa cho bản thân trong hoàn cảnh bất đắc dĩ. Đất nước đang bị chìm trong loạn lạc, tác giả xa quê đã lâu muốn trở về mà cũng không được. Vì thế, nhìn những cánh cúc, nhà thơ liên tưởng tới những giọt lệ. Hoa khóc hay người khóc? Dĩ nhiên chỉ có người mới có thể khóc. Khóc thầm, khóc thương cho chính mình khi phải xa quê. Câu thơ tiếp theo tiếp tục bộc lộ nỗi nhớ nơi cảnh cũ vườn xưa qua hình ảnh con thuyền buộc chặt mối tình nhà. Chữ "cô" tăng sức nặng cho nỗi buồn cô đơn, cho nỗi đau quặn lòng xé ruột vì nhớ nhà nhớ quê. Cuối cùng, âm thanh rộn ràng người dân may áo rét - chuẩn bị cho mùa rét, mùa Tết càng xoáy sâu vào nỗi nhớ quê hương, nhớ cảnh đầm ấm sum họp gia đình trong lòng Đỗ Phủ. Bài thơ ngắn gọn nhưng tình cảm với quê hương thì đong đầy, chan chứa.
     
    Chỉnh sửa cuối: 17 Tháng chín 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...