Soạn bài Bắt nạt - Ngữ văn 6 Kết nối tri thức với cuộc sống

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 18 Tháng chín 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024

    Soạn văn 6 bài Bắt nạt – Kết nối tri thức với cuộc sống


    Bài thơ Bắt nạt được chọn in trong sách Ngữ văn lớp 6 (Tập 1), thuộc bộ sách giáo khoa Kết nối tri thức với cuộc sống do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành. Bài thơ nằm trong chủ đề Tôi và các bạn (Bài 1) của chương trình sách giáo khoa lớp 6 mới (2021 – 2022). Phần soạn bài dưới đây hi vọng mang đến cho bạn đọc những tri thức bổ ích liên quan đến bài học.

    Tri thức văn học


    Nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh



    Nguyễn Hoàng Thế Linh, sinh năm 1982 tại Hà Nội.

    Nguyễn Thế Hoàng Linh sáng tác từ rất sớm, 12 tuổi đã có những tác phẩm đầu tay. Hiện tại, anh sở hữu nhiều tác phẩm văn xuôi và thơ ấn tượng ghi dấu ấn sâu sắc trong lòng độc giả.

    - Văn xuôi: Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng, Chuyện của thiên tài (tiểu thuyết), Văn chương động..

    - Tập thơ: Mầm sống, Uống một ngụm nước biển, Em giấu gì ở trong lòng thế, Bé tập tô, Mật thư, Ra vườn nhặt nắng..

    Năm 2004, nhà thơ được nhận giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội cho tiểu thuyết Chuyện của thiên tài .

    [​IMG]

    Bài thơ Bắt nạt



    Bắt nạt là xấu lắm
    Đừng bắt nạt, bạn ơi
    Bất cứ ai trên đời
    Đều không cần bắt nạt.

    Tại sao không học hát
    Nhảy híp - hóp cho hay?
    Thời gian trong một ngày
    Đâu để dành bắt nạt.

    Sao không ăn mù tạt
    Đối diện thử thách đi?
    Thử kẻ yếu làm gì
    Sao không trêu mù tạt?

    Những bạn nào nhút nhát
    Thì là giống thỏ non
    Trông đáng yêu đấy chứ
    Sao không yêu, lại còn?

    Đừng bắt nạt người lớn
    Đừng bắt nạt trẻ con
    Đừng bắt nạt nước khác
    Trên khắp trái đất tròn.

    Đừng bắt nạt mèo, chó
    Đừng bắt nạt cái cây
    Đừng bắt nạt ai cả
    Vì bắt nạt dễ lây.

    Bạn nào bắt nạt bạn
    Cứ đưa bài thơ này
    Bảo nếu cần bắt nạt
    Thì đến gặp tớ ngay.

    Cứ đến bắt nạt tớ
    Bị bắt nạt quen rồi
    Vẫn không thích bắt nạt
    Vì bắt nạt rất hôi.

    (Nguyễn Thế Hoàng Linh, Ra vườn nhặt nắng, NXB Thế giới, Hà Nội, 2017, tr 24 - 25)

    - Vị trí: Bài thơ Bắt nạt trích trong tập "Ra vườn nhặt nắng".

    - Thể thơ: Bài thơ Bắt nạt được viết theo thể thơ 5 chữ (ngũ ngôn).

    - Bố cục bài thơ Bắt nạt:

    Khổ 1: Thái độ phê phán hành vi bắt nạt.

    Khổ 2, 3: Đề xuất những việc làm tốt, những việc nhiều thử thách hơn bắt nạt.

    Khổ 4: Lí do không nên bắt nạt.

    Khổ 5, 6: Lời khuyên không nên bắt nạt.

    Khổ 7, 8: Thái độ bảo vệ những người bị bắt nạt.

    - Nội dung bài Bắt nạt:

    Bài thơ đề cập đến hiện tượng đang gia tăng trong xã hội, trong môi trường học đường: Kẻ mạnh ỷ thế ức hiếp, bắt nạt kẻ yếu. Nhà thơ lên tiếng phê phán hành vi bắt nạt, bênh vực người bị bắt nạt và lên tiếng kêu gọi mọi người sống yêu thương, đoàn kết.

    - Nghệ thuật bài Bắt nạt:

    Bài thơ độc đáo ở cách sử dụng thể thơ 5 chữ kết hợp các biện pháp tu từ điệp từ, so sánh.. cùng lối thơ trong trẻo, tươi vui, hóm hỉnh. Vì thế, bài thơ dù viết về vấn đề khá nghiêm trọng nhưng không khiên cưỡng, gò ép mà rất tự nhiên, thấm thía.

    Trả lời câu hỏi bài Bắt nạt trang 28


    Câu 1.

    Nhân vật "tớ" trong bài thơ thể hiện thái độ:

    - Với các bạn bắt nạt: Nhân vật "tớ" bày tỏ thái độ không đồng tình với hành vi bắt nạt, cho rằng đó là hành vi xấu, không thể hiện sức mạnh, không có gì vẻ vang cả. Tuy nhiên, "tớ" không lên án gay gắt mà vẫn chọn cách nói điềm đạm, khuyên nhủ một cách gần gũi, thân thiện và rất hài hước.

    - Với các bạn bị bắt nạt: Nhân vật "tớ" bày tỏ thái độ yêu thương, quý mến. Không những thế, "tớ" còn sẵn sàng bênh vực, bảo vệ, thậm chí nếu có bị "bắt nạt" thay cũng không sợ.

    Câu 2.

    Cụm từ "đừng bắt nạt" xuất hiện 7 lần trong toàn bộ bài thơ.

    "Đừng" vừa thể hiện thái độ phủ nhận hành vi bắt nạt, vừa thể hiện lời khuyên nhủ chân thành đến những người quen bắt nạt người khác. Việc lặp lại điệp từ này giúp mọi người nhận thức được đây là hành vi xấu và không nên làm.

    Câu 3.

    Bài thơ nói chuyện bắt nạt mà vẫn ẩn chứa ý vị hài hước. Ta có thể nhận thấy ý vị hài hước ấy qua những cách diễn đạt như:

    - Cách đề xuất những việc làm tốt hơn bắt nạt như: Học hát, nhảy híp hóp.

    - Cách đề xuất hành vi thể hiện sự dũng cảm hơn là bắt nạt như: Ăn mù tạt, trêu mù tạt.

    Học hát, nhảy híp – hóp là những việc được trẻ em yêu thích. Còn mù tạt có vị rất cay, rất khó chịu, trẻ con thường không thích. Vì thế việc đưa ra hình ảnh này vừa phù hợp với lứa tuổi trẻ em, lại vừa tạo ý vị đùa vui, hóm hỉnh..

    - Hình ảnh so sánh những bạn nhút nhát với "thỏ non", cách nói đối lập: "Sao không yêu lại còn?", cách nói độc đáo: "Bắt nạt dễ lây", "bắt nạt rất hôi".. và cách xưng hô "bạn" – "tớ".. cũng là những cách diễn đạt mang lại ý vị hài hước cho bài thơ.

    Chính cách diễn đạt hài hước, vui đùa ấy khiến cho bài thơ viết về đề khá nghiêm trọng mà không quá nặng nề, gay gắt, nhưng vẫn đủ để lay động và thức tỉnh những người đang có hành vi xấu bắt nạt..

    Câu 4.

    Mỗi chúng ta có thể từng bị bắt nạt, chứng kiến cảnh bắt nạt hoặc từng bắt nạt người khác. Trước những tình huống này, em lựa chọn cách xử lí phù hợp:

    - Khi bị bắt nạt: Em không giấu kín chuyện, không tự mình giải quyết bằng hành vi bạo lực khác để trả đũa mà nói chuyện với bố mẹ, thầy cô.. để người lớn sẽ có cách giúp mình.

    - Khi chứng kiến cảnh bị bắt nạt: Em lập tức gọi người lớn trợ giúp can ngăn hành vi bắt nạt.

    - Khi bắt nạt người khác: Nếu có lúc nóng nảy, em bắt nạt bạn, thì khi hết nóng giận, em sẽ xin lỗi bạn, nghiêm túc kiểm điểm bản thân và sửa chữa hành vi.

    Xem thêm bài tiếp theo: Viết Bài Văn Kể Lại Một Trải Nghiệm Của Em - Ngữ Văn 6 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống
     
    Chỉnh sửa cuối: 18 Tháng mười một 2021
  2. hang2k9

    Bài viết:
    53
    Năm ngoái em là học sinh lớp 6, còn xài sách cũ, giờ đổi sách mới, nghe lạ quá, nhiều từ ngữ trong bài thơ nghe lạ so với em nhưng mà phần soạn đầy đủ, em sẽ share cho đứa em họ đang học lớp 6, cảm ơn vì một bài soạn hữu ích. *qobe 21*
     
    Last edited by a moderator: 19 Tháng chín 2021
  3. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Sách lớp 6 năm nay đưa vào khá nhiều bài mới. "Bắt nạt" là bài thơ của Nguyễn Thế Hoàng Linh được in năm 2017. Bài thơ mới nhưng không hề khó hiểu em nhé. Ngược lại, rất dễ tiếp nhận vì cách biểu đạt mộc mạc, hóm hỉnh phù hợp với độ tuổi thiếu nhi.
     
    Chỉnh sửa cuối: 21 Tháng chín 2021
  4. Vice nek "Chỉ cần bình tĩnh" Vie Vie

    Bài viết:
    233
    Bắt nạt là một thói xấu có thể gây ra những tổn thương, nỗi sợ hãi, nỗi ám ảnh, thậm chí cả những hậu quả nặng nề nhưng bài thơ lại nói chuyện bắt nạt bằng giọng điệu hồn nhiên, dí dỏm, thân thiện.

    Dạ bài soạn thật hữu ích, em cảm ơn chị nhiều! *vno 12*
     
    Last edited by a moderator: 10 Tháng mười 2021
  5. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Bài học rút ra qua bài thơ "Bắt nạt" : Cần đối xử tốt với bạn bè, có thái độ hòa đồng và đoàn kết, sẵn sàng giúp đỡ, bênh vực những bạn yếu hơn mình. Qua đó, chúng ta cần có thái độ đúng đắn trước hiện tượng bắt nạt, xây dựng môi trường học đường lành mạnh, an toàn, hạnh phúc.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...