So sánh vẻ đẹp của sông Đà và sông Hương qua hai đoạn trích

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 10 Tháng chín 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Viết bài văn so sánh vẻ đẹp của hai dòng sông được miêu tả trong 2 đoạn văn sau:

    "Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân. Tôi đã nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên Sông Đà. Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước Sông Đà không xanh màu xanh cánh hến của Sông Gâm, Sông Lô. Mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về. Chưa hề bao giờ tôi thấy dòng sông Đà là đen như thực dân Pháp đã đè ngửa con sông ta ra đổ mực Tây vào mà gọi bằng một cái tên Tây láo lếu, rồi cứ thế mà phiết vào bản đồ lai chữ."

    (Trích Người lái đò Sông Đà – Nguyễn Tuân)

    "Từ ngã ba Tuần, sông Hương theo hướng Nam Bắc qua điện Hòn Chén; vấp Ngọc Trản, nó chuyển hướng sang tây bắc, vòng qua thềm đất bãi Nguyệt Biều, Lương Quán rồi đột ngột vẽ một hình cung thật tròn về hướng đông bắc, ôm lấy chân đồi Thiên Mụ, xuôi dần về Huế. Từ Tuần về đây, sông Hương vẫn đi trong dư vang của Trường Sơn, vượt qua một lòng vực sâu dưới chân núi Ngọc Trản để sắc nước trở nên xanh thẳm, và từ đó nó trôi đi giữa hai dãy đồi sừng sững như thành quách, với những điểm cao đột ngột như Vọng Cánh, Tam Thai, Lựu Bảo mà từ đó, người ta luôn luôn nhìn thấy dòng sông mềm như tấm lụa, với những chiếc thuyền xuôi ngược chỉ bé vừa bằng con thoi. Những ngọn đồi này tạo nên những mảng phản quang nhiều màu sắc trên nền trời tây nam của thành phố," sớm xanh, trưa vàng, chiều tím "như người Huế thường miêu tả."

    (Trích Ai đã đặt tên cho dòng sông?, Hoàng Phủ Ngọc Tường)

    [​IMG]

    Từ bao đời nay, hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình.. đều là những hình ảnh thân thuộc khắc sâu trong thâm tâm của mỗi con người Việt Nam khi nhắc đến quê hương đất nước. Một trong những hình dáng quen thuộc ấy chính là dòng sông. Biết bao văn nhân khi đứng trước vẻ đẹp ấy mà tức cảnh sinh tình, họa nên một áng văn về dòng sông của miền đất ấy – nơi tác giả có dòng hồi ức về một dòng sông đẹp. Đến với kho tàng văn học Việt Nam, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nhiều dòng sông trên dải đất hình chữ S nhưng đặc biệt hơn cả, nếu Hoàng Phủ Ngọc Tường cho ta thấy vẻ đẹp duyên dáng yêu kiều như người con gái xứ Huế của dòng Hương giang thì Nguyễn Tuân sẽ khắc họa một dòng sông Đà vừa hùng vĩ vừa thơ mộng, trữ tình.

    Đoạn trích đầu tiên được trích trong tùy bút "Người lái đò sông Đà" được in trong tập Sông Đà viết năm 1960, nó được coi là tác phẩm thành công nhất của tập tùy bút, tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân sau Cách mạng tháng Tám. Đoạn còn lại là một phần nhỏ của bài kí "Ai đã đặt tên cho dòng sông" -một trong rất nhiều tác phẩm nổi bật cho phong cách kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Cùng một chủ đề, hai phong cách thể hiện khác nhau nhưng đủ để tái hiện cho ta thấy được những nét đẹp tiềm ẩn của hai dòng sông huyền thoại.

    Đọc từ những dòng văn đầu tiên của đoạn trích chúng ta có thể nhận ra được dù là hai dòng sông khác nhau nhưng lại có những nét đẹp tương đồng. Hai dòng sông dưới ngòi bút tài hoa của hai tác giả đều được khắc họa mang một vẻ đẹp trữ tình đằm thắm. Nguyễn Tuân đã ví dòng sông Đà tuôn dài như "một áng tóc trữ tình". Dòng sông mềm mại uốn lượn như mái tóc của người con gái, bao bọc khắp núi rừng Tây Bắc, e ấp cuồn cuộn trong làn sương khói mây mù nơi núi Mèo đang đốt nương xuân. Và Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng không thua kém gì khi họa lên bức tranh về dòng Hương giang từ ngã ba Tuần, theo hướng Nam Bắc để ghé thăm từng vùng thắng cảnh: Điện Hòn Chén, vấp Ngọc Trản, chân đồi Thiên Mụ rồi xuôi dần về Huế. Sông Hương cũng như sông Đà, đều được ví như người con gái trẻ trung mang trong mình vẻ đẹp trong sáng tinh khôi, trải khắp một vòng quê hương, đi qua những nơi thân thuộc rồi trở về với đất mẹ. Cả hai con sông đều được khám phá, cảm nhận ở phương diện trữ tình, thơ mộng và hoang sơ. Chính những nét đẹp thuần túy ấy đã thôi thúc tình yêu, dâng trào thành cảm xúc để văn nhân viết nên những dòng văn tràn đầy tình cảm. Không những vậy, hai đoạn trích còn là minh chứng chung cho sự uyên bác phong phú trong vốn kiến thức, sự quan sát tinh tế khéo léo. Hai tác giả đã vận dụng những kiến thức có được trên nhiều lĩnh vực để khắc họa hình tượng hai dòng sông. Đặc biệt hơn cả, mỗi câu văn mỗi con chữ không chỉ đơn thuần là để vẽ nên bức tranh thiên nhiên sông nước trữ tình đằm thắm mà nó còn chan chứa tình yêu với vẻ đẹp của quê hương xứ sở, làm sống dậy niềm tự hào dân tộc.

    Đẹp nên thơ, hoang sơ thuần túy đến là vậy thế nhưng mỗi dòng sông lại mang trong mình những nét độc đáo riêng không thể trộn lẫn. Qua cái nhìn say sưa mà đầy tinh tế, Nguyễn Tuân cho ta thấy sông Đà như hòa vào thiên nhiên núi rừng Tây Bắc đại ngàn. Mùa xuân nước xanh ngọc bích, mùa thu nước "lừ lừ chín đỏ như da mặt của một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về". Nước sông không mang màu xanh như sông Gâm sông Lô mà có màu sắc của riêng nó. Sự so sánh đã cho ta thấy nét độc đáo không thể nhầm lẫn của dòng sông Đà. Dòng sông như những thanh niên nơi đây ăn ngay nói thẳng chất phác mà khỏe khắn, hùng vĩ mà hoang sơ. Ở những điểm nhìn khác nhau, sông Đà lại mang những nét đẹp khác nhau. Lúc thì nên thơ nhẹ nhàng như người con gái, lúc thì hùng vĩ tráng lệ như người con trai. Khát khao tìm kiếm vẻ đẹp tiềm ẩn cùng bản tính của một người nghệ sĩ luôn mong muốn khám phá những điều mới đã khiến cho dòng sông Đà trở nên sinh động hơn bao giờ hết. Qua những câu văn, ta có thể cảm nhận được dòng sông như một nét màu mà mẹ thiên nhiên đã họa nên cho bức tranh nơi núi rừng Tây Bắc. Nét màu ấy mang một sức mạnh kì diệu làm bừng sáng cả khu rừng, đi qua những áng mây, xuyên qua từng trang sách để ghim vào lòng người đọc một ấn tượng khó quên về một sông Đà hùng vĩ bao la như thế. Tất cả đã cho thấy được sự tài hoa của Nguyễn Tuân-một ngòi bút đang trong hành trình tìm kiếm những điều mới mẻ mang một tâm hồn hướng theo chủ nghĩa xê dịch.

    Nếu Nguyễn Tuân cho ta thấy một sông Đà hùng vĩ tráng lệ mà vẫn nên thơ đằm thắm thì Hoàng Phủ Ngọc Tường sẽ cho ta chiêm ngưỡng nét đẹp dịu dàng thực thụ của dòng Hương giang. Gắn bó với mảnh đất Huế đã từ rất lâu, ông đã quá thân thuộc với dòng sông ấy. Như một người dân địa phương, tác giả như muốn giới thiệu cho ta biết về vẻ đẹp của dòng sông mà ông tự hào. Qua từng câu chữ, dù chưa một lần đặt chân đến Huế nhưng ta cũng có thể mường tượng ra hình ảnh của một dòng sông tuyệt đẹp. Sông Hương mang đến một cảm giác nhẹ nhàng, yên bình đến lạ. Chảy qua nhiều vùng đất khác nhau, dòng sông như còn lưu lại một chút vấn vương, Chầm chậm xuôi dòng qua điện Hòn Chén, vấp Ngọc Trản, rồi bỗng nhiên chuyển hướng uốn mình sang hướng tây bắc, đi qua thềm đất bãi Nguyệt Biều, Lương Quán, rồi lại "đột ngột vẽ một hình cung thật tròn về hướng đông bắc, ôm lấy chân đồi Thiên Mụ, xuôi dần về Huế". Dòng sông Hương chảy quanh thành phố-nơi có kinh thành, lăng tẩm của các vua chúa thời Nguyễn đã yên bình trong giấc ngủ ngàn năm. Tất cả như nhắc nhớ ta về một thời huy hoàng dân tộc. Không dữ dội như sông Đà của Nguyễn Tuân mà sông Hương chỉ nhẹ nhàng, mềm mại như tà áo dài của người con gái xứ Huế. Qua lăng kính tình yêu, tác giả đã vẽ nên bức tranh dòng sông đẹp rung động lòng người ".. người ta luôn nhìn thấy dòng sông mềm như tấm lụa, với những chiếc thuyền xuôi ngược chỉ bé vừa bằng con thoi. Những ngọn đồi này tạo nên những mảng màu phản quang nhiều màu sắc..". Chắc hẳn phải quan sát, nhìn ngắm thật lâu thật kĩ thì Hoàng Phủ Ngọc Tường mới cảm nhận được vẻ đẹp tiềm ẩn một cách tinh tế đến vậy. Như những thiếu nữ đôi mươi, dòng sông Hương không phải hùng vĩ ào ào thác đổ, cũng chẳng chảy xiết đưa dòng mà cứ nhẹ nhàng mềm mại, mang lại cảm giác thư thả, yên bình mà không kém phần trang trọng, điểm xuyết nét màu cho vùng đất đã từng mang quá khứ của một thời phong kiến vàng son.

    Cảm nhận tổng quát, cả hai dòng sông đều mang những nét đẹp chung nhưng cũng nổi bật vì những nét độc đáo riêng. Sở dĩ có sự khác biệt ấy là bởi hai con người mang phong cách khác nhau, điểm nhìn, quan điểm về việc khám phá tìm kiếm cái đẹp trong mắt họ là khác nhau nên mới tạo ra hai tác phẩm mang hơi hướng đặc biệt của cá nhân tác giả. Tùy bút của Nguyễn Tuân giàu chất kí, chất truyện; bút kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường giàu chất trữ tình, chất tùy bút. Cùng được thể hiện qua ngòi bút tài hoa uyên bác nhưng ở sông Đà, Nguyễn Tuân chủ yếu khắc họa vẻ đẹp hoang dại ban sơ nhằm thoải mãn ham muốn xê dịch của bản thân, còn sông Hương lại được Hoàng Phủ Ngọc Tường tập trung tái hiện vẻ đẹp trữ tình đằm thắm, thể hiện đúng phong cách của xứ Huế mộng mơ. Tất cả đều mang một nét riêng, mang lại cho người đọc những ấn tượng độc đáo khó quên về mỗi tác giả, về mỗi vùng thiên nhiên quê hương của Tổ quốc.

    Đọc và so sánh hai tác phẩm, ta thực sự phải công nhận rằng văn chương hiện hữu ở muôn nơi. Những nhà văn với những trải nghiệm khác nhau, những tác phẩm của họ lại mang cho ta cảm giác đặc biệt. Giống ở những cung bậc tình cảm, ở nét đẹp phong phú của văn chương, mà khác lại nằm ở sâu trong bản chất, cốt cách của từng người. Suy nghĩ khác, quan điểm khác tạo nên những tác phẩm mang sắc thái khác nhau, thể hiện nét độc đáo, cái tôi của riêng mình thế nhưng tất cả đều để bộc lộ tình yêu thiết tha, sự gắn bó sâu sắc, niềm tự hào về quê hương đất nước. "Người lái đò sông Đà" của Nguyễn Tuân và "Ai đã đặt tên cho dòng sông" của Hoàng Phủ Ngọc Tường đều khắc họa cho ta thấy được nét đẹp ban sơ mà hùng vĩ, đằm thắm mà bao la đầy thơ mộng của hai dòng sông nơi hai đầu Tổ quốc.
     
    Chỉnh sửa cuối: 27 Tháng chín 2024
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...