So sánh cách uống rượu của Mị và Chí Phèo: Nếu Chí Phèo trong tác phẩm "Chí Phèo" của nhà văn Nam Cao uống rượu để cho mình sức mạnh để ăn vạ, đối đầu với Bá Kiến để nhận ra bi kịch bị từ chối quyền làm người và có thêm dũng khí trừng trị tên Bá Kiến và chết trên ngưỡng cửa làm người thì đến với nhân vật Mị, Mị uống rượu là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời người con gái Tây Bắc, sau bao tháng ngày sống tăm tối, câm lặng trong nhà Thống Lý. Đây là dấu hiệu của sự hồi sinh, thức tỉnh sự sống dậy của một tâm hồn dào dạt yêu thương và khao khát sống một cách mạnh mẽ. Tâm trạng của Mị lúc này vô cùng phức điệu của một tâm hồn phong phú. Mị nhận ra thực tại đau lòng"Chẳng năm nào A Sử cho Mị đi chơi tết. A Sử với Mị không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau" . Không có nỗi khổ nào lớn hơn với người phụ nữ là phải sống trong một cuộc hôn nhân không có tình yêu, sống với người mình không yêu và cũng chẳng yêu mình. Nỗi đau ấy dường như như đang cứa vào da thịt Mị làm nhức nhói cả trái tim. Dường như người đàn bà câm lặng đã được xóa bỏ, thay vào đó là một cô Mị ý thức về sự tồn tại, tình yêu và hạnh phúc. Nhớ về quá khứ tươi đẹp, "Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như đêm tết ngày trước" . Cô Mị yêu đời, ham sống, hồn nhiên, tươi trẻ ngày nào dường như đã thật sự trở về. Mị đã nhận ra được chính mình, "Mị trẻ lắm, Mị vẫn còn trẻ" . Vẻ đẹp của Mị bị vùi lấp sau bao tháng ngày giờ đây đã trở lại mạnh mẽ. Mị nhận ra tuổi xuân vẫn còn ở với mình, nhan sắc của mình từng làm chao đảo biết bao chàng trai giờ đây vẫn còn đủ sức quyến rũ. Mị đã thật sự được hồi sinh cả ý thức lẫn tâm hồn, từ suy nghĩ đến hành động. Khát khao cháy bỏng trong lòng mình: "Mị muốn đi chơi", Mị ý thức rất rõ quyền sống, quyền hạnh phúc, quyền đi chơi của phụ nữ. Cô Mị đang bắt đầu cựa quậy, phản kháng, không chấp nhận cuộc sống tù túng, câm lặng, cam chịu. "Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này Mị sẽ ăn cho chết ngay chứ không buồn nhớ lại nữa. Nhớ lại chỉ thấy nước mắt ứa ra" . Chi tiết nắm lá ngón được lặp lại 3 lần trong tác phẩm với hai trạng thái trái chiều. Mị muốn ăn lá ngón khi lúc mới bị bắt về làm dâu gạt nợ "Đêm nào Mị cũng khóc" . Mị toan tự vẫn bằng nắm lá ngón nhưng vì thương bố Mị phải chấp nhận kiếp dâu gạt Nợ. Ý nghĩ muốn ăn lá ngón lại trở về với Mị trong đêm tình mùa xuân lúc này là vì: Nghĩ về quá khứ tốt đẹp làm ấm ca cõi lòng nhưng nghĩ đến hiện tại thì lại đắng chát. Có thể nói, muốn ăn lá ngón tự tử là biểu hiện cho niềm khát khao được giải thoát khỏi kiếp sống trâu ngựa, tù đày ở nhà thống lý, là hiện thân cho thái độ phản kháng của người phụ nữ yếu đuối trước thế lực bạo tàn, là minh chứng cho lòng thiết tha yêu đời ham sống một cuộc đời tự do, hạnh phúc. Ý nghĩ khi Mị không nghĩ đến việc ăn lá ngón "Lần lần mấy năm qua, mấy năm sau bố mẹ chết. Nhưng Mị cũng không còn tưởng đến Mị có thể ăn lá ngón tự tử nữa", không nghĩ đến cái chết thật ra không phải là biểu hiện của lòng ham sống mà là "ở lâu trong cái khổ Mị quen khổ rồi". Mị sống mà tâm hồn đã chết, Mị như một vật thể vô tri vô giác, vô hồn. Mị sống mà thật sự đã chết. Nhà văn Tô Hoài như hóa thân vào nhân vật Mị để lắng nghe, thấu hiểu những ẩn khuất vi diệu của lòng người. Ngòi bút nhà văn rất tinh tế, sắc sảo trong việc miêu tả tâm lí nhân vật. Hơi rượu nồng nàn cùng với âm thanh tiếng sáo đã nâng đỡ tâm hồn Mị hòa vào mùa xuân rạo rực xuân tình tiếng sáo từ ngoại giới lửng lơ bay ngoài đường đã nhập vào tâm hồn Mị trong đầu Mị rập rờn tiếng sáo, có tác dụng lay động tiềm thức, hiện hình thành dòng ý thức trong tâm hồn giúp Mị có những hành động táo bạo, bất ngờ. "Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ xắn một miếng bỏ vào đĩa đèn cho sáng lên". Mị muốn thắp sáng lên căn buồng tối tăm, chật chội, xua đi bóng đêm giá lạnh đang vây hãm cuộc đời Mị. Đâu chỉ thế, Mị còn muốn thắp sáng tâm hồn, cuộc đời đang lẩn quẩn trong bóng đêm không lối thoát. Đây chính là ánh sáng của niềm tin, hy vọng, khát vọng được sống được yêu thương, hạnh phúc, ánh sáng của tự do. (Liên hệ) Tôi chợt nhớ đến ánh đèn dầu hai hào mà anh cu Tràng mua về thắp lên trong đêm tân hôn khi lấy vợ giữa lúc cái đói và cái chết đang bủa vây. Ngọn đèn của Mị và ngọn đèn dầu của Tràng đều được thắp lên bằng niềm tin và khát vọng sống của người lao động giữa lúc tối tăm, khốn đốn nhất, nghiệt ngã nhất. Cả hai ánh lửa thắm đượm tình yêu, niềm trân trọng của nhà văn dành cho con người cùng với những khát vọng chân chính của họ. Thế nhưng, ngọn đèn của Tràng được thắp lên từ khát vọng được hạnh phúc dù chông chênh, mỏng manh giữa nạn đói khủng khiếp còn đĩa đèn sáng lên của Mị được đốt cháy từ sức sống tiềm tàng nhưng mãnh liệt của người con gái Tây Bắc. Chi tiết nghệ thuật đặc sắc này góp phần làm nên sự thành công cho truyện. Tiếp theo hành động là việc Mị sửa soạn đi chơi "Mị quấn lại tóc. Mị với tay lấy cái váy hoa vắt phía trong vách". Hàng loạt những động từ liên tiếp dồn dập cho thấy sự trỗi dậy trong sức sống của Mị. Mị đang làm đẹp cho chính mình và làm đẹp cho cuộc đời. Chiếc váy hoa bao năm bị bỏ quên giờ đây nó thật sự được sống lại bởi hơi ấm bàn tay của Mị. Sức sống của tình yêu, hạnh phúc, của niềm khát khao tự do đang cháy bùng trong tâm hồn Mị. Mị đang sống với niềm rạo rực của tâm hồn sống lạc quan tươi trẻ vì đã thật sự hồi sinh để trở về với một cô Mị ngày xưa yêu đời ham sống và nồng nàn tình xuân. Người đàn bà cam chịu, nhẫn nhịn, vô hồn đã nhường chỗ cho một cô Mị trẻ trung, tràn trề sức xuân. Sức sống mãnh liệt làm cho Mị không còn biết đến thực tại đau đớn, tủi nhục. Tiếng sáo như đôi cánh lãng mạn dìu hồn Mị hòa vào mùa xuân hồn nhiên mà rạo rực xuân tình. A Sử trói mà Mị không hề hay biết. A Sử trói Mị một cách dã man "lấy thắt lưng trói hai tay, nó xách cả một thúng sợi đay ra trói đứng Mị vào cột nhà.. A Sử quấn luôn tóc Mị lên cột làm cho Mị không cúi, không nghiêng được". A Sử trói thân xác nhưng không trói được tâm hồn, không hủy diệt được lòng yêu đời, ham sống của người con gái này. Sự tàn bạo không thể hủy diệt được ngọn lửa của thế giới tâm hồn ngọn lửa trong tim, nhân phẩm của con người. Hơi rượu nồng nàn, Mị vẫn nghe theo tiếng sáo đưa Mị theo những cuộc chơi.. Mị vùng bước đi, mới biết mình đang bị trói. Tâm trạng Mị thổn thức, Mị nghĩ mình không bằng con ngựa, nhưng tiếng chó sủa, tiếng sáo thổi, hơi rượu nồng nàn lại dìu Mị trở về với những cuộc chơi của mùa xuân năm xưa. Mị nín khóc. Mị lại bồi hồi. Mị chập chờn giữa mê và tỉnh, dòng ý thức và tiềm thức cứ tương tranh. Ở Mị đang tồn tại hai con người: Con người thực tại với nỗi đau thân phận trâu ngựa; con người quá khứ nồng nàn, thiết tha, rạo rực xuân tình. Và con người quá khứ ấy dường như đang dần thắng thế. Bằng cái nhìn nhân đạo nhà văn đã khám phá một cách sâu sắc diễn biến tâm trạng phức tạp nhưng chân thật của tâm hồn Mị để từ đó nhà văn khẳng định, ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn, sức sống của con người, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào nhà văn cũng không mất đi niềm tin vào con người.