So Sánh Các Hình Thức Thực Hiện Pháp Luật - Trích Bài Thảo Luận 9.3 Điểm

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Chiên Min's, 27 Tháng năm 2022.

  1. Chiên Min's I purple you!

    Bài viết:
    555
    I - Khái niệm thực hiện pháp luật

    Thực hiện pháp luật là một quá trình hoạt động có mục đích, nhằm hiện thực hóa các quy định của pháp luật, làm cho những quy định của pháp luật đi vào đời sống, trở thành những hành vi (hành động và không hành động) thực tế hợp pháp của các chủ thể pháp luật.

    Thực hiện pháp luật có thể là một xử sự có tính chủ động, được tiến hành bằng một thao tác nhất định nhưng đó cũng có thể là một xử sự có tính thụ động, tức là không tiến hành vượt xử sự bị pháp luật cấm.

    II -
    Các hình thức thực hiện pháp luật

    2.1 Tuân thủ pháp luật Là hình thức thực hiện pháp luật một cách thụ động, thể hiện ở việc các chủ thể kiềm chế bản thân không thực hiện những hành vi bị pháp luật cấm, kể cả khi có cơ hội thực hiện.

    Ví dụ: Pháp luật cấm hành vi mua, bán dâm. Do đó, "không thực hiện hành vi mua, bán dâm" được xem là tuân thủ pháp luật.


    2.2 Thi hành pháp luật

    Là hình thức thực hiện pháp luật một cách chủ động. Chủ thể pháp luật phải thực hiện hành vi mà pháp luật buộc phải làm và không được viện lý do để từ chối, trừ pháp luật có quy định khác. Nhà nước đòi hỏi các chủ thể phải tích cực thực hiện những hành vi này, nhằm đảm bảo an ninh trật tự xã hội hay sự phát triển của đất nước.

    Ví dụ: Pháp luật quy định về nghĩa vụ đóng thuế thu nhập cá nhân/ thuế thu nhập doanh nghiệp. Do đó, nếu không thuộc trường hợp miễn thuế/đối tượng không chịu thuế thì chủ thể đóng thuế được xem là "thi hành pháp luật".


    2.3 Sử dụng pháp luật

    Đây là hình thức chủ thể pháp luật thực hiện các quyền theo quy định của pháp luật. Hình thức này cho phép các chủ thể pháp luật có thể sử dụng khai thác hay không sử dụng, khai thác, hưởng quyền theo quy định pháp luật. Nhà nước trao cho họ những quyền lợi nhất định và tùy thuộc vào mong muốn, khả năng, mục đích.. mà họ có thực hiện quyền đó hay không.

    Ví dụ: Ông Võ Nguyễn Hoài Linh (danh hài Hoài Linh) nộp đơn gửi Công an TP. HCM tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng về các buổi phát trực tiếp khi cho rằng bà đã có hành vi "vu khống", "xâm phạm danh dự và nhân phẩm" của mình. Ông Hoài Linh hoàn toàn có quyền khởi kiện bà Hằng vì pháp luật đã trao cho ông quyền được bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình. Khi đó, ông Hoài Linh được xem là đang "sử dụng pháp luật".

    2.4 Áp dụng pháp luật

    Là hình thức thực hiện pháp luật trong đó Nhà nước thông qua các cơ quan có thẩm quyền tổ chức cho các chủ thể thực hiện những quy định của pháp luật, hoặc tự mình căn cứ vào các quy định của pháp luật để ban hành ra các quyết định làm phát sinh, thay đổi, đình chỉ hoặc chấm dứt các quan hệ pháp luật cụ thể.

    Đây là hình thức thực hiện pháp luật rất quan trọng và tương đối phức tạp.

    Ví dụ: Các cặp đôi đến UBND cấp xã, phường, thị trấn của một trong hai người để đăng ký kết hôn, khi đó cán bộ UBND tiến hành thủ tục xem xét để cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn là áp dụng pháp luật.


    III - So sánh các hình thức

    3.1. Về khái niệm

    Tuân thủ pháp luật: Chủ thể pháp luật kiềm chế mình để không thực hiện điều pháp luật cấm.

    Thi hành pháp luật: Chủ thể pháp luật chủ động thực hiện điều pháp luật yêu cầu.

    Sử dụng pháp luật: Chủ thể pháp luật thực hiện điều mà pháp luật cho phép.

    Áp dụng pháp luật: Cán bộ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức cho các chủ thể khác thực hiện quyền hoặc nghĩa vụ do pháp luật quy định.


    3.2. Về bản chất

    Tuân thủ pháp luật: Thực hiện pháp luật có tính chất thụ động và thể hiện dưới dạng "hành vi không hành động".

    Thi hành pháp luật: Chủ động, tích cực thực hiện pháp luật dưới hình thức "hành vi hành động".

    Sử dụng pháp luật: Các chủ thể lựa chọn xử sự những điều pháp luật cho phép. Đó có thể là "hành vi hành động" hoặc "hành vi không hành động" tùy quy định pháp luật cho phép.

    Áp dụng pháp luật: Vừa là hoạt động thực hiện pháp luật của các cơ quan nhà nước, nó vừa là một hình thức thực hiện pháp luật, vừa là một giai đoạn mà các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành tổ chức cho các chủ thể pháp luật khác thực hiện các quy định pháp luật -> Mang tính quyền lực nhà nước. Được thể hiện dưới hình thức "hành vi hành động" và "hành vi không hành động".


    3.3. Về chủ thể thực hiện

    Tuân thủ pháp luật: Mọi chủ thể.

    Thi hành pháp luật: Mọi chủ thể.

    Sử dụng pháp luật: Mọi chủ thể.

    Áp dụng pháp luật: Chỉ cán bộ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền.


    3.4. Về hình thức thực hiện

    Tuân thủ pháp luật: Thường được thể hiện dưới dạng những quy phạm cấm đoán. Tức là quy phạm buộc chủ thể không được thực hiện những hành vi nhất định

    Thi hành pháp luật: Thường được thể hiện dưới dạng những quy phạm bắt buộc. Theo đó, chủ thể buộc phải thực hiện hành vi hành động, hợp pháp.

    Sử dụng pháp luật: Thường được thể hiện dưới những quy phạm trao quyền. Tức pháp luật quy định về quyền hạn cho các chủ thể.

    Áp dụng pháp luật: Tất cả các loại quy phạm vì nhà nước có nghĩa vụ cũng như quyền hạn tổ chức cho các chủ thể khác thực hiện pháp luật.


    3.5. Về tính bắt buộc thực hiện

    Tuân thủ pháp luật: Mọi chủ thể đều bắt buộc phải thực hiện theo quy định pháp luật mà không có sự lựa chọn.

    Thi hành pháp luật: Mọi chủ thể đều bắt buộc phải thực hiện theo quy định pháp luật mà không có sự lựa chọn.

    Sử dụng pháp luật: Các chủ thể có thể thực hiện hoặc không thực hiện quyền được pháp luật cho phép tùy theo ý chí của mình, phụ thuộc vào sự lựa chọn của từng chủ thể chứ không bị ép buộc phải thực hiện.

    Áp dụng pháp luật: Mọi chủ thể đều bắt buộc phải thực hiện theo quy định pháp luật mà không có sự lựa chọn.

    IV - Ví dụ minh họa hình thức thực hiện pháp luật


    4.1 Tuân thủ pháp luật

    · Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cấm kết hôn giả tạo, và công dân nam, nữ trong độ tuổi kết hôn không kết hôn giả tạo

    · Pháp luật cấm hành vi mua bán và tang trữ ma túy ; do đó "không thực hiện hành vi mua bán và tang trữ ma túy" được xem là tuân thủ pháp luật


    4.2 Thi hành pháp luật

    · Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân khi nhận được giấy gọi đi khám nghĩa vụ quân sự thì phải chấp hành

    · Pháp luật quy định về nghĩa vụ đóng thuế thu nhập cá nhân/ thuế thu nhập doanh nghiệp; nếu không thuộc trường hợp miễn thuế/đối tượng không chịu thuế thì chủ thể đóng thuế được xem là "thi hành pháp luật"


    4.3 Sử dụng pháp luật

    · Công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên được bầu cử và từ đủ 21 tuổi trở lên được ứng cử

    · Khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị B xâm phạm, A có quyền khởi kiện B ra tòa án vì pháp luật trao cho A quyền được khởi kiện B ra tòa án có thẩm quyền. Khi đó, A được xem là đang "sử dụng pháp luật"


    4.4 Áp dụng pháp luật

    · Khi A khởi kiện B ra tòa, tòa án đó có trách nhiệm xem xét và thụ lý đơn khởi kiện của A. Theo đó, tòa án được xem là cơ quan "áp dụng pháp luật"

    · Cảnh sát giao thông được xử phạt vi phạm hành chính nhưng chỉ trong giao thông

    · 2 công ty ký hợp đồng, có xảy ra tranh chấp không tự giải quyết được. Khi đó nhà nước căn cứ vào qui định pháp luật để đứng ra giải quyết

    · 1 công dân với những điều kiện nhất định thỉ theo qui định của pháp luật có thể thành lập công ty tư nhân, nhưng nhất thiết phải có quyết định cho phép mở công ty của cơ quan nhà nước có thẩm quyền

    · Xác nhận di chúc, đăng ký kết hôn..
     
    Heo Bảo BảoP.Punny thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...