So sánh ba bài thơ: Thu Điếu, Thu Vịnh và Thu Ẩm trong chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Lagan, 9 Tháng bảy 2022.

  1. Lagan

    Bài viết:
    635
    Chào mọi người, Jenny đây, hôm nay mình có hứng viết, sẽ thử làm một bài phân tích, nghị luận văn học của lớp 11 nha.

    Rất mong mọi người sẽ dành thời gian đón đọc và nhận xét để mình hoàn thiện bài biết nhé!

    Đề bài: So sánh điểm giống và khác nhau giữa cảnh thu và tình thu trong ba bài thơ: Thu Điếu, Thu VịnhThu Ẩm trong chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến?
    Dàn ý.

    GIỐNG NHAU:

    Được viết bởi cùng một tác giả: Nhà thơ đại tài Nguyễn Khuyến và đều là những kiệt tác viết về mùa thu, thể hiện tình cảm của Nguyễn Khuyến đặc biệt là tình yêu quê hương đất nước.

    Đều lấy vẻ đẹp của thiên nhiên làm đối tượng để thể hiện vẻ đẹp của mùa thu và con người

    Mùa thu làng quê Việt được miêu tả thật đẹp nhưng buồn, chữa đựng nỗi niềm và tâm trạng của tác giả trước thời vận.

    KHÁC NHAU:

    - Vị trí đón nhận:

    + Thu Ẩm: Tầng thấp

    + Thu Vịnh: Tầng cao

    + Thu Điếu: Tầng trung/gần.

    - Cảnh thu:

    1. Thu Ẩm: Cảnh nông thôn quen thuộc nghèo và đẹp được miêu tả ở nhiều thời điểm.

    [​IMG]

    + Không có ước lệ tượng trưng mà chỉ đơn thuần là miêu tả trần trụi.

    + Nghệ thuật độc đáo, vẽ mây nẩy trăng: Miêu tả cảnh ao đêm trăng để thể hiện nỗi sầu qua làn nước mắt, sự đẹp đẽ của bầu trời dẫn đến nỗi suy tư đau đáu, trong cảnh chứa tình

    + Có sự cách tân trong ngôn ngữ, mùa thu hiện lên trong sáng và hài hòa.

    2. Thu Vịnh: Không gian cao rộng, bát ngát được miêu tả ở nhiều thời gian và địa điểm, mang tính khái quát.

    [​IMG]

    + Cảnh vật được miêu tả có sức sống như đang ở chốn thần tiên huyền diệu: Nước phủ khói, ánh trăng tự len lỏi vào trong nhà và trong lòng người..

    + Sử dụng từ láy một cách khéo léo, gợi lên trong các câu thơ chút gì đó man mác buồn không tỏ.

    + Mùa thu thật cao và rộng.

    3. Thu Điếu: Không chỉ miêu tả thiên nhiên mà còn có sự xuất hiện của con người trong không gian và thời gian cụ thể.

    [​IMG]

    + Không gian cô đơn, tĩnh mịch, hiu quạnh, mọi chuyển động đều vô cùng nhẹ nhàng.

    + Hình ảnh con người và chiếc thuyền trước thiên nhiên thật nhỏ bé, không hề cân xứng.

    +Hài hòa giữa hình ảnh, nhịp điệu và cách gieo vần.

    - Tình thu:

    1. Thu Ẩm: Thể hiện gián tiếp qua "đôi mắt" một nỗi buồn sầu triền miên day dứt không sao khuây khỏa được.

    2. Thu Vịnh: Thể hiện trược tiếp qua từ "thẹn" nỗi đau xót, tiếc nuối, hoài cổ khi cuộc sống ngày xưa không còn nữa; hổ thẹn, day dứt vì đỗ Tam Trường nhưng vẫn chưa giúp gì được cho dân, cho nước.

    3. Thu Điếu: Tâm trạng u hoài, sầu bi khi chứng kiến cảnh nước mất nhà tan được thể hiện gián tiếp qua tư thế ngồi "tựa gối".

    Bài mẫu tham khảo: So Sánh Ba Bài Thơ: Thu Điếu, Thu Vịnh Và Thu Ẩm Trong Chùm Thơ Thu Của Nguyễn Khuyến
     
    Chỉnh sửa cuối: 6 Tháng mười 2022
  2. Đăng ký Binance
  3. Lagan

    Bài viết:
    635
    So sánh ba bài thơ: Thu Điếu, Thu Vịnh và Thu Ẩm.

    Bài làm.

    "Long lanh đáy nước in trời

    Thành xây khói biếc non khơi bóng vàng."

    Mùa thu là một đề tài muôn thủa và không chỉ trong thơ Nguyễn Du mà bất kì bài thơ thu nào khác, mùa thu đều khoác lên mình một vẻ đẹp tuyệt vời- vẻ đẹp của thiên nhiên, của sự vĩnh hằng cùng thời gian. Mùa thu từ bao đời nay đã đóng vai trò là một điểm tụ họp, một nơi giao cảm, thăng hoa và cũng là nối vân vương của biết bao bậc tao nhân mặc khách. Dù có sự khác nhau về không gian, thời gian, cách thể hiện hay ngôn từ, những bài thơ thu lúc nào cũng mang một sức sống mãnh liệt không thể chối từ. So sánh ba bài thơ "Thu Điếu", "Thu Vịnh" và "Thu Ẩm" của nhà thơ tài năng Nguyễn Khuyến, ta có thể nhận thấy rõ những điểm giống và khác nhau trong cảnh thu và tình thu ấy.

    Có thể thấy, ba bài thơ thu đều có những đặc điểm chung vô cùng nổi bật.

    "Thu Điếu", "Thu Vịnh" và "Thu Ẩm" đều được sinh ra dưới ngòi bút tài hoa lỗi lạc của thi nhân Nguyễn Khuyến. Cuộc đời đầy thăng trầm và biến động đã giúp ông có được một kho tàng hiểu biết phong phú, một trái tim nhân hậu ấm nồng cùng với những giác quan tuyệt vời, giúp ông phần nào vượt lên lối ước lệ xác mòn với tùng, cúc, trúc, mai quen thuộc trong thơ cổ mà tự thổi hồn mình vào ba bài thơ để chúng trở thành những kiệt tác bất hủ không gì sánh được.

    Bút pháp của Nguyễn Khuyến đã đạt tới sự thống nhất cao, thể hiện sự gắn bó với quê hương làng cảnh với sự hiện hữu của những sự vật quen thuộc như bầu trời, mặt nước và làn gió thu nhè nhẹ. Cơn gió trong cả ba bài thơ đều mang một nỗi buồn sầu khó tả, đối lập với bầu trời xanh và mặt ao tĩnh lặng đại diện cho cái đẹp của thiên nhiên và sự thanh bạch, tĩnh lặng trong tâm can Nguyễn Khuyến đã trở thành một biểu tượng trong thơ ca Nguyễn Khuyến, càng làm tăng thêm tâm trạng tù túng, hẩm hiu của con người.

    Xuân Diệu từng nhận định: "Nguyễn Khuyến nổi tiếng nhất trong văn học Việt Nam là về thơ nôm. Mà trong thơ Nguyễn khuyến nức danh nhất ba bài thơ: Thu Điếu, Thu Vịnh và Thu Ẩm." Quả đúng vậy, Thu Điếu, Thu Vịnh và Thu Ẩm không chỉ là những kiệt tác viết về mùa thu làng quê Việt Nam mà còn là một bản đồng ca sầu bi và hùng tráng. Nguyễn Khuyến sáng tác ba bài thơ thu vào cuối thế kỷ XIX. Khi ấy, đứng trước cảnh nước mất nhà tan, Nguyễn Khuyến đã nhận ra sự vô nghĩa của việc làm quan nên đã cáo quan về quê là Bình Lục - Hà Nam ở ẩn. Ông mang nỗi đau lớn của một con người có học thức vô cùng uyên bác nhưng lại trở thành một kẻ ngoài cuộc, một người bất lực, vô nghĩa trước vận mệnh của đất nước và dân tộc. Ba bài thơ thu đã khắc họa thấm thía nỗi đau của Tam nguyên Yên Đổ giữa thời mạt. Bằng cách tự nhiên nhất, Nguyễn Khuyến đã để hồn thu đi vào hồn người.

    Sự khác biệt giữa ba bài thơ là sự khác biệt về vị trí, hoàn cảnh đón nhận cũng như cách thể hiện cảnh thu và tình thu trong mỗi bài. Sự khác biệt dù chỉ rất nhỏ ấy cũng đủ để khiến cho mỗi bài thơ mang những nét độc đáo riêng biệt khó nhầm lẫn.

    Với "Thu Ẩm", nhà thơ tài năng Nguyễn Khuyến đã đón nhận mùa thu ở tầng thấp. Chỉ bằng vài ba nét chấm phá, Nguyễn Khuyến đã vẽ lên cả cái thần, cái hồn của làng cảnh Việt Nam:


    "Năm gian nhà cỏ thấp le te

    Ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe."

    Nhà cỏ năm gian là hình ảnh quá đỗi quen thuộc với người dân Việt Nam. Nguyễn Khuyến không theo lối ước lệ cao sang mà chỉ dùng bút pháp tả thực, vẽ lên trước mắt người đọc một miền quê nghèo thanh bình, yên ả. Cũng bằng cách ấy, Nguyễn Khuyến đã đưa cả câu thơ vượt lên lối ước lệ cổ điển với xác chữ quen mòn, để câu thơ hiện nên càng thêm gần, thêm đẹp. Hình ảnh con đom đóm bé nhỏ hiếm khi được nhắc đến trong thơ nay mang theo thứ ánh sáng "lập lòe", lúc rõ lúc không đã đi vào trong thơ văn Nguyễn Khuyến, càng làm tăng thêm độ tối, độ sâu của ngõ xóm quanh co vắng vẻ.

    Hiện thức rồi lại xen lẫn với hư ảo, căn nhà thơ Nguyễn Khuyến luôn đem đến những điều bất ngờ:


    "Lưng dậu phất phơ màu khói nhạt

    Làn ao lóng lánh bóng trăng loe."

    Dưới ngòi bút của Nguyễn Khuyến, những từ láy "phất phơ", "lóng lánh" đã được dùng thật đắt. Gió thu nhè nhẹ chỉ đủ sức nâng tầng khói chiều lên đến lưng dậu đã khiến cho người đọc có đôi chút ảo tưởng về một chốn Bồng lai tiên cảnh. Làn khói ấy không chỉ là làn khói chiều của các bà các mẹ mà còn có thể là làn sương mờ ảo buổi sớm mai. Chi tiết nhỏ nhặt ấy đủ cho ta thấy giác quan của Nguyễn Khuyến nhạy bén đến nhường nào! Từ một hình ảnh không mấy giá trị, thoáng chốc đã được Nguyễn Khuyến nâng lên tầm nghệ thuật. Vẫn là chiếc ao thu quen thuộc nhưng trong "Thu Ẩm" nó lại rất khác lạ. Ánh trăng chiếu xuống mặt nước lăn tăn, dát vàng cả mặt ao dẫn dắt người đọc đến một liên tưởng táo bạo: Trăng như tan ra, hòa cùng mặt nước hay đó chẳng qua là do đôi mắt tinh đời của Nguyễn Khuyến đã bị nhòe đi nên không thể thấy rõ vẻ đẹp của vầng trăng. Phải chăng, trăng như hiểu tâm trạng con người, thông qua mặt ao mà âu yếm, vuốt ve, vỗ về và phải chăng, chính Nguyễn Khuyến cũng đang tự rơi nước mắt cho bản thân, cho một con người đứng ngoài thời cuộc.

    Bầu trời trong xanh, cao lồng lộng của mùa thu là một sự thật hiển nhiên bao đời nhưng trong "Thu Ẩm", nó lại trở thành một câu hỏi khó tìm lời giải đáp:


    "Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt?"

    Chữ "ai" đã thể hiện vẻ ngạc nhiên của tác giả trước vẻ đẹp của bầu trời lộng lẫy. Màu xanh ngắt thường được sử dụng trong thơ để tượng trưng cho niềm tin, hi vọng và sức sống mãnh liệt nhưng cũng có khi, màu xanh ấy lại phảng phất sự tiêu điều không đáng có. Phải chăng, có một bàn tay huyền diệu nào đó đã tô lên bầu trời màu xanh ngắt hi vọng ấy và phải chăng, câu hỏi thực sự của tác giả chính là: Ai đã nỡ lòng vẽ lên những mảng màu mới cho cuộc sống thanh bình trong trẻo ngày trước, để nó ngày càng trở nên hoen ố, lụi tàn? Lịch sử đã giải thích cho câu hỏi thứ hai và chính Nguyễn Khuyến đã trả lời cho câu hỏi trước, bởi lẽ ông đã từng nói: "Ông trời người đã tạo ra cái màu xanh ngát ấy." :

    "Cao cao xanh ngắt vẫn là tao

    Dẫu pháo thăng thiên đã tới nào

    Nhắn bảo trần gian cho nó biết

    Tháng ba, tháng tám tớ mưa rào."

    Ông trời có cho mình một sức mạnh không gì cản nổi, tính khí thất thường, lúc "tao", lúc "tớ" khiến cho trần gian chẳng biết kêu khóc cùng ai. Câu thơ của Nguyễn Khuyến thật nhẹ nhàng nhưng mang một tầng hàm ý đã mở ra nỗi suy tư, đau buồn khôn xiết của nhà thơ:

    "Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe."

    Câu thơ không khóc mà trải đầy nước mắt. Nó như một tiếng thở dài ngao ngán, một thứ tình cảm trào dâng như đê vỡ không gì cản nổi. Giữa cảnh thu tưới đẹp, nhà thơ muốn nhờ thiên nhiên mà quên đi tất thảy nhưng nước mắt lại cứ trào ra, nhiều đến nỗi nhuộm đỏ cả con mắt mà chưa thể ngừng. Nhà thơ buồn bã ngồi uống rượu nhưng lại chỉ được dăm ba chén đã lại say. Nhà thơ như đang tự mình uống rượu độc mà giải khát, càng uống lại càng đau, càng uống càng day dứt khôn cùng:

    "Rượu tiếng giằng hay, hay chẳng thấy

    Độ dăm ba chén đã say nhè."

    Tâm hồn ấy, nỗi buồn ấy mang dấu ấn của cả một thời đại, của cả một lớp người với tấm lòng rộng lớn mà lại chẳng tìm được lối đi riêng. Sự cách tân trong ngôn ngữ cùng lối thủ pháp "vẽ mây nẩy trăng" khiến cho mùa thu trong "Thu Ẩm" hiện lên như mối tình đầu của con người, thật trong sáng và hài hòa.

    Đối với "Thu Vịnh", bài thơ lại có phần khái quát hơn, không gian không còn là ngôi nhà cỏ thấp bé le te, là ngõ sâu hun hút tối mịt mùng mà trở nên cao rộng bát ngát. Nguyễn Khuyến đã đón nhận "Thu Vịnh" ở một khoảng không rộng lớn thoáng đạt:


    "Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao

    Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu."

    Cái đẹp của mùa thu là ở những tầng mây xanh rộng, đẹp đẽ đến vô ngần. Lại là màu xanh ngắt nhưng lần này thay vì màu trắng tinh khôi của cành hoa lê trong Hội Đạp Thanh như Nguyễn Du (Cỏ non xanh tận chân trời/ Cành lên trắng điểm một vài bông hoa), Nguyễn Khuyến thay vào đó là một sắc xanh của những thân trúc thon dài, lơ phơ trước gió, cong vút như cần câu. Màu xanh của trời và xanh của lá không hề bị hòa trộn, nhầm lẫn mà còn khiến cho câu thơ như thêm một tầng sức sống, màu xanh bủa vây bốn phía, tràn ra mọi cảnh vật và tràn vào lấp đẩy khoảng trống trong tâm hồn con người. Nguyễn Khuyến đã sử dụng độc đáo, hài hòa hai màu sắc xanh, để hai câu thơ đủ sức song hành cùng "cỏ non" và "cành lê trắng" của vị đại thi hào Nguyễn Du, trở thành những câu thơ tiêu biểu nhất cho vẻ đẹp của mùa xuân và mùa thu.

    Nguyễn Khuyến đặc biệt chú ý đến cảnh sắc làn nước mùa thu. Nước biếc trong con mắt tinh tường của Nguyễn Khuyến lại càng trở lên trong vắt, lung linh. Nước biếc long lanh in cảnh trời bể và phủ lên đó là làn sương mỏng manh như hư như thực, tạo nên một huyễn cảnh mông lung khiến con người luôn mê mẩn đắm say:


    "Nước biếc trông như tầng khói phủ

    Song thưa để mặc ánh trăng vào"

    Trăng thu rất đẹp nhưng người lại buồn, vì buồn nên không vồ vập, đắm say với trăng. Chỉ một từ "mặc" cũng đủ để diễn tả tâm trạng ngao ngán của nhà thơ. Ánh trăng đã chẳng còn đủ sức để bầu bạn, giúp nhà thơ vơi đi nỗi buồn cô đơn sầu tủi:

    "Đời loạn đi về như hạc độc

    Tuổi già hình bóng tựa mây trôi."

    (Cảm hứng)

    Nguyễn Khuyến là một nhà thơ Nho gia suốt đời thanh bạch nhưng con người ấy cũng mang trong lòng những nỗi buồn đến ngơ ngẩn không gì sánh được:

    "Mấy chùm trước dậu hoa năm ngoài

    Một tiếng trên không ngỗng nước nào."

    Nỗi buồn khiến nhà thơ quên mất cả không gian, thời gian. Nhìn hoa năm nay mà cứ ngỡ là hoa năm ngoái, nghe tiếng ngỗng kêu mà chẳng phân biệt được ngỗng của nước mình hay nước bạn. Nhà thơ không cam tâm trước cảnh đất nước bị dày xéo bởi quân thù. Đó là nỗi lòng của một người con yêu nước, là niềm hoài cổ, nhớ nhưng với một thời yên bình đã qua.

    "Thu Vịnh" còn thể hiện nỗi ngượng ngùng, xấu hổ ít ai có được của nhà thơ:


    "Nhân hứng cũng vừa toan cất bút

    Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào."

    Nhà thơ thấy hổ thẹn, xấu mặt trước Tĩnh Tiết Tiên Sinh- Đào Tiềm- một con người văn võ toàn tài. Ông xấu hố vì mình đỗ đầu ba khoa mà không thể giúp gì được cho dân cho nước. Đằng sau cái tự thẹn ấy còn là nỗi lòng của một bậc trí nhân ái quốc.

    Riêng nói về "Thu Điếu", Xuân Diệu đã nhận xét: "Thu Điếu là điển hình hơn cả cho mùa thu của làng cảnh Việt Nam.". Quả đúng như vậy! Nếu như ở "Thu Vịnh", mùa thu được đón nhận ở tầng cao thì "Thu Điếu được đón lấy ở tầng gần. Chiếc ao thu thân thuộc không còn được ước lệ tượng trưng nhưng vẫn sinh động bất ngờ:


    " Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

    Một chiếc thuyền câu bé tẹo teo. "

    Dưới con mắt của Nguyễn Khuyến, cái" lạnh lẽo "không hẳn là chỉ cái giá của nước mà một phần để chỉ sự tĩnh lặng, thưa thớt của không gian. Vì ít bị ngoại vật khuấy động nên mặt nước ao thu trong veo có thể soi thấy đáy. Khác với hai bài thơ trước, trong" Thu Điếu "đã có sự xuất hiện của con người. Tuy nhiên, con người lúc này thoạt trông cũng thật nhỏ bé. Chiếc thuyền nhỏ lênh đênh trên mặt ao rộng khiến con người càng thêm bé nhỏ, yếu ớt trước thiên nhiên, đó chẳng hay cũng chính là tầm nhìn trong cảm nhận của Nguyễn Khuyến: Người dân ta cũng rất yếu đuối, vô lực trước những thế lực tà ác ngoại xâm. Cảnh vật hiện nên ngày càng thưa vắng, tĩnh lặng, không hề có sức sống:

    " Sóng biếc theo làn hơi gợn tí

    Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo. "

    Có nhà thơ từng nhận xét:" Cái thú vị của bài "Thu Điếu" là ở các điệu xanh, xanh ao, xanh bờ, xanh sóng, xanh tre, xanh bèo và có một màu vàng đâm ngang của chiếc lá thu rơi. ". Sự phối hợp giữa xanh và vàng cũng những chuyển động tinh tế, khẽ khàng đã nhấn mạnh cái tĩnh lặng của cảnh thu. Chỉ một chuyển động nhỏ của chiếc lá khẽ rơi tưởng như không đáng kể, không gian lại quay trở lại trạng thái tĩnh lặng ban đầu. Nhưng trong con mắt tinh tế của cây bút tài năng Nguyễn Khuyến, màu vàng ấy còn là một dấu hiệu chứng tỏ mùa thu đã sắp qua đi, lá vàng rụng hết là khi mùa đông tới, cảnh vật đã tiêu điều lại tiêu điều hơn một bậc. Sự đối lập về màu sắc phải chăng cũng chính là sự đối lập trong xã hội và lòng người. Trong cuộc sống, có những con người như màu xanh, như cây cỏ, dù bị gió quật ngã bao nhiêu, dù bị dẫm đạp bao nhiêu thì chỉ cần một đoạn rễ cũng có thể tái sinh đầy sức sống nhưng cũng có những con người không chịu được sự tàn phá của thời gian và ngoại cảnh mà dần trở nên héo úa phai tàn. Còn tác giả, phải chăng dù đang thảnh thơi nhưng nhìn chiếc lá khẽ đưa mà lại nhớ về những vấn vương, những nỗi sầu đau đáu của mình.

    Không gian ngày càng được rộng mở về chiều cao và chiều sâu:


    " Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt

    Ngõ trúc quanh co khách vắng teo. "

    Những đám mây di chuyển nhẹ ở lựng chừng, không có điểm tựa mà chỉ có một màu duy nhất – màu xanh ngắt – màu xanh duy nhất tỏa ra trên diện rộng, đẩy bầu trời thêm cao, thêm rộng. Dưới bầu trời quen thuộc ấy là ngõ trúc quanh co uốn lượn. Vẫn là hình ảnh của xóm làng quê hương nhưng Nguyễn Khuyến không còn miêu tả hội hè linh đình mà là một nông thôn tĩnh lặng, người qua lại thưa thớt, thời gian như chậm lại đồng thời cũng khiến cho tâm can con người yên ả lạ kì.

    Giữa không gian tĩnh lặng, Nguyễn Khuyến ngồi ngơ ngẩn cùng chiếc cần câu:


    " Tựa gối buông cần lâu chẳng được

    Cá đâu đớp động dưới chân bèo. "

    Câu cá dường như để hòa mình vào thiên nhiên, rũ sạch bụi trần, mong quên đi những giây phút bận lòng lo toan cho cuộc sống nhưng quên làm sao được. Nhà thơ đi câu nhưng không chú tâm lắm. Tư thế hiện tại của nhà thơ là tư thế suy tư, ngẫm ngợi xa vời. Chính vì thế nên ông vô tình đã trở nên nhạy bén và phát hiện ra tiếng cá khuấy nước dưới chân cái bèo nào đó. Đại từ phiếm chỉ" đâu "đã thực sự khẳng định sự xuất hiện của con cá nhưng hoàn toàn không biết rõ nơi chốn. Hồn Nguyễn Khuyến phải chăng đang bơi cùng con cá, hòa hồn mình vào thiên nhiên trong một khoảng thời ngắn mong được quên đi những muộn phiền đau đớn, những nỗi u hoài khi phải chứng kiến cảnh héo dần héo mòn của đất nước mà không biết phải làm thế nào.

    Ba bài thơ, ba cảnh trí, ba màu sắc khác nhau, ba âm hưởng khác nhau nhưng đều thể hiện tâm sự non nước đầy vơi của thi nhân Nguyễn Khuyến. Hình tượng và ngôn ngữ nghệ thuật trong cả ba bức tranh đã đạt tới đỉnh cao, thật điêu luyện và không kém phần dân dã, mộc mạc. Sự kết hợp hài hòa và tài tình của Nguyễn Khuyến trong vần và điệu ở cả ba tác phẩm đã phần nào khẳng định tính thống nhất trong các sáng tác của ông, đồng thời còn khéo léo mở ra những góc nhìn mới, những nét chấm phá đầy sáng tạo và mới mẻ.

    Ba bài thơ" Thu Điếu "," Thu Vịnh "và" Thu Ẩm"là những bài thơ thu nổi tiếng, xứng đáng là những hòn ngọc quý trong tao đàn thơ Việt. Mỗi bài thơ là một bức tranh toàn diện với những sắc hương khác biệt nhưng cùng mang những vẻ đẹp trường tồn vĩnh cửu. Cả ba bài thơ đã để lại những ám ảnh mãnh liệt trong lòng bạn đọc và tôi tin chắc rằng họ sẽ không bao giờ quên.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...