So sánh ẩn dụ trong câu đố và ẩn dụ trong ca dao

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi khunglongbietbay, 7 Tháng bảy 2022.

  1. khunglongbietbay

    Bài viết:
    41
    Ẩn dụ là một biện pháp tu từ mà ở đó có các sự vật và hiện tượng được nhắn đến quá việc gọi tên sự vật hiện tượng khác mà ở đó có những nét tương đối giống nhau. Khái niệm ẩn dụ được hiểu là gọi hiện tượng – sự vật này có nét tương đồng bằng tên của hiện tượng, sự vật khác. Nhờ biện pháp ẩn dụ, việc diễn đạt của người dùng tăng thêm sức gợi hình, gợi cảm, trở nên sinh động, lôi cuốn hơn.

    Câu đố và ca dao là hai trong những thể loại văn học dân gian sử dụng thi pháp ẩn dụ với tần suất dày đặc. Biện pháp ẩn dụ trong câu đố và ca dao đều đưa đến cho ta một nhận thức mới, một lối tư duy mới về sự vật. Ẩn dụ đã tạo ra một lối tư duy mới cả về phương diện miêu tả sự vật cụ thể lẫn những khái niệm trừu tượng, không định hình, khó đong đếm. Ngoài ra, biện pháp ẩn dụ giúp cho tác giả dân gian diễn tả được những điều thầm kín, thậm chí những điều khó nói nhất, khó diễn đạt nhất bằng những hình tượng nghệ thuật vừa khái quát vừa giàu chất thơ.

    [​IMG]

    Bên cạnh những điểm giống nhau, thi pháp ẩn dụ ở mỗi thể loại đều có những đặc điểm nổi bật. Đối với ẩn dụ trong câu đố, câu đố thường sử dụng những hình ảnh lắc léo khó hiểu, đánh tráo khái niệm và có xu hướng muốn che đậy điều muốn nói:

    "Song song hai chiếc thuyền tình

    Đầu rồng đuôi phụng đóng đinh hai hàng

    Một chiếc em chở năm chàng

    Hai chiếc em chở mười chàng ra đi

    Trách người quân tử lỗi nghì

    Ăn trên ngồi trốc chẳng nghĩ gì đến em."

    Thoạt đầu vừa đọc những câu thơ trên, khi chú ý những dữ kiện như "Hai chiếc thuyền tình", "Đầu rồng đuôi phụng" hay "em chở năm chàng" ta liên tưởng đến hình ảnh một cô lái đò chèo chống chở người sang sông trên chiếc thuyền tình duyên dáng. Những câu thơ trên thực chất đang miêu tả đôi gót mà người phụ nữ mang ngày xưa: "Song song hai chiếc thuyền tình" là đế gót bằng gỗ, uốn lượn theo bàn chân của con người và phần mũi gót trang trí tinh xảo "Đầu rồng đuôi phụng"; hình ảnh "chở năm chàng" và "chở mười chàng ra đi" ám chỉ mười ngón chân của chúng ta. Câu thơ trên như tái hiện lại hình tượng một cô gái muốn chèo thuyền đưa khách sang sông, tạo ra sự lắc léo khó hiểu làm chậm tư duy của người đọc, tạo sự kịch tích và hứng khởi, kích thích sự tìm tòi, khám phá của ta. Trong khi đó thì mục đích ẩn dụ của ca dao là biểu thị điều muốn nói một cách tinh tế, nghệ thuật để thổ lộ tâm tư, tình cảm. Bản chất của ca dao là thổ lộ tâm tình nên ẩn dụ trong ca dao không cần phải được che đậy, giấu đi điều muốn nói giống như câu đố.

    Hàng loạt ẩn dụ trong câu đố được xây dựng trên cơ sở quan sát những sự giống nhau giữa những đặc điểm bên ngoài của những sự vật và hiện tượng: "Bằng lá tre ngo ngoe dưới nước" (con đỉa) ; "Vừa bằng hột lạc, trong nhạc ngoài xương" (con ốc vặn).. từ đó thể hiện cách nhìn mới với những sự vật quen thuộc. Câu đố khoác lên thế giới đồ vật một lớp áo mới để cản trở sự hiểu của người đọc. Ví dụ ta có câu đố sau:

    "Vừa đánh vừa trói, bỏ đói một đêm

    Sáng ngày lại đem ra đồng trấn nước."

    Từ những hoạt động cấy mạ, các tác giả dân gian đã hướng chúng ta đến một liên tưởng kì dị, xáo trộn đi trật tự và thuộc tính của sự vật được nhắc đến nhưng vẫn tinh tế chứa đựng trong đó những điểm cốt lõi người đọc khám phá ra "đánh", "trói", "bỏ đói" và "trấn nước" để chỉ hành động đập phần gốc cây lúa xuống đất để làm sạch gốc mạ, bó thành bó mạ rồi ngâm trong nước một đêm, sang ngày hôm sau mới cấy xuống đất. Những câu đố đã chuyển đổi một góc nhìn mới về sự vật để tạo nên sự kì dị, bất ngờ và tạo ấn tượng mạnh cho người nghe, người đọc.

    Điểm khác nhau tiếp theo giữa ẩn dụ trong câu đố và ẩn dụ trong ca dao là nếu như trong ca dao, biện pháp ẩn dụ đi từ cái cụ thể đến cái trừu tượng thì ở câu đố, hình ảnh ẩn dụ là hình ảnh cụ thể và đi đến cái cụ thể. Cùng sử dụng hình ảnh thuyền và bến nhưng trong câu ca dao đã sử dụng biện pháp ẩn dụ để ngụ ý đến một thông điệp khác:

    "Thuyền về có nhớ bến chăng

    Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền."

    Câu thơ trên là lời tâm tình của người con gái muốn bày tỏ, thổ lộ tâm tình đối với chàng trai qua hai hình ảnh tương đồng "thuyền", "bến". Ngày xưa, đàn ông là người thường di chuyển, đi từ nơi này sang nơi khác, tương ứng với con thuyền còn người phụ nữ lại làm những công việc mang tính cố định, tề gia nội trợ nên được so sánh ngầm với hình ảnh "bến". Từ những hình ảnh cụ thể "thuyền" và "bến", tác giả dân gian muốn gửi gắm đến bức thông điệp về sự nhớ nhung và lòng chung thủy của người phụ nữ, đó đều là những khái niệm mang tính trừu tượng với chức năng bộc lộ cảm xúc trữ tình. Trong khi ở câu đố lại khác, câu đố đi từ những hình ảnh cụ thể đến với câu trả lời cũng là những sự vật cụ thể, ví dụ như "Đi phe phẩy, về nhà giẫy ra mà chết" (cái áo dài) hoặc nhiều ẩn dụ của câu đố được xây dựng bằng phương thức nhân hóa sống động những đồ vật, sự vật vô tri vô giác cụ thể:" "Mẹ gai góc, con trọc đầu" (cây bưởi) ; "Con đánh mẹ, mẹ van làng, đến khi làng ra, con chui bụng mẹ" (cái mõ).. với mục đích định danh sự vật. Qua đây có thể thấy được, ẩn dụ câu đố chính là một thủ pháp kép: Ẩn dụ trên cơ sở nhân hóa các sự vật, sự việc. Ngoài ra, ẩn dụ câu đố còn là sự kết hợp giữa cái quen thuộc và cái kì dị. Một mặt câu đồ cung cấp cho chúng ta những từ khóa, mấu chốt để chúng ta tìm ra lời giải đáp nhưng mặt khác lại tìm cách che đậy, giấu kín đi câu trả lời ấy, buộc chúng ta phải chiêm nghiệm, suy tư tìm kiếm câu trả lời.

    Tóm lại, ẩn dụ câu đố và ẩn dụ ca dao có những nét tương đồng, những điểm chung và cũng cũng có những điểm khác biệt được quy ra dựa trên bản chất, đặc điểm của thể loại và mục đích mà thể loại ấy muốn hướng đến.

    "Văn học dân gian là cội nguồn, là bầu sữa mẹ nuôi dưỡng nền văn học dân tộc Việt Nam. Nhiều thể loại văn học viết được xây dựng và phát triển dựa trên sự kế thừa các thể loại văn học dân gian. Nhiều tác phẩm, nhiều hình tượng do văn học dân gian tạo nên là nguồn cảm hứng, là thi liệu, văn liệu của văn học viết. Nhiều nhà thơ, nhà văn lớn của dân tộc (Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh) đã tiếp thu có kết quả văn học dân gian để sáng tạo nên những tác phẩm văn chương ưu tú" (Giáo trình Văn học dân gian Việt Nam) Quả thực như vậy, khi đi sâu vào tìm hiểu, nghiên cứu về những vấn đề liên quan đến văn học dân gian Việt Nam, ví dụ như phân tích sự giống và khác nhau giữa ẩn dụ câu đố và ẩn dụ ca dao, ta không chỉ có thêm hiểu biết, tri thức mà còn hình thành một cách tự nhiên lòng yêu nước, tự hào và gắn bó với dân tộc, cộng đồng, với những thứ xung quanh.
     
    AdminAquafina thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...