Review Phim Snow Flower And The Secret Fan - Tuyết Hoa Bí Phiến (2011)

Thảo luận trong 'Nhạc - Phim' bắt đầu bởi hoanguyendinh, 26 Tháng một 2021.

  1. hoanguyendinh Tôi là tôi. Tôi là Uyên. Và tôi là con gái.

    Bài viết:
    103
    Thông tin phim.

    Tựa tiếng Anh: Snow Flower and the Secret Fan

    Tựa tiếng Việt: Tuyết Hoa Bí Phiến (hay Tuyết Hoa và cây quạt bí mật)

    Đạo diễn: Vương Dĩnh

    Diễn viên chính: Lý Băng Băng, Jeon Ji-Hyun.

    Trình chiếu: 07/15/2011 (ở Mỹ)

    Độ dài: 104 phút


    [​IMG]

    Lý do mình ngồi xem phim này là vì đã yêu thích tiểu thuyết cùng tên. Nhưng dù đã đọc truyện, mình vẫn phải tự hỏi: "Quái, rốt cuộc thì đạo diễn muốn truyền tải thông điệp gì ta?" Mình thật thắc mắc không biết những người chưa từng đọc truyện, liệu họ có thể hiểu nổi bộ phim hay không? Có lẽ đây là lý do vài bài bình luận của khán giả VN đăng trên báo mạng tuyên bố bộ phim diễn tả mối tình đồng tính nữ.. hahaha.. là mình quá trong sáng hay mấy bạn này quá đen tối nhỉ?

    Dù sao, mình cũng không trách mấy bạn khán giả VN viết bình luận về "mối tình đồng tính nữ" của bộ phim. Người đáng trách là đạo diễn. Ông đã không biết cách kể chuyện. Ông chú trọng vào sự gắn bó của hai người phụ nữ (ở mặt thể chất, tâm tư không được diễn tả sâu sắc lắm) trong khi làm lu mờ vai trò đàn ông trong mối quan hệ giữa bọn họ, thế nên khán giả hiểu lầm là điều dễ hiểu.

    Đọc tiểu thuyết, mình bị ấn tượng bởi hai thứ: Tục bó chân của phụ nữ Trung Quốc và một lời hứa về tình bạn của hai người phụ nữ.

    Tiểu thuyết kể lại khá chi tiết quá trình bó chân, nghĩa là từ lúc bắt đầu khi mấy cô bé chỉ mới 5-7 tuổi, diễn tả từng giai đoạn, xương gãy ra sao, nhiễm bệnh ra sao, tai nạn dẫn đến dị biến hoặc bại liệt ra sao, kể cả chuyện có những bé không vượt qua nổi nên đã tử vong. Ta nói, đọc trường đoạn này không rợn da gà thì thôi.


    [​IMG]

    Có thể hiểu lý do vì sao bộ phim bỏ qua không quay chi tiết này. Nếu họ có thể tìm được người có đôi chân nhỏ xí (chỉ dài ba tấc) ở thời đại này mình sẽ bái lạy họ luôn. Điều này có nghĩa ngay từ lúc bắt đầu, tác phẩm điện ảnh đã hụt hơn phân nữa ý nghĩa so với tiểu thuyết rồi. Bởi vì lúc đọc truyện, mình nhận ra tác giả đặt nặng hai thứ lên thân phận và số mệnh của người phụ nữ TQ: Chiếc chân bó và nữ thư (loại chữ bí mật mà phụ nữ dùng để liên lạc với nhau). Dĩ nhiên đây chỉ là cái nhìn riêng của tác phẩm này thôi. Nhưng quả thật đó là phát hiện thú vị nhất mà mình tìm thấy từ tiểu thuyết.

    Bộ phim có nhắc đến nữ thư. Có điều họ nghiêng về phần nội dung của lá thư hơn.

    Thật ra sự tồn tại của nữ thư có một ý nghĩa khá hay ho. Nó giống như là một loại sức mạnh tinh thần, một biểu tượng, một bí mật mà người phụ nữ dựa vào để cảm thấy họ thật ra cũng có một chút tự do bên ngoài số mệnh và thân phận "phụ nữ" mà giới đàn ông (xã hội xưa) gắn lên họ. À, cái điều hay ho của chuyện này mà mình nhận ra lại là một khía cạnh khác. Theo truyện kể thì giới đàn ông biết rõ sự tồn tại của nữ thư, họ chỉ giả vờ như không biết mà thôi.

    Trong tiểu thuyết, chồng của Bách Hợp có nói một câu (diễn tả đại loại thôi, vì mình không nhớ rõ) rằng, sự thần bí của nữ thư chỉ là một kiểu tự huyễn hoặc của giới nữ, bởi vì nữ thư là một kiểu chữ viết giản lược của ký tự thông thường (do đàn ông sáng tạo), đàn ông có những kẻ tự cao thì không thèm chấp nhất, hoặc là có những người (như ông chồng này) học được cách tôn trọng vợ (con) nên tôn trọng bí mật của họ.

    Mình nghĩ đây cũng là một cách thể hiện tình yêu. Nó không màu mè nhưng có ý nghĩa, nhất là đặt trong bối cảnh xã hội phong kiến ngày xưa.

    Bộ phim hoàn toàn bỏ qua tình yêu của hai người chồng. Nói trắng ra, nam nhân trong phim chẳng có vai trò gì hết, ngay cả nhân vật của Hugh Jackman cũng thật là lãng xẹt (anh này xuất hiện để câu khách phải không ta) Có lẽ đây là lỗ hổng khi nhà biên kịch không dựng sát theo nguyên tác mà "đẻ" thêm một nửa tác phẩm, chính là phần phim về thời hiện đại. Và khi họ ôm đồm muốn gom hai thế giới vào một bộ phim chỉ dài khoảng 2 tiếng, hậu quả là thế giới xưa thì sơ sài, còn thế giới nay thì lộn xộn. Mình thật không hiểu vì sao người ta phải mời diễn viên Hàn vào một trong hai vai nữ chính. Xuất thân của nhân vật chẳng liên quan hay ảnh hưởng quái gì đến nội dung cả. Nếu không muốn nói chuyện bạn này không thể nói tiếng Tàu nên bọn họ phải đối thoại bằng mấy câu tiếng Anh nửa mùa càng làm bộ phim trông thảm hại hơn. Điều nữa, diễn xuất của bạn này không ổn, hơi bị đơ. Mình nghĩ vì đây là câu chuyện về phụ nữ Trung Quốc, người Hàn Quốc không thể cảm thụ tâm trạng nhân vật một cách trọn vẹn được, cho nên phần cảnh quay thời xưa, bạn diễn cứ ngường ngượng.

    Cho dù thế nào, đảm bảo ai chưa từng đọc truyện chỉ xem phim mà hiểu được vì sao bốn nhân vật nữ (hai cặp, xưa – nay) trở thành bạn tri âm của nhau và hiểu được lý do dẫn đến sự hiểu lầm của họ, mình sẽ bái người đó làm sư phụ.


    [​IMG]

    Thật ra, cái gút mắc quan trọng trong mối quan hệ giữa Bách Hợp và Tuyết Hoa chính là chuyện một người hưởng thụ sự hoan ái nam nữ, còn một người cứng nhắc với những suy nghĩ cổ hủ. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến sự hiểu lầm rằng người kia đồi trụy, đáng xấu hổ và không xứng đáng. Vấn đề này mình từng gặp phải khi đọc tiểu thuyết "Never let me go", Kathy và Ruth cũng có một gút mắc tương tự. Khi hai đứa bé gái, lớn lên cùng nhau, xem nhau như tri kỷ, chia sẻ mọi thứ, cảm thấy người kia cũng là mình và mình cũng là người ấy, bỗng một ngày nhận ra tư tưởng và cảm nhận của họ bắt đầu khác biệt, người ta gọi đó là sự trưởng thành, nhưng liệu sự trưởng thành có thể phá hủy tình bạn keo sơn gắn kết của họ không?

    Câu trả lời của tiểu thuyết là "không". Chỉ cần một trong hai người còn giữ vững lòng tin, trái tim không hề thay đổi thì tình cảm ấy sẽ trường tồn, mặc dù họ phải trả một giá đắt để đạt được điều đó.

    Câu trả lời của bộ phim cũng là "không", nhưng lại là một chữ "không" không rõ ràng và hơi miễn cưỡng.

    Nói tóm lại, bộ phim là một sự thất vọng tràn trề (huhu)
     
    Tranhuynh thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...