SKKN: Phương pháp nâng cao kĩ năng viết bài văn NLXH cho học sinh giỏi - GV. Nguyễn Thị Hảo

Thảo luận trong 'Tổng Hợp' bắt đầu bởi Sưu Tầm, 28 Tháng ba 2024.

  1. Sưu Tầm The Very Important Personal

    Bài viết:
    665
    PHẦN I: ĐẶT VẤN ĐỀ

    1. Lí do chọn đề tài

    Hàng năm, kì thi chọn học sinh giỏi khối 12 cấp tỉnh là một kì thi quan trọng của các trường THPT trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Đây là kì thi nhằm chọn lựa, vinh danh những học sinh giỏi các môn văn hóa đồng thời cũng là tiêu chí đánh giá chất lượng dạy và học của khối các trường THPT trong tỉnh. Đối với môn Ngữ văn 12, cùng với phần nghị luận văn học thì phần nghị luận xã hội (NLXH) là một nội dung quan trọng trong bài thi. NLXH còn mang tính thực tiễn khi giúp học sinh rèn luyện đạo đức, hành vi, nhận thức và cả những kĩ năng mềm như: Khả năng tư duy, nhận xét, đánh giá về các vấn đề đời sống, kĩ năng thuyết minh, bày tỏ quan điểm cá nhân, tích lũy thêm vốn tri thức về mọi mặt của đời sống từ đó áp dụng vào thực tế.

    Đối với học sinh giỏi Ngữ Văn, trong quá trình tạo lập văn bản NLXH, kĩ năng làm bài là phần được quan tâm trước nhất vì nó giúp học sinh bộc lộ được rõ tư duy, kiến thức của mình. Đã có rất nhiều tài liệu, sách tham khảo, các đề tài nghiên cứu về kĩ năng làm bài NLXH nhằm nâng cao chất lượng bài viết cho học sinh nhưng thực tế yêu cầu viết bài NLXH mỗi tỉnh trong các kì thi chọn học sinh giỏi lại khác nhau. Trong đề tài này tôi tập trung nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả viết bài văn NLXH đáp ứng yêu cầu kì thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh môn Ngữ văn 12 tỉnh Thái Bình dành cho đối tượng học sinh đội tuyển Ngữ văn 12 trường THPT Quỳnh Thọ. Chúng tôi hi vọng đề tài sẽ cung cấp cho học sinh và đồng nghiệp những kĩ năng làm bài văn NLXH cho học sinh giỏi để không chỉ nâng cao chất lượng bồi dưỡng đội tuyển Ngữ văn 12, bồi dưỡng tinh thần say mê học tập cho học sinh mà còn áp dụng linh hoạt vào việc tạo lập các loại văn bản khác trong thực tế cuộc sống.

    2. Mục đích và nhiệm vụ của đề tài

    Mục đích của đề tài tập trung vào việc nghiên cứu giải pháp nâng cao kĩ năng viết bài văn NLXH cho học sinh giỏi đáp ứng yêu cầu của kì thi chọn học sinh giỏi Ngữ văn 12 cấp tỉnh.

    Nhiệm vụ của đề tài là chỉ ra, mở rộng, nâng cao kĩ năng khi viết bài văn NLXH, đưa ra những biện pháp cụ thể để rèn luyện cho học sinh thực hiện một cách linh hoạt, nhuần nhuyễn những kĩ năng được bồi dưỡng.

    3. Đối tượng nghiên cứu áp dụng

    Đối tượng nghiên cứu và áp dụng của đề tài này là học sinh đội tuyển ngữ Văn 12 trường THPT Quỳnh Thọ năm học 2021 – 2022.

    4. Phương pháp nghiên cứu

    Phương pháp nghiên cứu tài liệu: Phân tích, đánh giá, tổng hợp

    Phương pháp thực nghiệm: Tiến hành nghiên cứu áp dụng thử nghiệm cho học sinh đội tuyển Ngữ văn 12 trường THPT Quỳnh Thọ năm học 2021 - 2022 để đi đến kết luận và để ra những giải pháp được đề cập trong đề tài.

    5. Cấu trúc

    Ngoài phần mở đầu và phần kết luận, phần giải quyết vấn đề của sáng kiến bao gồm những nội dung chính sau:

    1. Cơ sở lý luận

    2. Những kĩ năng cơ bản khi viết bài văn NLXH trong đề thi chọn học sinh giỏi

    3. Tổng hợp, ví dụ các dạng đề NLXH thường gặp trong đề thi chọn học sinh ngữ văn 12 cấp tỉnh Thái Bình

    4. Kết quả thực nghiệm thu được từ việc áp dụng sáng kiến

    5. Kiến nghị, đề xuất

    PHẦN II: GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

    1. Cơ sở lý luận

    1.1. Khái niệm

    1.1. 1. Khái niệm "Văn nghị luận xã hội"

    "Văn nghị luận xã hội là thể văn hướng tới phân tích, bàn bạc về các vấn đề liên quan đến các mối quan hệ của con người trong đời sống xã hội. Mục đích cuối cùng là tạo ra những tác động tích cực đến con người và những mối liên hệ giữa con người với con người trong xã hội." (giáo sư Đỗ Ngọc Thống)

    Có thể hiểu NLXH là kiểu bài văn hướng tới phân tích, bàn bạc về các vấn đề xã hội, mối quan hệ con người trong xã hội, những đòi hỏi của cuộc sống cũng như những yêu cầu của con người, thực trạng xã hội và các hiện tượng đời sống.. Mục đích cuối cùng của kiểu bài này là thể hiện chính kiến, quan điểm của người viết về vấn đề đặt ra đồng thời tạo ra những tác động tích cực đến con người và những mối quan hệ giữa người với người trong xã hội.

    Yêu cầu đối với bài văn NLXH trước hết cũng là đảm bảo kĩ năng nghị luận: Tập trung vào vấn đề nghị luận, triển khai thành những luận điểm chặt chẽ, nhất quán, tìm được những dẫn chứng xác đáng, giàu sức thuyết phục. Bên cạnh đó, bài văn NLXH cũng cần đảm bảo về nội dung kiến thức mang màu sắc chính trị, xã hội (những hiểu biết về chính trị, pháp luật, những kiến thức nền tảng về truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, tâm lí, xã hội, những tin tức thời sự cập nhật), đảm bảo mục đích, tư tưởng: Phải vì con người, vì sự tiến bộ chung của toàn xã hội.

    1.1. 2. Khái niệm "Kỹ năng"

    Theo Từ điển Tiếng Việt, "kĩ năng" là khả năng vận dụng những kiến thức đã thu nhận được trong một lĩnh vực nào đó áp dụng vào thực hành.

    1.2. Các dạng bài NLXH thường gặp trong các kì thi chọn học sinh giỏi THPT

    Hiện nay, tiêu chí phân loại các kiểu bài nghị loại xã hội dựa vào nội dung đang được sử dụng phổ biến nhất. Theo tiêu chí này, có thể chia nghị luận xã hội thành ba dạng chính:

    - Nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống.

    - Nghị luận về một vấn đề tư tưởng đạo lí.

    - Nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong các tác phẩm văn học.

    Thực tế đề bài NLXH vô cùng phong phú và không tách biệt rạch ròi là thuộc dạng nghị luận về một hiện tượng đời sống, hay thuộc dạng nghị luận về một vấn đề tư tưởng đạo lí; có những đề bài đặt ra vấn đề có sự giao thoa giữa cả 3 dạng đề. Vì thế để nâng cao hiệu quả bài viết văn NLXH thì cần rèn luyện cho học sinh nắm vững một cách thành thục các kĩ năng làm bài cơ bản của một bài văn NLXH.

    2. Những kĩ năng cơ bản khi viết bài văn NLXH trong các kì thi chọn học sinh giỏi

    2.1. Kỹ năng nhận diện đề

    - Đọc kĩ đề và yêu cầu của đề bài.

    - Gạch chân vào các từ khóa quan trọng để nhận diện yêu cầu đề.

    - Nhận diện kiểu bài NLXH mà đề yêu cầu:

    + Nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống: Bàn về các vấn đề thực tiễn, có ý nghĩa đối với xã hội. Đó có thể là một vấn đề tiêu cực, cũng có thể là vẫn đề tích cực, hoặc một hiện tượng có cả mặt tiêu cực và tích cực.

    + Nghị luận về một vấn đề tư tưởng đạo lí: Bàn về những vấn đề nhận thức, đạo đức, phẩm chất và những giá trị tinh thần của con người trong các mối quan hệ xã hội.

    + Nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra từ các tác phẩm văn học: Từ một tác phẩm văn học hoặc một đoạn trích trong tác phẩm, đề bài yêu cầu người viết bàn về một vấn đề có ý nghĩa xã hội

    +Có nhiều đề bài nghị luận xã hội được trình bày với những hình thức rất khác lạ: Thông qua một hình ảnh, một phép tính.. Người học phải tự gợi ra rồi bàn luận về vấn đề có ý nghĩa xã hội rút ra trong đề.

    Ví dụ:

    Dạng bài nghị luận về một hiện tượng đời sống: Suy nghĩ của anh/chị về hiện tượng Fakenews trên mạng xã hội hiện nay.

    Dạng bài nghị luận về một vấn đề tư tưởng đạo lí: : Suy nghĩ của anh/chị về ý kiến sau: "Sự sáng tạo đòi hỏi phải có can đảm để buông tay khỏi những điều chắc chắn". (Erich Fromm)

    Dạng bài nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra từ các tác phẩm văn học:

    Alexander là một người thông minh theo học với hiền triết Aristotle. Khi lên ngôi hoàng đế, ông đã tâm sự với thầy:

    - Con sẽ chiến thắng Ai Cập và Thổ Nhĩ Kì.

    Aristotle hỏi:

    - Rồi sao nữa?

    Alexander suy nghĩ:

    - Sau đó, con có thể ngủ một cách bình an.

    Aristotle mỉm cười:

    - Con hỡi, tại sao con không ngủ bình an ngay đêm nay có hơn không?

    (Theo Hành trình về phương Đông – Blair T. Spalding)

    Câu chuyện trên gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về cuộc sống?

    Dạng đề mới lạ: Suy nghĩ của anh/chị về con số sau: 6=9

    2.2. Kỹ năng lập dàn ý

    2.2. 1. Nghị luận về một hiện tượng đời sống

    Dạng đề này nêu lên một hiện tượng đã diễn ra trong đời sống xã hội. Đó là một hiện tượng tích cực, cũng có thể là một hiện tượng tiêu cực trong xã hội, hoặc một hiện tượng có cả hai mặt tích cực lẫn tiêu cực. Do đó học sinh cần thể hiện được chủ kiến của mình, bằng phân tích và lập luận để ca ngợi và biểu dương cái đẹp, cái tốt, cái thiện (chân, thiện, mỹ) và lên án, vạch trần cái xấu, cái ác.

    Trước khi viết bài NLXH dạng này, học sinh cần nhận diện hiện tượng đời sống được nêu trong đề có đặc điểm gì, biểu hiện, các dạng tồn tại, có thể có những số liệu cụ thể chứng minh. Thực hiện thao tác này đòi hỏi học sinh một sự hiểu biết và quan tâm đến các vấn đề đang tồn tại trong đời sống xã hội qua việc nắm bắt các thông tin thời sự chính hằng ngày, trong nước cũng như quốc tế.

    Bước 1: Nêu thực trạng của vấn đề: Nêu các thông tin thời sự, có số liệu cụ thể.

    Bước 2: Xác định nguyên nhân của hiện tượng: Nguyên nhân chủ quan, khác quan

    Bước 3: Phân tích hậu quả hoặc hiệu quả từ hiện tượng. Cần xem xét ở các phạm vi cá nhân - cộng đồng, hiện tại - tương lai..

    Bước 4: Tìm giải pháp khắc phục hoặc biện pháp để nâng cao, phát triển: Cần căn cứ vào nguyên nhân, nguyên nhân nào giải pháp ấy. Cần xem xét ở các phạm vi cá nhân - cộng đồng, hiện tại - tương lai..

    Trong quá trình làm bài, học sinh cũng cần thể hiện tiếng nói cá nhân và quan điểm đánh giá giải thích rõ ràng, sắc sảo, bài viết mới có sức thuyết phục.

    2.2. 2. Nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí

    Vấn đề tư tưởng đạo lí đặt ra để bàn luận thường không phải là những vấn đề phức tạp mà chỉ là những khía cách đạo đức tư tưởng tình cảm gắn liền với cuộc sống hàng ngày như tình cảm quê hương, gia đình, ý thức trách nhiệm, tinh thần học tập phương pháp nhận thức.. Những vấn đề này có thể đặt ra một cách trực tiếp hoặc được gợi mở qua một ý kiến tiêu biểu.

    Bước 1: Giải thích các từ khóa, chú ý những hình ảnh, từ ngữ có ý nghĩa sâu xa để giải thích một cách triệt để, khái quát nhất, nêu ý nghĩa của cả vấn đề.

    Bước 2: Phân tích các khía cạnh, các phương diện, các mối quan hệ của vấn đề. Nêu dẫn chứng minh họa. Dẫn chứng cần tiêu biểu, xác đáng, phong phú

    Bước 3: Đánh giá, bàn luận mở rộng vấn đề ở các bình diện, khía cạnh khác nhau: Ý nghĩa tư tưởng, ý nghĩa thực tế, mức độ đúng - sai, đóng góp - hạn chế. Đây là phần việc để học sinh bộc lộ nhận thức về vấn đề ở mức độ cao nhất. Từ sự đánh giá trên các bình diện, cần rút ra bài học kinh nghiệm trong cuộc sống, học tập, nhận thức, tình cảm, tư tưởng để tự mình bồi đắp, nâng cao kinh nghiệm sống, kinh nghiệm ứng xử trong đời sống. Liên hệ bản thân, đưa ra các giải pháp thiết thực.

    2.2. 3. Nghị luận về vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học

    Dạng này đòi hỏi học sinh kiến thức về cả hai mảng văn học và đời sống, kĩ năng phân tích văn học và kỹ năng phân tích, đánh giá các vấn đề xã hội.

    Bước 1: Phân tích tác phẩm, nêu lên các vấn đề xã hội cùng với các khía cạnh, các phương tiện biểu hiện của nó.

    Từ các bước sau làm như 2 dạng: Dạng văn nghị luận bàn về hiện tượng đời sống hoặc dạng văn nghị luận về một tư tưởng đạo lí.

    2.2. 4. Nghị luận về một vấn đề đặt ra từ hình thức ra đề mới lạ

    Ngoài ba dạng đề NLXH quen thuộc như đã trình bày ở trên, còn có những đề bài trình bày dưới hình thức bức tranh/hình ảnh hoặc số liệu.. Kiểu bài này là không sử dụng ngôn ngữ mà sử dụng hình ảnh biểu tượng để gửi gắm thông điệp, vì vậy học sinh cần nắm bắt các hình ảnh trung tâm, bên cạnh đó cũng cần chú tâm đến các chi tiết nhỏ như mảng màu sắc, trạng thái sự vật, hành động của nhân vật, không gian..

    Bước 1: Phân tích hình ảnh, số liệu, nêu lên các vấn đề xã hội hoặc hiện tượng xã hội cùng với các khía cạnh, các phương tiện biểu hiện của nó. Học sinh quan sát hình ảnh, số liệu một cách kĩ lưỡng, tránh bỏ qua những chi tiết quan trọng.

    Từ các bước sau làm như 2 dạng: Dạng văn nghị luận bàn về hiện tượng đời sống hoặc dạng văn nghị luận về một tư tưởng đạo lí

    2.3. Kĩ năng tạo lập văn bản

    2.3. 1. Kĩ năng viết mở bài

    * Yêu cầu

    - Ngắn gọn, súc tích: Không ít học sinh vì muốn tạo được ấn tượng từ đầu mà đã tốn rất nhiều thời gian vào phần mở bài. Đây là một lỗi cần phải khắc phục vì mở bài NLXH yêu cầu cao sự cô đọng, súc tích bởi nếu quá chú trọng sẽ mất thời gian và nếu quá dài sẽ khiến bị mất ý hoặc lặp ý trong phần thân bài.

    - Đầy đủ: Dù mang tính gợi mở nhưng một mở bài đúng là một mở bài phải nêu ra được yêu cầu của đề một cách rõ ràng, chính xác.

    - Độc đáo: Phần mở bài phải gây được sự chú ý cho người đọc về vấn đề cần nghị luận bằng cách nêu hoặc có những liên tưởng khác lạ, bất ngờ cho người đọc. Đặc biệt với học sinh giỏi bài viết NLXH yêu cầu cao tính sáng tạo, để gây ấn tượng với người đọc về "chất riêng" của người viết.

    - Tự nhiên: Mở bài cần được viết tự nhiên, gợi mở, gần gũi, tạo cảm giác dễ chịu cho người đọc. Muốn vậy nên dùng các ngôn từ giản dị, mộc mạc, tránh sáo rỗng, tránh gượng ép.

    - Tránh lạc đề: Nếu xác định vấn đề sai dẫn đến việc lạc đề ngay ở mở bài sẽ dẫn đến bài làm không trúng trọng tâm. Muốn vậy cần đọc kĩ yêu cầu đề, xác định vấn đề và hướng triển khai một cách rõ ràng.

    *Cách viết mở bài

    Đề bài: "Khi mọi thứ chống lại bạn, hãy nhớ rằng, máy bay cất cánh bằng cách bay ngược chiều gió" - Henry Ford. Hãy bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên.

    - Cách 1: Mở bài trực tiếp: Người viết đi thẳng vào vấn đề cần giải quyết. Cách viết này ngắn gọn, tiết kiệm thời gian nhưng không hấp dẫn.

    Trong cuộc sống con người không thể tránh được việc đối mặt với những khó khăn thử thách, vậy khi đứng trước khó khăn thử thách, chúng ta sẽ chọn cách ứng xử nào? Henry Ford: "Khi mọi thứ chống lại bạn, hãy nhớ rằng, máy bay cất cánh bằng cách bay ngược chiều gió."

    - Cách 2: Mở bài gián tiếp: Học sinh Người viết dẫn dắt từ một ý liên quan đến vấn đề sẽ nêu, hoặc kể một sự việc, 1 dẫn chứng rồi trình bày vấn đề cần giải quyết. Cách viết này giúp bài văn hấp dẫn, sinh động, học sinh thể hiện được sự sáng tạo nhưng mất thời gian hơn kiểu mở bài trực tiếp.

    Chắc hẳn chúng ta đã biết đến câu chuyện thành công của ông già KFC. Từng phá sản ở tuổi 60 nhưng ông quyết tâm gây dựng lại sự nghiệp cho mình bằng cách đi gõ cửa từng nhà để mời mọi người nếm thử món gà rán theo công thức mới. Qua câu chuyện của ông già KFC, ta càng hiểu vì sao Henry Ford lại nói "Khi mọi thứ chống lại bạn, hãy nhớ rằng, máy bay cất cánh bằng cách bay ngược chiều gió"

    2.3. 2. Kĩ năng viết kết bài

    *Yêu cầu: Phần kết bài có tính chất tổng kết, khái quát những vấn đề đã trình bày ở phần thân bài. Đối với bài văn học sinh giỏi kết bài là một yếu tố quan trọng không chỉ để bài viết hoàn chỉnh mà còn gây ấn tượng khó quên đối với người đọc.

    *Các cách viết kết bài:

    Đề bài: "Khi mọi thứ chống lại bạn, hãy nhớ rằng, máy bay cất cánh bằng cách bay ngược chiều gió" - Henry Ford. Hãy bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên.

    - Cách 1: Kết bài mang tính tóm lược, khái quát lại những vấn đề đã nêu ra ở thân bài.

    Câu nói của Henry Ford thật sâu sắc giúp chúng ta ngày một vững vàng và trưởng thành hơn. Hãy biết đối mặt và vượt qua thử thách trong cuộc sống vì đó là cách duy nhất chúng ta thành công trong cuộc đời.

    - Cách 2: Mở rộng và phát triển vấn đề theo chiều hướng mới hoặc rộng hơn.

    Câu nói của Henry Ford thật sâu sắc giúp chúng ta ngày một vững vàng và trưởng thành hơn. "Cuộc đời là một bộ phim mà trong đó ai cũng phải đóng một vai nào đó. Vậy sao không tỏa sáng trong vở diễn đời mình?" Đó có lẽ cũng là những điều mà Henry Ford gửi gắm .

    - Cách 3: Vận dụng, nêu phương hướng, bài học phát huy hay khắc phục vấn đề nêu ở thân bài.

    Có thể nói, cuộc sống của ta là muôn vàn những khó khăn thử thách. Mỗi người hãy dũng cảm dám đối mặt và vượt qua để góp phần vun đắp lên cái lớn lao, xây dựng được những thành công của riêng mình

    - Cách 4: Mượn lời những câu nói, nhận định nổi tiếng hoặc những câu chuyện mang tính chất tương đồng để thay cho lời kết luận của người viết.

    Mỗi người sinh ra trên thế giới này

    Đều đại diện cho một điều mới mẻ

    Một điều chưa từng tồn tại trước đó,

    Nguyên bản và duy nhất (Martin Bubber)

    Muốn ghi dấu ấn trong cuộc đời, hãy nhớ dám cất cánh ngay cả khi ngược gió.

    Đối với học sinh giỏi cần phát huy, sử dụng linh hoạt các cách kết bài nêu trên, sáng tạo nó theo cách riêng của mình để tạo ra điểm khác biệt, ghi dấu ấn bài viết của mình.

    2.3. 3. Kĩ năng cơ bản tạo lập văn bản

    a. Kĩ năng viết đoạn văn

    - Đoạn văn là một đơn vị cấu tạo nên bài văn, chú trọng đến đoạn văn cũng là chú trọng đến việc xây dựng kết cấu của một bài viết NLXH.

    - Một số cách để viết đoạn văn đúng, hay:

    + Xác định vị trí, nhiệm vụ của đoạn văn: Xác định đoạn văn đó thuộc phần nào của thân bài (giải thích hay, chứng minh, bình luận) để có thao tác lập luận phù hợp.

    + Xác định luận điểm, các ý cần triển khai trong đoạn phải đúng hướng, làm rõ trọng tâm, tránh lan man, xa đề không làm sáng rõ được luận điểm.

    + Đảm bảo sự cân bằng trong diễn đạt giữa các đoạn, không dài quá hay ngắn quá.

    + Diễn đạt trong sáng, hấp dẫn để tăng tính thuyết phục.

    + Đảm bảo tính liên kết giữa các câu văn trong đoạn, xác định và sắp xếp các luận cứ một cách rõ ràng (diễn dịch, quy nạp, tổng phân hợp).

    b. Kĩ năng chuyển đoạn

    - Sử dụng quan hệ từ: Việc sử dụng các quan hệ từ sẽ khiến cho các ý được liên kết, việc chuyển đoạn không khô khan và tăng tính logic cho bài viết. Các quan hệ từ thường sử dụng đó là: Quan hệ thứ tự với nhau: trước tiên, trước hết, thoạt tiên, tiếp theo, sau đó, một là, hai là, cuối cùng, sau cùng, sau hết.. Quan hệ song song: Một mặt, mặt khác, ngoài ra, bên cạnh đó.. Quan hệ tăng tiến: vả lại, hơn nữa, thậm chí.. Quan hệ tương đồng: tương tự, cũng thế, cũng vậy, cũng giống như trên..

    - Dùng câu chuyển đoạn: Thêm vào mạch văn những câu thông báo trực tiếp ý định chuyển đoạn của người viết hoặc chuyển đoạn bằng những câu nối kết ý một cách tự nhiên ví dụ hình thức đặt câu hỏi gợi ý nêu vấn đề.

    c. Kĩ năng xây dựng luận điểm

    - Muốn thực hiện tốt kĩ năng này, học sinh cần nhận diện được vấn đề nghị luận đặt ra từ đề, từ đó nhìn vấn đề từ nhiều phương diện, mỗi phương diện đó là một luận điểm cần được làm sáng tỏ. Khi trình bày các luận điểm cần đi từ luận điểm chính đến luận điểm phụ, soi sáng các luận điểm bằng tư duy lí thuyết kết hợp với tư duy thực tiễn để bài văn được thuyết phục.

    d. Kĩ năng diễn đạt, lập luận

    - Để bài văn có diễn đạt tốt, học sinh cần tạo vị thế của người viết là người trong cuộc, viết để trao đổi, đối thoại với mọi người trên cơ sở tôn trọng, bình đẳng.

    - Cần lựa chọn từ ngữ giản dị mà sinh động để diễn đạt một cách sáng rõ quan điểm của bản thân, tránh tư duy hàn lâm bác học hoặc suồng sã đơn giản.

    e. Kĩ năng đưa dẫn chứng chứng minh

    - Khi đưa dẫn chứng vào bài văn NLXH nhằm tăng tính thuyết phục cho lập luận, yêu cầu đối với dẫn chứng là phải chính xác, phù hợp, phong phú, mang tính thời sự. Muốn vậy học sinh cần có sự tích lũy kiến thức từ đời sống trong nước, thế giới, từ xưa đến nay, đặc biệt là những vấn đề đang xảy ra.

    - Nêu dẫn chứng cần tinh tế, khéo léo, không nên chỉ đưa dẫn chứng một cách đơn thuần mà cần kết hợp với lí lẽ để phân tích, nhìn nhận dẫn chứng nhằm toát lên vấn đề nghị luận.

    f. Kĩ năng phân bố thời gian viết bài một cách hợp lí:

    - Cần phân định tổng thời gian làm câu NLXH khoảng 60 phút, phân bổ thời gian hợp lí giữa các phần, các luận điểm.

    2.4. Kĩ năng tạo điểm nhấn văn chương cho bài văn NLXH

    - Xác định thái độ: Học sinh phải thể hiện được thái độ xã hội đúng đắn với vấn đề nghị luận. Muốn vậy phải nhận diện được đúng vấn đề, trên nền tảng nhận thức chung về đạo đức, pháp luật xã hội học sinh sẽ có cơ sở để xem xét vấn đề, đánh giá đúng tính chất đúng sai, phải trái của vấn đề.

    - Xác định tâm thế, điểm nhìn của người viết: Cần kết hợp cả tâm thế, điểm nhìn bên trong và bên ngoài: Tâm thế, điểm nhìn bên ngoài để tạo tính chất khách quan khoa học cho sự nhìn nhận vấn đề. Tâm thế, điểm nhìn bên trong để thể hiện sự đồng cảm và sự tâm huyết say mê đối với vấn đề bàn luận.

    - Lựa chọn diễn đạt cho bài văn: Diễn đạt không chỉ tập trung làm sáng tỏ từng luận điểm, đúng ngữ pháp mà còn phải giàu hình ảnh, nhạc điệu, phải sinh động, ấn tượng, hấp dẫn qua việc sử dụng các phương tiện và biện pháp diễn đạt có tính nghệ thuật.

    2.5. Kĩ năng lập luận phản biện

    - Trong bài văn NLXH, tư duy phản biện giúp học sinh nhìn nhận vấn đề theo những góc độ khác nhau, vừa sâu sắc, với những cách giải quyết khác nhau. Không chỉ góp phần hiểu sâu, hiểu rộng vấn đề đang bàn luận, đối tượng được xem xét, tư duy phản biện còn góp phần làm cho bài văn trở lên hấp dẫn, sáng tao, nhiều khi còn hơn cả đáp án.

    - Muốn phản biện thuyết phục, học sinh cần nhận diện được ngữ cảnh của vấn đề nêu trong đề và có sự đối chiếu với ngữ cảnh hiện nay, căn cứ vào hệ quả của luận đề để phản biện.

    3. Tổng hợp, ví dụ về các dạng đề nghị luận xã hội thường gặp trong đề thi chọn học sinh ngữ văn 12 cấp tỉnh Thái Bình .

    3.1. Dạng nghị luận xã hội về một hiện tượng đời sống

    Đề: Đọc đoạn trích sau:

    Vào giờ này năm ngoái, không nhiều người trong giới báo chí cũng như người dùng Internet ở Việt Nam quan tâm đến cái gọi là "fake news" – tin giả. Trước nữa lại càng không. Quan niệm phổ biến trong thời đại hiện nay là ai cũng trở nên thông minh, vả lại, có rất nhiều thiết bị thông minh quanh mình – cái gì cũng được gắn thêm từ smart (*), từ nhà cửa, xe hơi, thẻ thanh toán cho đến điện thoại – nên không dễ bị lừa.

    Thực tế, chúng ta đang sống trong một thế giới mà một tin tức hoàn toàn bịa đặt như việc ngôi sao điện ảnh Keanu Reeves tuyên bố vào ngày 21/11/2017 vừa qua rằng "những nhân vật tinh túy ở Hollywood đã dùng máu của trẻ sơ sinh để thăng tiến" đã đứng đầu danh sách nội dung tìm kiếm trên YouTube và lan truyền như virus trên Facebook với hơn 26.000 lượt tương tác chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi.

    Đó là một thế giới mà những hoang tin có thể dẫn đến các thảm kịch trong đời sống dễ dàng lan truyền với tốc độ chóng mặt từ người này sang người khác thông qua các phần mềm chat (**) hoặc các mạng xã hội..

    (Lê Quốc Minh – dẫn theo VietnamPlus)

    Viết bài văn NLXH (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ về hiện tượng xã hội được nói tới trong đoạn trích trên.

    3.2. Dạng nghị luận về một vấn đề tư tưởng đạo lí

    3.2. 1. Dạng 1: Dạng đề nghị luận về vấn đề nêu trong 1 ý kiến

    Đề 1: Lâm Tắc Từ, một vị quan thời nhà Thanh, từng nói:

    Biển rộng mênh mông, không bờ, không bến, không có giới hạn là bởi nó không cự tuyệt bất kì một giọt nước nào. Núi có thể đứng cao sừng sững vạn trượng là bởi nó không từ chối dẫu chỉ một hòn đá nhỏ.

    Hãy viết một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến trên?

    Đề 2: Steve Jobs từng chia sẻ:

    "Là người thợ mộc tài hoa đóng ra cái tủ đẹp, bạn sẽ không sử dụng mảnh gỗ tầm thường cho mặt lưng tủ dù nó luôn xoay úp vào trong tường. Chẳng ai có thể nhìn thấy song bản thân bạn biết rất rõ, nên sẽ luôn đóng cho nó tấm gỗ đẹp".

    Hãy viết một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến trên?

    3.2. 2. Dạng 2: Dạng đề nghị luận về 1 ý kiến nêu 2 vấn đề

    Đề 1 "Đừng nhượng bộ cảm xúc. Một trái tim quá nhạy cảm là thứ tài sản bất hạnh trên mặt đất không vững chắc này". (Johann Wolfgang von Goethe)

    Hãy viết một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến trên?

    Đề 2: Trong sách "Bão phác tử" phần "Ngoại thiên" của tác giả Cát Hồng có nói, đại ý: Kim loại vì cứng mà hay gẫy, nước vì mềm mà được vẹn toàn.

    Hãy viết một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến trên?

    3.2. 3. Dạng 3: Dạng đề nghị luận về 2 ý kiến nêu 2 vấn đề

    Đề 1: Có ý kiến cho rằng: "Hãy quên mình đi để yêu thương người khác sâu sắc hơn". Nữ sĩ Quỳnh Dao trong một bài tản văn có nói: "Chỉ khi nào bạn biết tôn trọng và yêu thương chính mình thì bạn mới thực sự biết yêu thương, quý trọng người khác một cách sâu sắc."

    Hãy viết một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về 2 ý kiến trên?

    Đề 2: Có ý kiến cho rằng "Tất cả mọi điều trên thế giới này đều được hy vọng làm nên" (Martin Luther). Nhưng ngạn ngữ Latin lại nói"Cuộc đời ngắn ngủi không cho phép ta hy vọng quá xa" .

    Hãy viết một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về 2 ý kiến trên?

    3.2. 4. Dạng 4: Dạng đề nêu vấn đề khái quát

    Đề 1: Hãy biết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) với chủ đề: Yêu những điều không hoàn hảo

    Đề 2: Vì mỗi khoảnh khắc đều là duy nhất..

    Hãy biết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) hoàn thành mệnh đề trên.

    3.3. Dạng 3: Nghị luận về 1 vấn đề rút ra từ tác phẩm văn học

    Đề 1: Đọc văn bản sau: Phần thưởng

    Cuộc thi điền kinh không chuyên kết thúc. Mọi người đổ xô đến vây quanh nhà vô địch. Duy nhất một người đàn ông ôm hoa đi về phía người cán đích cuối cùng. Người của ban tổ chức thấy thế liền đi tới và nói: "Thưa ông, nhà vô địch của chúng tôi ở đằng kia cơ ạ". Người đàn ông cười nói: "Hãng của chúng tôi trao cả giải thưởng cho người chạy chậm nhất không bỏ cuộc".

    (Trích "Sống trong chờ đợi", Nguyễn Bích Lam, NXB Trẻ, 2011)

    Hãy viết một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về câu chuyện trên.

    Đề 2: Đọc văn bản sau: Niềm tự hào của con số 0

    Nhờ có rất nhiều số 0 đi theo sau mà số 1 trở thành khổng lồ.

    Những số 0 theo sau ấy cũng lấy làm vinh dự và tự hào lắm. Bởi thế, đi đâu chúng cũng kể lể, vỗ ngực nói rằng: "Ta là khổng lồ".

    Hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về câu chuyện trên.

    3.4. Dạng 4: Nghị luận về một vấn đề gợi ra từ một bức ảnh, 1 con số:

    Đề: Hãy viết một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về nội dung gợi ra từ bức ảnh sau:

    [​IMG]

    4. Kết quả thực nghiệm thu được từ việc áp dụng sáng kiến:

    Kết quả bồi dưỡng đội tuyển Ngữ văn 12 trong 2 năm học do tác giả phụ trách đã có sự thay đổi tăng lên về điểm số bài thi của học sinh.

    [​IMG]

    [​IMG]


    5. Kiến nghị, đề xuất

    5.1. Đối với Sở giáo dục và Đào tạo

    - Đổi mới hình thức ra đề thi chọn học sinh giỏi đảm bảo khơi gợi hứng thú dạy và học cho giáo viên và học sinh, chọn được những học sinh thực sự là học sinh giỏi.

    - Định kì tổ chức lớp bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp giảng dạy và kĩ thuật dạy học hiện đại giúp giáo viên có cơ hội học hỏi, giao lưu để nâng cao trình độ chuyên môn của bản thân và học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp.

    5.2. Đối với nhà trường

    - Có nguồn tài liệu tham khảo phong phú phục vụ cho hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi.

    PHẦN III: PHẦN KẾT

    Qua kinh nghiệm nhiều năm dạy bồi dưỡng học sinh giỏi khối 12 đội tuyển ngữ văn trường THPT Quỳnh Thọ tôi đã đúc rút ra được một hệ thống những kinh nghiệm trong dạy bồi dưỡng học sinh giỏi trong đó có dạy ôn văn NLXH. Trong phạm vi sáng kiến tôi đã đưa ra những kiến thức cơ bản, chắt lọc để giúp học sinh có những kĩ năng cơ bản trong dạng văn này, đồng thời trong quá trình dạy học có sự bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với năng lực, tư chất của từng học sinh cũng như điều kiện dạy học của nhà trường, yêu cầu từng năm của Sở giáo dục và đào tạo tỉnh Thái Bình đối với kì thi chọn học sinh giỏi.

    Trong sự cố gắng và tâm huyết của bản thân, sáng kiến không tránh được những hạn chế, thiếu sót nên tôi rất mong muốn nhận được sự sẻ chia và đóng góp ý kiến từ đồng nghiệp để sáng kiến được hoàn thiện hơn, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bồi dưỡng học sinh giỏi tỉnh của nhà trường.

    Tôi xin chân thành cảm ơn.

    PHẦN IV: CAM KẾT

    Tôi xin cam kết: Sáng kiến này là do chính tôi viết, các giải pháp, biện pháp mà tôi đưa ra đã được áp dụng trong thực tế bồi dưỡng học sinh giỏi Ngữ văn 12 cấp tỉnh của trường THPT Quỳnh Thọ và chưa từng được đăng tải trên mạng Internet, chưa từng được công bố trên sách, báo hay đã được hội đồng sáng kiến các cấp công nhận. Nếu sai, tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm.

    Quỳnh Phụ, ngày 20 tháng 04 năm 2022

    GIÁO VIÊN

    (ký và ghi rõ họ tên)

    Nguyễn Thị Hảo

    Đánh giá, nhận xét của tổ/ nhóm chuyên môn

    * * *

    TỔ/NHÓM TRƯỞNG CHUYÊN MÔN

    (ký và ghi rõ họ tên)

    Nguyễn Văn Bách

    Đánh giá, nhận xét của đơn vị

    * * *

    HIỆU TRƯỞNG

    (ký và đóng dấu)

    Bài viết được đăng với sự đồng ý của tác giả, mục đích: Chia sẻ tài liệu bổ ích.
     
    Last edited by a moderator: 2 Tháng năm 2024
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...