Khi tôi bước chân vào đại học, việc đầu tiên tôi nghĩ đến đó là làm thêm để kiếm tiền. Trong số các bạn trẻ có bao nhiêu người nghĩ như vậy? Tôi nghĩ đại đa số. Kể với các bạn câu truyện hồi trẻ của tôi để các bạn tự phán xét hành vi nên hay không nên làm thêm khi còn học. Hình minh họa. Tôi chọn học ngành kinh tế tại một trường đại học khá danh tiếng. Năm đầu tiên, nhờ mối quan hệ thân thiết với anh chị đi trước mà tôi dễ dàng tìm được một công việc gia sư tiếng anh cho học sinh lớp 3 tại Hoàng Mai- Hà Nội. Nhờ đó mà hằng tháng tôi đều tự kiếm một khoản cho phí sinh hoạt của mình, khiến bạn bè ngưỡng mộ. Hết một kỳ học, kiến thức của một chuyên gia kinh tế đổi thành những kinh nghiệm dạy trẻ con và cách giao tiếp với phụ huynh. Một ngày 24 tiếng. 8 tiếng dành cho việc chuẩn bị giao trình và lên lớp, 9 tiếng để ngủ và sinh hoạt cá nhân còn lại 8 tiếng là thời gian tôi lên giảng đường và tự học theo chuyên ngành. Tôi đã tự nhủ nên ngừng việc dạy để đầu tư cho việc học tử tế nhưng rồi gia đình phụ huynh đề nghị tăng tiền cộng với việc cần tiền của bản thân nên tôi đã tiếp tục công việc này hết năm thứ 3 đại học. Năm ấy, tôi nhớ có rất nhiều ngân hàng và công ty nổi tiếng của nước ngoài đến trường tôi tuyển thực tập sinh, các bạn cùng khoa đều nhận được thư mời từ họ. Còn tôi, vì cả ngày lẫn tối bận rộn trong công việc gia sư, kinh nghiệm có được cũng chỉ là mỗi ngày làm sao để trẻ con được điểm cao trong mỗi kỳ thi, làm cách nào để hài lòng được phụ huynh để họ trả tiền. Đừng nói kiến thức chuyên ngành nắm vững, tôi còn nợ hai học trình chỉ vì thời gian đi làm. Bạn thấy không, bốn năm đại học là khoảng thời gian trân quý nhất để bạn trau dồi kiến thức vươn tới ước mơ của mình thì tại sao lại mang khoảng thời gian đó đi kiếm tiền? Sau này khi đi kiếm tiền, lập gia đình, bạn muốn đi học thì đã không được nữa rồi. Nhiều khi tôi nghĩ như thế này, có những công việc làm thêm mà sinh viên chúng ta hay làm như gia sư, phục vụ bàn, chuyển fax.. Những công việc ấy một người bình thường cũng có thể làm được thì tại sao bạn lại lãng phí thời gian học tập cho những việc ai cũng làm được như vậy? Tốt nghiệp ra trường, bạn muốn làm những công việc đó sao. Nếu bạn dự định sẽ trở thành một giáo viên, thi công việc gia sư có ích cho bạn nhưng nếu ước mơ của bạn trở thành một bác sĩ, một lập trình viên thì công việc ấy có ích gì cho bạn. Tôi chợt nhận ra, trong lúc tôi bận rộn với công việc gia sư thì bạn bè tôi đang nỗ lực học thêm tiếng anh, thi các chứng chỉ quốc tể để ra nước ngoài làm việc, bạn bè tôi đang cặm cụi trong thư viện nghiên cứu tự học. Sau này tốt nghiệp, họ sẽ tìm được một công việc tốt trên nền tảng kiến thức mà họ đã bỏ công ra, và họ sẽ có một mức lương cao tương xứng. Bạn nghĩ xem, tuối trẻ mình đã đầu tư như thế nào. Sinh viên đại đa số từ nông thôn lên thành phố học, ba mẹ chắt chiu từng đồng gửi lên, có thể bạn nghĩ tìm một công việc nhất thời để giảm bớt gánh nặng cho họ. Nhưng bạn nghĩ xem, bạn mang giấc mơ của ba mẹ lên thành phố cũng chỉ để kiếm một vài đồng thôi sao. Bốn năm đại học, tôi hy vọng bạn đừng đi vào vết xe đổ của tôi, thời gian kiếm tiền của bạn sau này còn dài lắm nhưng 4 năm đại học hãy cố gắng trau dồi ngoại ngữ, đọc thêm nhiều sách và dũng cảm nộp đơn thực tập tại những tập đoàn nước ngoài. Đó sẽ là hành trang để bạn viết nên ước mơ của mình.
Cảm ơn vì chia sẻ của bạn. Đây sẽ là một bài học kinh nghiệm có giá trị tham khảo, đặc biệt là các bạn tân sinh viên. Bước chân vào đại học, tôi tin rằng mỗi bạn đều có một mục tiêu cho riêng mình. Có bạn học đại học vì muốn thoát nghèo, có bạn thì theo đuổi đam mê, có bạn lại theo nguyện vọng của gia đình.. Và tùy vào mục đích và hoàn cảnh của mỗi cá nhân mà các bạn lựa chọn có đi làm thêm hay không. Đại đa số các bạn sinh viên đều đi làm thêm, công việc làm thêm cũng rất đa dạng, phổ biến là làm gia sư, bồi bàn, nhân viên thu ngân, tiếp thị.. Làm thêm không chỉ giúp sinh viên có thêm thu nhập mà còn rèn luyện được các kĩ năng mềm khác nhất là kỹ năng giao tiếp. Không thể phủ nhận rằng sức hấp dẫn của việc làm thêm chủ yếu đến từ việc kiếm thêm sinh hoạt phí đỡ đần gia đình hoặc giúp bạn tự chủ về tài chính không còn phải dựa dẫm vào bố mẹ. Từ đó, khiến nhiều bạn lơ là việc học ở giảng đường đại học. Dần dần các bạn quên mất mục đích chính của mình khi bước vào đại học là gì, các bạn thấy làm thêm có thu nhập, bỏ thì tiếc quá thế nên cứ vừa học vừa làm và rồi việc làm thêm ảnh hưởng đến việc học là điều có thể đoán trước. Trong cuộc sống bạn thường phải đưa ra lựa chọn của mình, mỗi lựa chọn sẽ mang đến một kết quả khác nhau. Nếu như bạn đi làm thêm chỉ để tích lũy kinh nghiệm sống thì nó sẽ ít gây ảnh hưởng đến việc học, còn nếu đi làm để kiếm tiền trang trải cho sinh hoạt phí mấy năm đại học thì có khi nó sẽ thành thứ trói buộc bạn vì một khi đã đi làm thì không thể lúc nào cũng kiểm soát công việc theo ý mình mà bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố khác. Đánh đổi thời gian đi học, bồi dưỡng chuyên ngành để làm một công việc làm thêm không mấy liên quan đến ngành học dù công việc này có mức lương khá thì đó là điều không nên. Việc kiếm thêm thu nhập trước mắt không thể quan trọng bằng việc tập trung học tập để ra trường với một tấm bằng loại ưu và một kĩ năng công việc nhuần nhuyễn. Làm thêm đối với sinh viên là một nhu cầu cần thiết, nhưng hy vọng các bạn đừng đi làm thêm vì bạn bè rủ rê, đừng vì cảm thấy rảnh rỗi mà tìm việc tạm thời, hãy lập một bản kế hoạch thật chi tiết cho mấy năm đại học, bạn cần phải làm gì, học thế nào, đầu tư ra sao. Không ai có tư cách phán xét sự lựa chọn của bạn vì chỉ có bạn mới hiểu mình cần gì, chỉ hy vọng bạn sẽ không phải hối tiếc vì lựa chọn đó vì không phải lúc nào ta cũng có cơ hội chọn lại. Quãng đời sinh viên là khoảng thời gian quý báu và đẹp đẽ biết bao, nó là bệ phóng cho tương lai sau này của bạn. Hãy làm cho nó thêm sinh động và rực rỡ hơn chứ đừng để nó tràn ngập hối tiếc. Chúc các bạn sinh viên thật tỉnh táo và sáng suốt trước mỗi sự lựa chọn của mình.
Cá nhân mình suy nghĩ, sinh viên cần đi làm thêm, hiểu được thực tế và tôi luyện các ứng xử mới là quan trọng. Hiện tại tôi viết blog về ngành tài chính ngân hàng, lời khuyên tài chính cá nhân (mua nhà thế chấp ngân hàng ). Để có kinh nghiệm thị trường và cách hành văn thì đó chính là những gì tôi gặt được tưf thời sinh viên.