Hỏi đáp Sinh viên có nên đi làm thêm hay không?

Thảo luận trong 'Hỏi Đáp' bắt đầu bởi giangphamha, 6 Tháng chín 2021.

  1. giangphamha

    Bài viết:
    33
    SINH VIÊN CÓ NÊN ĐI LÀM THÊM HAY KHÔNG?

    Mình bắt đầu đi làm thêm vào năm nhất đại học, công việc đầu tiên đến với mình là chạy bàn ở tiệc cưới vào cuối tuần. Lúc đó mỗi tiệc mình sẽ nhận được 150k và một suất ăn. Sau 2 tháng mình đã xin nghỉ vì sức khỏe không cho phép. Sau đó mình tiếp tục làm nhân viên ở các quán cafe từ nhỏ đến lớn và công việc này đã gắn bó với mình gần 2 năm.

    Nhiều người nói mình: "Học quản trị mà đi làm ở quán cafe, sao không tập trung học rồi tìm chỗ thực tập đúng với chuyên ngành", "làm vậy kiếm được mấy đồng, lo học hành thì hơn", "đi học mà làm mấy công việc này, thì người lao động lấy chỗ đâu mà làm".. Thời gian đầu mình tủi thân và thấy tổn thương lắm. Sau dần quen mỗi lần nghe những câu như vậy, cứ cười cho qua.

    Vậy thì sinh viên có nên đi làm các công việc phục vụ hay không? Hay chỉ nên tập trung học hành rồi kiếm nơi thực tập đúng chuyên ngành?

    Câu trả lời sẽ là KHÔNG. Nếu như điều kiện kinh tế của gia đình bạn cho phép. Bạn có một cuộc sống đầy đủ, chẳng cần phải lo lắng về vấn đề tiền bạc, thì mình thấy công việc này là không cần thiết. Lúc này bạn nên tập trung học hành, nâng điểm GPA vì kiến thức ở năm nhất không quá khó. Dành thời gian tham gia câu lạc bộ, bổ sung các kiến thức, kỹ năng còn thiếu. Để sớm đi thực tập và tìm được công việc phù hợp với bản thân.

    Câu trả lời của mình sẽ là CÓ. Nếu như gia đình bạn không đủ điều kiện về kinh tế, bạn cần tiền để chi tiêu sinh hoạt cá nhân. Mình biết cảm giác vừa học, vừa chịu áp lực về tiền bạc sẽ chẳng dễ chịu chút nào. Lúc đó có muốn tập trung học hành cũng chẳng được. Và nếu bạn cũng như mình ở thời gian đầu, chẳng có bất cứ kỹ năng cũng như chút kiến thức nào, chưa từng va vấp, chưa có bất cứ trải nghiệm nào ngoài môi trường học. Thì công việc này cũng đáng nên thử một lần ở thời sinh viên.

    Nếu công việc này chỉ mang lại thu nhập là tiền thì mình cũng chẳng thể gắn bó tận 2 năm. Mà ngoài tiền thì công việc này đã cho dạy cho mình rất nhiều điều đáng giá.

    1. Hiểu được "việc kiếm tiền thật sự rất khó"

    Có lẽ đây là bài học đầu tiên và quan trọng nhất mình học được ở công việc này. Lúc trước ở nhà cần tiền thì mở miệng xin mẹ. Mỗi lần nghe mẹ than vãn rồi nói phải tiết kiệm các thứ, thấy mẹ phiền thật sự. Có mấy đồng mà nói mãi, mình còn mạnh miệng tuyên bố: "Con sẽ kiếm thật nhiều tiền nuôi mẹ, mẹ cứ yên tâm". Giờ thì mới thật sự hiểu để kiếm được mấy đồng, mẹ phải vất vả nhường nào.

    Làm ở quán cafe lương phục vụ sẽ rơi vào mức 17k-25k/1h. Mỗi ngày đi làm 6 tiếng bạn sẽ nhận được 102k-150k/1 ngày. Lương của bartender thì cao hơn chút, rơi vào khoảng 20k-30k/1h (mình không nói với các nhà hàng lớn hoặc những bạn đã có nhiều kinh nghiệm chuyên về pha chế). Để kiếm được "mấy đồng ấy" mà mình phải đánh đổi rất nhiều thứ: Thời gian, sức khỏe, việc học..

    Chính vì thế mình đã biết trân quý đồng tiền hơn cũng như học cách tiết kiệm, chi cho những khoản thật sự cần thiết. Mặc dù nhìn chung thì mức lương ấy rất ít so với mức chi tiêu ở thành phố. Nhưng đã cho bản thân mình rất nhiều cơ hội để trải nghiệm và kiếm được số tiền đầu tiên.

    2. Trách nhiệm

    Thời gian đầu mới đi làm, mình ngủ dậy muộn cứ đi làm trễ hoài (cái này mình không cố ý). Mình đã cố làm quá giờ để bù cho những lúc mình đi trễ như vậy. Mãi cho đến khi được chị chủ quán góp ý, mình đã vỡ lẽ ra rất nhiều điều.

    Mình nhớ mãi câu nói của chị vào ngày hôm đó: "Đây là công việc đầu tiên của em, nên việc đi trễ có thể đó chỉ là việc nhỏ, nhưng nếu em xem nó là một kỳ thi thì mọi thứ sẽ như thế nào? Đó còn là trách nhiệm và uy tín của em cho các công việc sau này".

    Và chính lúc đó mình nhận ra việc có trách nhiệm trong công việc là cực kì quan trọng. Thiếu trách nhiệm không chỉ gây ra hậu quả đến bản thân, mà hậu quả đó sẽ ảnh hưởng đến cả một tập thể. Dù giỏi đến mấy nhưng làm việc thiếu trách nhiệm, xem nhẹ quy tắc thì cũng không có bất kỳ ai muốn làm việc chung với một người như thế.

    3. Khả năng giao tiếp

    Nếu kém giao tiếp thì làm ở ngành dịch vụ là một cách hay để cải thiện kỹ năng giao tiếp. Một người phục vụ mà không biết giao tiếp thì chẳng thể tiến xa.

    Mình bắt đầu học cách nói "cảm ơn" khi ai đó mang đến lợi ích và tạo ra giá trị cho mình. Học cách nói "xin lỗi" khi bản thân làm sai hoặc gây tổn hại về tinh thần, vật chất của ai đó. Mình học cách mĩm cười để mang lại cảm giác thoải mái nhất cho khách hàng. Học cách lắng nghe góp ý từ cấp trên, đồng nghiệp. Mình chủ động, ghi nhớ sở thích, thức uống của mỗi khách hàng. Hiểu được khách hàng cần gì và mong muốn gì khi lựa chọn dịch vụ của mình..

    Đặc biệt mình học được cách giải quyết nhanh các vấn đề khi gặp tình huống rắc rối xảy ra ngoài ý muốn. Ví dụ như nếu khách nói bạn trả thiếu tiền thì phải làm sao? , Khách oder nước, đã dùng nhưng chê dở và muốn đổi ly khác sẽ xử lý như thế nào? Tất cả điều đó đã dạy cho mình khả năng phản xạ rất tốt, nhanh nhẹn và nhạy bén hơn. Mình học cách bình tĩnh khi có rắc rối và cố gắng xử lý tốt nhất có thể để không gây thêm bất kỳ thiệc hại nào.

    4. Quản lý thời gian

    Thời gian đầu đi làm mình đã không cân bằng được viêc học, dẫn đến kết quả rất tệ. Mình không biết sắp lịch làm sao cho phù hợp, lịch học và lịch làm chồng chéo và sát nhau. Không có thời gian nghỉ ngơi, làm việc quả tải dẫn đến tình trạng mất sức và không thể học nổi. Cái giá phải trả là một điểm F to đùng trong bảng điểm. Nhờ vậy mà mình thức tỉnh, nhận ra đây cũng chỉ là công việc để trang trải việc học. Học hành mới là tương lai của mình nên mình đã nghiêm túc học cách quản lý thời gian.

    Trước khi chưa biết đến việc quản lý thời gian, mình làm mọi thứ rất lâu và có phần xáo rộn. Cùng một công việc nhưng các anh chị làm rất nhanh, còn có thời gian làm việc khác. Mình thì làm mãi một việc không hết. Sau khi học cách quản lý thời gian. Mình áp dụng vào chính công việc đang làm. Xác định danh sách các đầu việc cần làm, sau đó đặt thứ tự ưu tiên cho các công việc. Mọi thứ trở nên nhanh chóng hơn, kết quả là mình được nhiều người thích làm việc cùng, được tăng lương trong thời ngắn. Cân bằng giữa công việc làm thêm, đi dạy kèm vào buổi tối mà vẫn kéo được GPA. Dù tất cả chẳng là gì nhưng bản thân rất vui vì đó là kết quả đầu tiên cho sự cố gắng.

    5. Những mối quan hệ

    Có lẽ đây là điều mình quý trọng nhất trong 2 năm vừa qua. Ở đâu cũng sẽ có những mối quan hệ thật sự chất lượng nếu như bạn chân thành và biết cố gắng. Mình đã có rất nhiều mối quan hệ tốt từ các anh chị, các em ở chỗ làm thêm. Đến bây giờ dù không còn làm ở chỗ cũ nhưng vẫn giữ được mối quan hệ ấy.

    Mình đã gặp được người chủ và người quản lý thật sự có tâm và có tầm. Nhận được sự chỉ dạy tận tâm từng cái nhỏ nhất từ một đứa không biết gì đến thành thạo các công việc. Rồi học cách quan sát anh chị quản lý nhân sự, phát triển, tạo lòng trung thành và giữ chân tụi mình lại cửa hàng.

    Ngoài học hỏi mình còn nhận được rất nhiều sự yêu thương và giúp đỡ từ mọi người. Những buổi tiệc liên hoan, những lần ăn uống cùng nhau mỗi lúc hết ca làm. Và những lần đi chơi xa.. Vì xa nhà nên đã có rất nhiều lần mình xem tất cả mọi người như gia đình thứ hai. Mình luôn cảm thấy biết ơn và trân trọng tất cả mọi người.

    Đây là những trải nghiệm của cá nhân mình tích góp được sau 2 năm gắn bó với công việc này. Mình chia sẻ với hy vọng bài viết có thể giúp các bạn sắp bước vào giảng đường đại học có thêm cái nhìn về vấn đề này. Chỉ là quan điểm cá nhân nên khó tránh khỏi thiếu sót, mong các bạn thông cảm. Còn các bạn thì sao, các bạn nghĩ như thế nào về việc đi làm thêm? Cho mình biết câu trả lời với nhé.

    Cảm ơn tất cả các bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của mình.
     
  2. Đăng ký Binance
  3. Hương sad

    Bài viết:
    234
    Đi làm thêm không phải quan trọng chuyện tiền bạc mà để rèn luyện kĩ năng giao tiếp và có kiến thức nhiều hơn về cuộc sống xung quanh đó bạn. Ở trường đa số bn được học lý thuyết nhưng khi đi làm họ lại yêu cầu bạn về kĩ năng thực hành. Nghe thật vô lý nhỉ? Nhưng đó là sự thật đó bạn. Lúc phỏng vấn họ sẽ không hỏi bạn các câu hỏi tự luận hay trắc nghiệm như trong đề thi mà sẽ hỏi kinh nghiệm bạn đã có với nghề nghiệp mà bạn muốn xin làm. Nếu bạn nghĩ chỉ việc học mà không phải cọ sát gì với xã hội thì bạn nhầm rồi ý. Bạn cũng có thể tham gia các câu lạc bộ của trường để bản thân mình thêm năng động và hoạt bát hơn. Bên cạnh đó giao lưu với nhiều bạn bè cũng sẽ giúp bạn đỡ bơ vơ lúc gặp khó khăn này nọ. Nếu được làm việc gần giống với nghề của bạn sau này thì càng tốt, bạn sẽ dễ xin việc hơn vì đã nắm chắc kĩ năng cần thiết về nghề.

    Ừm, tâm sự với bạn vậy vì 4 năm đại học mình cũng hối hận vì không có đi làm thêm gì hết. Cũng chẳng tham gia câu lạc bộ nào. Khóa 2000 bọn mình 3 năm liền học onl vì dính côvit. Chỉ được mấy tháng là học trên giảng đường thôi. Còn năm 1 thì chưa đủ tự tin để đi làm. Giờ thì yếu về kĩ năng giao tiếp lắm. Mong bạn sẽ cố gắng để thuận lợi hơn về chặng đường phía sau.

    Covit như này chắc cũng phải hơn mấy tháng nữa mới ổn lại để sắp xếp mọi thứ về đúng vị trí của nó bạn ạ. Hi.
     
    giangphamhaGill thích bài này.
  4. Anhngan

    Bài viết:
    56
    Theo mình thì là sinh viên nên đi làm nhưng hãy tìm những công việc làm thêm phù hợp với bản thân để sau này ra trường có kĩ năng cơ bản. Kĩ năng cơ bản ở đây là gì?

    Chẳng hạn như mình hồi còn là sinh viên, mình có đi học thêm bên ngoài và ở chỗ mình học là một trung tâm mà ở đó các anh chị đều làm công việc liên quan đến máy tính, giấy tờ, nói chuyện với học viên.. Vậy nên trong lúc học xong nếu còn time thì mình xin giúp đỡ anh/chị ở đó các công việc mình có thể làm như photo tài liệu, đánh máy, dọn lớp học.. Làm việc như vậy mình thấy bản thân nhanh nhẹn, tự tin, thạo máy tính hơn. Như vậy mình cũng hình thành được kĩ năng cơ bản đó là tin học văn phòng, giao tiếp. Mình nghĩ đây là kĩ năng quan trọng bởi khi ra trường xin đi thực tập ở bất kì chỗ nào họ cùng yêu cầu các kĩ năng căn bản này.

    Về công việc phục vụ thì đây là công việc nhanh nhẹn và khá vất vả đôi khi cần ta phải khéo léo và kiên nhẫn nữa. Hồi đại học mình cũng đi làm thử công việc này nhưng không hợp, vì bản thân mình không thích ứng với môi trường đó.

    Quan trọng là bạn cần xác định được mình cần làm công việc gì để sau này ra trường nó giúp ích được cho bạn, tạo cho bạn những kĩ năng mà nhà tuyển dụng cần khi xin việc.
     
    giangphamhaGill thích bài này.
    Last edited by a moderator: 16 Tháng chín 2021
  5. Trà Lam

    Bài viết:
    46
    Đã có nhiều lúc mình suy nghĩ về việc có nên đi làm thêm hay không và cuối cùng sau khoảng một vài công việc trong 1 tháng đầu của năm nhất thì mình đã quyết định tập trung vào việc học, có một chị khóa trên đã chia sẻ với mình rằng: Việc đầu tiên mà bản thân em nên làm đó là ổn định tất cả mọi thứ, biết cách phân chia thời gian và tạo mối quan hệ với các bạn trong lớp cũng như nắm chắc được những kiến thức nền đầu tiên. Mình cũng đồng quan điểm với những comment trên, việc đi làm thêm nó cũng phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố khách quan và chủ quan nhưng. Mình vẫn nghĩ rằng năm nhất thì chúng ta hãy tham gia vào các clb trong trường, những workshop kỉ năng mềm và dấn thân vào nhiều nhiều hoạt động, nếu muốn đi làm thêm thì nên bắt đầu từ năm hai. Đó là ý kiến và trải nghiệm của cá nhân mình, chúc bạn bước vào giảng đường mới với nhiều điều tốt đẹp nhé!
     
    giangphamhaGill thích bài này.
  6. elfleda tidi

    Bài viết:
    21
    Bản thân mình đi làm thêm khá sớm. Sau khi lên đại học năm nhất thì mình cũng đã nhanh chóng ổn định lại và tìm kiếm việc làm thêm. Nhưng sau này mình mới nhận ra được rằng mình đang bị ảnh hưởng quá nhiều bởi việc làm thêm bên ngoài tới việc học và mối quan hệ với bạn bè trên trường. Cuối cùng mình nghỉ việc, tập chung cho việc học nhiều hơn, xây dựng những mối quan hệ với bạn bè, với các anh chị trong câu lạc bộ.. Suy cho cùng, việc có nên đi làm thêm hay không ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố khách quan cũng như chủ quan. Vậy nên, sinh viên nếu còn là năm 1 năm 2 thì nên tập chung cho việc học nhiều hơn, tham gia vào các clb của khoa của trường, học hỏi nắm rõ được những kĩ năng cần thiết và đặc biệt là về văn phòng tin học nữa nhé. Khi xây dựng đủ kiến thức nền vững chắc thì khi đó làm thêm sau cũng chưa hề muộn. Một chút ý kiến từ trải nghiệm thực tiễn của mình, chúc bạn sẽ tìm ra phương thức đi đúng đắn và nhận nhiều điều tốt đẹp nhé!
     
    Gill thích bài này.
  7. Ý muốn kể bạn nghe Ý muốn được tâm sự

    Bài viết:
    1
    Sinh viên nên đi làm thêm để bồi bổ thêm kiến thức ví dụ như kinh doanh. Nhưng mà làm thêm theo giờ thì được để không bị ảnh hưởng tới việc học nhé!
     
    Gill thích bài này.
  8. luongminhnguyet99

    Bài viết:
    1
    Xin chào!

    Theo mình, nếu làm thêm không ảnh hưởng đến việc học của bạn thì bạn nên làm vì:

    Thứ nhất, b sẽ có thêm thu nhập giúp cuộc sống dư giả hơn.

    Thứ 2, sẽ giúp b cải thiện kĩ năng mềm, kĩ năng mềm rất quan trọng trong công việc của bạn sau này.

    Thứ 3, sẽ cho bạn những trải nghiệm và những thứ mới mẻ mà ngồi ghế nhà trường bạn k có v. V..

    Còn nếu đi làm thêm ảnh hưởng đến việc học của bạn thì bạn k nên đi làm. Vì đối với sinh viên k có vc j quan trọng hơn vc học, vc học phải đặt lên hàng đầu.

    Mình xin hết. Chúc bạn may măn!
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...