Sao chổi là gì? Sao chổi là một thiên thể gần giống tiểu hành tinh nhưng không được cấu tạo từ đất đá, mà cấu tạo từ băng. Nó được các nhà khoa học miêu tả như một "quả bóng tuyết bẩn" vì trong thành phần nó chứa carbonic, metan, nước đóng băng lẫn với bụi và các khoáng chất. Sở dĩ nó được gọi là sao chổi bởi mang hình thù kì dị, đầu nhọn, đuôi to tương tự như cây chổi quét nhà. Cũng có đôi khi, có những sao chổi mang hai đuôi rõ rệt, có thể nhìn thấy bằng mắt thường, một đuôi ngắn hướng thẳng Mặt Trời, một đuôi dài nằm đối diện với Mặt Trời. Tại sao sao chổi có đuôi? Đuôi sao chổi là một phần của sao chổi, có thể quan sát thấy được dưới mắt thường khi sao chổi bay ở một cự ly gần Trái Đất. Kích thước đuôi sao chổi phụ thuộc vào kích thước hạt nhân. Tuy nhiên, cũng có một vài đuôi sao chổi khá mờ, mắt thường không thể nào nhìn thấy. Khi mới hình thành, sao chổi chỉ là một khối băng không phát ra ánh sáng và không có đuôi, được gọi là hạt nhân sao chổi. Khi sao chổi đến gần hệ Mặt Trời, bức xạ của Mặt Trời sẽ tạo thành quá trình thăng hoa hạt nhân sao chổi, tạo thành một lớp khí bao quanh. Trong quá trình sao chổi lao đi, các lớp bụi và khí bị bỏ lại phía sau, hình thành đuôi sao chổi. Sao chổi và sao băng khác nhau như thế nào? Sao chổi là một thiên thể gần giống tiểu hành tinh, có kích thước lớn hơn sao băng Sao chổi chuyển động quanh Mặt Trời, khi đến gần và chịu bức xạ của ánh sáng Mặt Trời sẽ hình thành nên đuôi sao chổi như đã nói phía trên. Còn sao băng chỉ là một vệt sáng khi thiên thạch di chuyển lao vào khí quyển Trái Đất, có đôi lúc sao băng chỉ là một mảnh vỡ của sao chổi và có tốc độ di chuyển nhanh hơn.