Sao chẳng về đây? Nguyễn Bính Lối đỏ như son tới xóm Dừa, Ngang cầu đã điểm hạt mưa thưa, (Xuân sang xao xuyến lòng tôi quá) Tôi đã xây tròn sự nghiệp chưa? Ở mãi kinh kỳ với bút nghiên, Đêm đêm quán trọ thức thi đèn. Xót xa một buổi soi gương cũ Thấy lệch bao nhiêu mặt chữ điền. Chẳng đợi mà xuân vẫn cứ sang Phồn hoa thôi hết mộng huy hoàng. Sớm nay sực tỉnh sầu đô thị Tôi đã về đây rất vội vàng. Ở đây vô số những trời xanh Và một con sông chảy rất lành, Và những tâm hồn nghe rất đẹp Từng chung sống dưới mái nhà tranh. Sao chẳng về đây múc nước sông Tưới cho những luống có hoa hồng? Xuân sang hoa nụ rồi hoa nở Phô nhuỵ vàng hây với cánh nhung. Sao chẳng về đây bắt bướm vàng Nhốt vào tay áo, đợi xuân sang, Thả ra cho bướm xem hoa nở Cánh bướm vờn hoa loạn phấn hương? Sao chẳng về đây có bạn hiền, Có hương, có sắc, có thiên nhiên Sống vào giản dị, ra tươi sáng Tìm thấy cho lòng một cảnh tiên? Sao chẳng về đây lục tứ thơ Hỡi ơi, hồn biển rộng không bờ Chùm hoa sự nghiệp thơm muôn thuở Thiên hạ bao nhiêu kẻ đợi chờ? Sao chẳng về đây, nỡ lạc loài Giữa nơi thành thị gió mưa phai Chết dần từng nấc, rồi mai mốt Chết cả mùa xuân, chết cả đời? Xuân đã sang rồi em có hay Tình xuân chan chứa, ý xuân đầy Kinh kỳ bụi quá, xuân không đến Sao chẳng về đây? Chẳng ở đây? Xóm Dừa, cuối 1944 Thơ và đời, NXB Văn học, 2003 Nguyễn Bính sinh ngày 13-2-1918, tức mồng ba Tết năm Mậu Ngọ với tên thật là Nguyễn Trọng Bính tại xóm Trạm, thôn Thiện Vịnh, xã Đồng Đội (nay là xã Cộng Hòa), huyện Vũ Bản tỉnh Nam Định. Cha Nguyễn Bính tên là Nguyễn Đạo Bình, làm nghề dạy học, còn mẹ ông là bà Bùi Thị Miện, con gái một gia đình khá giả. Ông bà sinh được ba người con trai là Trúc Đường, Nguyễn Ngọc Thụ và Nguyễn Bính. Bà Miện bị rắn độc cắn rồi mất năm 1918, lúc đó bà mới 24 tuổi. Để lại cho ông Bình ba đứa con thơ, khi đó Nguyễn Mạnh Phác mới sáu tuổi, Nguyễn Ngọc Thụ ba tuổi và Nguyễn Bính mới sinh được ba tháng Mấy năm sau ông Bình cưới bà Phạm Thị Duyên làm vợ kế (bà sinh được bốn người con, hai trai hai gái). Sao chẳng về đây là bài thơ hiện đại việt theo thể thơ 7 chữ. Viết trong hoàn cảnh Năm 1941 khi Nguyễn Bính vào Nam, lúc bấy giờ những bài thơ của Nguyễn Bính được độc giả Nam Bộ yêu mến, vì vậy có nhiều tờ báo thời đó mời Nguyễn Bính tham gia. Ông Hoàng Hữu Tiếp là chủ bút một tờ báo, đã đặt Nguyễn Bính làm một bài thơ cho báo mình để đăng trên số báo xuân năm đó. Bài thơ Sao chẳng về đây được ra đời. Bài thơ nói về sự lạc lõng khi tết đến xuân về của thi sĩ "Chân quê" Nguyễn Bính trong hoàn cảnh tha hương giữa chốn phồn hoa xa lạ. Làm ta nhớ đến một Thế Lữ theo đuổi nàng ly tao mãi mê không biết chán, đến khi trở lại Hà thành hoa lệ, nhà thơ lạ lẫm như "Anh Mán học làm sang.". "Để tôi sống cuộc đời riêng tôi Cuộc đời lang thang, giản dị nhưng mà vui Riêng cùng với nàng thơ làm bầu bạn Cái sung sướng phong hoa tôi đã chán" Khác với hồn thơ mới đầy bất lực của Thế Lữ, Nguyễn Bính cảm thụ vẻ đẹp tuyệt vời của làng quê truyền thống, cảm nhận giàu ẩn ý sâu xa của đời sống xã hội. Nhà thơ góp cho đời một bài học nhân văn, một vấn đề thuộc về bản chất đáng suy ngẫm. Những mùa xuân sau nữa, dù cho con người có sống đủ đầy đến đâu đi chăng nữa thì hẳn vẫn tồn tại những thiếu hụt nơi tâm hồn mỗi dịp Tết đến, xuân về. Khi ấy, những bài thơ xuân của Nguyễn Bính lại ngân vang như giai điệu muôn thưở, sưởi ấm những trái tim thành thị hướng về quê hương ấm áp lòng người.