Review Nhạc Sắc Màu (Trần Tiến) - Sự Giao Hội Giữa Thơ Ca, Nhạc, Họa Và Triết Học

Thảo luận trong 'Nhạc - Phim' bắt đầu bởi Cơn mưa đầu hạ, 1 Tháng mười 2021.

  1. Cơn mưa đầu hạ A Thụy

    Bài viết:
    8

    Không chỉ là một nhạc sĩ tên tuổi, Trần Tiến còn là một họa sĩ đại tài. "Sắc màu" của ông không chỉ bắt tai mà còn bắt mắt, không chỉ bắt mắt mà còn bắt tâm trạng. Những lời ca phối màu của nhạc sĩ đã mang đến cho thính giả đầy đủ các xúc cảm khác nhau:

    - Màu xanh chấm thêm màu vàng tạo thành màu hoang hoải.

    - Màu nâu nâu pha màu tím tím quyện thành màu thương yêu, vỗ về.

    - Màu xanh lam chấm thêm màu chàm chạm màu quá khứ sống còn, mất mát, hy sinh.

    - Màu trắng hòa cùng màu đen biến đổi thành màu tang thương, hoang vắng.

    Người nhạc sĩ, họa sĩ ấy tài hoa ấy đã vận dụng hết tất cả vốn liếng: Thơ ca – nhạc – họa để quán chiếu tư tưởng triết học về con người và vũ trụ. Mình được biết, khi nhạc sĩ Trần Tiến viết bài hát này là ông đang trong cơn thập tử nhất sinh. Chắc vì hoàn cảnh này ông thấm thía hơn ai hết về sự hữu hạn của đời người và sự bao la của vũ trụ.

    Vậy, tư tưởng về con người và vũ trụ trong nhạc phẩm "sắc màu" được nhạc sĩ Trần Tiến thể hiện như thế nào?

    - Vũ trụ là vĩnh hằng, con người là hữu hạn.

    - Con người chịu sự chi phối của ý chí vũ trụ.

    - Con người (vạn vật) trong vũ trụ tồn tại theo thời gian tuyến tính chu kỳ.

    - Bản chất thật sự của vạn vật chỉ là vô hình, không phải hữu hình.

    Vũ trụ vĩnh hằng, con người hữu hạn


    "Một màu xanh xanh, chấm thêm vàng vàng

    Một màu xanh chấm thêm vàng cánh đồng hoang vu".

    Nếu bạn đã từng ở trong thiên nhiên thì bạn sẽ thấm thía hơn bao giờ hết cánh đồng hoang tác giả khắc họa trong bài hát. Bằng tất cả trải nghiệm cá nhân, tác giả khắc họa một bức tranh thiên nhiên mênh mang, lạc lõng bằng 2 sắc màu cơ bản là xanh và vàng nhạt.


    [​IMG]

    Nguồn ảnh: Internet

    "Một màu xanh xanh, chấm thêm vàng vàng" . "Vàng vàng" là màu cuộc đời khô héo hay màu lụi tàn của thời gian? Bức tranh thiên nhiên rộng lớn lột tả không gian vô tận, thời gian mênh mông. Trước khung cảnh ấy, con người dường như bị nén nhỏ, nhỏ dần, nhỏ dần cho đến khi chỉ còn là hạt bụi, lọt thỏm bởi hư không. Bất kỳ ai trong hoàn cảnh này đều cảm nhận được sự choáng ngợp, sợ hãi và hoang hoải. Vũ trụ vĩnh hằng có thể nuốt chửng lấy ta bất cứ lúc nào.

    Ý chí của vũ trụ chi phối đời người

    Vũ trụ không chỉ vĩnh hằng, vô hạn mà còn có sức mạnh thao túng cực kỳ khủng khiếp – ở đây mình gọi là ý chí của vũ trụ. Ý chí này được nhạc sĩ khắc họa bằng một nét cong "một đường cong cong, nối bao đường vòng" .

    Con người từ khi sinh ra đã được gắn liền với vận mệnh, số phận nhưng ít ai tin điều đó. Con người luôn cho rằng họ là người tự quyết định cuộc sống của mình và tự hoạch định đường đi riêng cho bản thân. Nhưng cho dù lựa chọn con đường nào bằng cách đi hay chạy thì đến cuối cùng họ đều phải dừng lại. Khoảnh khắc dừng lại đó, nếu ngoảnh đầu nhìn lại, con người sẽ nhận ra, cho dù có đi bất kỳ con đường nào đi chăng nữa thì đó vẫn chỉ là con đường duy nhất.

    Ta đã cố gắng, nỗ lực biết mấy để tiến về phía trước mong muốn có tương lai nhưng lại bàng hoàng nhận ra, ngày cuối cùng ấy tương lai vẫn bước còn ta dừng lại, ta bị tương lai bỏ lại sau lưng. "Mọi con đường đều dẫn tới thành Rome", cuối cùng vẫn chỉ là cái đích đã được định sẵn ấy.


    [​IMG]

    Nguồn ảnh: Internet

    Cuộc đời của con người là những chặng đường vòng. Chúng ta mải miết bỏ thời gian, bỏ nỗ lực để hoàn thành hết đường vòng này đến đường vòng khác. Tuy nhiên, sự vô minh đã ngăn trở chúng ta hay biết, dù có miết mải như thế nào thì cũng không thoát được sự thao túng của vũ trụ. Những đường vòng ta đi đều được bao chứa trong một đường cong ý chí của tạo hóa. Ta có cố giãy dụa như thế nào thì cũng không thể tiếp điểm được với đường cong kia.

    Sự chi phối của vũ trụ không chỉ thể hiện ở không gian mà còn được thể hiện ở thời gian. Con người từ khi sinh ra đã được định sẵn sẽ chết đi. Bất kỳ ai, bất kỳ sinh vật nào tồn tại trong cõi thực này đều không thể thoát được vòng tuần hoàn sinh tử này.

    "Một màu xanh xanh, chấm thêm vàng vàng" . Màu xanh đại diện cho sự sinh sôi, nảy nở. Màu vàng đại diện cho sự héo úa, lụi tàn. "Một màu đen đen, một màu trắng trắng, chiều hoang vắng chiếc xe tang đi vội vàng". Ở đây nhạc sĩ đã tả rất thực. Chúng ta đến từ đâu thì chúng ta sẽ trở về từ đó. Để tồn tại ở cõi tạm này, ta đã mượn hình hài, ta đã mượn "dinh dưỡng". Vậy nên khi rời đi, ta cần phải gửi trả lại tất cả.

    Con người tồn tại trong thời gian tuyến tính theo chu kỳ

    Theo nhận thức hữu hạn về cuộc sống, con người chúng ta đang tồn tại trong thời gian tuyến tính. Cuộc đời con người vốn dĩ là một đường thẳng: Sinh ra, lớn lên và chết đi. Con đường này luôn tịnh tiến từ quá khứ, đến hiện tại và tương lai.

    "Một màu xanh xanh, chấm thêm vàng vàng

    Một màu xanh chấm thêm vàng cánh đồng hoang vu

    Một màu nâu nâu, một màu tím tím

    Màu nâu tím mắt em tôi ôi đẹp dịu dàng.

    Một màu xanh lam, chấm thêm màu chàm

    Thời chinh chiến đã xa rồi – sắc màu tôi yêu

    Một màu đen đen, một màu trắng trắng.

    Chiều hoang vắng chiếc xe tang đi thật vội vàng".

    Với con mắt nhìn cuộc sống đơn giản, những vần ca này đang mô tả 3 giai đoạn của đời người: Niên thiếu, trưởng thành và già cả. Thời niên thiếu lớn lên ở miền quê hoang vắng ôm niềm tương tư với cô hàng xem mắt nâu tím trong veo, dịu dàng. Trưởng thành xông pha lập thân, lập nghiệp, gạt bỏ màu mắt nâu tím, gạt bỏ cánh đồng hoang. Về già, hồi tưởng và nuối tiếc thời niên thiếu đã qua, bỏ lỡ nhiều màu sắc đã làm mình từng yêu mến.


    [​IMG]

    Nguồn ảnh: Internet

    Tuy nhiên nếu nhìn những lời ca này bằng con mắt có "luân xa" hay bằng con mắt của người đã từng đi qua cửa tử thì thời gian có tính chu kỳ, lặp đi lặp lại. "Một đường cong cong, nối bao đường vòng", trải qua bao nhiêu con đường rồi chúng ta cũng sẽ quay về điểm bắt đầu của đường cong và tiếp tục tái diễn những con đường đó. Con người đến với thế giới này từ hư không và cũng trở về với hư không. Kết thúc "chiều hoang vắng" con người chúng ta sẽ đến với "cánh đồng hoang vu" để tiếp tục một chu kỳ tiếp theo của một kiếp sống mới. "Hoang vắng" và "hoang vu" là điểm chuyển tiếp giữa những chu kỳ.

    Bản chất của vạn vật là vô hình

    Não bộ của con người là một bộ phận bí ẩn và phức tạp. Não bộ có thể xử lý và lắp ghép những mảng hình ảnh rời rạc mà chúng ta nhận thức được thành một sự vật hoàn chỉnh, mà thật ra không phải chính nó. "Chúng ta có hình ảnh về sự vật, nhưng đó chỉ là những biểu hiện bên ngoài của chúng chứ không phải là chính bản thân sự vật. Con người không thể nhận thức được". Điều này được thể hiện qua những lời ca sau:

    "Một đường cong cong, nối bao đường vòng

    Họa người dưng nhớ khuôn mặt bắt hình dong

    Rồi một đêm chơi vơi, làm sao vẽ bóng tối

    Làm sao vẽ cánh hoa đêm không màu".

    Chúng ta nhận thức được hình ảnh của sự vật là bởi ánh sáng phản chiếu lên chúng. Hình ảnh chúng ta nhận thấy đó chỉ là hình ảnh ảo. Khi ánh sáng mất đi, sự phản chiếu không còn nữa. Con mắt hữu hạn của ta không còn thấu suốt sự vật. Ta mất đi nhận thức và hiểu biết về sự vật đó.

    "Bóng tối" sẽ mất đi nếu ánh sáng soi rọi vào. Bóng tối là một thực thể vô hình hay hữu hình khổng lồ? Hình dạng của bóng tối ra sao? Ta không thể nhận biết được điều đó bởi vì ta thiếu ánh sáng minh triết.

    Không có ánh sáng phản chiếu, chúng ta không thể thông suốt về vạn vật xung quanh mình. Vậy nên ta không thể họa được "cánh hoa đêm không màu". "Cánh hoa đêm không màu" là một sự vật vượt qua tầm nhận thức vật chất hữu hình hữu hạn của ta. Vạn vật tồn tại trong ánh nhìn của ta chỉ là ảo ảnh thì nhận thức ta hiện hữu cũng chỉ là ảo ảnh mà thôi:

    "Một đêm nhớ nhớ, nhớ ra mình một mình

    Một đêm nhớ, nhớ ra mình đã ở đâu đây

    Một đêm trong đêm thâu, một vầng sáng chói lóa

    Một đêm nhớ nhớ ra ta vô hình".

    Khi nghe đến những lời ca này, mình liền nghĩ ngay đến các hiện tượng chết lâm sàng hay hiện tượng đầu thai. Đây là các hiện tượng đang được các nhà tâm lý học, tâm linh học nghiên cứu. Khi lời ca này cất lên, mình đoán nhạc sĩ có thể đã trải qua cảm giác đó hoặc cận kề cảm giác đó.

    Những người trải qua cái chết lâm sàng phần lớn đều có chung một nhận thức: Họ bước vào một đường hầm tối tăm và bước ra ở một nơi có ánh sáng chói, nơi đó họ không nhìn thấy được gì, chỉ cảm nhận được hơi hạnh phúc. Một số ít khác, khi bước qua đường hầm họ đi đến một cánh đồng đầy hoa, hoặc cánh đồng xanh vàng, một số ít thì bước vào biển cả. Nếu là cánh đồng xanh vàng thì ta phải lật ngược lại hình ảnh cánh đồng hoang vu ở đầu bài hát mà nhạc sĩ đã nhắc đến. Nếu là vậy, thì đây cũng thể hiện quan điểm thời gian tồn tại mang tính chu kỳ mà luận điểm trên đã nhắc tới.

    Nghe bài này rất nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên mình nghiêm túc đầu tư thời gian để suy ngẫm về nó. Bằng hết sức bình sinh, mình vận dụng tất cả những tri thức mình học được từ triết học, vật lý, tâm lý cho đến tâm linh tôn giáo để "định dạng" ý nghĩa bài hát này theo góc nhìn của mình.

    Cuộc sống thật phức tạp và khó hiểu. Đôi khi ta tưởng rằng ta là người nắm rõ và quyết định mọi thứ nhưng thật ra ta chẳng được quyền quyết định điều gì.
     
    Diệp Minh Châu thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 1 Tháng mười 2021
Trả lời qua Facebook
Đang tải...