Rửa tiền là gì? Rửa tiền gắn liền với khái niệm tiền tệ và ngân hàng, chúng bắt nguồn từ xa xưa, cụ thể là thời cổ đại. Rửa tiền xuất hiện lần đầu tiên khi những cá nhân giấu diếm tài sản trái phép để tránh bị nhà nước đánh thuế, bị tịch thu tài sản hoặc kết hợp cả hai tình huống trên. Họ lấy đồng tiền phi pháp hô biến thành tài sản mà các cơ quan công quyền không thể truy ra nguồn gốc được. Sau khi tiền được "làm sạch" có thể được sử dụng trong nền kinh tế chủ đạo dưới các hình thức tích lũy tài sản, chẳng hạn như mua bán bất động sản, đầu tư dự án, công trình, đầu tư chứng khoán, tiết kiệm hoặc dùng cho chi tiêu khác. Các tổ chức tội phạm và cá nhân tham nhũng luôn muốn che giấu nguồn gốc của khoản tiền thu được từ những hoạt động bất hợp pháp dưới mọi hình thức để không gây nghi ngờ cho các cơ quan thực thi pháp luật. Do vậy các khoản tiền sau khi được rửa sẽ được cất dấu, phân chia thật cẩn thận và sử dụng theo các chiến lược "an toàn" sao cho không để bị phát giác. Trường hợp tiền đã rửa là trường hợp rất nguy hiểm, bởi các tổ chức tội phạm và cá nhân tham nhũng đã che giấu nguồn gốc cẩn thận, an toàn. Các đơn vị chức năng sẽ khó lòng phát giác cũng như nghi ngờ về khoản thu đó được. Những đối tượng thực hiện rửa tiền - Các tổ chức khủng bố - Những người buôn lậu (ma túy, vũ khí, lao động bất hợp pháp) - Những đối tượng tham nhũng - Những người muốn trốn thuế, các đối tượng muốn giữ kín thu nhập thật sự.. Quy trình rửa tiền Giai đoạn chuẩn bị, sắp xếp (Placement) : Các tổ chức tội phạm sắp xếp, tìm phương cách tốt nhất để đưa các khoản tiền có nguồn gốc từ hành vi phạm tội vào hệ thống tài chính. Đây là bước chuẩn bị đầu tiên hoàn hảo để bắt đầu một chuỗi những sự kiện phạm pháp phía sau. Giai đoạn này rất dễ bị phát hiện, dễ bị tóm gọn nhất nếu có sơ hở. Giai đoạn phân tán (Layering) : Sau khi các khoản tiền được đưa vào hệ thống tài chính, chúng sẽ được chuyển đổi qua lại. Lúc này, tiền đã không còn là tiền bẩn, bởi chúng đã được tráo trộn qua các ngân hàng, các quốc gia, đầu tư dự án, mua bán qua lại. Vì thế, việc che giấu nguồn gốc của tài sản trở nên an toàn 1 phần. Giai đoạn quy tụ (Integration) : Sau phân tán là quy tụ, tiền được rút ra, chính thức nhập vào nền kinh tế hợp pháp. Cuối cùng, chúng có thể được sử dụng cho tất cả các mục đích mà không bị phát giác Hậu quả Việc rửa tiền cần được nghiêm khắc bài trừ, tuyệt đối ngăn chặn đề phòng, bởi chúng sẽ gây ra nhiều hậu quả như: - Rửa tiền gây lãng phí nguồn lực kinh tế của xã hội, chúng bóp méo một cách nghiêm trọng sự phân bố của các nguồn lực này. Từ đó, chúng khiến cho quốc gia không thống kê được số liệu chính xác, làm đất nước không thể phát triển, đi lên. - Làm sai lệch các thống kê về kinh tế trên bảng thống kê chung của thế giới. - Làm ảnh hưởng, tạo ra sự bất công và làm chao đảo sự tín nhiệm của xã hội vào các thị trường tài chính. Những vụ rửa tiền gây chấn động Vận chuyển hàng hóa, tiền tệ trái phép qua biên giới với số tiền gần 30.000 tỷ đồng Vào ngày 25/9/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Công an TP. Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố đối với 6 bị can gồm: Phạm Anh Tuấn, Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Thị Nguyệt, Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Văn Thực, Nguyễn Thị Hà về tội "Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới", quy định tại Điều 189 Bộ luật hình sự. Kết quả điều tra ban đầu xác định, Nguyễn Văn Thắng cùng đồng phạm thành lập nhiều công ty để làm thủ tục hồ sơ tạm nhập tái xuất lợi dụng vận chuyển hàng hóa, tiền tệ trái phép qua biên giới với số tiền gần 30.000 tỷ đồng. Chuyên án đang được tiếp tục điều tra mở rộng. Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường bị khởi tố về tội "Rửa tiền" Năm 2019, vụ án số 27/C03-P14, xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường), ngày 14/5/2019, Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố 10 bị can về các tội danh khác nhau gồm "Buôn lậu" theo Điều 188 Bộ luật hình sự năm 2015 và tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng". Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã ra quyết định truy nã đối với Bùi Quang Huy (sinh năm 1974, trú tại chung cư Golden WestLake, 151 Thụy Khuê, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội), Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường. Standard Chartered bị cáo buộc giúp Iran rửa 250 tỉ đô la Ngân hàng Standard Chartered có trụ sở đặt tại London (Anh) và mạng lưới chi nhánh ở hơn 70 nước. Năm 2012, ngân hàng này bị Cơ quan Dịch vụ tài chính bang New York (DFS) cáo buộc hỗ trợ chính phủ Iran lách các quy định chống rửa tiền của Mỹ để tiến hành 60.000 giao dịch rửa tiền thông qua hệ thống ngân hàng Mỹ với tổng giá trị 250 tỉ đô la trong giai đoạn 2001-2007. Tháng 8-2012, Standard Chartered chấp nhận nộp phạt 340 triệu đô la cho DFS và đồng ý khắc phục các vấn đề tuân thủ chống rửa tiền để khép lại vụ điều tra rửa tiền này. Ít tháng sau đó, Standard Chartered đồng ý nộp phạt 327 triệu đô la cho Bộ Tư pháp Mỹ và DFS để dàn xếp vụ ngân hàng này bị điều tra với cáo buộc rửa tiền thay mặt các khách hàng ở Iran, Sudan, Libya và Myanmar, những nước đang bị Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt vào thời điểm đó. Đến năm 2014, Standard Chartered lại chấp nhận nộp phạt thêm 300 triệu đô la cho DFS vì không thực hiện cam kết khắc phục các vấn đề tuân thủ chống rửa tiền trong thỏa thuận nhận tội vào năm 2012. Đến tháng 4-2019, Standard Chartered đồng ý nộp phạt hơn 1 tỉ đô la cho các cơ quan quản lý ở Mỹ và Anh để chấm dứt các vụ điều tra nhằm vào ngân hàng này với cáo buộc giúp các khách hàng ở Iran, Myanmar, Cuba, Zimbabwe, Syria, Sudan xử lý 9.335 giao dịch rửa tiền trị giá 437, 6 triệu đô la trong giai đoạn 2009-2014. (Nội dung được tổng hợp từ nhiều nguồn, có chỉnh sửa)