Tự Truyện: Rốt cuộc thì tôi muốn cái gì Tác Giả: KoJoong Nội dung: Nhật kí của một kẻ không có ước mơ. Sử dụng ngôi kể thứ nhất, tự truyện "Rốt Cuộc Thì Tôi Muốn Cái Gì" xoay quanh về quá khứ và hiện tại của nhân vật chính Lột tả tâm lí rối bời, nỗi khổ tâm của nhân vật.
Tập 1: Dở dở ương ương. Bấm để xem "Dở dở ương ương" Có thể một số các bạn ở đây không hiểu cụm từ này, hoặc đã hiểu nhưng không hiểu tại sao tôi lại sử dụng cụm từ này cho chương truyện đầu tiên của tôi. Thì đại loại cái cụm từ "dở dở ương ương" ấy ám chỉ cho một sự việc lở dở chả đến đâu, một câu chuyện hoặc một con người khó hiểu mà không ai có thể đoán trước được và hiểu được. Nói cho dễ hiểu hơn thì khi mà con người ta gặp một câu chuyện ngoài dự đoán hay gặp một con người khác kì cục mà không thể hiểu được thì người ta sẽ thở phào mà mắng rằng "Dở dở ương ương" Còn về cái việc tại sao tôi lại mạn phép dùng cụm từ đấy để làm tiêu đề mở bài cho quyển nhật kí này thì chắc là do tôi thấy nó khá hợp với tôi. Đúng vậy! Cái cụm từ ngớ ngẩn ấy đã bám theo tôi từ bé cho đến tận bây giờ. Đầu tiên là chính cái tên "dở dở ương ương" hay chính xác hơn là cách đặt tên "dở dở ương ương" của bố mẹ đặt cho tôi. Chả là lúc mang bầu tôi thì bố mẹ hay đi ăn tiệm bún Phi Long. Vì tiệm bún này rất ngon và vì công việc bận rộn nên không có thời gian nấu nướng nên hai vợ chồng thường xuyên ra đây ăn cho tiện. Chả hiểu sao bố lại thích cái tên Phi Long và quyết định đặt cho tôi cái tên đấy. Sau này tôi hỏi lại thì bố bảo một phần là do bố thấy cái tên đó đẹp cũng một phần đặt tên như thế để sau này nhìn tôi bố mẹ vẫn nhớ cái kỉ niệm của hai vợ chồng với quán bún thuở xưa. Ôi thì như vậy nó cũng bình thường đi. Chứ nhưng mà cái "dở dở ương ương" là sau này lúc một hai tuổi tôi lại ốm triền miên. Đem hết phòng khám này đến bệnh viện kia cũng không có tiến triển. Thế là bố mẹ tôi đành đi xem thầy xem tôi có bị ai quấy phá không. Cũng chả biết là thầy cao tay hay trùng hợp mà ông thầy phán rằng tôi bị vong theo, thầy dạy là phải về thay tên đổi họ cho tôi rồi gửi về họ hàng hay ông bà nuôi giữ. Thầy bảo do nhà mày họ Nguyễn Văn mà cái cớ sự gì chúng mày đặt là Nguyễn Phi cho các cụ ở dưới trách cứ mà không bao bọc cho cháu, thôi thì thầy cho chúng mày cái tên Nguyễn Văn Bảo về đặt lại cho cháu mà dặn dò người thân từ nay gọi cháu bằng Bảo cho ở dưới hài lòng mà chở che. Sau này nó lớn lên đổi lại thành Phi Long cũng không muộn. Và thế là từ suốt cái thuở bé tôi được gọi lại Bảo. Sau này do cũng quen cùng với cái tính "Dở dở ương ương" của tôi mà gặp bạn mới hay người lạ tôi đều giới thiệu một mạch cả hai tên Tạm gác lại cái tên, cái cuộc đời của mỗi người thì muôn vàn tình huống muôn vàng câu chuyện cùng kề với nhiều cảm xúc khác nhau. Có những chuyện mà con người ta nhớ hằn sâu trong trí óc, vẫn có những chuyện mà họ quên bặt đi khi nào không hay. Âu có cái chuyện tuổi thơ là ví dụ, có người bảy tám mươi tuổi ngồi kể với bạn cờ chuyện từ thuở cởi truồng tắm mưa mà như mới hôm qua, cũng có người tuy mới đôi mươi ba mấy mà sau này phải nghe mẹ kể mới ngỡ nàng và bật cười với sự ngây thơ của mình hồi bé. Riêng tôi thì chỉ nhớ được những sự kiện của bản thân từ khi lên năm lên sáu đến bây giờ, còn những chuyện thuở mới lọt lòng thì hầu như ai cũng phải nằm nghe mẹ kể vài lần mới biết. Ngày 28/12/2003 âm lịch (tức ngày 16/1/2004) Trong cái tiết trời lạnh những ngày cuối đông ở vùng quê nghèo thuộc bắc trung bộ, gió lạnh vẫn rít vào người từng cơn từng cơn một, ai nấy đều run lên bần bật. Có người nhìn lên trời mà mắng vui rằng "- Mẹ tiên sư cha nó chứ, trời với chả đất. Một năm có 12 tháng thì ông trời dành ra 6 tháng để hầm chín bọn này, bẵng đi được hai ba tháng để cho nguội thì nhét thẳng vào tủ đông để bảo quản, rồi lại lôi ra để hâm nóng tiếp. Cứ lặp đi lặp lại kiểu này thì mấy cụ già trong làng chầu trời sạch. Có người tiếp hứng đáp lại" – ôi mà cũng chết đi cho cho khỏe thân khỏe con cháu, Chứ có vài cụ cứ dai dẳng nay ốm mai bệnh, nào là mất tiền mua thuốc, nào là mất công nuôi bệnh, bỏ công bỏ việc ra đó. Cơ mà quái lạ trời nó khắc nghiệt như thế mà vẫn không kìm được mồm của mấy con mụ xồn xồn trong xóm mơi hay. Đông hay hè thì mới tưng hửng sang đã nghe choe chóe ngoài đầu ngõ ấy. Nói đoạn thì họ cùng nhau cười đùa hớn ha hớn hở, kẻ thì đi chợ mua đồ tết. Kẻ thì vội vã sắm câu đối với chả hoa. Cận tết mà. Tết chưa kịp đến mà trong lòng ai nấy đều rộn ràng như tết. Nào là con ông này đi làm ăn xa về ăn tết với gia đình. Nào là mẹ con nhà bà kia mới bán hết được quầy hoa quả mà mồm cười toe toét dắc nhau ra mua sắm. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, buồn nhất có lẽ là nhà bà Năm khi mà nhà bà vừa lo hậu sự cho chồng vào khoảng hai mươi hai mốt. Nghe đâu cả gia đình cố gắng chạy chữa bồi bổ nào là thuốc xịn, nào là nhân sâm để cho Ông Năm gắng gược được mà ăn cùng con cháu cái tết nhưng mà không được. Không khí trong nhà ảm đạm, được cái con cháu tề tựu đông đủ mà hàng xóm cũng thương tình. Người góp ít quà thảo, người góp ít tiền thơm nên cũng được an ủi đến phần nào. Kể cũng ấm cái tình làng nghĩa xóm, buổi sáng dân làng họ sang nhà bà năm giúp bà dọn dẹp nhà cửa rồi là trang trí sơ cua cho nó có cái không khí tết. Buổi chiều họ lại xúm nhau lên trạm xá mà thăm mà hỏi, chả là trong cái không khí âm cúng của mọi người thì dân làng đang háo hức để đón một thành viên mới, thấy bảo gáng mà nhịn được đến tết đẻ thì khéo cơ mà nay mới 28 mọi người đã truyền tai nhau là con dâu nhà bà Thường (bà nội tôi) đẻ khi trưa. Thế là người cân đường, người hộp sữa đến trạm xá mà góp vui. Mới đứng trước cửa phòng mà đã nghe thấy mùi than thoang thoảng cùng tiếng khóc the thé. Vào thì nhìn thấy thằng bé đỏ hỏn nằm gọn trong tay mẹ. Trông ai cũng bảo là thằng này nó lanh lợi, vừa mới chui ra khỏi ổ mà đã nghịch ngợm cựa quậy đạp tung hết cả bỉm với cả chăn. Có bà thì cười cười mà trêu nhà tôi rằng "– Ôi nhìn cái thằng cu nó lạ, nhìn kĩ mặt thì nó chả giống bố mà cũng không giống mẹ. Mà nhìn cái mặt tròn tròn giống y chang con o (em ruột của bố) nhà nó chứ lị." Bà tôi cũng nhìn khuôn mặt nhỏ ti tí của tôi mà xác nhận "- Ừ thì công nhận nó giống thật. Chứ nhưng mụ đừng có nói toẹt ra thế, nhiều người họ hâm hâm họ lại hiểu nhầm" Thế là kẻ nói người cười, cái trạm xá cứ thế mà rộn ràng như thể là mọi người ăn tết sớm vậy Đấy, theo lời bà tôi kể lại thì tôi được sinh ra như thế, nghe thì cũng vui, cũng nhận ra được một chút không khí ấm áp của dân làng. Chỉ có điều sinh cận tết như thế thì sinh nhật năm nào cũng được ăn bánh chưng, mà ba cái dòng bánh chưng. Ăn một miếng thì them chảy dãi ra, ấy mà ăn tầm dăm sáu miếng là nó mắc ngang trong họng, thì kể cũng chẳng có gì to tát cả. Cái dở dở ương ương ở đây là cái cách mà bố mẹ dùng ngày sinh của tôi. Ngày sinh thành của tôi là ngày 28/12 âm lịch, mà thời bây giờ làm chứng mình hay làm giấy khai sinh thì họ đều lấy ngày dương cả, kể cả sinh nhật cũng thế. Cái buồn cười là ở đoạn bố tôi đi làm giấy khai sinh, đầu thì được mẹ được vợ dặn rõ ràng ràng là ngày 16/1/2004 ấy thế mà vào nơi tay lại viết 16/1/2003. Gặp bên làm giấy khai sinh cũng dơ dở, bố tôi viết số một "rõ ràng ràng" ra như thế mà nhìn ra số 9. Đó là lí do mà ngày sinh của tôi ở trong giấy khai sinh hay mọi giấy tờ quan trọng sau này đều là 16-09-2003. Vã nghiễm nhiên là tôi phải đi học sớm hơn một lớp, haizzz cái sự đời nó dở dở ương ương, bạn bè hay người mới gặp thì làm sao biết được cái sự tình như thế. Mà kể cũng sướng, trên đời này mấy ai lại có cái kiểu một năm được tổ chức sinh nhật đến ba lần như tôi không. Nói lại bảo điêu, hồi cấp một tôi học ở quê, tuy học ở vùng quê nghèo trường học cũng không được đầy đủ khang trang lắm nhưng mà học sinh thì ngoan và thân thiện, ấy là tôi nói cái hồi cấp một nhé, chả thế mà trong lớp tụi nó rủ nhau giấu cô giáo lục danh sách lớp ra để mà tìm ngày sinh của từng đứa, rồi đến sinh nhật của ai thì mỗi đứa góp vào một hai nghìn lẻ ra thành hai ba chục mà mua kẹo bánh tổ chức sinh nhật Tôi cũng không ngoại lệ, chỉ khác là cái lúc chúng nó bất ngờ tổ chức cho tôi một cái sinh nhật như thế thì tôi lại cười thầm trong lòng, lâu lâu nghĩ lại thấy có lỗi vì mình đã "Ăn gian" Rồi đến hôm mười sáu tháng một thì được bố chở đi ăn quán đi mua đồ chơi. Xong khi về quê chuẩn bị đón tết, tết chưa kịp đón mà đêm 28 mọi người đã quây quần bên mâm bánh chưng mà hát khúc hát mừng sinh nhật cũng vui phải biết. Sau này nghĩ lại mà ước, mà thèm được quay về cái quãng thời gian vui vẻ ngắn ngủi ấy. Lạị kể về gia đình của tôi. Ông bà tôi sinh được năm người con hai trai ba gái. Bố tôi là con thứ hai, nhưng vì người con đầu là nữ nên bố tôi lại là anh trai cả. Lại nói về cái tục thuở xưa khi mà các cụ vẫn hay quan niệm con trai đầu sau này phải có trách nhiệm nối dõi dòng tộc. Phải trông nom bố mẹ già và lễ lộc hương khói cho gia tiên. Ấy thế mà bố được ông bà hứa rằng khi mất sẽ để lại toàn bộ nhà cửa đất đai và cái trọng trách "con trai trưởng" cho bố. Và sau này lại đến "cháu đích tôn" là tôi. Sau này nằm nghe bà kể lại thì biết, hồi đó bố tôi tuy là thông minh hơn người. Nhưng tính tình lại nghịch ngợm phá phách, được cái ông tôi hồi xưa nghiện rượu. Mà ai chả biết cái sự đáng sợ của ma men từ thơi xưa đến nay. Ấy thế là sau vài lần thầy giáo đến nhà thì ông tôi đã bắt bố tôi nghỉ học khi bố tôi vừa lên lớp bảy. Không được đi học, mà hồi xưa ông bà thì bận làm hàng làm kẹo để bán cũng chả trông nom được nhiều. Chị em của bố tôi đi học, có hôm nghỉ thì phụ ông bà làm kẹo làm hàng, chỉ riêng bố tôi đi chơi suốt ông bà cũng kệ, khi nào tức quá thì đánh cho bõ tức. Cái chuyện đánh con thời xưa là chuyện cơm bữa, có những lỗi nhỏ nhặt nhưng bị đánh đến lằn hết cả người ngợm là chuyện bình thường. Thì cũng do cái cảnh đời nông thôn nghèo, người lớn thì bận bịu làm lụng vất vả không có thời gian trông nom các con. Mà con nít thì có mấy đứa mà hiểu chuyện, mấy đứa khôn ngoan thì được thương còn đứa nào nghịch ngợm thì chỉ có làm bạn với đòn roi suốt tuổi thơ mà sau này lớn lên còn ám ảnh. Bà tôi hồi đó nổi tiếng nhất trong vùng là tính nóng. Để ví cái tính nóng của bà tôi thì giống cái việc đốt lửa gần thùng dầu thì chỉ có hôm cháy nhà. Đời thời xưa đã nghèo thì chớ, đã đông con thì chớ, mà ngặt cái ông tôi hồi xưa nghiện rượu nghiện đến mức mà ngày nào cũng say khướt. Mà say thì cũng trăm ngàn cái kiểu say, có người say xong thì ngồi khóc cha khóc mẹ, có người say thì mắt không mở được mà ngủ bất kể địa điểm, có người say xong thì nôn thốc nôn mửa mà ôm gục trong nhà cầu cả đêm. Ông tôi thì thuộc cái kiểu say nhưng tỉnh, có nghĩa là say nhưng mắt vẫn trừng trừng mà tay chân vẫn cứng cáp mà đánh vợ đánh con thành thử gia đình tôi thuở ấy ngày nào cũng nghe tiếng chửi tiếng đồ đạc inh ỏi. Lâu dần thì cũng thành quen, bà tôi từ một cô thiếu nữ dịu dàng thành một "em gái của Trương Phi" lúc nào không hay. Bà kể cho đến khi bố tôi được mười lăm, thì nghe qua lời giới thiệu của họ hàng anh em rủ vào trong miền nam mà làm ăn mà lập nghiệp. Hồi đó bà còn hàng còn hóa, còn nhà còn cửa nên bà không muốn đi thế nên là đành để ông cùng bố tôi, chú (em trai bố) và bác cả (chị gái bố) đi. Âu thì khi ở nhà lục đục là thế, nhưng mà lúc đi cũng rưng rưng, cũng nhớ. Cũng hẹn cũng hứa cho một tương lai sáng hơn. Ấy thế mà đời nó co bao giờ như mơ dâu cơ chứ. Nhớ cái hôm bà kể đến đó thì ngưng một nhịp, thở ra một hơi dài buồn rười rượi rồi rưng rưng nước mắt
Tập 2: Cái thất bại của người lớn Bấm để xem Hồi đó, bố tôi đi làm được ba bốn năm thì gọi điện báo tin về cho bà là con sắp dẫn vợ về ra mắt, sắn cưới xin mà sang năm sanh cho ông bà một thằng cháu đích tôn. Thoạt đầu nghe vậy thì bà cũng nửa bất ngờ mà nửa vui, ai đời nghe cái tin hệ trọng của cả cuộc đời con nó thế mà không vui cho được, chỉ tội bố tôi khi đó mới mười chín tuổi còn trẻ người non dạ quá nên lo là có con cái sớm thì khổ, ấy mà họ hàng anh em khuyên nhủ rằng bố tôi tuy trẻ nhưng cũng ra đời làm lụng bốn năm rồi nên còn có tí gọi là trải đời nên bà cũng yên bụng đôi chút. Ôi ước gì mọi chuyện nó êm đẹp như thế, chỉ là khi bà gặng hỏi ra mới biết. Mẹ tôi nguyên quán ở Sóc Trăng, ở cái miền quê mà hồi đó còn chằng chịt kênh rạch và sông nước, cơ mà khổ là bà tôi chúa ghét cái dân Miền Tây. Ở thế hệ của bà người đời hay truyền miệng nhau là dân miền tây siêng ăn nhác làm, con trai thì theo Ngụy mà bán nước. Còn con gái thì phấn son lòe loẹt làm điếm cho bọn Mỹ mà có tiền để ăn chơi. Tuy chưa từng đặt chân đến, tai nghe nhưng mắt chưa thấy thì bà cũng một lòng một dạ tin vào cái quan niệm cổ hũ ngày xưa thế nên là bà không nhận mẹ tôi. Bố tôi biết không thể dấu được bà mãi. Nhưng mà đã trót thương trót gửi gắm cái giọt máu của mình cho mẹ tôi nên vẫn cứ làm liều mà dẫn về quê ra mắt. Rồi đòi tổ chức cái đám cưới đàng hoàng cho mẹ tôi. Thì cưới cũng được cưới, ấy nhưng mà vì vị trí địa lý xa xôi nên đằng nội từ chối vào đằng ngoại mà đằng ngoại cũng từ chối về đằng nội nốt. Ấy thế là gia đình chỉ đành miễn cưỡng mà tổ chức đám tiệc nhỏ mà mời họ hàng anh em bên nội đến chung vui. Có điều sau cùng thì vẫn không thể gạt bỏ cái ác cảm của bà với mẹ tôi. Lại nói mẹ tôi thời đó, cái tuổi con gái mới tròn mười tám, về làm dâu đất khách quê người còn nhiều điều bỡ ngỡ thì trăm cái vụng về nghìn cái sai sót. Đối diện với sự ác cảm của mẹ chồng mà them phần tủi thân. Càng nghe kể thì càng thương mẹ vô cùng, nhưng cũng không thể trách hay ghét bà được chỉ trách là trách cái quan niệm cổ hủ kia, hay trách là "trách" một tình yêu cố chấp vượt mọi chông gai mà tồn tại đến tận bây giờ. Sau khi tôi được sinh ra thì được bố mẹ đưa vào nam chăm sóc, đến khi lên ba vì đau ốm triền miên nên theo lời ông thầy bói dặn mà bố mẹ chuyển tôi về quê. Được cái không biết do lời thầy hiệu nghiệm hay là do bà mát tay mà từ khi về với bà tôi khỏe hơn hẳn, người cũng mập mạp hơn. Đến khi lên sáu thì bố mẹ lại đưa vào nam để tiện trông coi việc học tập. Nhưng mọi chuyện trở nên tồi tệ vào năm tôi lên lớp ba. Ông của tôi đột nhiên bị đột quỵ, tuy may mắn là cả nhà chạy chữa kịp thời nên ông còn sống được với con cháu nhưng bù lại thì bị liệt nửa thân, phải nằm một chỗ. Mọi sinh hoạt từ những chuyện nhỏ hay chuyện tế nhị đều phải nhờ vào người khác. Khi này gia đình quyết định đưa ông về quê. Một phần là đưa ông trở lại chốn quê hương yên bình mà dưỡng bệnh, một phần do bố mẹ tôi bận công việc nên không tiện thời gian chăm sóc. Tôi khi đó cũng được gia đình quyết định đưa về với trọng trách "Thay bố mà trông nom ông" Gọi là trông nom là thế nhưng đơn giản chỉ là người trò chuyện cùng ông cho ông đỡ buồn, đỡ tủi thân. Còn mọi việc chăm sóc ông đều do bà làm cả, Được cái hồi đó tôi rất ngoan, không ham chơi như bạn bè đồng trang lứa, buổi sáng thì dậy sớm ra chợ bầy hàng với bà rồi đem đồ ăn sáng về cho ông sau đó mới đi học, buổi chiều đi học về thì giúp bà hái mớ rau hoặc trộn mớ cám cho con gà con vịt ăn, Cũng vì thế nên tôi ít bạn bè hẳn. Một phần là ít khi đi chơi với chúng, một phần là hồi đó tôi mập hơn hẳn chúng bạn nên bị trêu là "Thằng Béo Tự Kỉ" Lúc mới đầu thì cũng tủi thân mà ấm ức, nhưng sau dần rồi quen rồi cảm thấy càng ngày tôi càng thích ở một mình, hoặc là khi đó tôi bị tự kỉ thật cũng nên. Bẵng đi một thời gian khi mọi chuyện dần đi vào quỹ đạo bình thường thì lại xảy ra chuyện. Năm tôi lên lớp bốn thì ở trong nam mẹ tôi do bị bạn bè rủ rề mà sa mình vào ba cái con đề con bạc, nghe đâu cũng vỡ nợ gần hai trăm triệu. Mọi chuyện lọt vào tai của bà càng làm cái ác cảm của bà về mẹ trỗi dậy mà căm phẫn, mà hận thù. Bà rủa rằng mẹ tôi là cái thứ ăn tàng phá hại, cái thứ chết hư chết hỏng, cái của nợ về làm khổ con trai bà. Bà nói bố rằng hãy bỏ mẹ tôi đi mà về đây bà làm mai cho một cô khác. Tất cả những lời đấy vô tình lọt vào tai tôi. Nhớ khi đó chạy vào mà khóc mà than với ông, rồi dần dần mất đi cảm xúc. Lúc nào cũng lầm lầm lì lì mà không cười không nói đến độ cô giáo chủ nhiệm phải phản ánh về rằng tôi lúc này như cái xác vô hồn không buồn muốn học mà chẳng thèm muốn chơi. Bạn bè cùng lớp thì lấy đó làm cơ hội để mà bắt nạt mà bạo lực thì cũng cắn răng chịu đựng chứ chả buồn kể buồn mách với ai nữa. Mọi thứ cứ như vậy cho đến khi tôi học hết lớp sáu thì bố mới có dịp về thăm, thấy tôi trở nên như vậy chắc cũng có phần chua xót nên bố xin bà đưa tôi vào nam. Khi đó tôi như một khúc gỗ vô hồn chỉ chờ theo quyết định của người lớn. Nhớ khi đấy bố và bà cãi nhau to. Một đằng thì trách rằng bà không chăm nom cháu tử tế để nó thành ra như thế. Một đằng thì trách bố rằng vô trách nhiệm mà sau bao năm quay lại nói đạo lý, đạo đức giả. Cái thất bại của người lớn là dạy cho con trẻ những thứ tốt đẹp nhất trên đời nhưng toàn để chúng chứng kiến những khoảnh khắc xấu xí ghê rợn nhất của bản thân. Dần hình thành lên tâm lí tiêu cực của con trẻ mà không biết. Để sau này xảy ra chuyện thì chỉ thấy hiện tại của con mình, chứ có ai mảy may nhớ đến những quá khứ đen tối của bản thân. Quay lại chuyện lúc đó thì tôi theo bố vào nam để nhập học lớp bảy. Những tưởng mọi thứ sẽ ổn hơn chăng? Không! Tất cả chỉ nối tiếp theo một mớ hỗn độn tăm tối mà ám ảnh tôi đến tận bây giờ.