Tháng năm vội vã, con người hối hả chen chân tìm chỗ đứng trong xã hội ngập ngụa thị phi. Một khoảnh khắc ngắn ngủi trôi qua, không mấy ai nhớ hết những người đã đi qua đời mình. Trên một mặt phẳng không màu, người đi nhanh thì đến trước, người đi chậm thì đến sau. Có người mệt mỏi nên dừng chân. Có người sinh ra đã ở vạch đích. Họ và mình cứ thế song hành trên một đoạn ngắn rồi thôi. Người ta khát khao nhiều thứ vật chất, ham muốn hư vinh mà không từ thủ đoạn nào để hạ gục người bên cạnh. Một lời nói hạ nhục người khác. Một kế hoạch đẩy kẻ ngu ngơ vào bước đường cùng. Thấy nạn nhân khóc, ừ thì họ vui sướng lắm. Vì họ đã ở thế thượng phong. Vì họ là những người chiến thắng. Có người nói lời nói vô hại. Họ còn lên mặt dạy đời rằng phải biết lựa chọn người làm tổn thương mình. Lựa chọn kiểu gì cũng vậy. Người mình càng tin tưởng, khi họ quay lưng bỏ rơi mình, mình càng đau khổ nhiều hơn. Con người ta mang vẻ ngoài khác nhau nhưng khi bị xé ra thì ai cũng có xương và máu. Cùng một chữ "đau" nhưng cũng có nhiều cách biểu đạt. Có người khóc, có người cười, người chọn la hét trong men rượu, kẻ chọn lặng im mà gặm nhấm dần dần. Để rồi, một ngày nào đó, họ lại bước ra ngoài, trầm lặng, bình thản như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Cái tính ganh tị của con người vốn dĩ không buông tha ai. Nó thôi thúc người ta vươn lên. Nó cũng khơi gợi, nấu nung những suy nghĩ tiêu cực, đen tối. Nhưng sâu thẳm trong lòng, người ta ganh tị với người khác vì họ cảm thấy thua kém. Kẻ nào đó đi hết một chặng đường dài, đắc thắng vì những gì đã có được. Bỗng nhiên một ngày lại khó chịu, bức bối khi thấy con nhóc kém mình gần nửa đời cũng sở hữu ngần ấy kinh nghiệm, kĩ năng. Ừ, ghét nó quá, nguyền rủa nó vài câu, xúc xiểm nó vài ngày cho hả lòng hả dạ. Không ai biết con nhóc đó đã từng trải qua những gì, đã khóc, đã buồn bao lâu để có được ngày hôm nay. Trường học dạy người ta bài học cơ bản về sự quan tâm, về lòng biết ơn, về cách dùng cụm từ "cảm ơn", "xin lỗi". Trường học quên dạy người ta cái cách đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để nghĩ cho người khác. Hoặc là cũng có dạy, mà tiết học đó nhàm chán quá nên tụi học trò ngủ quên tới hết giờ. Vậy nên chúng nó mới ích kỷ như bây giờ. "Đường đời là để cạnh tranh. Tao không chết thì mày chết." Đi làm, không ít lần nghe những câu tương tự như vậy. Đồng nghiệp lão làng bảo quen rồi. Tấm chiếu mới thì ngồi buồn xo, tự hỏi ở môi trường nó đi làm có còn tình bạn, tình đồng nghiệp không. Rồi suốt một thời gian dài, tấm chiếu mới tự nhủ chỗ làm chỉ để kiếm tiền, có bạn hay không cũng không quan trọng. Riết rồi cũng chai lì trước muôn kiểu xúc phạm, miệt thị của đồng nghiệp. Nhìn đâu cũng thấy đối thủ, mà lười đánh quá nên im. Bọn người hay nhiếc móc, bắt nạt người khác bằng lời nói bảo nhau là ừ, tao nói vậy, đứa nào nhột tự gãi. Tao buồn thì tao nói, đó là quyền tự do ngôn luận. Đã chết đứa nào đâu mà lo. Cái quyền tự do ngôn luận đó kể ra cũng thật ghê gớm. Nó không giết người ngay lập tức, nó chỉ âm thầm đẩy nạn nhân vào tuyệt vọng, bào mòn tinh thần lạc quan rồi chuyện gì đến cũng đến. Nếu lời nói thật sự vô hại thì tại sao có người lại treo cổ tự sát? Nghe xong rồi cười như nghe tiếng chó sủa quanh tai có hơn không? Để bụng làm gì rồi khóc? Tại con người ta là sinh vật có cảm xúc. Rất ít người kiềm chế tốt cảm xúc của chính mình. Có người la hét um lên khi giận. Có người khóc tức tưởi khi buồn. Chung quy lại, con người không phải sỏi đá. Chó sủa bậy, cắn bừa thì bị rọ mõm. Người hay dùng lời lẽ xúc phạm người khác thì rọ mõm họ bằng lương tâm. Mà lương tâm đó bị bào mòn bởi vận động kiến tạo của xã hội. Hoặc nó mệt quá, nhục nhã quá vì biết nó "chọn" sai chủ nên tự sát rồi. Thế nên người ta mới tung tăng xài khẩu nghiệp cho tới ngày duỗi cẳng. Sống cho mình không xong, nghĩ cho kẻ khác làm gì, có đúng không? Trên bước đường đời, cám dỗ của tiền bạc, danh lợi rọ mõm lương tâm. Người ta vì muốn hạ gục đối thủ nên dùng đủ chiêu trò. Nói tiêu cực một chút là lương tâm không bằng lương tháng. Nhưng nó chỉ đúng trong trường hợp nạn nhân ở vị trí cao hơn hung thủ và kẻ thủ ác chắc chắn thèm khát đến phát điên cái vị trí mà nạn nhân đang có. Trong trường hợp nạn nhân ở vị trí thấp hơn, thì chắc hung thủ muốn đạp cho nó chìm, đá cho nó đi khuất mắt. Tại hung thủ biết có ngày nào đó, nó sẽ gây nguy hại cho vị trí của mình. Những ngày sống chậm, đầu óc rảnh rỗi nên lại nảy sinh chút tư tưởng tồi tàn. Chẳng mấy ai vui vẻ, lạc quan tới cuối đời. Cũng có lúc nào đó, họ sẽ im lặng thở dài vì mệt mỏi, hoặc chọn góc tối kín đáo để khóc thật to. Ngày mai trời lại sáng, sẽ là một thử thách cho lòng dũng cảm và sự kiên trì lẫn bao dung. Cứ sống tiếp, sống tốt và bước tới. Biết đâu sẽ gặp ánh sáng ở cuối con đường. * * * Hết ----