Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (Obsessive - Compulsive Disorder) là gì?

Thảo luận trong 'Sức Khỏe' bắt đầu bởi Alice108, 22 Tháng sáu 2021.

  1. Alice108

    Bài viết:
    94
    Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (tiếng anh: Obsessive-Compulsive Disorder) là một rối loạn tâm lý khá phổ biến với công chúng, được xuất hiện rất nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng phim hay truyện. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu đúng thế nào là Rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Trong bài viết này, mình sẽ nói về rối loạn tâm lý vô cùng phổ biến này.

    Định nghĩa:

    Như ở chính cái tên, Obsessive-Compulsive Disorder bao gồm Obsessive (ý nghĩ ám ảnh) và Compulsive (hành vi cưỡng chế). Sổ tay chẩn đoán bệnh tâm lý DSM-V của hiệp hội các nhà tâm lý học Hoa Kỳ (APA) đã ghi lại bệnh nhân OCD có những dấu hiệu sau :(t/n: Mình sẽ sử dụng từ bệnh nhân, dù nhiều người có vẻ không thích nghe từ bệnh nhân, nhưng đối với mình, bệnh tâm lý cũng giống như bệnh sinh lý, là một loại bệnh và nên có được sự can thiệp của y học)

    Người bị mắc chứng OCD sẽ hoặc là có ý nghĩ ám ảnh, hoặc có hành vi cưỡng chế, hoặc cả hai:

    • Ý nghĩ ám ảnh được định nghĩa như sau:

    Suy nghĩ, sự thôi thúc hoặc hình ảnh lặp đi lặp lại và dai dẳng xảy ra ở một thời điểm. Và trong suốt thời điểm đó, những điều đó đã gây ra sự lo lắng hoặc đau khổ cho bệnh nhân.

    Họ sẽ cố gắng bỏ qua hoặc ngăn chặn những suy nghĩ, sự thôi thúc hoặc hình ảnh đó, hoặc sẽ vô hiệu hóa chúng bằng suy nghĩ hoặc hành động khác (tức là bằng cách thực hiện một hành động ép buộc)

    • Hành vi cưỡng chế được định nghĩa như sau:

    Các hành động lặp đi lặp lại (VD: Rửa tay, cầu nguyện, vv) mà người đó cảm thấy bị buộc phải thực hiện để đối phó với nỗi ám ảnh của mình.

    Các hành động nhằm ngăn ngừa và giảm bớt sự đau khổ, hoặc ngăn chặn một số tình huống đáng sợ. Tuy nhiên, những hành vi này không thực sự có tác dụng trong việc giảm bớt sự đau khổ, hoặc được thực hiện quá mức.

    [​IMG]

    Vậy Rối loạn ám ảnh cưỡng chế nói chung là người luôn có những ám ảnh về mặt hình ảnh và suy nghĩ lặp đi lặp lại gây ra stress hoặc lo lắng ở mức độ nặng. Để giảm bớt cảm giác đó, họ sẽ thực hiện các hành động như rửa tay, lau dọn nhà, hoặc cầu nguyện với một mức độ lớn nhưng thực chất những hành động này không có hiệu quả.

    Đối tượng bị OCD?

    Hầu hết OCD bắt đầu hình thành từ độ tuổi thanh thiếu niên, xảy ra phổ biến ở người trưởng thành.

    Bệnh đi kèm?

    Thông thường, một khi đã mắc OCD, bệnh nhân sẽ thường bị một số các loại bệnh tâm lý khác nữa, như trầm cảm, rối loạn lo âu, hay là rối loạn ăn uống.

    Căn bệnh này có phổ biến không?

    Mình đọc nhiều tài liệu thì mỗi nơi một số liệu, nhưng nằm trong khoảng từ 1-2%, là một phần trăm khá cao khi so sánh với tâm thần phân liệt hay rối loạn lưỡng cực. Tuy nhiên, nó vẫn thấp hơn % người bị trầm cảm hay rối loạn lo âu.

    Tuy nhiên, để có thể chẩn đoán ra bệnh, bạn cần đi gặp bác sĩ hoặc người có chuyên môn. Bởi vì như đã nói ở trên, việc hành vi cưỡng chế và ý nghĩ ám ảnh phải gây ra stress hoặc lo âu ở mức độ nặng mới thành bệnh. Còn việc thế nào là nặng, thì bạn cần đi gặp bác sĩ. Lưu ý không nên tự chẩn đoán bệnh cho bản thân, nhất là khi bạn không có kiến thức.

    Tình trạng lãng mạn hóa rối loạn ám ảnh cưỡng chế trong phim ảnh, sách truyện?

    Thực ra lí do mình viết bài này vì mình đã bội thực trong đống truyện ngôn tình cứ 3 quyển thì có 1 quyển có nam chính hoặc nữ chính mắc OCD và họ nghĩ thế là ngầu. Theo quan sát thực tế của mình, bệnh nhân mắc OCD nhẹ thì sống khá khó khăn, còn nặng thì cuộc sống của họ thực sự rất đau khổ và nhiều người đã phải nằm viện trong thời gian dài. Vì như đã nói ở trên, khi mắc OCD, thường bạn sẽ bị thêm 1 rối loạn khác nữa, và ví dụ như bạn bị trầm cảm, thì trầm cảm lại dẫn đến ý nghĩ tự sát khá nặng.

    Thế nên, bị OCD không có gì vui, làm ơn đừng nghĩ là bị OCD rất vui và viết truyện nhân vật chính của mình mắc OCD nữa, nhất là khi nó hoàn toàn không có ý nghĩa gì cho truyện của bạn, và bạn chỉ miêu tả 1 câu cho có.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...