[review] Văn hóa sống lệ thuộc lẫn nhau của người việt nam

Thảo luận trong 'Lịch Sử' bắt đầu bởi HakuYen, 16 Tháng chín 2020.

  1. HakuYen

    Bài viết:
    65
    Văn hóa sống lệ thuộc lẫn nhau của người Việt Nam

    [​IMG]

    Thời nay, mọi người hay truyền miệng với nhau câu nói: "Lấy chồng là phải lấy luôn cả gia đình chồng"

    Vì sao lại có câu nói đó?

    Là do nó bắt nguồn từ văn hóa sống chung và lệ thuộc lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình ở Việt Nam từ xưa đến nay. Cha mẹ luôn mang một suy nghĩ ăn sâu vào máu là phải nuôi nấng và bảo bọc con cái cho đến khi sức cùng lực kiệt, thậm chí còn muốn chi phối luôn cả cuộc đời con. Ngoài ra, tâm lý những người trẻ tuổi còn bị ảnh hưởng bởi quan điểm của họ hàng thân thích, tác động lên suy nghĩ của ba mẹ họ, rồi đến suy nghĩ của họ.

    Vì lẽ đó, tính độc lập của các bạn trẻ Việt Nam thường phát triển chậm hơn các bạn trẻ ở các nước tiên tiến khác. Ở Mỹ hoặc Nhật, khi chúng ta đủ 18 tuổi thì chúng ta đã bắt đầu phải tự lập, nghĩa là phải dọn ra ở riêng, tự kiếm tiền và tự hoạch định cho tương mai của mình, bất kì người nào cũng không có quyền xen vào.

    Trong khi ở Việt Nam, việc cha mẹ sắp đặt cho con làm nghề này, nghề kia là vô cùng phổ biến. Thậm chí có những bạn lúc điền nguyện vọng thi đại học còn không được quyền tự điền hoặc tệ hơn là không biết phải điền cái gì. Sự chi phối bởi vai trò của cha mẹ ở Việt Nam mang tầm ảnh hưởng quá lớn đến cuộc đời của con trẻ, khiến các bạn ấy sinh ra tâm lý lệ thuộc là lẽ tất nhiên.

    Rồi sau tất cả những gì cha mẹ đã làm cho con cái thì họ mặc nhiên yêu cầu con mình phải có nghĩa vụ nuôi dưỡng lúc về già. Nếu không thực hiện thì sẽ bị xem là bất hiếu. Vì vậy, một vài bạn mang tâm lý bất tuân, xem đó như là một loại gánh nặng, bạn không muốn cha mẹ chi phối cuộc đời bạn và cũng không muốn họ cản trở bạn thực hiện ước mơ chỉ vì cái gọi là nghĩa vụ báo hiếu kia.

    Nhưng mà bạn trẻ ơi.. hãy đi ra ngoài thế giới đi rồi bạn sẽ thấy..

    Hàng năm ở nước Nhật có hơn 30.000 người chết già trong cô đơn, tức là không có ai bên cạnh chăm sóc, khi chết cũng không ai phát hiện ra. Bạn thử nghĩ đi, cái chết như thế nó thê thảm đến cỡ nào. Bên cạnh đó, có tới 89% người cao tuổi ở Mỹ an hưởng tuổi già trong viện dưỡng lão và họ rất ít khi được gặp con cháu.

    Tất cả những điều này là hệ lụy của việc tự lập quá sớm và sợi dây trói buộc trong quan hệ gia đình cũng quá mong manh. Họ không có nghĩa vụ phải trả hiếu và họ cũng không cần con mình trả hiếu. Do đó, kết cục là về già phải sống trong sự cô độc.

    Bản thân tôi cũng từng là một người vô cùng bài xích văn hóa sống phụ thuộc lẫn nhau của gia đình Việt Nam, nhưng đến khi qua Nhật sống một thời gian tôi mới thấm thía.

    Khu chung cư tôi ở, xung quanh có rất nhiều người già sống một mình. Nhìn những người đó, tôi luôn cảm thấy một bầu không khí ảm đảm và cô đơn bao trùm, lúc nào họ cũng lo sợ khi mình mất đi sẽ không ai phát hiện.

    [​IMG]

    Vì lẽ đó nên bà cụ kế bên nhà ngày nào cũng canh đúng giờ tôi đi làm để ra ngoài chào tôi một tiếng, như thể điểm danh mỗi ngày. Thậm chí bà còn đưa cho tôi chìa khóa nhà, dặn rằng khi nào bà không ra ngoài thì nhờ tôi mở cửa vào nhà để kiểm tra. Không phải vì bà tin tưởng tôi hay gì đâu, mà do bà không còn sự lựa chọn nào khác. Con cháu bà ở xa, một năm chỉ đến thăm bà một lần vào dịp năm mới. Do đó, ngày nào bà cũng đếm từng giây từng phút để mong chờ năm mới nhanh tới.

    Cuộc sống như thế thê lương biết bao. Chợt tôi nhận ra rằng văn hóa sống lệ thuộc lẫn nhau của gia đình Việt Nam ấy vậy mà hay, để ít ra tôi còn có thể chắc chắn.. về già tôi sẽ không phải một mình.

    [​IMG]

    Tóm lại đây là một truyền thống vô cùng ý nghĩa mà rất ít bạn trẻ có thể nhận ra. Cái gì cũng phải mất đi rồi mới biết quý, nhưng hi vọng các bạn của tôi sẽ không bỏ lỡ trước khi quá muộn.

    - HakuYen-
     
    Chỉnh sửa cuối: 12 Tháng năm 2020
Trả lời qua Facebook
Đang tải...