Review Truyện Review Truyện Yujin Lớn, Yujin Bé - Tác Giả Lee Geum Gi - Review Hương Thu

Thảo luận trong 'Sách - Truyện' bắt đầu bởi Huongthu2401, 7 Tháng mười 2021.

  1. Huongthu2401

    Bài viết:
    483
    [​IMG] [Review Sách]: Yujin lớn, Yujin bé - Lee Geum Yi

    "Ấu dâm" đã và đang là một vấn nạn gây nhức nhối trong xã hội ngày nay, tuy nhiên nhiều người thường có xu hướng nói giảm, nói tránh vì cho rằng chủ đề này quá nhạy cảm. Khác với số đông, tác giả Lee Geum Yi đã cho ra đời tác phẩm "Yujin lớn, Yujin bé" (2014) phản ánh sâu sắc về chủ đề này. Với tôi, đây là một tác phẩm văn học chỉ dày chưa đến 300 trang nhưng lại có thể dễ dàng đem đến rất nhiều cung bậc cảm xúc.

    Chúng ta ai cũng biết rằng bất cứ đứa trẻ nào cũng đều rất mong manh, dễ tổn thương bởi chúng quá non nớt và ngây thơ. Chính vì vậy, chúng cần sự chở che, bao bọc, đặc biệt là những em đã từng chịu tổn thương lại càng cần sự quan tâm. Hai cô bé mang tên Yujin trong tác phẩm "Yujin lớn, Yujin bé" cũng vậy. Hai em là những nạn nhân của hành vi "ấu dâm" từ khi còn là những đứa trẻ mẫu giáo. Hai cô bé mang cùng một cái tên Yujin lại mang chung số phận và quá khứ ám ảnh. Điều khiến tôi yêu thích tác phẩm này là ở chỗ bên cạnh việc lên án thủ phạm của hành vi phi nhân tính đó, nhà văn Lee đã lồng ghép hai luồng suy nghĩ, hai góc nhìn của hai cô bé xuyên suốt 18 chương truyện một cách vô cùng tinh tế để rồi từ đó phản ánh cách mà gia đình các em đối xử với các em sau khi điều kinh khủng đó xảy ra.

    Hằng ngày, bản thân tôi có thể thấy rất nhiều vụ việc xâm hại tình dục trẻ em được báo cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng những gì tôi được biết cũng chỉ là những con số, còn về việc các nạn nhân đang phải trải qua những gì và cách gia đình các em quan tâm đến các em ra sao thì quả thực quá mơ hồ với tôi. Và trong tác phẩm "Yujin lớn, Yujin bé", tác giả đã đưa đến cho tôi câu trả lời.

    Lee Geum Yi đã vẽ ra hai bức tranh hoàn toàn đối lập nhau nhưng lại chung một điểm xuất phát. Cụ thể, sau khi bị xâm hại, gia đình Yujin lớn đã cố gắng xoa dịu nỗi đau trong lòng cô bé, "cưng hết nước hết cái", bên cạnh đó sẵn sàng đứng lên đâm đơn kiện đòi lại công bằng cho con, họ không hề sợ dị nghị hay ánh mắt của người đời vì trên hết, họ nhận thức sâu sắc rằng con gái họ là nạn nhân. Cũng chính vì thế, bố mẹ Yujin lớn không bắt cô bé quên việc đó đi mà cứ từ từ, dần dần bù đắp bằng hơi ấm, tình thương từ gia đình. Tôi nhận thấy rằng, có thể gia đình em không phải một mẫu gia đình hoàn hảo ở Hàn Quốc – không giàu có, không hào nhoáng nhưng họ luôn dành điều tốt nhất cho em.

    Nhưng Yujin bé thì không được may mắn như vậy. Dẫu cho bố mẹ em khi mới biết chuyện "chỉ muốn giết chết lão khốn đó" nhưng rồi họ lại "không muốn thừa nhận chuyện đó đã xảy ra với con gái mình". Và rồi những người trưởng thành ấy đã chọn cách "đe dọa, cướp đi kí ức" của em thay vì "hong gió chiếu nắng vào vết thương ấy để nó lành lại, cứng cáp lại như mắt gỗ của cây..". Thậm chí, gia đình còn coi em là "một chiếc bát vỡ" và để em phải gắn hai chữ "tại sao" vào mọi mảnh ký ức rời rạc. "Tại sao hồi đó mẹ lại đánh tôi? Tại sao tôi không thể hỏi mẹ?" Cách hành xử của mẹ Yujin bé còn vô hình chung khiến em mang tâm lý của kẻ có tội. Điều này khiến tôi nhớ tới một câu thoại ám ảnh của cô bé So Won trong bộ phim cùng chủ đề "Hope" : "Con đã làm gì sai sao?". Tôi thực sự đã khóc khi thấy Yujin bé bị chính những người thân thương nhất với em đối xử một cách lạnh lùng và tàn nhẫn như vậy, mặc dù em hoàn toàn vô tội. Trẻ em như tờ giấy trắng, cách các em đang sống là do chính bố mẹ các em vẽ lên. Qua hình ảnh tự dằn vặt mình của Yujin bé, nhà văn Geum Yi cũng muốn thể hiện ý nguyện của bà: ‟Dù trong bất kì hoàn cảnh nào cũng không được từ bỏ việc yêu thương bản thân ".

    Bên cạnh đề tài trên tác giả cũng để cập đến rất nhiều vấn đề trong xã hội Hàn Quốc mà tôi có thể thấy rất nhiều nét tương đồng với Việt Nam như: Cha mẹ bận rộn công việc, ít có thời gian quan tâm con cái; Một bộ phận những người cổ hủ với suy nghĩ" sợ ô uế thanh danh "điển hình là ông nội Yujin bé; Bố mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng và gánh nặng điểm số cho các con, để rồi tuổi thơ các con thay vì là vui chơi thì lại là những buổi học ở trung tâm không ngày nghỉ;..

    Tuy nhiên, với cách viết văn vô cùng tinh tế, xen lẫn vào những rối ren, phức tạp các em phải trải qua vẫn là những gì hồn nhiên, đáng yêu của lứa tuổi mới lớn: Năn nỉ bố mẹ để có được điện thoại mới, cảm nắng một cậu con trai hay dám trốn bố mẹ đi chơi xa.. Nhờ đó mà cuốn tiểu thuyết thiều niên này vẫn ảnh lên sự tươi sáng, đem lại niềm tin cho một tương lai tốt đẹp hơn của mọi" Yujin ".

    Nhà văn Aimatov có một câu nói rất hay rằng" Tác phẩm chân chính không kết thúc ở trang cuối cùng, không bao giờ hết khả năng kể chuyện khi câu chuyện về các nhân vật đã kết thúc. Tác phẩm nhập vào tâm hồn và ý thức của bạn đọc, tiếp tục sống và hành động như một lực lượng nội tâm, như sự dằn vặt và ánh sáng của lương tâm, không bao giờ tàn tạ như thi ca của sự thật ". Đối với tác phẩm" Yujin lớn, Yujin bé "cũng thế, khi gấp trang cuối cùng lại, trong tâm trí của tôi vẫn là hình ảnh của hai cô bé Yujin cả ở hiện tại, quá khứ và tương lai. Để rồi từ đó khiến tôi trăn trở rằng còn bao" Yujin"nữa? Và sau đó các em có được may mắn như Yujin lớn hay không? Đây quả thực là một cuốn sách không có tình tiết giật gân, không có những pha hành động nảy lửa hay ngôn từ huyễn hoặc nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy tiếc nuối quãng thời gian mình đã bỏ ra để nghiền ngẫm nó!
     
    chiqudoll thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...