Review Truyện Review Truyện Dáng Hình Thanh Âm

Thảo luận trong 'Bài Sưu Tầm' bắt đầu bởi Huongthu2401, 20 Tháng mười hai 2021.

  1. Huongthu2401

    Bài viết:
    483
    [​IMG]

    Cũng khá lâu rồi nên mình chẳng còn rõ nội dung, chỉ mang máng nhớ, lúc coi xong, mình im lặng hồi lâu, cố lắm để không khóc. Còn cậu thì chỉ tấm tắc khen hay, có lẽ cũng chẳng để ý thấy mình đang rưng rưng. Hôm vừa rồi đọc tin xưởng sản xuất phim Kyoto Animation bị cháy, hơn 40 người bị thiệt mạng, tự dưng thấy đau lòng cho những con người tài năng đã làm ra những thước phim đẹp. Thế nên mình quyết định coi lại. Một lần nữa, "Dáng hình thanh âm" lại khiến mình cảm động bởi tình bạn, tình thân, và cả tiếng lòng của những tâm hồn bị tổn thương.

    Cậu chuyện xoay quanh Nishimiya Shoko, một cô bé khiếm thính bẩm sinh. "Quyển sổ giao tiếp" là thứ duy nhất giúp cô có thể làm quen và giao tiếp với các bạn trong lớp. Ngày đầu tiên chuyển trường, cô bé đã thẳng thắn thừa nhận khiếm khuyết của mình và hy vọng có thể làm bạn cùng tất cả mọi người qua quyển sổ. Phần vì hiếu kỳ, phần vì thương hại nên thoạt đầu, các cô cậu học trò chủ động đến bắt chuyện và chơi cùng Nishimiya. Nhưng cái mới qua đi, những đứa trẻ dần cảm thấy chán nản và phiền phức về khiếm khuyết của cô bé, việc giao tiếp và thấu hiểu thật khó khăn, dần dà cô lập và nói xấu sau lưng Nishimiya.

    Mọi người chỉ biết Nishimiya lúc nào cũng xin lỗi và nở nụ cười giả tạo, nhưng không nghĩ tới, thực ra cô cô đơn biết bao. Một đứa trẻ 10 tuổi lẽ ra nên cười nói vô tư, khoác vai bạn bè, túm tụm chơi đùa và tám chuyện, chứ không nên dè dặt và cẩn trọng như vậy. Trong tâm thức cô, một người khiếm thính không có đặc quyền đó. Nếu không muốn bị đào thải, cô buộc phải chủ động kết thân và hòa động với bạn bè.

    Có lẽ ban đầu Ishida chỉ đùa cho vui, nhưng cuối cùng lại trở thành bắt nạt cô bé. Mọi người cứ hùa theo, chỉ lên tiếng cho có lệ như Shimida hay Kawai. Một thực tế đáng buồn là trường học vốn dĩ tồn tại tựa như một quần thể thu nhỏ, muốn sinh tồn thì phải nghe theo số đông. Thế nên, khi Nishimiya bị bắt nạt, chẳng ai dám lên tiếng can ngăn, cũng chẳng ai có đủ dũng khí để làm điều đó. Điển hình như Sahara, vì không chịu nổi những lời dè bỉu và cô lập của nhóm Ueno mà phải chuyển đi. Để rồi đỉnh điểm là Nishimiya bị mất những 8 cái máy trợ thính, tai bị thương, phải nghỉ học và chuyển trường.

    [​IMG]

    Không chỉ Ishida, phải chăng mỗi chúng ta cũng vô hình chung dán những tấm giấy chữ X lên những người xung quanh, phủ định sự tồn tại của họ chỉ bởi những thương tổn trong quá khứ? Thật ra mỗi chúng ta đều như nhau, đều là những con người nhỏ bé không thể sống thiếu tình thương yêu và sự thấu cảm. Với mình, cảm động nhất là phân cảnh Ishida bật khóc ở cuối phim. Lúc bấy giờ, cậu mới nhận ra bản thân mình thật may mắn vì có những người bạn ở bên, có những người thân luôn thương yêu cậu. Hóa ra trước nay cậu chưa từng mở lòng để đón nhận và lắng nghe. Nếu như đầu phim, thế giới của Ishida chỉ là một điểm sáng lập loè, thì nụ cười của những người bạn ở cuối phim đã trở thành một bầu trời quang đãng sáng chói. Tất cả những mảnh giấy X đã được tháo xuống. Cậu không còn cảm thấy cô độc nữa, cậu chấp nhận bản thân mình không hoàn hảo, cảm nhận được sự ấm áp và lòng thiện chí của mọi người và để cho những vết thương trong quá khứ được lành lại.

    Có thể nói, "Dáng hình thanh âm" ăn điểm với người xem không chỉ bởi cốt truyện cảm động mà còn bởi hình ảnh hay âm thanh đều duy mỹ. Nét vẽ trong sáng, dễ thương, những chuyển động giản đơn nhưng rất chân thực. Và đặc biệt, mỗi khi giai điệu của bài LIT cất lên, mình lại bất giác rùng mình, nước mắt cứ chực trào ra. Phim khép lại khiến mình nhận ra:

    Thanh âm đẹp nhất trên thế gian không phải dùng tai để nghe, mà phải dùng trái tim để cảm nhận.

    [​IMG]

    Koe no Katachi có một lối dẫn chuyện nhẹ nhàng và thanh thoát. Bộ phim giống như một bản hòa âm ngọt ngào, với những nốt cao trào đan xen giữa những khoảng bình yên tĩnh lặng. Bắt đầu với ý tưởng về Khiếm thính bẩm sinhBắt nạt học đường, tác giả lại đưa chúng ta đến với một vấn đề khác, đó là những dư chấn, những hậu quả xấu mà tuổi trẻ bồng bột phải gánh chịu. Hay nói đúng hơn, đó là sự thật cuộc sống. Thời niên thiếu mỗi con người đều hệt như một tờ giấy trắng, mỏng manh, yếu ớt. Nó quá dễ dàng để bị lấm bẩn, bị xé rách và tổn thương. Một tờ giấy bẩn quá khó tẩy, một tờ giấy rách không thể gắn liền. Mỗi chúng ta khi xem phim đều dễ dàng tìm thấy chính mình trong tính cách các nhân vật. Dễ dàng tìm thấy chính câu chuyện của mình ở đâu đó trong tác phẩm. Đây cũng chính là cách mà KnK đã lấy đi không ít, hay đúng hơn, là một lượng lớn nước mắt của người xem. Bản thân mình cũng không phủ nhận việc mình đã khóc lên khóc xuống khi tìm thấy một chi tiết quá đỗi giống với mình, giống với tình huống mà mình đã trải qua, cảm nhận và thấu hiểu. Đó là khi mình nhìn thấy chính mình là Shōya khi đứng trên lan can cầu, khi đứng tách biệt giữa xã hội, là Yuzuru trong đám tang bà ngoại, là cả khi người mẹ Shōko đổ gục xuống xin lỗi.. Đó chính là một trong những ưu điểm rất lớn của thể loại School life: Sự hoài niệm và đồng cảm từ khán giả. Một điểm cộng lớn nữa cho nội dung của KnK đó chính là ở cách thắt và mở nút cũng như gài tình huống khá tài tình mà mình sẽ nói ở phần sau. Thông qua đó đề cao sự kết nối giữa con người với con người, đề cao tình bạn, tình yêu và tuổi trẻ. Với những người từng trải, bộ phim sẽ như một thước phim để hoài niệm và suy ngẫm. Với những người trẻ, bộ phim lại là tấm gương phản ánh hiện thực, cũng như gửi một thông điệp rõ ràng đến họ, rằng: Hãy biết quý trọng quãng thời gian này, hãy biết xin lỗi và thứ tha, hãy biết nhìn thẳng vào lỗi lầm của nhau và thông cảm cho khiếm khuyết của người khác. Đừng để đến một lúc nào đó, khi nhìn lại, những gì chúng ta thấy chỉ toàn là nuối tiếc và nuối tiếc.

    Bài viết chỉ mang tính cá nhân
     
    Phượng Chiếu Ngọc thích bài này.
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...