Review Tác Phẩm Làm Đĩ Của Nhà Văn Vũ Trọng Phụng

Thảo luận trong 'Cần Sửa Bài' bắt đầu bởi Lizi0904, 30 Tháng bảy 2023.

  1. Lizi0904

    Bài viết:
    0
    "Làm đĩ" - Vũ Trọng Phụng. Mình khá ấn tượng với tên của tác phẩm này, không ngờ một tác phẩm văn học lại có một cái tên đời đến vậy. Tác phẩm này được ra đời vào năm 1936, cho đến nay đã gần một thập kỉ trôi qua, vậy mà những tư tưởng, những lời phê phán, châm biếm, những giá trị hiện thực mà tác phẩm mang lại vẫn còn đúng cho đến ngày nay.

    "Làm đĩ" kể về Huyền, một cô tiểu thư đoan trang, nết na, công dung ngôn hạnh, con nhà gia giáo, được người người mến mộ. Tưởng chừng như cuộc đời của Huyền sẽ suông sẻ, lấy chồng sinh con, sống hạnh phúc trong nhung lụa, nhưng cuộc đời đâu đơn giản như vậy. Huyền đã sa chân vào con đường đen tối, khốn nạn nhất cuộc đời, Huyền trở thành gái làng chơi, hay nói chính xác hơn là "làm đĩ".

    Tác phẩm này được kể lại với góc nhìn của nhân vật tôi, nhưng lại giống như một cuốn tự truyện của cuộc đời Huyền. Tác giả đã dẫn dắt người đọc trải qua 4 giai đoạn của cuộc đời Huyền: Tuổi dậy thì, ra đời, lấy chồng và trụy lạc. Câu chuyện bắt đầu từ khi Huyền còn là một cô nữ sinh với vẻ ngoài xinh đẹp, khí chất đoan trang, Huyền được xem là "Nàng Thơ" của đám con trai trong trường, ai cũng mến mộ Huyền nhưng không dám ngỏ lời vì cái vẻ ngoài đức hạnh của cô. Ở tuổi dậy thì, cái tuổi mà những đứa trẻ con bắt đầu lớn dần lên, chúng thay đổi về ngoại hình lẫn trí óc, chúng bắt đầu tò mò, bắt đầu có những rạo rực. Không ngoại lệ, Huyền cũng bắt đầu tò mò về vấn đề nam nữ, về ái tình. Nhưng đáng buồn thay, ở độ tuổi mà đáng lẽ những đứa trẻ nên được biết, nên được học về giới tính, về vấn đề nam nữ, về tình dục, thì trong xã hội ngày xưa, cái mà chúng nhận được khi hỏi về những vấn đề ấy là những lời la mắng, khinh miệt đến từ chính gia đình và xã hội. Chính vì sự sai lầm trong giáo dục đã đẩy những đứa trẻ ngây thơ vào những bi kịch của ái tình.

    Và rồi một cuộc đổi mới, một trận cuồng phong đã thay đổi cả một xã hội, cả một thế hệ. Đó được gọi bằng những từ ngữ mỹ miều như duy tân, tân thời, tân sinh hoạt. Vào thời kỳ này, xã hội bắt đầu chạy theo những xu hướng ở phương Tây, những tiệm khiêu vũ mở ra ngày càng nhiều, mốt trang phục của phụ nữ ngày càng ít vải, khoe chỗ này một tí, chỗ kia một ít. Thành thị trở thành chốn xa hoa, đầy rẫy những lời kêu gọi của dâm dục. Ngày ấy những ai chạy theo sự đổi mới mới được xem là văn minh, là hợp thời, còn những ai vẫn giữ những quan niệm cũ thì là hủ, là lỗi thời. Huyền cũng không tránh khỏi những sự đổi mới ấy, cô cũng đã bị trào lưu xô đẩy trở thành một thiếu nữ tân thời. Chính cái sự tân thời ấy đã đẩy Huyền vào một mối tình trái với luân thường đạo lý, trái với những chuẩn mực của xã hội. Mối tình ấy kết thúc nhanh chóng vì sự ra đi của người tình, người Huyền xem là chồng của mình, người Huyền đã trao cái trinh tiết của một người phụ nữ. Sau cái chết của người tình, Huyền lên xe hoa như sự sắp đặt của gia đình, lấy một người chồng giàu có. Huyền sống trong nhung lụa, người chồng hết mực yêu thương, nhưng lại không thể thoát khỏi cái ham muốn ái tình, cái ham muốn xác thịt cho đến khi gặp Tân, bạn của chồng. Và rồi những ngày tháng vụng trộm bắt đầu, những ngày tháng mà Huyền cho là vui vẻ, là hạnh phúc. Nhưng rồi cây kim trong bọc cũng có ngày lòi ra, mối tình vụng trộm cuối cùng cũng bị chồng phát giác. Huyền lâm vào cảnh khốn khổ, sống trong sự lạnh lùng, hắt hủi của chồng, từ dạo ấy chẳng ai thấy một cô nàng tân thời dạo chơi khắp chốn xa hoa nữa. Cuối cùng Huyền đã liều mình rời khỏi nhà để đi tìm người tình. Nhưng Huyền nào có ngờ chuyến đi ấy đã vô tình châm ngọn lửa cuối cùng đẩy Huyền vào nơi tăm tối nhất của cuộc đời..

    Vũ Trọng Phụng quả thật là một nhà văn có tư tưởng tiến bộ, cách đây gần một trăm năm nhưng tác phẩm "Làm đĩ" đã có những tư tưởng, quan niệm vượt thời đại. Ông đã dùng ngòi bút của mình để đánh giá, phê phán, mỉa mai những góc tối của xã hội thời bấy giờ, là văn minh, tân thời hay là một lối sống sa đọa, dâm dục. Ngoài ra, tác phẩm này còn chỉ ra những sai lầm trong cách giáo dục con cái của những bậc cha mẹ, của nhà trường và xã hội. Tại sao phải che giấu cái dâm, phải xấu hổ về cái dâm trong khi nó là một lẽ tự nhiên của con người. Phải chăng những con người đạo đức giả ấy chưa từng nghĩ đến cái dâm, cái ái tình một lần nào trong đời. Tại sao lại không giáo dục về nó một cách đúng đắn?

    Đã gần một thập kỉ trôi qua vậy mà đến tận ngày nay việc giáo dục giới tính ở Việt Nam vẫn là một vấn đề nan giải, những bậc phụ huynh vẫn còn e ngại trong việc dạy cho con trẻ những điều về cơ thể của chúng. Giáo dục giới tính không phải để chúng ta học cách dâm, mà là để bảo vệ chính chúng ta, cũng như giúp xã hội thoát khỏi sự suy đồi.

    Tác phẩm "Làm đĩ" thực sự là một tác phẩm vượt thời đại, những quan niệm, triết lý về ái tình, về hôn nhân và xã hội vẫn đúng đắn cho đến ngày nay. Vũ Trọng Phụng quả thật là một nhà văn tài hoa của nền văn học Việt Nam.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...