Review Sách Review: Rừng Nauy – Tình Yêu Giản Dị Nhưng Đầy Ám Ảnh

Thảo luận trong 'Bài Sưu Tầm' bắt đầu bởi changdaychun, 21 Tháng năm 2024.

  1. changdaychun

    Bài viết:
    1
    Những suy tư sau khi đọc quyển Rừng Nauy của Haruki Murakami, một tác phẩm mà mình cho là rất hay, rất đáng đọc

    TẢN MẠN VỀ TÌNH DỤC VÀ CÁI CHẾT

    Lan man chút về giáo dục ở ta. Có lẽ có gì khác biệt với thế giới chăng, khi từ lớp 7x trở đi có nhiều kiến thức mà với họ là phổ thông, còn ở ta thì lại là xa lạ. Mình đã chứng kiến có nhiều bạn trẻ ngơ ngác không biết Con ngựa thành Troy, gót chân Achilles.. là gì. Cổ Hy Lạp, La Mã còn như vậy còn nói gì đến những kiến thức về Phân tâm học, triết học, Hiện sinh, tôn giáo.. Cho nên nói đến Hegel, Kant, Kierkegaard, Nietzsche, J. P. Sartre, K. Jasper, S. Freud, C. Jung.. họ không biết là đương nhiên.

    [​IMG]

    Vì thế khi đọc những tiểu thuyết cận đại và hiện đại, chúng ta sẽ thấy khó hiểu hoặc không hiểu nổi, hoặc hiểu sai lạc rất nhiều. Ví dụ như cuốn Rừng Nauy, một cuốn truyện mà chia rẽ khá dữ dội trong bạn đọc. Tranh cãi rất nhiều. Người mê thì ca ngợi hết lời, còn kẻ ghét thì chỉ trích cũng nặng nề. Nhưng xét ra thì cả những người thích và những người không thích đều dường như chưa hiểu cốt lõi của cuốn sách này vì có lẽ thiếu đi những kiến thức như đã đề cập.

    Có hai đề tài mà ở người Việt dường như cấm kỵ, nên thường bị hiểu sai, méo mó. Đó là Tình dục và Cái chết. Nếu chúng ta có kiến thức về Phân tâm học, triết (nhất là Hiện sinh) và tôn giáo sâu sắc thì sẽ hiểu rõ về hai đề tài này và ảnh hưởng của nó trong cuộc sống. Còn không thì như phần đông giới trẻ ở ta hiện nay sống bừa bãi và vô trách nhiệm.

    Chính hai đề tài ấy được nhà văn H. Murakami mổ xẻ khá kỹ và hay trong cuốn truyện.

    Tình dục, hiểu theo nghĩa nghiêm túc thì chính là phần quan trọng nhất của con người. Nó chi phối hoàn toàn tất cả tâm tư, tình cảm, lòng ham sống, mơ ước tương lai. Bác sĩ Trần Bồng Sơn, người nghiên cứu và viết nhiều về Phân tâm học đã nói: Người ta hay nói nhiều đến Khối Óc và Trái Tim, mà quên rằng chính Trái

    Thận mới quyết định chất lượng cuộc sống. Những xung lực tình dục còn gọi là Libido chính là yếu tố quyết định cho những sáng tạo Nghệ thuật và Khoa học. Thiếu nó là một khiếm khuyết trầm trọng của con người. Những tác phẩm lớn của loài người đều sản sinh ra nhờ những thăng hoa của nó. Mặt khác, nếu có những sai lạc, ẩn ức thì sức tàn phá của nó cũng rất khủng khiếp.

    Ở ta, do ảnh hưởng của xã hội phong kiến và xã hội đạo đức nửa mùa, luôn coi nó là xấu xa, ghê tởm và cố ức chế, đè nén nó. Rồi đến thời hiện đại cánh cửa mở tung thì chúng ta không có đủ sự giáo dục cần thiết nên cứ ngỡ tự do tình dục là quan hệ bừa bãi, vô trách nhiệm. Từ thái cực này sang thái cực khác, đều là sai lầm cả. Đọc kỹ cuốn truyện sẽ cho ta cái ý thức về Tình dục đúng đắn hơn. Nó không đơn giản là "Đè nhau ra chịch", hay "Truyện gì mà toàn là làm tình" như một số kẻ đọc sách hời hợt nghĩ.

    Dĩ nhiên là quan niệm về tình dục của người Nhật khác với chúng ta nhiều. Họ không e dè, cấm kỵ khi đề cập đến tình dục mà coi như chuyện đương nhiên giữa những người yêu nhau. Lối viết của tác giả cũng vậy, không nửa vời mà miêu tả khá sát và trần trụi. Nhưng đều có mục đích lột tả tâm lý chứ không hề khiêu dâm, gợi dục kiểu ngôn tình rẻ tiền.

    Những nhân vật của chúng ta trong chuyện khá thoáng về Tình dục nhưng họ cũng rất có trách nhiệm. Những sai lạc kiểu Nagasawa bị tác giả không đồng tình. Tình dục luôn gắn với Tình yêu và ý thức của sự hòa hợp. Những trường đoạn chàng Toru của chúng ta nằm ôm bạn gái mà không quan hệ mới thấy hay làm sao. Còn trường đoạn cuối khi Toru và chị Reiko quan hệ thì ta thấy như một buổi hành lễ để hai người tẩy rửa những ám ảnh của quá khứ, làm sạch con người mình để bắt đầu cuộc sống mới. Với Reiko là trở lại là người bình thường với ái, ố, hỷ, nộ và lòng ham sống cùng khả năng tiếp nhận khoái cảm. Với Toru thì gạt bỏ mặc cảm về cái chết của Naoko, từ bỏ được ám ảnh về trách nhiệm tinh thần với nàng để dọn mình trong sạch đến với tình cảm của Midori.

    Nói về cái chết cũng vậy. Chúng ta có thói quen né tránh nó bằng ý nghĩ: Ôi dào, còn lâu lắm, cứ sống thoải mái đi. Vì không ý thức được về cái chết nên ta không có trách nhiệm thực sự với cuộc sống. Trong câu chuyện có rất nhiều cái chết. Mỗi cái chết cho chúng ta nhận ra cái thái độ của người trong cuộc nhìn vào nó. Nếu như cái chết của Kizuki cho Toru một bước ngoặt của cuộc đời, một phần tuổi thơ ra đi mãi. Chàng ta đã phải nhận thức sự hiện diện của cái chết như một phần của cuộc sống. Ở đây có lẽ H. Murakami ảnh hưởng của Heidegger, không phải như quan niệm của Sartre. Dù sao thì nó hiện hữu và bắt chàng ta phải ý thức về nó. Khi bạn hiểu ra bằng thực tế rằng cuộc sống chúng ta là hữu hạn, rằng cái chết có thể tóm được chúng ta bất cứ lúc nào, thì có lẽ chúng ta sẽ biết yêu quí cuộc sống hơn, bao dung hơn, và điềm tĩnh hơn chăng?

    Rồi đến cái chết của ông bố Midori thì cho Toru những cảm xúc khác về một đời người, về những nỗi niềm cần chia sẻ, về sự cần thiết của việc tìm đến nhau trong cuộc sống. Cho đến cái chết của Naoko thoạt đầu là nỗi thất vọng ghê gớm, cảm giác bất lực, trống rỗng. Chàng ta chạy trốn nó vô vọng. Khi lắng lòng rồi thì mới nhận ra rằng cần phải trở lại với cuộc sống, cần phải sống tiếp với những trách nhiệm với cuộc đời.

    Mở đầu câu chuyện ta đã nghe vang giai điệu Rừng Nauy của The Beatles. Rồi ta đã thấy hiện ra S. Freud với ẩn ức, tiềm thức.. và Husserl với Hiện tượng học khi nói về hồi ức. Các bạn hãy chú ý chi tiết về những cái giếng đồng (chi tiết này còn rõ ràng hơn trong Biên niên sử chim Vặn dây cót), cái giếng mà có thể nuốt chửng bạn không tăm tích nó ẩn dụ cái gì, phải chăng những hố sâu trong tiềm thức ta.

    Trong truyện chúng ta còn bắt gặp nhiều ẩn dụ kiểu ấy. Có lẽ ông Murakami khá là giỏi trong xây dựng các ẩn dụ như kiểu Sphinx. Đọc truyện của ông mà không biết tìm ra và giải nghĩa các ẩn dụ thì khó mà hiểu được. "Hãy đừng đi ra khỏi lối mòn", nàng Naoko đã nói vậy và "mình sẽ không bao giờ ngã xuống giếng, nếu có cậu bên cạnh".

    Mỗi nhân vật của chúng ta đều có những bi kịch. Đó là những tổn thương, sai lạc từ nhỏ. Chúng gây ra những ẩn ức về tình dục. Do đó dẫn đến những hành vi sai lạc, rối loạn nhân cách. Bạn có thể đọc và theo dõi từng người bọn họ. Naoko, chị gái của cô, Kizuki, Quốc xã, Midori, Reiko, Nagasawa, con bé học đàn với Reiko và kể cả Toru. Chúng ta có thể làm như bác sĩ Sigmund Freud, tìm các dấu hiệu qua lời nói, hành vi, giấc mơ, những sai lạc để khám phá những ẩn ức ấy. Phân tích thì dài dòng, tự các bạn hãy khám phá thử dưới góc nhìn ấy xem. Ta sẽ hiểu và thông cảm với họ.

    Mình rất thích thú khi theo dõi câu chuyện của Naoko, Reiko, Midori về tuổi thơ, về những rắc rối của họ. Qua đó mới vỡ lẽ ra những nguyên nhân dẫn đến tính cách và số phận của họ.

    Về nhân vật yêu thích nhất Midori. Mình rất thích cái tính cách mạnh mẽ, cứng cỏi, bộc trực của cô. Có lẽ trong truyện thì Midori và Nagasawa là mạnh mẽ về tinh thần nhất. Nhưng cô sống có ý chí và trách nhiệm hơn nhiều, có lẽ do xuất thân, nhưng phải nói rằng đó là một tính cách rất tuyệ. Cũng may mắn cho chàng Toru của chúng ta là qua thời gian thử thách, cô ấy vẫn chờ được chàng ta. Anh chàng thật may mắn khi có được một người yêu như thế. Họ tìm được nhau như một Happy-end vậy. Thật vui.

    Viết thêm một chút về nhận vật mà chẳng biết nên yêu hay ghét Nagasawa. Một chàng trai dũng cảm, thông minh, có ý chí, có sức mạnh tinh thần mạnh mẽ, độc lập, có cá tính. Nói chung khá hoàn hảo. Một Don Juan thời hiện đại. Nhưng có một điểm không thể chấp nhận ở chàng ta là tính ích kỷ quá mạnh.

    Chàng ta như Narcissus trong thần thoại Hy Lạp chỉ biết tự yêu mình, không có khả năng yêu thương người khác. Có lẽ việc đánh mất một người yêu lý tưởng như Hatsumi không làm cho chàng ta tiếc nhiều bằng độc giả chúng ta. Nhưng đó cũng là một mất mát lớn với chàng dù nhận ra hay không. Mình yêu thích chàng ta ở cái thói quen đọc sách và cách đánh giá sách. Mình cũng quí anh ta vì cùng yêu Gatsby, như anh ta thích Toru vậy. Dù sao cũng là một nhân vật độc đáo.

    Và cuối cùng thì cũng phải nói về bản Norwaygian Wood, Rừng Nauy. Một bài nhạc cô đơn tuyệt vời. Nói như Reiko thì: Tụi nó (Paul và John) hiểu rõ về nỗi cô đơn, nỗi buồn của cuộc đời và cả nỗi êm dịu nữa. Những giai điệu trầm ấm, da diết của đàn guitar như đưa chúng ta miên man trong những khu rừng bắc Âu tuyết trắng. Mình yêu, có thể nói là rất yêu The Beatles. Những Let it be, Yesterday, Hey Jude, All my loving, Something, Michelle, The long and winding road, Norwaygian Wood luôn cuốn hút mình (Nói nhỏ là mình cũng đàn hát khá những bản này, dĩ nhiên chỉ cho mình nghe thôi). Các bạn hãy thử vừa đọc vừa nghe nhạc, biết đâu sẽ có cảm nhận khác hơn thì sao.

    [​IMG]

    BÀN VỀ SỰ BẤT TOÀN CỦA THẾ GIỚI VÀ CỦA CON NGƯỜI

    1. Thế giới chúng ta đang sống là một thế giới bất toàn, méo mó. Càng phát triển thì sự méo mó càng rõ nét và nghiêm trọng. Con người cũng vậy. Luôn luôn là bất toàn. Và trong xã hội hiện đại càng trở nên méo mó và bất toàn hơn. Vấn đề là người ta có nhận thức ra được điều đó không và biết chấp nhận nó, sống với nó và làm cho nó tốt hơn lên không.

    2. Cái mong ước hoàn hảo, cân xứng có từ ngàn xưa, từ thời cổ Hy Lạp. Con người vẫn cứ luôn mong ước, đòi hỏi, hy vọng ở một thế giới toàn hảo, con người lý tưởng. Sự ngộ nhận ấy, mong ước viển vông ấy chính là bi kịch của loài người. Họ rất khó chấp nhận một sự méo mó. Họ luôn đau khổ về hoàn cảnh không như ý muốn. Họ luôn đau khổ vì bản thân không hoàn thiện như thánh thần.

    3. Đọc Rừng Nauy ta thấy rõ điều đó. Toàn bộ câu chuyện nói về những bi kịch của những con người méo mó về tính cách, bất hạnh về hoàn cảnh.

    Trong số họ, có người thì như số đông, biết tạo ra một cái vỏ cứng kiểu ốc sên để chui vào như Wanatabe và Midori, có người dựa vào tiền bạc và tinh thần mạnh mẽ để tập hợp các phẩm chất bệnh hoạn thành một hệ thống hợp với họ như Nagasawa, có người suy sụp "phựt một cái" rồi sau đó phục hồi nhờ âm nhạc như Reiko, có người trở thành kẻ dối trá thành thạo và sống với thế giới ảo đó như con bé học nhạc với Reiko, có người thì không chịu nổi và kết thúc cuộc sống của mình như Naoko, Kizuki và cô chị gái của Naoko.

    4. Lối viết sắc xảo và tương đối trần trụi của Murakami cho chúng ta thấy những khủng hoảng tâm lý điển hình của xã hội Nhật bản thời hiện đại. Những ẩn ức tình dục do những sai lạc của tuổi thơ in hằn và tác tạo lên những méo mó nhân cách con người

    Ở Kizuki và Naoko là sự đến với yêu đương và tình dục quá sớm, mà không có sự hướng dẫn, chuẩn bị về tâm lý nên không trải qua được nỗi đau vỡ da của tuổi trưởng thành, như con gà phát triển mà không vỡ được vỏ trứng. Hậu quả là bệnh lãnh cảm ở Naoko. Từ đó dẫn đến khủng hoảng vô vọng của Kizuki.

    Ở cô chị của Naoko thì có lẽ là bi kịch của đứa trẻ quá giỏi giang, thành đạt quá sớm nên đến tuổi trưởng thành gặp khoảng trống tâm lý, sự nghi ngờ bản thân và có thể là sự ngỡ ngàng trước tình dục. Những ca tự tử đáng thương và đáng tiếc.

    Câu chuyện của Reiko mới rõ nét và bi kịch làm sao. Một tài năng âm nhạc trẻ, một thần đồng mà áp lực của vinh quang đã gây nên sai lạc tâm lý từ nhỏ, tạo ra một di chứng trong đời sống tình dục. Khi con bé con nó khêu gợi lên thì cô ta gục ngã hẳn, tan vỡ cuộc sống hạnh phúc.

    Nagasawa và Hatsumi thì là bi kịch của những người thượng lưu, tiền bạc nhiều, điều kiện sống sung sướng, nhưng những khiếm khuyết về tình dục đã dẫn họ ra khỏi quan niệm tình yêu bình thường, mà đi tìm kiếm những ảo tưởng tình yêu. Cuối cùng thì cũng tan vỡ người thì tự tử, kẻ thì càng chai lì về tình yêu, chẳng thể có được hạnh phúc đích thực.

    4. Hai nhân vật đáng yêu nhất của chúng ta Wanatabe Toru và Midori Kabayoshi. Hai vị này thoạt nhìn thì tương đối bình thường như mọi người bình thường. Nhưng đi sâu tâm lý họ cũng bộc lộ ra nhiều thứ bất toàn và méo mó. Mà thực ra thì mỗi chúng ta đây, ai chả như vậy. Ai thì cũng có vấn đề của riêng mình. Vấn đề là nhìn ra, biết chấp nhận và biết tự hoàn thiện mình cũng như biết chấp nhận cái thế giới bất toàn, cái méo mó của người khác, nhất là người mình yêu để thích ứng, để đừng đòi hỏi nó phải toàn hảo hay không.

    Như nàng Midori, một cô gái có cá tính, có tinh thần mạnh mẽ, dám sống. Sinh ra trong gia đình nghèo và không được hạnh phúc, yêu chiều thì cô biết tự tạo hạnh phúc từ nhỏ cho mình, biết chấp nhận rằng hoàn cảnh mình nó vậy. Vào trường nữ sinh không hợp nhưng cô vẫn phấn đấu vượt lên, chỉ vì không để cho cái trường ấy nó hạ được mình. Thích ăn ngon thì cô tự học nấu ăn. Dụng cụ nấu ăn không có, bố mẹ không mua thì cô tự dành dụm tiền mua. Ở cô có tính thẳng thắn, rành mạch, yêu thì nói yêu, thích thì nói thích, ghét thì nói ghét. Dám sống theo ý mình, chấp nhận khác người, không a dua.

    Trong truyện có ba nhân vật có được cá tính này, Midori, Toru và Nagasawa. Nhưng ở Nagasawa thì nó là lối sống ích kỷ bất chấp cảm nhận người khác. Ở Midori và Toru thì không phải vậy. Đó chỉ là cá tính độc lập, không chạy theo đám đông. Đọc về quá trình hai người đến với nhau thật lý thú và hấp dẫn.

    Mình yêu thích cái cách mà cô ấy bộc lộ tình cảm. Thẳng thắn mà không thô lỗ. Sòng phẳng mà không lạnh lùng. Nồng nhiệt mà không mê ảo. Buồn mà không bi lụy.

    Cái cách cô ấy biểu lộ tình cảm với cha mẹ cũng vậy. Thoạt nhìn có thể nhiều nhà đạo đức thật và giả sẽ choáng và cho là bất hiếu. Nhưng nhìn vào hành động của cô, so sánh với những đứa con của bệnh nhân bên cạnh sẽ hiểu. Cô ấy không yêu cha mẹ được do từ nhỏ đã thiếu đi tình thương yêu của cha mẹ. Nhưng không vì thế mà cô không làm tròn, mà thậm chí còn rất chu đáo, bổn phận. Cô không hề oán hận mà rất có hiếu với cha mẹ. Cô coi đó chỉ như việc dĩ nhiên cần phải làm vậy.

    Đó là cái cách của một người rất trưởng thành, có một tâm hồn rộng rãi và khoáng đạt, sống bao dung nhưng không hề phô trương, vì đó cứ như bản năng gốc của cô vậy. Chính vì thế mà cô thật đáng yêu.

    Nên cuối truyện ta còn hồi hộp không biết chàng Toru có thể dứt bỏ được trách nhiệm tinh thần trước cô bạn gái Naoko để đến được với Midori không.

    Câu hỏi cuối truyện của cô trên điện thoại với Toru thật hay và ý nghĩa: Cậu đang ở đâu?

    5. Về chàng Toru Wanatabe. Thoạt đầu tôi cứ ngỡ là chàng ta dường như "gay" kín, kiểu chỉ thích chơi bạn trai, khó có bạn gái. Nhất là những tình cảm của cậu ta với Kizuki và cả với Nagasawa sau này.

    Nhưng xét kỹ thì có lẽ cậu ta thuộc tuýp người hướng nội điển hình. Và cái chết của người bạn thân quá trẻ là một cú shock lớn với cậu. Cậu theo đuổi Naoko như đuổi theo một ảo ảnh tình yêu vậy. Như cuộc đi bộ của hai người đã diễn tả. Cậu vướng vào cuộc tình ấy mà không thực hiểu mình và hiểu Naoko.

    Mãi sau này cậu mới hiểu được là tình yêu đích thực của mình là ở Midori. May cho cậu là gặp được cô gái tuyệt vời này. Nếu không thì chúng ta lại có thêm một ca tự tử đau lòng nữa mất.

    6. Có lẽ đó cũng là thông điệp của tác giả, cứu cánh của Toru mà cũng là của cuộc đời. Vẫn là sự cứu rỗi kinh điển: Tình yêu thương sẽ cứu vãn thế giới.

    7. Tác phẩm thật hay ở chỗ đó. Sau khi mổ xẻ cho chúng ta thấy rất nhiều những trường hợp khác nhau của những méo mó, bệnh tật tâm hồn, sau khi chỉ ra cho chúng ta sự bất toàn của thế giới, nhà văn đã đưa ra cho chúng ta thông điệp: Hãy biết chấp nhận thế giới với sự khiếm khuyết, không toàn hảo như nó vốn có, để yêu mến và sống với nó. Hãy biết nhìn ra và chấp nhận rằng con người, mà đích thực chính ta, là méo mó, bất toàn và nhiều sai lạc, để biết yêu thương chính mình và yêu thương con người.

    8. Và dù không biết chúng ta đang ở đâu và chúng ta có đúng hướng hay không, hãy cứ dũng cảm từng bước, từng bước đi tiếp, không thể rên rỉ hay chạy trốn cuộc sống. Hãy biết trả giá để sống một cách mạnh mẽ và có trách nhiệm, vì chúng ta cần phải trưởng thành, chúng ta cần phải đóng góp phần tích cực của mình, để làm cho thế giới này tốt đẹp hơn lên.
     
    Last edited by a moderator: 21 Tháng năm 2024
  2. Đăng ký Binance
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...