Review Phim Review Phim Bi Thương Ngược Dòng Thành Sông Bản Điện Ảnh

Thảo luận trong 'Nhạc - Phim' bắt đầu bởi Huongthu2401, 25 Tháng mười 2021.

  1. Huongthu2401

    Bài viết:
    483
    [​IMG]

    Review phim Bi thương ngược dòng thành sông (Bản điện ảnh)

    "Bi thương ngược dòng thành sông" hay còn có tên gọi khác là "Bi Thương Nghịch Lưu Thành Hà", là một bộ phim điện ảnh của đạo diễn Lạc Lạc được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Quách Kính Minh. Khác với những bộ phim Trung Quốc tươi sáng cùng đề tài về tuổi thanh xuân. Bi thương ngược dòng thành sông là một mảng đen tối tập trung khai thác về vấn nạn bạo lực học đường nhức nhối. Đúng như tên phim, Bi thương ngược dòng thành sông (Tên tiếng Anh: Cry Me A Sad River ) là nước mắt đau khổ của nhân vật chính nhiều đến mức có thể chảy thành một dòng sông và khán giả cũng thế, hầu hết người xem sẽ chẳng thể ngừng khóc trước một khúc ca buồn da diết, đầy thống khổ và đau đớn. Tuy nhiên, dù bạn có sợ đau buồn đến đâu, lý do này vẫn đủ để chứng minh đây là một phim điện ảnh đáng xem và cũng là lời khẳng định không phải phim Trung Quốc nào cũng sến súa và chỉ có một màu tình yêu nhàm chán.

    Trong suốt thời lượng gần hai tiếng của "Bi thương ngược dòng thành sông", người xem chỉ cảm nhận được nỗi đau, nước mắt, cùng những uất ức được dồn nén bật thành tiếng khóc. Một thời thanh xuân bị giày xéo bởi bạo lực, oan ức, đau đớn của nhân vật Dịch Dao được lột tả trần trụi trong bộ phim này.

    Nội dung phim:

    Bộ phim xoay quanh cuộc đời của Dịch Dao (do Nhậm Mẫn thủ vai). Đó là một nữ sinh cấp ba mất cha từ nhỏ và có mẹ làm nghề massage tại nhà. Trải qua tuổi thơ không mấy hạnh phúc khi gia đình tan vỡ nhưng lớn lên cũng chẳng khá hơn là bao. Dịch Dao hằng ngày phải sống trong đòn roi và những lời chửi mắng của người mẹ nóng tính. Tia sáng duy nhất của cô có lẽ là Tề Minh (Triệu Anh Bác thủ vai) - cậu bạn mà Dịch Dao đơn phương từ lúc còn nhỏ. Chuỗi bi kịch bắt đầu có lẽ là khi Dịch Dao phát hiện mình bị bệnh phụ khoa và bị Đường Tiểu Mễ (Chu Đan Ni đóng) phát tán thông tin ra khắp trường. Cũng vì chính lí do này mà đối với Dịch Dao, những ngày đứng trước cổng trường giống như là sắp bước vào địa ngục. Cô bị bắt nạt và ức hiếp, đến mức mà ngày nào gương mặt cũng đẫm nước mắt. Tưởng chừng như thanh xuân chỉ toàn một màu đen thì Dịch Dao gặp Cố Sâm Tây (Tân Vân Lai) - em trai của Cố Sâm Tương (Chương Nhược Nam) - hoa khôi của trường, trái ngược hẳn với chị gái, Cố Sâm Tây mang hình ảnh của một nam sinh hay phá phách. Những ngày được ở bên Cố Sâm Tây, cuộc đời lạnh lẽo của Dịch Dao như được sưởi ấm. Tuy nhiên, có lẽ những ai đã xem phim sẽ không thể quên được câu thoại "Hung thủ giết Cố Sâm Tương là ai, tôi không biết. Nhưng người giết tôi là ai thì các người chắc chắn đều biết rõ." Điều đó xảy ra là do việc Dịch Dao bị vu oan. Ở bên Sâm Tây, tưởng chừng như Dịch Dao sẽ được hạnh phúc nhưng những kẻ bắt nạt lại đổ tội cho cô là kẻ giết người. Dường như sức chịu đựng đã đi quá giới hạn, Dịch Dao quyết định gieo mình xuống dòng nước sông lạnh lẽo. Đầy tức giận, đầy căm phẫn, trước mặt hơn hàng trăm người trong trường, bao gồm cả những kẻ cầm đầu bắt nạt cô. Khoảnh khắc Dịch Dao vừa khóc vừa kể tội từng người ở bờ sông đã khiến bao khán giả đau lòng đến rơi lệ cùng cô. Mỗi người một hoàn cảnh khác biệt nhưng tất cả đều "quay lưng" để mặc cô gái Dịch Dao một mình kiên cường chống đỡ.

    Một vài nhận xét về phim:

    • Vấn nạn bạo lực học đường đã được lột tả trần trụi, đau đớn. Người xem dường như có thể đau nỗi đau của nhân vật Dịch Dao.
    • Tình mẫu tử thiêng liêng không cần khua chiêng múa trống, nếu đầu phim người xem không mấy thiện cảm với người mẹ thì càng về sau mới càng thấy đúng là "Hổ dữ không ăn thịt con". Người mẹ cho dù có xấu xa bần cùng đến cách mấy họ cũng luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho con
    • Ý nghĩa sâu sắc về việc tự bảo vệ mình, mỗi người đều có một cuộc đời, nhưng không phải ai cũng có quyền lựa chọn số phận. Nhiều người cho rằng những lời xúc phạm và chê bai người khác là trò đùa. Nhưng không phải trò đùa nào cũng vô hại, có những lời nói đùa đã làm cuộc đời của người khác chấm dứt. Lời là do mình nói, nhưng có lựa được lời hay ý đẹp để nói hay không lại là chuyện khác. Việc là do mình làm, nhưng hành động như thế nào thì mới là đúng?
    • Dàn diễn viên trẻ thực lực biết lấy nước mắt. Phim sử dụng dàn diễn viên không phải hạng nổi bật vì đa số còn trẻ và góp mặt khá ít tác phẩm trước đó, tuy nhiên, năng lực diễn xuất của các diễn viên này rất đáng giá. Điều mãn nhãn nhất ở phim theo mình thấy chắc là ở đôi mắt có hồn và cách diễn xuất của nữ diễn viên chính, chị ấy sống với bộ phim như là một cuộc sống thật của mình chứ không giống đang đóng phim nữa.

    Tạm kết

    Khi phim hết rồi, nước mắt vẫn còn có thể rơi. Ta thương cho kiếp sống của Dịch Dao, thương thêm những đứa trẻ phải chịu nạn bạo lực học đường. Điều đọng lại trong tâm trí khán giả Bi Thương Ngược Dòng Thành Sông là bức tranh ám ảnh không dứt về một thanh xuân đẫm nước mắt. Có lẽ đối với nhiều người, kết phim là không thể chấp nhận được, nhưng với mình, cái kết này mới là điểm đắt giá của phim. Điều này cũng cho khán giả thấy được cuộc sống này không có màu hồng, không phải là truyện cổ tích, Dịch Dao hiền lành nhưng đâu được hưởng niềm vui, hạnh phúc. Cách xây dựng kết thúc như vậy khiến chúng ta nhận ra rằng Dịch Dao này đã bước ở đời vào phim. Chỉ có kết thúc như vậy mới có thể khiến Dịch Dao hạnh phúc, mới có thể khiến những kẻ kia dằn vặt, ân hận về những tội lỗi mình đã gây ra suốt quãng đời còn lại. Bởi lẽ trong tâm trí Dịch Dao lúc nào cũng tồn tại hai từ ' cái chết ' và những suy nghĩ tiêu cực mỗi khi cô ngồi trên xe đạp từ trường về nhà và đi qua con sông đó. Thanh xuân của Dịch Dao có lẽ chỉ thật sự bắt đầu khi cô nhảy xuống dòng nước sâu thật sâu kia. Là vì từ trước đến giờ, cô không thực sự được sống mà chỉ là tồn tại lay lắt.

    Chúc mọi người xem phim vui và cảm nhận được những thông điệp ý nghĩa của bộ phim
     
    chiqudoll thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...