Review Sách Review Nhật Ký Đặng Thùy Trâm - Số 3 LVT Review Sách

Thảo luận trong 'Sách - Truyện' bắt đầu bởi SVHĐ Lê Văn Thịnh, 5 Tháng hai 2022.

  1. SVHĐ Lê Văn Thịnh

    Bài viết:
    33
    NHẬT KÝ ĐẶNG THÙY TRÂM

    Tác giả: Đặng Thùy Trâm

    Biên soạn: Vương Trí Nhàn

    Thể loại: Nhật ký



    ~~~~~~~~~~


    Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình
    Tuổi hai mươi làm sao không khỏi tiếc
    Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc

    (Thanh Thảo)


    Đó là lí tưởng sống cao đẹp của cả một thế hệ thanh niên trong những năm kháng chiến chống Mỹ khốc liệt mà hào hùng. Họ đã sống, chiến đấu hết mình và ngã xuống nơi chiến trường để làm nên mùa xuân trường tồn của Đất nước. Hình ảnh của họ không chỉ được khắc tạc trong thơ ca, nhạc, họa.. trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam yêu nước mà còn hiện lên chân thực, cảm động qua những trang nhật kí. Cùng với "Mãi mãi tuổi hai mươi" của Nguyễn Văn Thạc,

    "Nhật kí Đặng Thùy Trâm" là nơi lưu giữ ngọn lửa không bao giờ tắt của tuổi trẻ. Tác giả, Đặng Thùy Trâm sinh ngày 26 tháng 11 năm 1942 tại Huế trong một gia đình tri thức, mẹ là dược sĩ, bố là bác sĩ ngoại khoa. Cô tốt nghiệp trường Đại học Y Hà Nội và tham gia Quân đội Nhân dân Việt Nam với tư cách là một bác sĩ quân y. Giữa bom đạn của chiến tranh chống Mỹ ác liệt, người nữ bác sĩ anh hùng ấy đã gửi lại gia đình, quê hương để ghi tên mình vào cuộc chiến, trở thành người bác sĩ cứu thương trên mảnh đất Đức Phổ, Quảng Ngãi.

    "Nhật ký Đặng Thùy Trâm", là cuốn nhật ký được viết bằng tay của Đặng Thùy Trâm từ ngày 8 tháng 4 năm 1968 đến ngày 20 tháng 6 năm 1970. Giữa mưa bom bão đạn và những trận càn quét của địch, Thùy Trâm vẫn hàng ngày viết nhật ký để lưu lại những kí ức chiến tranh và cũng là những lời tự thoại với chính bản thân mình. Chị bộc bạch hết suy nghĩ, nhớ thương, mong chờ của mình trên những trang giấy trắng.

    [​IMG]

    Cuối cùng, Đặng Thùy Trâm cũng như bao chàng trai, cô gái Việt Nam trong thời chiến, đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do. Cuốn nhật ký được nhặt bên thi hài của Thùy Trâm đã suýt bị người lính Mỹ ném vào lửa, nhưng một người phiên dịch đã khuyên anh ta nên giữ lại vì "trong đó có lửa". Trải qua bao nhiêu năm lưu lạc, cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm đã tìm về đất mẹ và trở thành những dòng văn lay động trái tim của hàng triệu con người.
    Có thể xem "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" là cuốn nhật ký của một bông hồng thép. Ở đó, đã phơi bày hiện thực tàn khốc của cuộc chiến tranh chống Mỹ. Cuốn sách giống như một thước phim đen trắng nhưng vô cùng sống động kể lại những trận đánh ác liệt, những hi sinh mất mát của quân và dân ta.

    Cuộc chiến càng khốc liệt thì nội tâm người lính càng biến động phong phú. Cách xa gia đình hàng ngàn cây số, suốt mấy năm trời chẳng được đón giao thừa cùng mẹ cha. Là những lúc lòng hoang hoải khi chỉ sau một đêm thức giấc, các đồng chí đã vĩnh viễn ra đi, cả công sự đã bị giặc giã đến tiêu điều.

    ".. nhưng sao lúc này đây mình cảm thấy thèm khát đến vô cùng bàn tay chăm sóc của một người mẹ mà thực ra là một bàn tay của người thân hay tệ hơn chỉ là một người quen cũng được. Hãy đến với mình, nắm chặt bàn tay mình trong lúc cô đơn, truyền cho mình tình thương, sức mạnh để vượt qua những chặn đường gian khổ trước mắt"

    Cuốn nhật ký đã làm sống lại những tâm tư của một cô gái đang trong độ tuổi đẹp nhất. Tuy mang nỗi lo lắng và niềm mong ước được trở về nhà nhưng Đặng Thùy Trâm đã gạt đi tất cả để tiếp tục cố gắng với niềm tin về một đất nước hòa bình độc lập: "Địch càn lên súng nổ rần rần con vẫn cười, bình tĩnh ra công sự Địch tập kích vào căn cứ, vừa chạy địch có đêm phải ngủ rừng con cũng vẫn cười, nụ cười vẫn nở ngay cả khi tàu rọ và HU-LA quăng rocket xuống ngay trên đầu mình.. Vậy mà khi nghĩ đến gia đình, đến những người thân yêu trên cả hai miền, lòng con xao xuyến xót xa và cũng có những lúc những giọt nước mắt thấm mặn yêu thương chảy tràn trong đôi mắt của con."

    Có những lần Đặng Thùy Trâm vô cùng sợ hãi trước tiếng súng, tiếng bom của địch nhưng động lực giúp cô vượt qua tất cả là những người đang chiến đấu cùng mình. Sau mỗi trận càn của địch, số người bị thương tăng lên rất nhiều, nữ bác sĩ trẻ đã tận tâm chữa trị và đem tình yêu thương của mình dành cho các bệnh nhân viết vào nhật ký. Cô miêu tả rõ những gì người chiến sĩ thời đó phải chịu: Người lính bị bom dội cụt tay, mất cả đôi chân hay bỏng toàn cơ thể..
    Giữa nơi núi rừng, Đặng Thùy Trâm vẫn dành tình cảm sâu sắc cho người em nuôi, đó chẳng phải tình cảm nam nữ thông thường mà còn là tình người, tình Cách mạng trao cho nhau trong những ngày gian khổ nhất. Thùy luôn yêu Tổ Quốc, yêu Đức Phổ và nhớ về Hà Nội thân yêu. Đi đến nơi nào, Thùy cũng dành cho người dân những tình yêu nồng đượm.. Đến cuối cuốn sách, hiện thực cuộc chiến ngày càng khốc liệt. Cuốn nhật ký khép lại vào ngày 20.6. 1970 với những dòng chữ cuối cùng..

    Thùy Trâm đã ra đi, nhưng ngọn lửa trong tim cô thì còn sống mãi. Cuốn "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" đã có một cuộc hành trình kì diệu, vượt qua không gian và thời gian để đến với người đọc chúng ta ngày hôm nay. Người con gái ấy chính là biểu tượng và niềm tự hào của một thế hệ cầm súng vào giai đoạn lịch sử không quên của dân tộc Việt Nam.

    "Đời người phải trải qua giông tố, nhưng không được cúi đầu trước giông tố". Ai trong chúng ta đã và sẽ luôn phải đối mặt với những khó khăn, thử thách để trưởng thành. Trên hành trình ấy, không khỏi có những lúc ta mệt mỏi, thậm chí muốn bỏ cuộc. Bạn hãy tìm đến "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" đọc nó với tất cả sự nâng niu, trân trọng và biết ơn về "bông hồng thép" ấy, tôi tin bạn sẽ tìm được sức mạnh diệu kì!

    Cảm ơn các bạn đã đón đọc!

    ~~~~~~~~

    Bài review khác:

    Review Cà Phê Sáng Cùng Tony - Tony Buổi Sáng - Số 1 LVT Review Sách

    Review Những Tấm Lòng Cao Cả - Edmondo De Amicis - Số 2 LVT Review Sách


    Review Cây Cam Ngọt Của Tôi - Số 4 LVT Review Sách
     
    Chỉnh sửa cuối: 17 Tháng hai 2022
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...