Những thửa ruộng quê tôi khi mùa gặt đã xong, người nông dân chưa kịp cày ải thì những gốc ra mục hoai lụi dần rồi cỏ dại mọc phủ đầy. Trong đám cỏ mọc dại ấy có một loại rau mà người dân quê tôi gọi là "vị thuốc nam" thiên phú: Cây rau khúc. Chao ôi! Rau khúc mọc nhiều ơi là nhiều! Rau khúc là loại cây thảo thân mềm. Lá khi còn nhỏ li ti mọc chen nhau. Mặt trước nhẵn bóng trơn, căng mịn. Mặt sau có lông nhỏ trắng như tuyết phủ hơi nham nhám. Lá mọc so le nhau để phát triển chỉ trong thời gian ngắn ngủi. Ngắt vài lá rồi vò lại đưa lên mũi nghe thoang thoảng một mùi thơm của một vị thuốc nam thì phải. Có lẽ rau là cây tự nhiên mọc trên các thửa ruộng nên nó thuộc loại rau dại, người dân quê tôi đã xem rau khúc như một món ăn có giá trị và coi đó cũng là món quà thiên nhiên dành tặng cho nông dân "Chân lấm tay bùn". Cây rau khúc mọc trên các ruộng kia nhiều vô kể. Chẳng biết hạt ở đâu, ai có gieo trồng nó đâu mà cây con nhiều thế. Rau khúc mọc rồi lớn rất nhanh. Mới ngày nào chỉ là những cây bé tí bé tẹo trồi lên từ mặt đất ẩm ướt ấy thế mà một tuần đã được mấy tầng lá chồng lên nhau, vươn mình trong tiết trời đông se se lạnh, đón ánh mặt trời yếu ớt lẫn cùng với sương mù ngày đông giăng giăng choàng lên cánh đồng mỗi sớm. Bẵng đi mấy ngày không ghé thửa ruộng ấy đến hôm nay rau khúc đã to, tròn mơn mởn xanh tốt. Cây này chen lấn cây kia khoe mình khỏe khoắn chờ bàn tay chúng tôi hái mang về. Như không có sự mách bảo, cứ thế chúng tôi rủ nhau đi hái rau khúc về cho bà chế biến đủ loại món ăn vừa mang đậm chất tinh tuý nhà quê mà lại giản dị tinh khiết. Chúng tôi thích món bánh rau khúc bà làm. Bà cầm nhẹ nhàng mớ rau chúng tôi hái, rửa sạch rổ rau rồi để cho ráo nước. Bà bỏ vào cối đá giã nhuyễn. Màu xanh ban đầu của rau chuyển sang màu thâm thâm. Mùi thơm phảng phất chung quanh làm cho chúng tôi cảm thấy ngai ngái như mùi của hương nhu trộn với lòng trứng gà rán để trị bệnh cho trẻ con. Bà giã xong lọn tay vào lấy ra một tảng to bỏ vào cái mâm đồng trộn với đường hoa mơ (Loại đường vừa trắng vừa vàng) đủ dùng. Bà vo tròn bánh bằng quả bóng bàn xếp vào mâm, sau đó bỏ vào chõ đất nung nấu cách thủy. Lửa chụm nho nhỏ để hơi nước sôi lan tỏa chõ bánh. Lúc này, mùi thơm thoang thoảng làm chúng tôi thầm nghĩ "Chút nữa bà sẽ cho chúng tôi bữa ăn bánh rau khúc đậm chất làng quê". Bánh chín, bà lấy lá chuối hột hơ lửa gói bánh bỏ vào cái thúng con con. Bà bảo chúng tôi mang đi biếu người này, người nọ lấy thảo thơm. Tình cảm của bà gói vào trong chiếc bánh rau khúc gợi tình làng, nghĩa xóm sâu đậm như khúc hát dân ca thuở xưa mà chúng tôi nhớ mãi không bao giờ quên. Tấm quà, miếng bánh là hương quê nghèo lúc nào trong bà cũng sẵn có. Từ miếng bánh rau khúc ấy mà chúng tôi hiểu được sự chân chất, lòng thương người, sự bao dung của bà. Ăn miếng bánh bà làm từ cây rau khúc dại, lòng chúng tôi nhớ thương một thuở bà đã làm cho chúng tôi thưởng thức. Bà tôi không còn nữa và rau khúc cũng không còn mọc dại ở những thửa ruộng kia do cơ chế làm ăn đã thay đổi. Nay, hễ đi ngang qua thửa ruộng ấy, tôi như thấy loài rau khúc ấy vẫn thoang thoảng mùi thơm thấm vào kí ức mãi mãi không quên. Bài của Phùng Văn Định