Ramen là gì? 5 loại mì Ramen phổ biến nhất Nhật Bản

Thảo luận trong 'Ẩm Thực' bắt đầu bởi chenzi, 4 Tháng sáu 2021.

  1. chenzi cam

    Bài viết:
    201
    Bạn biết không, nếu Việt Nam ta nổi danh thế giới bởi món phở mang đậm bản sắc người Việt thì Nhật Bản được biết đến với bát mì Ramen thơm ngon qua các bộ anime hay manga nổi tiếng.

    Bên cạnh mì Udon và mì Soba, mì Ramen là món mì trứ danh của người Nhật mà hẳn ai cũng từng nghe qua. Vậy chúng ta cùng đi tìm hiểu, tại sao mì Ramen lại trở thành món ngon nổi bật của người Nhật nhé.


    Ramen là gì?

    Ramen đơn giản chỉ là tô mì thơm ngon nức tiếng của đất nước Nhật Bản. Đây cũng là một món ăn truyền thống mà người Nhật rất ưa chuộng và tự hào.

    [​IMG]

    Người Nhật trân trọng món ăn này đến mức mở hẳn một bảo tàng mì Ramen tại khu phố cổ Yokohama với rất nhiều những hiện vật trưng bày về lịch sử ra đời, phát triển của món ăn này.

    Phần sợi hay phần mì của Ramen thường được làm từ lúa mì, muối và kansui (chất phụ gia chứa kiểm), có màu vàng sẫm rất hấp dẫn. Sợi mỳ Ramen nhỏ, có thể xoăn, thẳng, tròn hoặc vuông tùy nơi sản xuất ở từng địa phương. Chính vì là món ăn phổ biến và rất được ưa chuộng nên mì Ramen có thể tìm thấy ở bất cứ đâu tại đất nước Nhật Bản.

    Phần nước dùng của Ramen chủ yếu được hầm từ xương heo hoặc xương gà trong ít nhất 10 tiếng để đảm bảo độ ngon ngọt, đậm đà. Thông thường, mì Ramen được ăn kèm với thịt heo thái lát mỏng, rong biển, trứng, chả cá Nhật, ngô và bắp cải.


    Mì Ramen có nguồn gốc từ đâu?

    Đến nay người Nhật vẫn chưa tìm được câu trả lời rằng mì Ramen có nguồn gốc từ đâu. Có người cho rằng mì Ramen có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng không rõ được du nhập vào Nhật Bản từ khi nào. Có người lại cho rằng mì Ramen do chính người Nhật chế tại ra từ đầu thế kỉ XX.

    Đến năm 1900, các nhà hàng ẩm thực Trung Hoa đến từ Quảng Châu và Thượng Hải dâng lên thực khách món mỳ ramen với sợi mỳ được chế biến đơn giản (cắt chứ không kéo bằng tay) cùng một vài đồ ăn bày kèm, và nước dung được ninh từ xương lợn. Nhiều người Hoa sống tại Nhật Bản cũng kéo xe bán ramen, bánh bao và há cảo cho công nhân tại các khu phố.

    Theo chuyên gia ramen Osaki Hiroshi, cửa hàng ramen chuyên biệt đầu tiên được mở tại Yokohama vào năm 1910.

    Đầu thời kỳ Chiêu Hòa, ramen đã trở thành một món ăn phổ biến trong các quán cơm bình dân của Nhật. Vào năm 1937, cơn sốt mì Ramen lan rộng cả đất nước mặt trời mọc. Tuy xuất hiện muộn hơn so với các loại mì trứ danh khác như mì soba, mì udon, mì somen.. nhưng mì Ramen vẫn có một chỗ đứng nhất định, đại diện cho quốc hồn của Nhật Bản.

    Bắt đầu từ thập niên 1980, ramen đã trở thành một biểu tượng văn hóa của Nhật Bản và đã được nghiên cứu trên toàn thế giới từ nhiều góc độ.


    Bảo tàng mì Ramen ở Shin-Yokohama

    Để quảng bá cho hình ảnh mì Ramen đến bạn bè khắp thế giới, tháng 3 năm 1994 bảo tàng mì Ramen Shin-Yokohama được thành lập. Bảo tàng này được xem như là công viên giải trí và ăn uống đầu tiên trên thế giới, là nơi tập hợp một nhóm các cửa hàng mì Ramen nổi tiếng trên khắp nước Nhật.

    [​IMG]

    Nơi đây trưng bày lịch sử hình thành mì Ramen và những bí quyết thành công của việc sản xuất mì ăn liền. Ngoài ra mọi người cũng có cơ hội nhìn thấy quy trình sản xuất mì bằng tay.

    [​IMG]

    Bảo tàng còn tái hiện các khu phố cổ và tòa nhà của Shitamachi – một thị trấn cổ của Tokyo khoảng những năm 1958 khi mà mì Ramen trở nên phổ biến và phát triển nhanh chóng. Ở đây tập trung các cửa hàng Ramen ở các vùng như: Sapporo, Tokyo, Hakata, Kumamoto, Yamagata.. mỗi tiệm cung cấp hương vị Ramen đặc trưng của mình như Miso Ramen, Tonkotsu Ramen.

    [​IMG]

    Bảo tàng cũng phục dựng Dagashi-ya (cửa hàng bánh kẹo kiểu cũ) - một trung tâm xã hội cổ điển dành riêng cho trẻ em. Các sản phẩm được ưa chuộng bao gồm kem trong bong bóng cao su, nước soda và kẹo mạch nha.

    [​IMG]

    Hương vị đặc trưng Nhật Bản

    Sợi mì

    Sợi mì ramen được làm từ bốn nguyên liệu cơ bản như: Bột mì, nước, muối và kansui.

    Kansui là nguyên liệu không thể thiếu khi làm mì ramen. Kansui có nguồn gốc từ vùng Nội Mông, nơi mà một số hồ chứa một lượng lớn các chất khoáng này và có loại nước được cho là hoàn hảo để làm món mỳ này. Làm mỳ với kansui khiến cho mỳ có một màu vàng cũng như một kết cấu vững chắc. Trứng cũng có thể được thay thế cho kansui. Một vài loại mỳ không làm từ trứng hay kansui và chỉ nên được sử dụng cho yakisoba, vì chúng có một cấu trúc yếu hơn và trở nên cực kỳ mềm khi nấu mỳ nước.


    Mì ramen có nhiều hình dạng và độ dài khác nhau, nó có thể mỏng, dày, xoăn, thẳng hoặc tròn, vuông tùy vào nơi sản xuất ở từng địa phương.

    Nước dùng

    Nước dùng của ramen thường được hầm từ xương heo, xương gà hoặc xương bò, kết hợp với một loạt các thành phần như shiitake (nấm hương), kombu (tảo bẹ), katsuobushi (vụn cá ngừ vằn phơi khô bào mỏng), niboshi (cá mòi bé phơi khô), và hành tây. Ngoài ra, nước dùng còn được nêm nếm thêm những gia vị khác để tạo hương vị đặc trưng cho món mì như: Muối (shio), nước tương (shoyu) và tương miso .

    5 loại mì Ramen phổ biến nhất Nhật Bản

    Shoyu ramen


    Trong tiếng Nhật, Shoyu có nghĩa là nước tương, chính vì vậy sợi mì Shoyu ramen sẽ có màu nâu đặc trưng cùng hương thơm nhẹ của đậu nành. Ngoài ra, Sợi mì thường là loại sợi nhỏ giúp cho nước dùng mau thấm vào trong hoặc khi ăn dễ dàng thưởng thức được cả sợi mì lẫn vị của nước dùng. Đây là một trong những loại mì cực kỳ phổ biến tại Tokyo và được nhiều nước trên thế giới biết đến.

    [​IMG]

    Nước dùng trong Shoyu ramen thường được làm từ thịt gà nấu với rau củ và nước tương. Tùy từng vùng miền mà loại Ramen này có cách nấu nước dùng khác nhau. Ban đầu nó có vị đậm đà của thịt sau đó dần chuyển sang ngọt từ rau củ và cuối cùng là thanh thanh từ đậu nành. Sự kết hợp như vậy quả là độc đáo và làm cho thực khách không cảm thấy ngán. Bên cạnh đó, nó còn được ăn kèm với hành lá, rong biển, măng khô, trứng luộc, chả cá, chasu (một loại thịt xá xíu)..

    Tonkotsu ramen

    Nước dùng của Tonkotsu Ramen có màu trắng ngà do được hầm từ xương và mỡ heo trong nhiều tiếng đồng hồ. Đó cũng giải thích tại sao người ta gọi là Tonkotsu.


    [​IMG]

    Món mì này có vị đậm đà, béo ngậy như sữa và vị ngọt thanh từ xương. Sợi mì của món này thường khá nhỏ để thực khách có thể cảm nhận được cả hai thứ mì và nước dùng. Tonkotsu Ramen có sợi mì khá nhỏ và ăn kèm cùng thịt heo, gừng đỏ muối chua, trứng luộc, hành và một số loại rau. Loại Ramen này có xuất xứ từ vùng Kyushu và có cái tên khác là Hakata.

    Shio ramen

    So với Tonkotsu béo ngậy bên trên thì món này cũng kén người ăn không kém. Shio có nghĩa là "muối", nước dùng của loại Ramen có nguồn lâu đời và được nấu từ nhiều loại muối kết hợp với thịt gà hoặc xương heo khác nhau.


    [​IMG]

    Nước dùng thường trong, có màu vàng, sự đậm đà của loại Ramen này là không thể chối cãi và khước từ. Loại mì này thường đi kèm với Chashu hoặc có thể thay thế bằng mận ngâm hoặc chả cá, trứng luộc và một số loại rau.

    Kagoshima Ramen


    [​IMG]

    Cùng có nguồn gốc tại Kyushu, thế nhưng Kagoshima Ramen lại không hề bị ảnh hưởng từ các hương vị của những loại Ramen khác. Thay vào đó, nước dùng của món ăn sẽ được pha trộn giữa thịt lợn, thịt gà, cá mòi khô, rau, nấm đông cô khô và hành lá. Chính vì điều này đã đem đến một món mì Ramen có hương vị nhẹ nhàng, khác biệt hơn hẳn so với các loại Ramen khác tại vùng này.

    Tsukemen Ramen

    Loại mì này còn được gọi là mì lạnh, là lựa chọn hàng đầu của người Nhật trong tiết trời nắng.


    [​IMG]

    Sợi mì của Tsukemen Ramen thường to hơn hẳn các sợi mì khác. Điểm nhấn của loại mì này là không chan nước dùng vào chung 1 tô mà để riêng ra 2 tô: 1 tô mì và 1 tô nước dùng. Khi ăn, thực khách sẽ chấm mì cùng nước dùng rồi thưởng thức.

    Nước dùng của Tsukemen thuộc loại đặc biệt nhất trong tất cả các loại mì. Nước dùng sẽ được hầm nhiều giờ với xương heo hoặc cô đặc từ hương vị hải sản, thậm chí là nấu với rau củ tùy vào từng nơi chế biến. Chính vì vậy nó sẽ khá sánh đặc, màu sậm và vị đậm đà hơn các loại Ramen khác.
     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...