Quyên – Đớn đau thân phận người tha hương Tên sách: Quyên Tác giả: Nguyễn Văn Thọ Nội dung: Quyên là cô gái gốc Hà Nội theo chồng vượt biên từ Nga sang Đức. Cuộc ra đi tìm kiếm đất hứa trở thành cuộc phiêu lưu chín năm với biết bao bất ngờ, như con thuyền nhỏ lênh đênh ở xứ người ngay giữa đồng bào mình. Quyên - Tiếng vang làm nên tên tuổi nhà văn Quyên là "đứa con" thứ tám nhưng lại là tiểu thuyết đầu tay của Nguyễn Văn Thọ. Với sự xuất hiện này của Quyên, Nguyễn Văn Thọ được đánh giá là "một trong số ít những cây bút đương đại xuất sắc nhất về đề tài người Việt ở hải ngoại". Nguyễn Văn Thọ ngay từ đầu đã không có ý định theo nghề cầm bút, mãi đến tuổi năm mươi, ông đến với văn chương như là sự sẻ chia những chìm nổi của cuộc đời, để "giải tỏa những ẩn ức trong đời sống, giải tỏa nỗi cô đơn". Trải qua cuộc đời đầy không ít khó khăn và gần ba mươi năm sống tại Đức, ông quyết định trở về Việt Nam, coi quê hương như "thiên đường" của mình. Chính vì những lí do đó mà ông nhìn cuộc đời một cách hiện thực, cũng là người hiểu cuộc sống của những con người Việt xa xứ hơn ai hết. Quyên do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2009 đã ghi một dấu mốc quan trọng cho sự nghiệp Nguyễn Văn Thọ trong nền văn học hiện đại Việt Nam viết về đề tài người Việt tha hương. Quyên – đó là câu chuyện của số phận con người, không chỉ là số phận của các nhân vật mà là của cả một lớp người Việt nơi xứ người. Viết Quyên như một sự giải tỏa, một sự trả nợ sau ngần ấy năm tháng bôn ba nơi đất khách, Nguyễn Văn Thọ đem đến cho độc giả cái nhìn của một cuộc đời gần như trọn vẹn của người xa xứ, mà trong đó mỗi nhân vật là một mảnh ghép. Tóm lược Quyên kể về một cô gái Hà Nội hai mươi tư tuổi thông minh và xinh đẹp theo chồng mình là Dũng vượt biên từ Nga sang Đức với ước vọng về một miền đất hứa. Và, bi kịch cuộc đời cô cũng bắt đầu từ đó. Cái săm non hơi, Dũng đi trước, còn Quyên bị kẹt lại với Hùng – một tay đưa đường, gã kéo cô đến một căn nhà nhỏ trong rừng, cưỡng hiếp và giam cầm cô. Đến khi cô mang thai, Hùng cũng dần cảm thấy yêu thương cô, mà gã yêu thương cái thai trong bụng cô hơn hẳn. Quyên vẫn không mảy may nảy sinh tình cảm gì với gã mà thậm chí có lúc cô còn nghĩ đến việc cầm dao giết Hùng đang ngủ say và trốn đi, nhưng cô không thể đi khỏi khu rừng này vì chó sói ở khắp nơi. Quyên một lòng nhớ về chồng và xin gã cho cô được đi tìm chồng. Hùng đành chở Quyên đi tìm Dũng, và để bảo vệ Quyên khỏi cảnh sát, gã không may bị tai nạn dập nát đôi chân. Quyên được đệ tử của Hùng dẫn đến trại tị nạn Goldberg để tìm Dũng, nhưng vì cái thai trong bụng cô ngày một lớn và những xì xầm trong khu tị nạn, Dũng nổi cơn ghen, đánh đập Quyên thậm tệ. Cô uất ức tự tử nhưng nhờ có Kumar – một người Sri Lanka cũng trong trại Goldberg, cứu thoát. Chấn thương tâm lý, Quyên cùng con – bé Thanh Vân trốn khỏi bệnh viện. Kumar không ngừng tìm kiếm cô nhưng vô vọng. Còn Dũng, sau này không ai biết anh còn sống hay đã chết. Trong lúc bơ vơ, Quyên gặp Phi, hắn cho hai mẹ con cô một chỗ ở. Đêm cuối cùng trước khi Quyên rời khỏi nhà Phi, cô trao thân cho hắn như một cách để trả ơn thì bị vợ Phi và nhân tình phát hiện. Vì bảo vệ cô, Phi đã chém vào vai gã nhân tình và vô ý giết vợ. Vì sợ liên lụy tới Quyên, Phi để cho mẹ con Quyên chạy đi, còn hắn thì đối mặt với lao lý. Trong cơn hoảng loạn, Quyên gặp lại Kumar, lúc này cô đã thôi ghê sợ anh và theo anh về căn hộ. Dần dà, Quyên sống bên Kumar như một người vợ không chính thức, còn Kumar yêu thương Thanh Vân như chính con anh đẻ ra. Một thời gian, Phi ra tù và đi tìm Quyên, mong cưới cô làm vợ nhưng Quyên không đồng ý. Hắn còn giúp Kumar và Quyên mở một tiệm ăn nhỏ. Một ngày kia, Quyên nhận được tin Hùng sắp chết và muốn được gặp mặt con một lần; cùng lúc đó mẹ Kumar sang thăm, Quyên không thể ở trong căn hộ cùng Kumar trước khi có sự đồng ý từ bà (vì lời nguyền của dòng họ Sinnatuerrai của Kumar không cho phép lấy người nước ngoài) nên cô đã quyết định dắt Thanh Vân đến Budapest để Hùng và Thanh Vân gặp nhau lần cuối. Hùng chết, hai mẹ con Quyên cùng Minh – đệ tử của Hùng cùng mang bình tro cốt của Hùng về Việt Nam song vì Hùng không còn người thân và địa chỉ rõ ràng ở Việt Nam, Quyên xin mẹ cho chôn Hùng trong khu vườn của gia đình. Cũng trong lúc đó, Kumar đi tìm Quyên để báo rằng mẹ anh đã vượt qua lời nguyền của dòng tộc để chấp nhận cô. Những thân phận li hương Với kết cấu 15 chương, mỗi chương truyện như một truyện ngắn độc lập hoặc gần như độc lập, ở đó cuộc đời của từng nhân vật được Nguyễn Văn Thọ khai thác đến mức tối đa. Nổi bật lên trên hết, đó là tình cảnh của những con người Việt rời bỏ quê hương, đến nơi đất khách quê người để tìm một cuộc sống mới. Đó là Quyên, thông minh, xinh đẹp, tuổi hai tư rực rỡ xuân xanh theo chồng vượt biên sang Đức để rồi lạc chồng, bị cưỡng hiếp đến có thai, bị giam cầm, tìm được chồng thì lại bị chồng hắt hủi, đánh đuổi, đến mức tự tử song bất thành. Thế rồi không người thân thích nơi xứ lạ, không có nơi nào để đi cũng chẳng có cách nào để về Việt Nam, rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan mà lại bụng mang dạ chửa. Những tưởng được hưởng một chút bình yên thì lại liên tiếp bị cuốn vào vòng xoay của con tạo. Lúc tìm lại được Dũng, ngỡ đâu anh sẽ vui mừng biết mấy, sẽ vì tình vợ chồng mà không trách cứ cô về cái thai hoang nhưng cái thai cứ mỗi ngày một lớn cùng là nỗi hận thù trong anh càng ngày càng chất chồng, lại thêm những lời xì xầm bàn tán, càng làm lòng anh thêm đớn đau. Cái tri thức của anh cũng không ngăn được nỗi hận thù đang lớn – mà chính anh – người gián tiếp gây ra cho Quyên tình cảnh trớ trêu. Giá như ngày cùng Quyên vượt biên anh không để Quyên lại mà đi trước, giá như đến được Đức rồi anh đi tìm cô. Dường như không thấy được ở người chồng này sự cảm thương với Quyên, mà chỉ là nguyên nhân gây cho đời Quyên thêm cơ cực và tủi hổ mà thôi. Hay đó là cuộc đời của Hùng, xuất khẩu lao động sang Nga cũng là để gặp được vợ nhưng rồi lại nhận ra vợ ngoại tình, gã bỏ quách cái công việc làm hoài không thấy giàu để làm đủ mọi nghề, miễn là có tiền gửi về cho mẹ. Và thế là từ một "thằng bốc vác có sức khỏe kinh hồn" gã lại trôi dạt và trở thành "đầu lĩnh phường thảo khấu", nắm giữ một đường dây xuyên biên giới để kiếm thật nhiều tiền. Hoặc đó có thể là cuộc đời của Phi, từ Việt sang Nga, Nga sang Tiệp rồi từ Tiệp về Đức để được ở bên cạnh vợ là Thị, thế nhưng Thị có nhân tình, còn hắn thì trở thành một công cụ của Thị, là một "chi nhánh" quán ăn của vợ, cách vợ hơn hai trăm cây số. Hay đó là cuộc đời của Thị, để có thể kiếm sống được trên đất người, Thị đã lợi dụng mọi thủ đoạn bất chấp người đồng hương. Thị không những xem đồng hương mình là đối thủ trong buôn bán mà còn tìm cách triệt hạ, học lỏm cách thức buôn bán rồi giảm giá, hút hết khách về phía mình. Hay đó là cuộc đời của Huệ, theo chồng sang Ba Lan tưởng đâu hưởng cuộc sống an nhàn, giàu sang đến khi vỡ lẽ ra tiền bạc kiếm chẳng được là bao, chồng lại sinh ra cờ bạc, mâu thuẫn vợ chồng vì thế mà tự sinh, Huệ bị gán cho cái mác là giết chồng, còn chồng thì cứ thản nhiên đi lại với bạn gái cũ, thế là chia tay. Huệ phải tự bôn ba mà kiếm sống. Nét xấu xí trên đất người Sự nhập cư trái phép và ồ ạt của người Việt và các dân tộc khác vào Đức, sau khi bức tường Berlin sụp đổ đã gây ra tình trạng thiếu nhà ở cho cả chục ngàn người tị nạn ở nhiều tiểu bang Tây Đức. Trại tị nạn Goldberg là một nơi tập trung những người tị nạn như thế, đó là một nơi nằm ở bìa rừng Goldberg phía Nam ngoại ô thành phố, nơi đó ghép những chiếc thùng container để thành khu nhà để ở. Trong trại tị nạn Goldberg này có tới sáu mươi, bảy mươi phần trăm là người Việt. Sở ngoại Kiều thực chất biết rõ lí do xin cư trú của người Việt là vấn đề cơm áo gạo tiền, mong muốn thoát khỏi cảnh nghèo đã đẩy người Việt tới đây bằng mọi giá. Ban đầu người dân sở tại cũng thương những người Việt tị nạn, nào là đất nước họ đau khổ nhiều vì chiến tranh, nào là vì mưu sinh mà sống, nào là lòng thương cảm trắc ẩn, cưu mang người hoạn nạn vì đạo lý. Thế mà chỉ một thời gian sau, qua sự quan sát, người dân sở tại dù có giàu lòng vị tha đến đâu cũng đã bắt đầu thay đổi suy nghĩ về những người Việt tị nạn ở trại Goldberg. Với Quyên, Nguyễn Văn Thọ đã chỉ ra đặc điểm xấu của người Việt, đó là thói ăn ở thiếu vệ sinh, thiếu nề nếp. Cho dù đã được nhắc nhở rất kĩ lưỡng về việc phân loại rác nhưng cái tiện tay bạ đâu vứt đấy làm cho người bản xứ thấy vô cùng khó chịu, dần dà họ thấy bất lực trong việc hướng dẫn phân loại rác cho người Việt. Thêm vào đó là việc mất trật tự, chỉ cần có hội hè hay sinh nhật là bất chấp cả giấc ngủ của người khác, tiếng nhạc, tiếng hò la mặc kệ mọi người xung quanh. Rồi thì buôn bán lậu, đến khi bị cảnh sát bắt được thì chỉ biết chắp tay lạy, chẳng màng gì đến pháp luật. Rồi thì bao nhiêu cảnh đâm chém nhau kể cả chém giết người thân tạo ra biết bao hình ảnh xấu xí trong mắt người bản xứ. Nguyễn Văn Thọ với gần ba mươi năm sống trên nước Đức, há ai dám nói rằng những điều xấu xí đó không phải do chính ông mắt thấy tai nghe? Cuộc sống tha hương của người Việt còn cần lắm tình đồng bào ở nơi đất khách xa lạ. Cũng dễ thấy người Việt thường sống thành những cụm gần nhau, không sầm uất thành một trung tâm như người Hoa nhưng cũng không tách riêng mà sống lẻ tẻ. Có lẽ vì vậy mà Nguyễn Văn Thọ đã ví người châu Á nhược tiểu tị nạn chẳng khác gì hạt bụi, hạt bụi lặng dạt xuống một nơi, chồng kế lên nhau và tạo thành vạt bụi. Thế nhưng theo cách nhận xét của Phi thì người Việt dù sống thành cụm như vậy nhưng khi xảy ra vấn đề gì thì lại "đèn nhà ai nhà nấy rạng", khác với người bản xứ, dù cho họ không sống thành cụm nhưng khi có chuyện gì thì họ lại trợ giúp cho nhau, đó cũng là lí do mà Phi chọn để sống trong khu người Đức chứ không sống trong cụm người Việt. Bản chất "con" bên trong cá thể Con người dù trong thời đại nào cũng không trút bỏ được yếu tố "con" tồn tại trong mỗi cá thể, vì đó là bản năng, nhu cầu, là một mặt tồn tại khác của cơ thể con người. Đối với người Việt xa xứ (mà nhất là những người sống cô độc, một mình) thì nhu cầu ấy càng mãnh liệt hơn cả. Trong Quyên, Nguyễn Văn Thọ đã không ít lần nhắc tới yếu tố tính dục – vừa như để liên kết các tình huống truyện, vừa là một khía cạnh không thể thiếu trong đời sống của các nhân vật. Ngay từ mở đầu chương 1, ông đã không che giấu điều đó mà miêu tả một cách chân thực và đầy táo bạo, cũng không ngần ngại dành cho Quyên những tính từ miêu tả cơ thể tuyệt đẹp thon thả, mịn màng, mơn mởn, nõn nường của cô. Đã là nhu cầu thì cần phải được đáp ứng, nếu không sẽ gây ra sự bực tức, khó chịu, Hùng và Phi trong truyện là hai nhân vật bị nhu cầu tính dục chi phối khá nhiều, để lí giải cho điều này cũng không phải là khó, Hùng và Phi đều là những người đàn ông trưởng thành có sức khỏe nhưng lại thiếu bàn tay người phụ nữ bên cạnh (hoặc là đã chia tay hoặc là sống xa vợ), bởi vậy nhu cầu bản năng càng mãnh liệt mà Nguyễn Văn Thọ đã dành cho họ từ "con đực". Không chỉ có Hùng và Phi, mà với Quyên, khi khao khát trong cô trỗi dậy, cũng có lần cô mong muốn được quan hệ xác thịt biết bao, đó không chỉ là nhu cầu của riêng nam giới mà là của chung mọi cá thể. Bên cạnh cuộc sống lao động hằng ngày để đảm bảo cơm áo gạo tiền, tình yêu và tình dục cũng đóng một vai trò không hề nhỏ để tạo nên một cuộc sống trọn vẹn. Tiếng kêu ai oán cho thân phận người nữ Không chỉ là vấn đề người Việt tha hương để tìm cuộc sống mới, mà trong Quyên còn cất lên tiếng nói cho số phận người phụ nữ, nhất là người phụ nữ sống xa quê hương, phải lao tâm khổ tứ vì cuộc sống nơi xứ người. Nguyễn Văn Thọ đã để tiếng nói đau thương ấy cất lên một cách tự nhiên nhất, không gò bó, thúc ép mà lại khéo léo lồng ghép trong cuộc sống xa quê hương của người phụ nữ. Ông đã đại diện cho tiếng nói Quyên, Thị, Huệ nói riêng và tiếng nói của giới nữ nói chung cho những đau khổ, tủi hờn và cả nhục nhã mà người phụ nữ phải gánh chịu. Ở Quyên và Huệ là những mảnh vỡ đã bị cuộc đời giẫm nát, còn ở Thị dù cho có khôn khéo bán buôn thì cái kết của Thị cũng mang một sự đau đời, ám ảnh người đọc, suy cho cùng đằng sau những khôn khéo đó của Thị cũng ẩn sâu bản chất của người phụ nữ - ghen tuông. Quyên của Nguyễn Văn Thọ cũng như một sự tái hiện của Kiều ở nước ngoài[1] nhưng Quyên không chỉ là câu chuyện đời của một người con gái tài sắc vẹn toàn mà sâu hơn nữa, đó là cả số phận của những người Việt tha hương nơi đất khách, trải qua bao cay đắng, khổ đau, tủi hổ, nhục nhã của cuộc đời chỉ để mong có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đặc sắc nghệ thuật Quyên không chỉ thành công và được độc giả đón nhận vì chủ đề trực tiếp liên quan đến số phận con người mà còn chính lối viết dân dã, bình dị của Nguyễn Văn Thọ. Không gian nghệ thuật trong Quyên cũng được ông chú ý, vì là tác phẩm viết về người Việt ở nước ngoài nên không gian nghệ thuật trong tiểu thuyết cũng được rộng mở, những cánh rừng trong sương tuyết lạnh và tiếng chó sói tru, những ánh trăng sáng mờ, thiên nhiên hiện ra với vẻ bao la, trập trùng càng làm tâm trạng người li hương sầu thảm, quạnh hiu; cùng với đó là không gian tâm trạng của nhân vật, nhân vật lạc trong dòng hồi ức, trong quá khứ cứ hoài ám ảnh. Thời gian trong tiểu thuyết không chỉ là khoảng thời gian trong chín năm trời đằng đẵng của Quyên mà đôi lúc trong tiểu thuyết còn đan xen dòng thời gian theo tâm trạng nhân vật, đó là những kí ức của Kumar khi anh nhớ về chị gái, là những lần kể lại cuộc đời của các nhân vật Hùng, Phi, Huệ.. thời gian tâm trạng và thời gian nghệ thuật cùng hòa vào nhau theo mạch kể, tạo cho câu chuyện cuộc đời nhân vật thêm sâu và người đọc cứ đắm hoài vào dòng kí ức. Đạt giải B trong cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn năm 2006-2010, Quyên không chỉ là cuốn tiểu thuyết của từng số phận nhân vật mà tác giả vẽ nên, mà vượt trên cả tính hư ảo của tiểu thuyết, Quyên như hiện ra giữa cuộc sống đời thường, nhất là những người con xa xứ hay đã từng một lần li hương có thể nhìn thấy cả cuộc đời của mình trong ấy. Với cuộc đời thăng trầm của mình và khoảng thời gian sống xa quê hương, Nguyễn Văn Thọ đã tạo ra Quyên không chỉ vì nhu cầu sáng tác, mà như ông nói đó là một sự "trả nợ đời". Vương Tâm Nguyên. [1] Mượn ý từ Đào Anh Thắng