"Quê hương! Mỗi người có một/ Như là chỉ một mà thôi/ Quê hương! Nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người." (Đỗ Trung Quân) Đúng là thế! Dù ở đâu, có đi tới phương trời nào thì hai tiếng "quê hương" vẫn đau đáu và in đậm trong trái tim ta. Một miền quê thấm đượm kí ức tuổi thơ căng tràn cuộc sống thường ngày. Nơi ta cất tiếng khóc đầu đời và nuôi ta khôn lớn. Ôi! Hai tiếng gọi sao xao xuyến, bồi hồi đến thế! Tuổi thơ tôi là miền quê cho tôi giọt sữa ngọt, thơm giấu thoảng mùi vị của làng quê nghèo chứa chất hương tự nhiên vương vào muối mặn, gừng cay hòa lẫn trong nỗi vất vả của mẹ cha nuôi tôi lớn. Ai đi xa mà chẳng thương chẳng nhớ. Trở về với miền quê nơi chôn nhau cắt rốn, lòng tôi xao xuyến biết nhường nào! Ta được nghe giọng nói "ân tình, sâu lắng" chứa đựng nét duyên tự nhiên đến vỡ òa, mộc mạc, đặc sánh của bùn đen nơi ruộng sâu xa tít, giản dị đến khiêm nhường giấu trong khóm lau, khóm sậy. Tiếng gọi đò văng vẳng bến sông xa của bao tháng, bao năm mà lắng đọng: "Dòng sông quê bao năm tháng ai chờ Khách qua sông lòng mênh mông nỗi nhớ Mong một ngày tìm về nơi bến đó Để bây giờ buồn mãi gọi đò ơi!" (Phan Thanh Hà) Vang trong không gian mới thấy thương người quê một thuở xa xưa. Nỗi nhớ quê hương bồn chồn, day dứt qua bao mùa. Thương quê hương đón những trận bão giông, gió giật mạnh quật ngã những mái nhà không được kiên cố của tháng bảy, tháng tám. Tôi thèm được cảm nhận cái lạnh mùa đông "gió bấc thổi xốn xang" khi chiều buông, đêm xuống. Thèm được mặc cái áo choàng Liên Xô rộng thùng thình, quàng cái khăn len tự đan vào cổ, đội cái mũ trùm kín mặt rảo bước trên con đường làng mưa phùn lất phất bay lạnh thấu thịt, da rồi được rít cái rít kéo dài phát ra từ cửa miệng âm thanh mới nghe thôi đã lành lạnh đáy lòng. Nhả cái hơi khói tỏa ra như làn sương mờ ngày đông rét căm căm của xứ Hàn Quốc. Nghe tiếng kêu "róoc.. róoc.. róoc" của đám thanh niên làng kéo điếu cày sao nghiêng ngả.. ngả nghiêng đến thỏa thích rồi một tràng cười vang lên dân dã đậm hương quê. Nhớ mùa hoa xoan nở tím trên cành ngan ngát, hăng hắc lại thấy Nàng Bân nũng nịu cha đòi rét thương chồng, cũng mùa hoa xoan mà xóm làng trẻ con bị bệnh sởi (nốt hoa xoan) lan tràn đến sờ sợ khó phai. Nhớ quê hương cái nắng hè oi nồng, ngột ngạt của mùi rơm lúa mới. Cái gió Lào nong nóng thổi miên man vào làng quê nghèo như chảo lửa tạt ngang đến ran rát khi chuyển giao giữa hai mùa xuân, hạ. Với những buổi trưa hè lặng thinh làn gió, oi bức, nực nội mà vẫn lạc quan và hi vọng. Và nhớ tận đáy lòng ruộng đồng sâu nước nóng như nấu của những ngày tháng 6 đến khó quên. Tất cả.. đều gợi thương, gợi nhớ nao nao! Quê hương là cánh đồng thẳng cánh cò bay tới tận dãy núi xa xa, lờ mờ suốt cả ngày dù mưa hay nắng. Tôi rất tự hào về nơi "đồng chua, nước mặn" ấy đã nuôi tôi khôn lớn thành người, nơi mà mẹ tôi "một nắng hai sương" gồng mình vất vả với ruộng đồng làm ra gạo trắng ngần thơm thoảng vị quê cho tôi thưởng thức. Và cũng chính nơi đó chở che tôi bao tháng ngày còn nhỏ để lớn rồi xa quê "biền biệt" xứ người mưu sinh, kiếm sống. Tôi vẫn mong sao có ngày trở lại để chia sầu, chia tủi với những nỗi niềm lênh đênh cùng quê hương yêu dấu thân thương. Sống trên mảnh đất của quê hương "nắng cháy da người" miền Nam ấy, tôi ước mình được tận hưởng cái không khí rộn ràng khi hoa đào nở giữa miền Nam? Cảm nhận chút mưa xuân nhè nhẹ rơi trên tóc đến ngỡ ngàng, nhưng tiếc rằng mùa xuân miền Nam lại đầy nắng ấm hòa chan để cho cành mai vàng kia khoe sắc.. Nay, quê hương tôi đã xa rồi cái thời xưa ấy. Làng quê đổi thay đến ngỡ ngàng. Xa quê mới thấy nỗi nhọc nhằn, vất vả vương vào sức bền dai của người dân. Dù cho bão tố cứ qua đi rồi lại đến vẫn không sao làm lung lay ý chí kiên cường của người dân quê tôi. Quê hương ơi! Biết bấy nhiêu tình. Bài của: Phùng Văn Định