Quê hương Tác giả: Nguyễn Hưng Có biết bao bài thơ viết về quê hương đã trở thành "tượng đài" bất hủ, nhưng với "Quê hương", nhà thơ Nguyễn Hưng vẫn thổi vào từng câu chữ những cảm xúc rất riêng, và bằng những cách biểu đạt rất riêng, để lại nhiều cảm xúc sâu lắng. Bài thơ là mạch cảm xúc của chủ thể trữ tình về tuổi thơ với biết bao kỉ niệm, về những ngày gian khổ hằn in trên mồ hôi cha, nước mắt mẹ chát phèn, về niềm vui bình dị của mẹ cha khi khi nức mầm hạt thóc, khi khoai bắp xanh màu.. Cuộc sống của người nông dân dù đầy những khó khăn, gian khổ nhưng bù lại là niềm vui vì đạt được thành quả trong lao động. Và dù đi đâu xa, bát canh cá đòng, nồi cơm gạo mới vẫn khiến nhà thơ không thể nào quên, bởi đó là mùi vị quê hương quấn quýt nơi đầu lưỡi. Những ngày đã xa ấy chẳng thể nào tìm lại, bài thơ kết lạ bằng cảm xúc nghẹn ngào ngân lên: Biết tìm đâu bữa cơm nghèo thuở nhỏ - Bỗng chiều nay nghe mắt mình rát đỏ - Xa lắm rồi ngày xưa đó.. Quê ơi. Xuyên suốt bài thơ là tình yêu, nỗi nhớ của chủ thể trữ tình về quê hương. Bài thơ thể hiện thấm thía, cảm động tình cảm dành cho nơi mình sinh ra và lớn lên, tình cảm dành cho gia đình. Tình cảm gia đình, tình yêu quê hương là điểm tựa để tiếp thêm sức mạnh, thêm niềm tin trong cuộc sống. Ai cũng có một quê hương để nhớ Vết thời gian không thể xóa bao giờ Thương tuổi thơ những trưa cùng đám bạn Bắt cá đòng...hỉ hả với bùn dơ Gió bấc về...cuối vụ...lúa vàng mơ Đòng cong vút gọi mời mùa thu hoạch Ruộng khô hạn trơ mình con cá chạch Cố vẫy vùng tìm đường lách về sông Quê hương ta mộc mạc những cánh đồng Ngọt phù sa thượng nguồn...đông vàm cỏ Nơi chở che cả một thời gian khó Mồ hôi cha...nước mắt mẹ...chát phèn Cả cuộc đời làm bạn với bùn đen Cha mỉm cười khi nức mầm hạt thóc Đôi vai mẹ nặng quằn bao khó nhọc Lệ mừng rơi khi khoai bắp xanh màu Con cá đòng mộc mạc chẳng thanh cao Mãi thủy chung bên nồi cơm gạo mới Sao cứ nhớ cứ thèm nơi đầu lưỡi Có lẽ nào...đó...mùi vị quê hương Nhớ bồi hồi những kỷ niệm yêu thương Biết tìm đâu bữa cơm nghèo thuở nhỏ Bỗng chiều nay nghe mắt mình rát đỏ Xa lắm rồi ngày xưa đó...Quê ơi. (Quê hương, Nguyễn Hưng, Tuyển tập những bài thơ hay về quê hương, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2017, tr. 20) Bài thơ "Quê hương" gợi lên một bức tranh giản dị nhưng sâu sắc về tình yêu quê hương, làm người đọc không khỏi xúc động trước những hình ảnh gần gũi và thân thương. Tác giả khéo léo miêu tả cảnh quê với những đồng lúa vàng mơ, những buổi trưa hè bắt cá đòng, tạo nên một khung cảnh vừa bình dị vừa sống động. Qua từng câu chữ, hình ảnh quê hương hiện lên mộc mạc, thân thuộc với ruộng đồng bát ngát, phù sa ngọt ngào và những cơn gió bấc cuối vụ. Đó là vẻ đẹp của thiên nhiên hiền hòa và cuộc sống giản đơn mà dường như ai cũng lưu giữ trong ký ức. Vẻ đẹp của bài thơ còn nằm ở cách tác giả thể hiện sự hy sinh và nỗi nhọc nhằn của cha mẹ. Hình ảnh "mồ hôi cha, nước mắt mẹ" gắn với "bùn đen" và "vụ mùa" khắc họa sâu sắc sự vất vả trong cuộc sống lao động nơi làng quê, nơi mà niềm vui của người cha là khi thấy "nức mầm hạt thóc", niềm hạnh phúc của người mẹ là khi "khoai bắp xanh màu." Những chi tiết ấy không chỉ tôn lên vẻ đẹp của lao động mà còn thể hiện sự gắn bó bền chặt với đất đai, nguồn cội. Đặc biệt, bài thơ khơi dậy nỗi nhớ da diết khi nhắc đến "mùi vị quê hương" – cái hương vị mộc mạc từ bữa cơm nghèo thời thơ ấu, gợi lên tình cảm thủy chung với nơi chôn nhau cắt rốn. Kết thúc bài thơ, câu "Xa lắm rồi ngày xưa đó.. Quê ơi" ngân lên như tiếng gọi tâm tư đầy lưu luyến, khiến người đọc không khỏi bồi hồi, thầm nhớ về những kỷ niệm ấm áp, yêu thương gắn bó với quê hương thân yêu của mình.