Quan niệm thơ của Dương Tường

Thảo luận trong 'Bài Sưu Tầm' bắt đầu bởi Hà Linh Linh, 6 Tháng ba 2024.

  1. Hà Linh Linh

    Bài viết:
    8
    Tìm hiểu quan niệm thơ của Dương Tường (thi pháp âm bồi)

    Dương Tường là một nhà thơ của nhóm Dòng chữ với quan niệm thơ rất độc đáo: Thi pháp âm bồi. Nhiều bài thơ của ông lấy cảm hứng từ chủ nghĩa siêu thực và phong trào tượng trưng. Ông tự nhận bản thân "một đời ăn nằm với chữ".

    1. Vài nét về tiểu sử, con người, sự nghiệp văn học:

    Dương Tường, tên thật là Trần Dương Tường, sinh ngày 4 tháng 8 năm 1932 ở Nam Định. Ông không thuộc loại người "tinh hoa phát tiết ra ngoài" mà thuộc nhóm nghệ sĩ "thấp bé nhẹ cân", gương mặt khắc khổ. Tuy vậy ông là một tài năng nhiều mặt, có thể gọi với nhiều danh xưng: Dịch giả, nhà thơ, nhà báo (rõ rồi) ; nhà phê bình hội họa, sân khấu, văn chương, âm nhạc, điện ảnh (không nhiều, nhưng những gì ông viết đều đáng "đồng tiền bát gạo").. ; chưa kể ông vẽ cũng ra trò! Ông thông thạo tiếng Anh, Pháp như tiếng mẹ đẻ, thậm chí có thơ với 2 thứ tiếng này.


    Suốt cả thời tuổi trẻ và cho tận tới bây giờ, Dương Tường dành nhiều sức lực và tâm huyết cho việc chuyển dịch những tác phẩm văn chương lớn của thế giới ra tiếng Việt bằng hai thứ ngoại ngữ "cao thủ" là tiếng Anh và tiếng Pháp như Cuốn theo chiều gió, Anna Karenina, Ðồi gió hú, Những con đường xứ Flandres, Bức thư của người đàn bà không quen, Zorba - Tay chơi Hy Lạp, Người dưng, Ðất dữ, Cội rễ, Cái trống thiếc.. rồi nhiều vở kịch của Shakespeare, Henrik Ibsen.. Giữa các "quãng dừng" khó nhọc của công việc chuyển ngữ, Dương Tường sống với cõi thơ của riêng mình, mà nói như ông là "ăn nằm" với con chữ để tạo ra một dòng thơ cách tân rất "hậu hiện đại" từ giữa những năm 60, cùng với những người bạn thơ cùng chí hướng khác: 36 bài tình (thơ - in chung với Lê Đạt), Đàn (thơ ngoài lời), Thơ Dương Tường - Mea culpa và những bài khác và gần nhất là Dương Tường Thơ xuất bản năm 2017.

    2. Quan niệm thơ:

    Quan tâm hàng đầu của Dương Tường khi làm thơ là luôn phải có tính nhạc. Thơ và nhạc luôn hòa quyện với nhau. Ông tâm đắc với một phát hiểu của nhà thơ Pháp Paul Verlaine: Thơ trước hết phải có tính nhạc (De la musique avant toute chose ). Thường những tiêu đề thơ cũng mang tính nhạc như Romance 1, 2, 3.. hay Serenade 1, 2, 3.. hoặc có cấu trúc của một bản giao hưởng 4 chương hoặc một tổ khúc giao hưởng (Mea Culpa là một tổ khúc giao hưởng 7 chương). Quan niệm về tính họa trong thơ, ông nói: Thơ không phải là hội họa dù rất gần với hội họa. Các tác phẩm của tôi cũng không phải là tranh mặc dù nhìn như những bức tranh. Đó là một thứ thơ không dùng đến ngôn ngữ thông thường và sử dụng các biểu đạt siêu ngôn ngữ (meta-language). Ông luôn có ý thức phối hợp âm nhạc với tạo hình trong thơ: "nhạc nhoè đường xanh/ đêm lập thể" (Serenade 1). Khi so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, bao giờ ông cũng tìm lối độc đáo, lạ, lắm khi rất bạo, có khi gây sốc lúc mới trình làng, nhưng chắc chắn là ấn tượng khó quên: "những bản thảo chín tháng/ mười ngày/ còn bị nạo thai", "tôi năng jặt lòng mình như/ đàn bà tháng tội jặt trăng", "tro hài cốt bỏ quên/ một mối tình tự hỏa táng", "thung đồi sông lạch địa dư em", "da thịt phố vẫn mưng tấy/ từng nốt chân em", "kỷ niệm/zi căn/ vào tâm thất" (Mea Culpa), "đèn đường/mủ đêm" (Bella), "tôi có khi là một quả mọng những thở dài" (Romance 1).

    Những tạo hình kết hợp bất ngờ một gợi hình cụ thể với một ý niệm trừu tượng như thế này mở cho ta rất nhiều tưởng tượng, liên tưởng: "Ai đi/ ròng ròng/ anatômi" 13 (Mea Culpa), "Có khi/ mặt em/ cấu trúc mưa" (Romance 3), "thời gian như một cái nhìn vàng/ tôi vẫn phi-tôi/ vẫn lạc lối hoài trong một im lặng trầm/ đa giác" (Sinh nhật)

    Ông "không gian hóa" bài thơ (theo truyền thống thì thơ vốn được coi là một thể loại nghệ thuật thời gian) :

    Sử dụng lối xếp đặt các chữ trên trang, như tách các cụm từ, tách các mẫu tự, xuống hàng bất thường, để tăng thêm hiệu quả của ý thơ, nhạc thơ:

    Mư ư ưa

    Mùa v-

    ắ-

    n-

    g

    trắng


    (Mea Culpa)

    Lối ấy phát triển đến chỗ "chơi" cả đồ hình, vượt qua thói quen câu thơ tuyến tính, mong biểu đạt tính đối vị (paradigmatique) tiềm ẩn của diễn ngôn:

    e



    k ể c ả o m i ề n



    i

    a

    (Mea Culpa)


    Quan niệm làm thơ là "làm chữ" và hệ quả của nó là "làm âm". Vậy thì phải làm sao để khai thác được thành tố âm của từ để nó phát huy được sức gợi, gợi tình, gợi hình.. Ông nói: Vật liệu chính của thơ tôi không phải là con chữ mà là con âm. Có lẽ điều phân biệt giữa các bạn thơ khác và tôi là họ làm việc ngôn ngữ trên chiều "biểu nghĩa", còn tôi làm việc ngôn ngữ trên chiều "năng nghĩa". Chiều "năng nghĩa" có thể hiểu như việc nó chưa định hình và vẫn đang trong quá trình tự hình thành nghĩa, thậm chí không có trong từ điển nhưng khi đọc người ta vẫn hình dung ra được bằng cách cảm nhận. Và từ cái cảm của thính giác đó sẽ chuyển đến cái cảm của tâm thức. Nói cách khác ở thơ các bạn đó là mặt chữ nhìn "thẳng", còn tôi là ở mặt chữ nhìn "nghiêng". Tôi nghĩ sức gợi của thơ mình nằm ở "mặt chênh" đó, nó nảy lên một cái gì giống như âm bồi (son harmonique) trong âm nhạc vậy. Thi pháp âm bồi này được thể hiện rất rõ trong các bài Noel 1, 2Chợt thu 2 (Chiều se sẽ hương / Vườn se sẽ sương / Ðường se sẽ quạnh / Trời se sẽ lạnh / Người se sẽ buồn ).

    Nếu chỉ với những chiều hương, vườn sương, đường quạnh, trời lạnh, người buồn, bài thơ sẽ chẳng mấy gợi cảm vì những ghi nhận mùa thu như thế có vẻ đã quá quen. Nhưng hai âm chủ se sẽ là câu thần chú làm tất cả sống dậy, diễn biến; bởi các danh từ (hương, sương), tính từ (quạnh, lạnh, buồn) dường như được trạng từ se sẽ biến thành động từ. Và tất cả được nhạc hóa; nhắm mắt lại, ta chỉ còn nghe tiếng cây vĩ chạm rất nhẹ rất chậm, láy đi láy lại, vào mỗi một dây đàn, ta mơ màng chuồi đi trong một không khí Hà Nội chớm thu, vạn vật bỗng trở nên thầm kín, dịu dàng, êm ái. Se sẽ chứ không phải khe khẽ. Vì se sẽ gợi âm thanh của heo may, của lá rụng. Và, khiến nảy lên âm bồi se se. Một tác động trượt nghĩa từ cảm nhận thính giác sang cảm nhận da thịt cái lạnh chớm thu.

    Với hay không với "thi pháp âm bồi", nhưng chắc chắn là với giọng điệu riêng, Dương Tường đã cho người yêu thơ những bài thơ mà hiệu quả âm nhạc, tạo hình là một với sức mạnh cảm xúc, tình cảm, ý tưởng, không tách bạch được đâu là "âm", đâu là "nghĩa", đâu là "hình thức" đâu là "nội dung". Đủ để ghi tên một Dương Tường trong số các nhà thơ đóng góp vào sự phát triển thơ hiện đại Việt Nam.
     
    lương lam lâm thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...