Quản lý nhà nước là gì?

Thảo luận trong 'Cuộc Sống' bắt đầu bởi lamvuthon, 6 Tháng bảy 2021.

  1. lamvuthon

    Bài viết:
    66
    Chào các bạn, chủ đề hôm nay là một khái niệm nghe rất nhạt nhẽo:

    "Quản lý nhà nước"

    Mục đích của bài viết này là giúp các bạn nhỏ mở rộng thêm vòng từ ngữ của mình, các bạn lớn thì thu nạp thêm kiến thức và các bạn già thì có thêm nguồn tài liệu tham khảo và tra cứu. Hy vọng sẽ đem lại những nội dung hữu ích.

    1. Quản lý là gì?

    Để dễ hình dung về quản lý nhà nước, trước hết, bạn cần hiểu khái niệm "Quản lý" :

    Quản lý bắt nguồn từ sự phân công và hợp tác lao động hay dễ hiểu hơn là quản lý xuất hiện khi con người có sự tương tác và giao tiếp với nhau khi cùng thực hiện một mục tiêu chung. Trình độ xã hội hóa càng cao thì vai trò của quản lý càng tăng lên.

    Quản lý là sự tác động có mục đích của một chủ thể này (chủ thể quản lý) tới hành vi của một chủ thể khác (chủ thể bị quản lý) nhằm đạt được một mục tiêu nhất định. Các chủ thể này có thể là tổ chức hoặc con người.

    [​IMG]

    Mục đích và nhiệm vụ của quản lý là điều khiển, chỉ đạo hoạt động chung của con người, phối hợp các hoạt động riêng lẻ của từng cá nhân tạo thành một hoạt động chung thống nhất của cả một tập thể và hướng hoạt động chung đó theo những phương hướng thống nhất nhằm đạt được mục tiêu đã định trước.

    Ví dụ trong lớp học của bạn, thầy cô của bạn sẽ bằng biện pháp nào đó để khiến các bạn chăm chỉ học tập chứ không phải lúi húi bấm điện thoại dưới gầm bàn thì chính là đang "quản lý" các bạn đó.

    Rất dễ thấy, quản lý xuất hiện ở bất kỳ nơi nào lúc nào, nếu ở nơi đó và lúc đó có hoạt động chung của con người. Bạn bị bố mẹ bạn quản lý, bố mẹ bạn bị công ty quản lý, công ty chịu sự quản lý của các cơ quan nhà nước..

    2. Nhà nước là gì?

    Định nghĩa một cách mô phạm thì: Nhà nước là tổ chức quyền lực, chính trị của xã hội có giai cấp, có lãnh thổ, dân cư và chính quyền độc lập, có khả năng đặt ra và thực thi pháp luật nhằm thiết lập trật tự xã hội nhất định trong phạm vi lãnh thổ của mình.

    Còn một cách dễ hiểu hơn, bạn hãy tưởng tượng trong gia đình bạn thì mặc định luôn mẹ bạn là người quản lý phân công bạn giặt quần áo còn bố lau nhà, đó là do quy mô rất nhỏ việc phân công sẽ dễ dàng. Còn ở quy mô lớn hơn, như trường học thì sẽ có một bộ máy được cơ cấu đàng hoàng để quản lý trường học đó mà đứng đầu là hiệu trưởng, bên dưới là hiệu phó, các phòng ban và bộ môn.. Cứ như vậy, ở cấp độ một quốc gia sẽ có một tổ chức được lập nên để giám sát tổ chức hoạt động của cả quốc gia đó. Đó chính là nhà nước.

    Nhà nước là cơ quan nắm giữ quyền lực, chính trị của xã hội quyết định những vấn đề trọng yếu của đất nước và thực hiện điều hành, vận hành hoạt động của nhà nước của xã hội.

    Nhà nước thường được thiết lập thành một bộ máy bao gồm các cơ quan thực hiện các nhiệm vụ chuyên trách trong các lĩnh vực như các cơ quan nhà nước thực hiện quyền lập pháp tức cơ quan quyền lực nhà nước, cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan thực hiện quyền tư pháp.

    Nhà nước là tổ chức duy nhất mang tính chất quyền lực nhà nước, đây chính là đặc điểm cơ bản để có thể nhận diện nhà nước với các tổ chức xã hội khác.

    3. Quản lý nhà nước là gì

    Quản lý trên góc độ của quốc gia chính là quản lý nhà nước. Đó là một dạng quản lý xã hội đặc biệt, mang tính quyền lực nhà nước và sử dụng pháp luật nhà nước để điều chỉnh hành vi hoạt động của con người trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội do các cơ quan trong bộ máy nhà nước thực hiện nhằm thỏa mãn nhu cầu hợp pháp của con người, duy trì sự ổn định và phát triển của xã hội.

    Chủ thể của quản lý nhà nước là các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Các cơ quan này được thành lập để thực hiện chức năng lập pháp, hành pháp, tư pháp. Ở Việt Nam bộ máy nhà nước được tổ chức thành:

    Cơ quan lập pháp: Quốc hội

    Cơ quan hành pháp: Chính phủ (Gồm Thủ tướng và các Bộ thực hiện quản lý theo ngành)

    Cơ quan tư pháp: Tòa án và Viện Kiểm sát Nhân dân

    [​IMG]

    Đối tượng quản lý của Nhà nước là toàn thể nhân dân sống và làm việc trong phạm vi lãnh thổ quốc gia.

    Phạm vi điều chỉnh của quản lý nhà nước là tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội bao gồm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng.. Trong nền kinh tế thị trường, nhà nước đóng vai trò là người dẫn dắt, định hướng sự phát triển của kinh tế nhằm đảm bảo thống nhất các lợi ích cơ bản của toàn xã hội. Kinh tế học khẳng định rằng, sự thành công của nền kinh tế thị trường phụ thuộc vào sự phối hợp giữa cơ chế thị trường và khả năng điều tiết của nhà nước đối với nền kinh tế đó. Vì vậy, quản lý nhà nước về kinh tế là một chức năng trọng yếu duy trì nền kinh tế của một quốc gia phát triển và phát triển đúng hướng.

    4. Quản lý nhà nước như thế nào?

    Quản lý nhà nước thực hiện theo ngành và theo lãnh thổ. Bộ máy nhà nước được tổ chức theo chiều dọc từ Trung ương đến địa phương và phối hợp với nhau theo các nguyên tắc được quy định rất chặt chẽ. Như bạn thấy đấy, bạn bị quản lý bởi gia đình và nhà trường, gia đình bạn bị quản lý bởi tổ dân phố, các phố do phường quản lý.. cứ như vậy theo từng cấp cho tới cấp quốc gia.

    Quản lý nhà nước được thực hiện bằng hệ thống pháp luật. Pháp luật là biện pháp để nhà nước điều chỉnh hành vi của tất cả tổ chức cá nhân trong phạm vi lãnh thổ quản lý của mình. Giống như ở trường học, quy định là khi kiểm tra không được quay cóp, bạn buộc phải thực hiện quy định đó bởi vì nếu vi phạm bạn sẽ phải chịu những hình thức kỷ luật tương xứng. Và tất nhiên cũng có những đối tượng luôn tìm cách để lách luật, lúc đó các thầy cô giám thị sẽ giám sát theo dõi hành vi để đảm bảo đối tượng đó không thực hiện trót lọt được hành vi của mình.

    Cũng như vậy, đối với một đất nước, bộ máy quản lý sẽ kiểm soát các hoạt động trong phạm vi quản lý của mình: Bộ tài chính quản lý thuế, Bộ Tài nguyên và

    Môi trường quản lý đất đai..

    Nhà nước đảm bảo cho mọi hoạt động của con người đều có sự kiểm soát và chi phối của luật pháp. Đó là lý do tại sao lực lượng nhân lực tham gia bộ máy quản lý nhà nước lại nhiều như vậy và pháp luật lại phải liên tục sửa đổi và bổ sung để phù hợp với sự biến đổi của xã hội.

    Như vậy "Quản lý nhà nước" là một khái niệm vĩ mô nhưng thực chất lại tồn tại và hiện hữu ngay trong đời sống của chúng ta. Hy vọng rằng các bạn sẽ cảm thấy hài lòng với lượng thông tin mình cung cấp.

    Hẹn gặp lại các bạn trong chủ đề tiếp theo.

    Cảm ơn và chúc các bạn luôn sống và làm việc đúng pháp luật.
     
    Louis Lavender thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 7 Tháng bảy 2021
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...