Quan điểm của Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc 1. Độc lập dân tộc là quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của các dân tộc. Trong "Bản yêu sách tám điểm" gửi Hội nghị Vécxây năm 1919, Nguyễn Ái Quốc đã đòi quyền tự do, dân chủ cho nhân dân Việt Nam. Nội dung cốt lõi của Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng (1930) là Độc lập, tự do cho dân tộc. Trực tiếp chủ trì hội nghị trung ương 8 (5/1941), Người viết thư Kính cáo đồng bào và chỉ rõ "Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng là cao hơn hết thảy." Tháng 8/1945, Khi thời cơ cách mạng chín muồi, Người khẳng định quyết tâm "Dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập dân tộc." Trong Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Người long trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và thế giới: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy." Khi Đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, quyết tâm bảo vệ độc lập và chủ quyền được thể hiện rõ, Người đã đưa ra một chân lý bất hủ: "Không có gì quý hơn độc lập tự do." Như vậy quan điểm cơ bản của Hồ Chí Minh là: Đảm bảo các quyền dân tộc cơ bản cho các dân tộc: Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn, lãnh thổ. Độc lập dân tộc gắn liền với sự thống nhất quốc gia, sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Đây là cái "Dĩ bất biến" trong tư tưởng Hồ Chí Minh đồng thời là sự nối tiếp truyền thống và ý chí của dân tộc Việt Nam. 2. Độc lập dân tộc phải gắn liền tự do, cơm no, áo ấm và hạnh phúc của nhân dân. Hồ Chí Minh khẳng định: "Nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì." Độc lập cũng phải gắn với cơm no, áo ấm và hạnh phúc của nhân dân. Ngay sau khi cách mạng tháng Tám thành công, Người yêu cầu thực hiện ngay: Làm cho dân có ăn Làm cho dân có mặc Làm cho dân có chỗ ở Làm cho dân có học hành 3. Độc lập dân tộc phải là nền độc lập thật sự, hoàn toàn và triệt để Theo Hồ Chí Minh, Độc lập dân tộc phải là nền độc lập thật sự, hoàn toàn và triệt để trên tất cả các lĩnh vực. Người nhấn mạnh: Độc lập mà người dân không có quyền tự quyết về ngoại giao, không có quân đội riêng, không có nền tài chính riêng thì độc lập chẳng có nghĩa lý gì. 4. Độc lập dân tộc gắn liền với thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Trong lịch sử đấu tranh giành độc lập, dân tộc ta luôn đứng trước âm mưu chia cắt đất nước của kẻ thù. Tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ là tư tưởng xuyên suốt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh. Trong Di chúc, Người cũng thể hiện niềm tin tuyệt đối vào sự thắng lợi của cách mạng, sự thống nhất nước nhà: "Dù gian khổ đến mấy nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà".