Truyện Ngắn Quán Ăn Cũ - Triều Nguyễn

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi TrieuNguyen, 4 Tháng tám 2020.

  1. TrieuNguyen

    Bài viết:
    51
    [​IMG]

    Tác phẩm: Quán Ăn Cũ

    Tác giả: Triều Nguyễn

    Nội dung:​

    Những cánh mai dần tàn, rơi rụng trên khắp các con đường lớn nhỏ của thị trấn cũ kỹ, dấu hiệu của một mùa xuân nữa sắp đi qua. Năm nào cũng vậy, mỗi dịp Tết đến thì những người con xa xứ lại lũ lượt trở về để hưởng cái không khí đoàn viên, rồi không được bao lâu lại đổ xô đi tứ xứ, gánh nặng mưu sinh khiến họ chẳng thể nào lưu lại cái thị trấn nhỏ bé này được quá mươi bữa, nữa tháng. Ở đây, mấy ngày Tết đã chẳng đông đúc người cho mấy, bấy giờ hết Tết thì dường như càng thêm vắng vẻ, hiu quạnh.

    Trên con hẻm nhỏ, hoa mai rụng đầy như một tấm thảm vàng ươm, kéo dài đến tận mấy ngôi nhà cuối phố. Xa xa cuối con hẻm, một bà lão nhỏ thó đang loay hoay nhóm những cánh hoa thành từng đống nhỏ, miệng lẩm nhẩm:

    - Cái lão già khó chịu, ngày Tết thì hoa mai nở, hoa nở xong lại tàn, lão cứ bắt mình phải dọn sạch không còn một cánh hoa mới chịu, hứ!

    Chồng bà có một cái quán ăn nhỏ từ đời cha của lão truyền lại, tới bây giờ cũng đã được hơn sáu chục năm. Từ ngày lão lấy bà về, hai vợ chồng vẫn kiếm sống nhờ cái quán ăn xập xệ này. Mấy năm gần đây lão cứ luôn miệng than thở, bảo rằng cái gì tuổi già sức yếu, bệnh tật kéo tới, đầu óc cũng bắt đầu lú lẩn, thành thử mọi việc lớn nhỏ trong quán bà phải một tay cáng đáng. Hơn một tháng nay lão đột nhiên lăn đùng ra bệnh, nằm liệt giường, ấy vậy mà sáng nay thấy hoa mai rớt đầy trước cửa, lão đùng đùng nổi giận, bắt bà một hai phải dọn cho bằng sạch thì thôi. Từ Tết tới giờ cũng đã hơn một tháng, cái quán ăn cũ kỹ này có mấy ma ghé tới đâu mà lão cứ bắt phải dọn dẹp sạch sẽ quá đáng như thế, bà vừa quét hết mấy cánh mai cuối cùng vừa chửi thầm:

    - Chắc là lão lại nhớ đến con bé, hừ, đúng là cái lão già hay để bụng!

    Bà quét xong thì trở vào trong quán, dọn dẹp lại cái tủ kính đựng thức ăn cho gọn gàng, miệng vẫn không ngừng lẩm bẩm...

    Mấy hôm nay trời ấm áp hơn hẳn, chắc là trời sắp vào hạ. Bà lão mở cửa quán thật sớm, tranh thủ dọn dẹp để bán vào buổi trưa. Bà còn đang luôn chân luôn tay bỗng nghe sau lưng có giọng nói lanh lảnh:

    - Bà ơi! Có gì ăn không ạ, cháu đói quá!

    Vừa nghe tiếng nó bà đã nhoẻn miệng cười, là thằng Tít, cháu ngoại bà. Bà quay lại xoa đầu nó, cười hỏi:

    - Thế thằng bố mày đâu sao lại để mày sang đây? Còn mày sao không đi học?

    Thằng Tít xị mặt, trước giờ nó vẫn không thích bà gọi bố nó như thế, nhưng nói mãi mà bà ngoài có bao giờ chịu sửa đâu! Nó khó chịu một chút rồi thưa:

    - Hôm nay cháu được nghỉ, bố phải vào viện chăm mẹ nên bảo cháu sang đây. Bà có gì ăn không? Cháu hơi đói!

    Thằng nhỏ mới có chín tuổi mà cứ khó chịu như ông già, thiệt giống hệt ông ngoại nó, bà nhìn nó rồi lắc đầu, bảo cu cậu đi vào trong rồi sẽ nấu cho nó một bát mì, mới sáng sớm đã kịp chuẩn bị gì đâu.

    Thằng Tít ăn hết bát mì rồi vội vã chào bà ngoại, chạy thẳng một hơi ra ngoài đường lớn, mất tăm. Bà còn đang sửa soạn trong bếp, vừa nghe tiếng đứa cháu ngoại, quay lại thì chỉ thấy cái bóng của nó đổ dài ở trước cửa, đã chạy xa lắm rồi! Bà lắc đầu, thở dài:

    - Con với chả cháu, đứa nào cũng như đứa nào, chẳng mấy khi mà chúng chịu ở lâu một chút...

    Lễ Tết qua rồi, cuộc sống lại quay về với cái guồng quay vốn có của nó. Những người đi làm ăn xa thì đã vội vã bắt những chuyến xe đầu xuân, ai còn vấn vương với cái thị trấn nhỏ bé này thì nấn ná lại thêm ít hôm, đến hôm nay đã là giữa tháng hai, trong khu phố chỉ thấy mấy mống người qua lại. Gần cái quán ăn mang tên "Cũ" có một công trường xây dựng đang thi công, trưa trưa lại có một tốp mấy anh công nhân kéo vào quán ăn uống, nhờ đó mà mấy ngày nay bà cũng kiếm được thêm một mớ khách.

    Mặt trời đã cao quá đầu, ánh nắng giữa trưa thật chói chang, mấy cánh hoa mai còn xót lại bay phất phơ, nhìn xa xa trông như những con bướm vàng đang tung tăng trong gió. Năm, sáu người đàn ông cao lớn, người nào người nấy mồ hôi nhễ nhạy kéo vào quán ăn "Cũ". Tấm biển màu đỏ có duy nhất một chữ "Cũ" được viết bằng mực đỏ theo lối thư pháp treo lủng lẳng trên cửa, gió tạt qua làm nó đung đưa như một con lắc đồng hồ, mém chút nữa đã va trúng vào đầu một người trong số họ. Một người đàn ông hơi gầy, đội trên đầu cái mũ bảo hộ màu trắng đưa tay giữ tấm biển lại, cười ha ha rồi nói lớn với bà chủ quán đang đứng bên trong:

    - Cụ làm ăn khấm khá sao không đổi quách cái biển hiệu này đi, bây giờ biển hiệu điện tử đầy rẫy ra, ai lại treo cái biển hiệu lủng lẳng vừa cũ vừa nguy hiểm như này nữa!

    Bà lão thấy mấy anh khách quen đi vào, vội dọn dẹp một cái bàn phía trong cùng của quán, tay thoăn thoắt lau mấy cái ghế nhựa màu đỏ thẫm, miệng không quên trả lời người đàn ông kia:

    - Cái quán ăn cũ kỹ này thì mỗi ngày kiếm được mấy đồng mấy cắc, các anh thử một ngày ghé đây năm lần mười lượt ủng hộ lão đi, chẳng những lão thay biển hiệu mới mà có khi còn mướn thêm mấy cô phục vụ chân dài nữa không chừng, hà hà!

    Bà nói xong thì cười ra vẻ hoan hỷ, rồi lật đật quay vào bếp làm thức ăn cho họ. Mấy người này là khách quen, hầu như ngày nào cũng gọi đúng mấy món, riết rồi bà thấy họ đến thì cứ mấy món đó mà làm, hôm nào họ đổi ý muốn ăn món khác tự sẽ nói với bà.

    Bà lão vừa mang đồ ăn ra cho nhóm công nhân xây dựng, trước cửa quán thấy có cái bóng đen in dài trên mặt đường. Cái bóng dài lê thê nhưng nhỏ nhắn, người đến trước cửa vừa cao vừa ốm như cây nêu, bà chưa thấy mặt người đó đã lớn tiếng nói ra:

    - Hôm nay cụ Hóa ghé quán tôi, quả là quý hóa quá!

    Ông già Hóa đã bước chân đến trước cửa, nhìn vào trong, thấy bà lão đang nhìn mình mỉm cười thân thiện, ông cau mày nói:

    - Tôi chỉ đi ngang qua đây thôi, chị Nghị hiểu lầm rồi!

    Bà vẫn cười vui vẻ, bà biết cái tính lão hàng xóm của mình quá rõ, từ ngày con gái lão mất, lão cứ ru rú trong nhà, mấy khi đi ra ngoài mà lại tình cờ ngang qua đây. Bà cười với lão rồi nói:

    - Nếu đã tình cờ đi qua đây sao không sẵn tiện ghé vào ủng hộ tôi? Dù gì cũng là cái tình làng nghĩa xóm cơ mà!

    Bà không đợi lão đồng ý đã chạy ra kéo tay lão lôi vào. Ông Hóa làm ra vẻ miễn cưỡng bước vào trong. Ông đi thẳng vào một cái bàn nhỏ bên cạnh bàn của mấy anh công nhân xây dựng, ngồi thụp xuống rồi nhìn ngó một hồi, lúc sau mới hỏi bà Nghị:

    - Anh nhà hôm nay không nấu à? Lão lại đi đánh cờ ở cái hội cờ ơ cờ ất gì đấy rồi phải không?

    Cái hội cờ ơ cờ ất mà lão nói chính là cái hội "Cờ cho người cao tuổi" mà chồng bà Nghị tham gia bấy lâu nay. Bà vốn cũng không ưa gì cái thói mê cờ của ông chồng già, những mong họ dẹp quách cái hội ất ơ đó đi cho người ta chuyên tâm làm việc, ai đời già đến tóc xanh thành tóc bạc rồi mà suốt ngày cứ tụm năm tụm bảy bu quanh cái miếng gỗ vuông vuông nhỏ xíu, chẳng chịu phụ giúp vợ con. Giọng bà lanh lãnh, séo sắc chẳng kém gì mấy người cho vay nặng lãi, cải lộn mướn:

    - Nhắc đến lão chỉ tổ bực mình thôi, lão hết mê cờ rồi đâm sang mê giường mê gối, ăn Tết xong lại ốm nằm liệt giường liệt chiếu rồi, đang nằm dài trong nhà như cọng bún thiu kia kìa! Mà cụ hỏi lão làm gì, hồi xưa ông cụ truyền nghề là truyền cho cả hai vợ chồng, có phải chỉ dạy riêng cho một mình lão đâu, có món nào lão nấu được mà tôi không biết nấu! Cụ vẫn dùng cơm trắng với rau luộc, kho quẹt phải không?

    Ông Hóa nhìn bà như dò xét, ánh mắt hiện rõ nét nghi ngờ, một hồi mới nhè nhẹ gật đầu.

    Thoáng chốc một thố cơm trắng nóng hổi, khói nghi ngút; một đĩa rau luộc xanh ươm cùng bát kho quẹt đã có trên bàn. Ông Hóa chầm chậm dùng bữa, nét mặt vẫn không có gì thay đổi, vẫn cau có khó chịu như vậy.

    Ông ăn xong bữa thì đứng dậy đi đến quầy, gọi là quầy nhưng thực ra chỉ là một cái bàn nhỏ bằng gỗ, xem chừng sắp mục nát đến nơi, ông đếm tới đếm lui mấy tờ giấy bạc rồi đưa cho bà Nghị, cáu kỉnh nói:

    - Vẫn chưa lên giá đấy chứ?

    Bà Nghị nhìn ông, nghĩ thầm: "Cái lão này xưa nay vốn nổi tiếng khó gần, hàng xóm chung quanh có mấy ai qua lại với lão đâu! Hơn một năm nay lão lủi thủi trong nhà, năm thì mười họa mới sang đây ăn cơm, lại ăn đúng cái món mà lão thích, đến một câu khen cho dễ nghe cũng không có, đã vậy lại còn nói cái giọng xấc xược, hừ, đúng là lão già khó ưa! Mà mấy lão già ở khu phố này cũng không có lão nào dễ ưa cả!" Bà nhận lấy mấy tờ bạc của lão, nói:

    - Khách khác thì tôi tính lên giá cả rồi, nhưng cụ Hóa là khách quen mười mấy năm nay, lại là chỗ làng xóm láng giềng, nên cứ giá cũ thôi ạ!

    Ông Hóa chẳng thèm ư hử gì, quay đầu đi thẳng ra cửa. Cái bóng đen vừa cao vừa gầy đổ dài trên mặt đường, tưởng chừng như lê thê, một lúc sau thì hoàn toàn mất hút.

    Đèn đường bừng lên, sau mấy lượt khách lúc sập tối, bà Nghị lại như bao ngày, dọn dẹp mọi thứ đâu vào đấy rồi vào trong chăm nom lão chồng già bệnh tật. Bà kéo cánh cửa sắt lại, toan tắt đèn bỗng nghe tiếng người gọi:

    - Cụ ơi khoan đóng cửa!

    Bà nheo mắt nhìn, thấy sau song cửa là anh Hoàng, công an khu vực. Bà đi ra mở cửa, khổ nỗi cái cửa này chịu mưa chịu nắng bao nhiêu năm, han gỉ hết bảy, tám phần, hai người hì hục hết một lúc mới mở ra được. Bà nhìn anh Hoàng, nói:

    - Tiên sư nhà anh, lại tham công tiếc việc đấy hử? Vào trong coi còn cái gì thì ăn đi, vẫn tính tiền như thường lệ đấy nhé!

    Nói rồi bà vội vàng đi vào nhà. Anh Hoàng ở khu phố kế bên, cũng là mối ruột của quán ăn này, gần hai năm nay anh đều ghé đây ăn tối sau khi tan sở. Quán của bà Nghị sau sáu giờ tối hầu như đã hết khách, hôm nào anh về trễ thì bà cụ cứ mặc anh tự làm đồ ăn, còn mình thì vào trong nhà chăm nom cho ông chồng. Anh Hoàng vào bếp, hâm nóng chỗ thức ăn còn thừa của buổi chiều rồi tự dọn ra bàn ăn. Mãi một lúc sau bà Nghị mới đi ra, bà kéo cái ghế, ngồi xuống kế bên anh, nói:

    - Cái Thùy nó mất cũng gần hai năm rồi, sao anh không đi bước nữa, tội tình gì mà cứ khổ sở như vậy?

    Anh Hoàng đặt cái chén xuống bàn, trầm ngâm. Anh suy nghĩ một hồi lâu mới hỏi:

    - Lâu nay cháu không ghé qua chỗ ông cụ, bà có gặp ông ấy không ạ?

    Bà Nghị xì một tiếng, bĩu môi nói:

    - Cái lão già khó ưa đó thì chịu gặp ai? Lão cứ ở mãi trong nhà như con ma xó, mãi đến trưa nay mới vác xác tới đây ăn cơm, không khéo lại sắp có bão to!

    Anh Hoàng cười gượng, ăn hết bát cơm rồi ra về. Bà Nghị gọi với theo sau:

    - Có rãnh thì ghé qua thăm lão một tí, anh việc gì phải trốn tránh như vậy, mà có muốn tránh cả đời cũng không được đâu!

    Bà nói hết câu thì anh đã quẹo ra đường lớn, cũng chẳng biết anh có nghe được mình nói hay không, bà đóng cửa rồi tắt đèn, trở vào trong nhà...

    Hôm nay trời mưa, mưa rất lớn, không hiểu sao mới đầu năm mà mưa gió cứ như tháng mười, tháng mười một âm lịch. Bà Nghị không mở cửa quán, bà ngồi bên giường của ông chồng, nhìn lão chằm chằm mà thở dài:

    - Già hai thứ tóc, sắp chết đến nơi mà còn giận dỗi như đám con nít!

    Ông lão hai mắt nhắm nghiền nhưng thần sắc vẫn còn tỉnh táo lắm, ông buồn rầu nói:

    - Tôi có giận hờn gì nó, ngày đó tôi kiên quyết không cho nó lấy thằng Sang, cái thằng suốt ngày lêu lổng, có biết làm ăn gì phỏng. Cuối cùng thì nó cũng lấy rồi đấy thôi, cái thân già này có nói cũng chả ma nào thèm nghe, đến mụ vợ sống chung mấy mươi năm còn chả chịu nghe nữa là!

    Bà Nghị biết lão chửi xéo mình, tặc lưỡi:

    - Lần trước nó biết lão bệnh, vợ chồng con cái đều dắt nhau sang đây thăm, thế mà lão một câu cũng không thèm nói với chúng nó, cứ nhắm mắt nằm im như chết rồi. Bây giờ nó nằm viện rồi, lão có chết thật thì cũng không gặp được nó lần cuối đâu!

    Bà còn đang định trách móc lão thêm mấy câu, chợt nghe tiếng thằng cháu ngoại gọi ngoài cửa, mới chịu đi ra khỏi phòng.

    Bà cốc nhẹ đầu nó một cái, cười hiền từ, so với lúc ở gần ông chồng thì bây giờ nhìn bà cứ như một người hoàn toàn khác. Bà hỏi nó:

    - Nghe bảo hôm nay thằng bố mày vào viện chăm vợ, sao mày không theo nó vào trong đấy, lê la đến đây làm gì? Bộ mày muốn lớn lên cũng bất hiếu như mẹ mày hay sao?

    Thằng Tít nghe mấy lời hằn học của bà mãi thành quen, nó biết bà ngoại không bao giờ rầy la nó, chẳng qua lời nói của bà ấy hơi khó nghe. Nó lấy trong cặp sách ra một cái khăn nhỏ, lau đầu tóc bị ướt rồi nói:

    - Bố cháu bảo mấy hôm nay bệnh viện đông người lắm, cháu học xong thì qua ngoại ăn cơm, mình bố ở trong đấy chăm mẹ với em là được rồi ạ!

    Nó ngưng lại một lát, rồi rụt rè hỏi:

    - Bà ơi! Có phải... có phải sau khi sinh em ra, bố mẹ sẽ không còn...không còn yêu thương cháu nữa phải không ạ?

    Nó òa lên, khóc nức nở.

    Bà kéo nó lại, ôm nó, vuốt ve, một lúc sau mới hỏi:

    - Ai bảo với cháu như thế?

    Nó càng khóc nức nở hơn, vừa nấc lên vừa trả lời:

    - Ai gặp cháu cũng bảo như thế, vậy chắc họ nói thật phải không ạ?

    Bà lấy tay quẹt hai hàng nước mắt trên má nó, nói:

    - Cháu khờ quá, bố mẹ tất nhiên sẽ yêu thương em như yêu thương cháu vậy. Khi em còn bé, bố mẹ phải chăm lo cho em nhiều hơn, giống như lúc cháu còn bé cũng thế. Cháu là anh trai, đáng ra phải yêu thương em, đằng này em chưa ra đời mà cháu đã đố kỵ với em rồi, có phải là xấu tính lắm không hả?

    Nó ngừng khóc, quẹt quẹt mấy giọt nước mắt rồi gật đầu. Bà cười thầm: "Thằng bé này xem ra hiểu chuyện còn hơn cả người lớn!" Bà dắt nó vào trong chào ông ngoại. Lão nằm trên giường, hai mắt nhắm nghiền, nghe tiếng đứa cháu ngoại vẫn không chịu mở mắt ra nhìn, gương mặt già nua hốc hác dường như có mấy phần hoan hỉ...

    Còn tiếp...
     
    Chỉnh sửa cuối: 1 Tháng tám 2020
  2. TrieuNguyen

    Bài viết:
    51
    Phần Hai

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Mấy hôm nay trời cứ mưa, mưa từ sáng đến tối, trong quán chỉ có vài người khách đang dùng cơm trưa, bà Nghị ngồi thẫn thờ nhìn lên bầu trời đen nghịt, trong bụng thầm chán nản. Từ ngày cái Mai nó mang bầu đứa thứ hai, đêm nào bà cũng trằn trọc không ngủ được. Hai vợ chồng nó công ăn việc làm còn chưa ổn định, sinh thêm đứa nữa thật không biết lấy cái gì mà nuôi. Biết ông chồng già còn giận đứa con gái, thỉnh thoảng bà mới dám gửi cho chúng ít tiền dành dụm được. Khổ nỗi anh con rễ của bà sĩ diện lắm, nói kiểu gì thì anh cũng không chịu nhận, bà đành phải âm thầm đưa cho đứa con gái mới xong. Từ đầu năm tới giờ, ông chồng của bà đau ốm liên miên, tiền thuốc thang nhiều lo không xuể, cái quán ăn nhỏ này thì buôn bán cũng chẳng khá khẩm gì cho cam, bà muốn mua cho đứa cháu ngoại sắp sinh mấy bộ đồ sơ sinh cũng không được, mỗi lần nghĩ đến lòng bà cứ quặn lại, gương mặt già nua hấp háy lại nhiều thêm vài nếp nhăn.

    Ngoài trời đã ngớt mưa nhưng chưa tạnh hẳn, lớt phớt mấy hạt bé li ti vẫn đều đặn rớt xuống, mái hiên làm bằng tôn cứ phát ra những tiếng tinh tang như một bản nhạc buồn. Dưới làn mưa lất phất, một dáng người vừa quen lại vừa lạ cứ lửng thửng bước đi, trên đầu đội một chiếc nón cối đã cũ, chầm chậm dừng lại trước cửa quán ăn nhỏ. Lão đứng trước cửa một hồi lâu, chân ngập ngừng nửa muốn vào, nửa muốn không, sau cùng cũng bước vào trong.

    Bà Nghị đang suy nghĩ vẩn vơ, thấy lão đi vào mới giật mình, hỏi:

    - Hôm nay cụ Hóa lại ghé chỗ tôi ủng hộ đấy à? Đã quá giờ cơm trưa rồi, cụ chờ tôi một lát!

    Bà vội đi chuẩn bị đồ ăn cho ông Hóa. Mặt mày lão lúc nào cũng nhăn nhó, bây giờ lại thêm phần đăm chiêu, càng khó coi hơn nữa. Lão vội vàng nói với bà Nghị:

    - Ấy khoan, tôi ăn cơm rồi, phiền chị cho tôi một cốc bia!

    Bà thấy hơi quái lạ, xưa nay có bao giờ nghe lão thích nhậu nhẹt đâu? Không lẽ bấy lâu nay lão ru rú trong nhà để làm con ma men? Mấy lão già trong cái khu phố này sao cứ thi nhau mà đổ đốn hết vậy cơ chứ! Bà rót một cốc bia tươi mang ra cho lão, gắt gỏng:

    - Cụ có uống thì uống ít ít cho tôi nhờ, quán tôi là quán ăn chứ không phải là quán nhậu đâu đấy!

    Ông Hóa nhìn bà chằm chằm, môi mấp máy như muốn mắng cho bà vài câu nhưng lại không thốt ra lời. Lão chậm rãi hớp một ngụm bia tươi, đôi mày lão nhíu lại, những nếp nhăn trên trán hiện lên rõ mồn một. Lão kéo cái ghế nhựa ra để kế bên mình, mời bà Nghị ngồi, thở ra một hơi dài rồi nói:

    - Chắc là tôi dẹp quách cái cửa tiệm thôi chị ạ!

    Bà nghị ngạc nhiên. Cái cửa tiệm sửa đồng hồ của lão đã có từ mấy chục năm nay, từ những ngày đầu về làm dâu trong khu phố này bà đã thấy nó sừng sững ở đầu đường, ai cũng biết đó là tâm huyết suốt một đời của lão, sao bỗng dưng lão lại đòi dẹp tiệm? Mà hà cớ gì lão lại đi nói với mình? Đúng là cái lão già khó ưa quái đản!

    Ông Hóa hớp thêm một hớp bia, cơ mặt của lão bắt đầu giãn ra, ánh mắt như dịu lại, mặt mày lão thấp thoáng một niềm vui khó tả. Lão chầm chậm nói:

    - Chắc là tôi về quê sống luôn chị ạ! Cái Thùy nó đã không còn, thằng rể trời đánh thì suốt ngày công với chả việc, đến gặp mặt tôi một lần mà nó cũng chẳng thèm, tôi muốn về quê dưỡng già, cũng là nơi chôn nhau cắt rốn của cái Thùy. Ngày bé nó thích sống ở quê lắm, ở đó con bé có biết bao nhiêu là bạn bè, ngày nào tôi cũng thấy nó cười tươi rạng rỡ, chỉ tại tôi ham bôn ba, ham làm giàu, nếu ngày đó hai bố con cứ ở quê mà sống an nhàn, biết đâu... biết đâu...

    Hai mắt lão chợt long lên sòng sọc, cổ họng như nghẹn lại, mà lão có ăn cái gì đâu cơ chứ! Lão tu một hơi cho đến khi trong cốc chỉ còn lại những bọt trắng li ti.

    Bà Nghị rót cho lão thêm một cốc nữa. Bà đặt ly bia trên bàn, nói với lão:

    - Cụ uống thêm một cốc nữa rồi về nghỉ. Già cả rồi, không phải như bọn thanh niên mà cứ thích mượn rượu giải sầu làm gì! Còn về chuyện của cậu Hoàng, chẳng qua chỉ là hiểu lầm thôi cụ ạ, cậu ấy...

    Lão xua tay gạt đi, cướp lời bà:

    - Tôi lạ gì cái ngữ ấy, cụ đừng có bênh nó làm gì, từ ngày cái Thùy qua đời, đứa con rể như nó tôi đã xem như không có từ lâu rồi!

    Lão đứng phắt dậy, dúi vào tay bà mấy tờ giấy bạc nhăn nheo rồi quơ lấy cái nón cối trên bàn, đi một mạch ra khỏi quán. Một ông già tóc đã bạc trắng, mặc chiếc áo sơ mi cũ thùng thình, cái quần tây màu nâu sẫm dường như ướt hết dính đầy bùn đất, tay cầm khư khư cái nón cối đi thật nhanh dưới làn mưa lả tả như sương sa, cái bóng người gầy gò đó trông như một con đóm đóm lạc lối giữa đêm trường cô quạnh, lẻ loi và khổ sở...

    Đã ba ngày kể từ hôm ông Hóa tới đây, ngoài trời nắng chói chang, mấy anh công nhân bên công trường lại kéo tới ăn trưa. Họ ngồi ở cái bàn quen thuộc, ai nấy mặt mày hớn hở, xem ra có chuyện vui. Trái ngược với không khí hoan hỷ đó, ở chiếc bàn bên cạnh, có một cậu thanh niên cứ lầm lủi húp bát mì một cách vội vã. Cậu ta dường như đang rất gấp, tiếng cậu ta húp nước lèo sồn sột cũng khó chịu vô cùng, trên bàn thì vương vãi biết bao nhiêu là cọng mì, cọng rau, giấy ăn. Bà Nghị khó chịu trong bụng, nghĩ sao lại có người ăn uống rồi bày bừa phát kinh như thế, nhưng có vẻ cậu ta mới đến đây lần đầu, cũng không tiện nhắc nhở nên bà lấy cái khăn đến chỗ bàn cậu ta đang ăn, vừa lau cho sạch sẽ vừa nhỏ nhẹ nói:

    - Cậu trai trẻ từ từ mà ăn, cứ vội vàng như thế mà làm gì? Cẩn thận kẻo mắc nghẹn chứ chả chơi!

    Cậu ta quăng cho bà một ánh nhìn khó chịu, chẳng nói chẳng rằng, cứ cặm cụi ăn đến khi trong bát chỉ còn lại ít nước. Buông đôi đũa xuống bàn một cách thô lỗ, một chiếc theo đà lăn đến bên rìa chiếc bàn, rơi luôn xuống đất, cậu móc trong túi ra một tờ bạc mới tinh, để trên bàn rồi rời khỏi quán. Bà Nghị gọi với theo cậu ta:

    - Này, cậu trai trẻ? Còn tiền thừa thì sao?

    Nhưng người thanh niên đó đã mất tăm. Bà lắc đầu ngán ngẩm, thầm nghĩ không biết con cái nhà ai sao lại cư xử thiếu lễ độ như vậy, rồi quay lại dọn dẹp mớ lộn xộn trên bàn mà cậu ta để lại...

    Ngoài đường vắng vẻ đến lạ thường, chẳng biết tại sao hôm nay không thấy một bóng người ngang qua quán, bà Nghị thức dậy từ sáng sớm, dọn dẹp mọi thứ đâu vào đấy rồi mang bữa sáng vào trong cho ông chồng. Lão mơ mơ màng màng, mở mắt ra nhìn bà rồi lại nhắm mắt lại. Bà đặt thức ăn trên chiếc bàn nhỏ cạnh đầu giường rồi quay trở ra. Tuy lão cứ nhắm mắt nằm suốt trên giường nhưng việc ăn uống, đi vệ sinh lão đều tự lo được, bà như thường ngày, định ra quán nấu đồ ăn chợt nghe lão nói:

    - Hôm nay bà cứ đóng cửa quán đi, chả có ma nào nó thèm ghé đâu, năm nào mà chả thế!

    Bà chợt nhớ ra, hằng năm cứ vào ngày mồng mười tháng ba âm lịch, mọi người ở thị trấn thường ở nhà nấu nướng, cúng kiếng, làm gì có ai ra ngoài ăn bao giờ. Mấy người khách quen có lẽ hôm nay cũng nghỉ làm, xem ra sẽ không có ai đến quán, vậy mà lão cứ bảo đầu óc lão lẩn thẩn, nói không chừng mình mới là người lẩm cẩm mất rồi. Bà liếc lão một cái, thấy mắt lão nhắm nghiền như đang ngủ, cũng chẳng thèm đoái hoài gì đến mình, đành đi ra khỏi phòng.

    Bà Nghị ra ngoài quán, giở lịch ra coi, sực nhớ ra điều gì thì tắc lười trách thầm: "Chết chưa, chết chưa! Xem ra mình lú lẫn thật rồi!"

    Bà quay vào chỗ ông chồng, dặn dò lão mấy câu rồi xách một cái túi, đi thật nhanh ra đầu hẻm, quanh vào đường lớn, thoáng chốc đã đi xa lắm rồi.

    Bệnh viện thị trấn sao mà đông người đến thế, bà Nghị hỏi thắm mấy cô y tá, loay hoay hết một hồi mới tìm được chỗ cô con gái đang nằm. Hơn mười ngày nay con gái bà vẫn nằm ở đây chờ ngày sanh, bác sĩ bảo là nó sinh khó nên phải nằm viện để tiện cho việc theo dõi. Bà cứ nơm nớp trong ruột, lo lắng không thôi, nhưng còn cái quán ăn và ông chồng già không ai coi ngó, bà đành bấm bụng phó thác hết cho cậu con rễ tay chân lóng ngóng một mình ở trong đây chăm vợ.

    Cô Mai thấy mẹ vào thăm, mừng lắm, ôm lấy mẹ như đứa trẻ lâu ngày bị bỏ rơi, hai mắt cứ long lên. Bà đẩy cô ra, nhìn nhìn ngó ngó xung quanh một hồi rồi lớn tiếng hỏi:

    - Thế cái thằng chồng "yêu quý" của mày đâu rồi? Mang tiếng vào đây chăm vợ mà lại bỏ bê con nhỏ một mình thế này đấy, hừ, chồng với chả con!

    Cô Mai vội phân bua thay cho chồng:

    - Không phải đâu mà mẹ! Anh ấy ra ngoài mua đồ ăn cho con rồi!

    Bà dí ngón tay trỏ vào trán cô:

    - Đấy, đấy! Cứ nói nó một tiếng là mày lại bênh chằm chằm, trong đầu mày bây giờ chỉ biết có mỗi cái thằng chồng "yêu quý" của mày mà thôi, làm gì còn nhớ tới hai ông bà già này! Người ta nói có sai đâu, con gái gả chồng rồi thì coi như bỏ đi, mày như thế thảo nào bố mày lại...

    Bà nói đến đây thì thoáng thấy mặt con gái xụ xuống, liền lảng sang chuyện khác:

    - Thế sáng giờ nó chưa cho mày ăn cái gì à? Gớm, chồng với con tốt quá nhỉ!

    Bà lấy cái cà mèn trong túi ra, mở nắp, mùi cháo gà thơm lừng cả phòng bệnh. Cô Mai ôm lấy cánh tay mẹ, nũng nịu như một đứa con nít, cũng may là không có thằng Tít ở đây nên cô mới dám xoa dịu cơn giận của mẹ bằng cách này. Cô cười hi hi, nói:

    - Chỉ có mẹ là tốt với con nhất!

    Bà đẩy nhẹ tay con gái ra, mắng:

    - Đã gần ba mươi tuổi đầu rồi đấy, không sợ người khác họ cười cho thối mặt ra à! Cơ mà tôi nghĩ tôi chỉ xếp thứ hai thôi chứ!

    Mai chợt nhớ ra, nhìn mấy người xung quanh, vội buông tay mẹ ra. Kế bên giường của cô còn ba chiếc giường nữa cũng có người đang nằm chờ ngày sinh, thế nhưng ai nấy lúc này cũng bận lo cho cái bụng bầu của mình, làm gì còn thời gian mà quan tâm đến người khác, nên chẳng ai buồn để ý đến hành động của cô, chỉ là cô tự thấy xấu hổ mà thôi.

    Bà Nghị muốn ở bên con gái thêm một lúc, nhưng để ông chồng ở nhà một mình thì trong bụng không an tâm, đành đợi cô con gái ăn hết bát cháo rồi ra về. Bà vừa đi vừa lo lắng, thấy con gái nằm một mình trong viện thì không nỡ, mà bỏ ông chồng bệnh tật ở nhà cũng không xong, cứ suy nghĩ mông lung rồi về đến trước cửa lúc nào cũng không hay.

    Đã hơn sáu giờ tối, bà Nghị đang chuẩn bị nguyên liệu cho ngày mai, chợt nghe tiếng đàn ông ở trước cửa:

    - Cụ ơi, còn gì cho cháu không ạ!

    Là cậu Hoàng, hôm này là ngày nghỉ sao cậu ấy lại đến đây ăn cơm? Bà quay ra nhìn, thấy anh Hoàng trên người vẫn mặc bộ quân phục công an, mặt mũi phờ phạt. Anh Hoàng cười hì hì, vào ngồi ở một chiếc bàn trong quán, nói:

    - Cháu biết là hôm nay cụ nghỉ bán, nhưng ngặt nỗi đồ ăn ở chỗ khác cháu ăn không quen, đành phải đến đây làm phiện cụ vậy!

    Bà Nghị mắng:

    - Tiên sư nhà anh, phiền thì đã phiền rồi, thế anh muốn ăn cái gì để cụ làm?

    Anh Hoàng trầm ngâm một lúc, rồi mặt mũi anh như rạng rỡ hẳn lên như nghĩ ra một điều gì đó, anh tươi cười nói:

    - Cụ làm cho cháu một phần rau luộc, kho quẹt ăn kèm với cơm trắng được không ạ?

    Bà Nghị lấy làm quái lạ, không hiểu tại sao hai bố con nhà này cứ muốn ăn món đó cho bằng được cơ chứ? Từ ngày bà thay chồng trông coi cái quán ăn này, dường như chỉ có hai người họ là gọi món này mà thôi. Lão Hóa già thì chẳng nói làm gì, lão đã ăn cái món này suốt mười mấy năm rồi, còn cậu ta thì hình như đây là lần đầu tiên, cũng không phải hình như nữa mà chắc chắc đây là lần đầu tiên, theo trí nhớ của bà là vậy. Bỗng bà nhớ ra trước giờ cậu ta tới đây đều là tự vào bếp lấy thức ăn, có món gì ăn món đó, đã bao giờ bà để cho cậu ta gọi món đâu? Nghĩ đến đó bà cười thầm, tự trách mình sao lẩm cẩm quá vậy, rồi lật đật vào bếp làm đồ ăn.

    Bà dọn thức ăn lên bàn, mọi thứ từ cơm trắng đến kho quẹt đều nóng hổi, tươm tất không kém gì mấy quán ăn hạng sang trên thành phố.

    Anh Hoàng cầm đũa lên, nhìn mấy đĩa thức ăn một lúc rồi lại từ từ đặt đũa xuống, nét rạng rỡ trên gương mặt chỉ vừa một lúc trước đã biến mất, hai mắt đỏ dần đi. Anh cứ ngồi đó, lặng thinh, nhìn thức ăn trên bàn, dưới ánh đèn điện hơi mờ nhạt, dường như có những giọt nước mưa vừa rơi xuống. Bà Nghị ngước đầu nhìn lên trên mái tôn, căng mắt tìm chỗ dột, bỗng bà giật mình, ngoài trời hôm nay đâu có mưa. Bà nhìn anh Hoàng, thấy hai mắt anh nhòe đi như sương sớm, đỏ hoe như ánh đèn dầu. Anh gục xuống bàn, hai bờ vai vạm vỡ rung lên theo từng đợt, anh đang khóc, khóc nức nở, khóc nghẹn ngào, khóc nhưng không thành tiếng. Bà Nghị ngồi xuống bên cạnh anh, lặng im, bà không thể tin được người ở trước mặt mình lại là cậu công an gan dạ, cứng cõi mà ngày ngày vẫn rượt đuổi bọn trộm cướp, lưu manh trên phố.

    Ngoài đường vắng lặng, không tiếng xe cộ, không tiếng ồn ào, chỉ nghe tiếng lạch cạch của tấm biển hiệu bị gió thổi va vào cửa. Bên trong một quán ăn nhỏ, có hai người một già, một trẻ, cũng không có tiếng trò chuyện, trong không gian tĩnh lặng dường như chỉ nghe thấy tiếng lòng của một người đàn ông cứ không ngừng vang lên, nức nở, nghẹn ngào, tan tác, đau thương, rồi hòa vào những giọt nước mắt, thấm sâu vào từng thớ gỗ trên mặt bàn.

    Còn Tiếp..
     
    Chì Đen, Dana Lê, LieuDuong10 người khác thích bài này.
  3. TrieuNguyen

    Bài viết:
    51
    Phần Ba

    Bấm để xem
    Đóng lại
    - Đã hai năm rồi cụ ạ!

    Anh lau đi những giọt nước mắt nóng hổi còn chảy dài trên gương mặt hốc hác, cố trấn tĩnh lại. Bà Nghị tròn mắt nhìn anh.

    - Cái ngày thảm khốc đó... cháu thật sự không thể nào quên, không thể nào...

    Giọng của anh trầm xuống, đứt đoạn.

    Bà nhớ lại ngày hôm đó, cách đây chắc cũng hai năm rồi. Hôm đó trời rất đẹp, ngoài đường lớn ồn ào, người ta đổ xô đến chỗ cây cột đèn ngay ngã tư. Bà thấy mọi người bàn tán xôn xao, không biết có chuyện gì nên cũng đi nhanh ra đầu hẻm coi thử. Mấy chục con người đang vây quanh một cô gái đang nằm im trên vỉa hè, bà len lỏi qua đám người, chen được đến kế bên cô gái thì ôi thôi, là cái Thùy, con của ông già Hóa đây mà! Trên người cô còn mặc bộ áo dài màu xanh lam, chắc là vừa ở trường về. Bà luồng tay xuống dưới đầu cô bé, cố gắng đỡ cô ấy ngồi dậy, nhưng than ôi, cả bàn tay bà ướt đẫm, dòng máu đỏ cứ không ngừng chảy ra, toàn thân bà đờ đẫn rồi bắt đầu run lên cầm cập. Miệng bà lắp bắp phát ra những âm thanh nho nhỏ:

    - Ai đó... làm ơn... làm ơn... gọi xe cứu thương!

    Từ đằng xa có một ông già gầy còm chạy tới, lão chân thấp chân cao, hai tay quơ quào chen vào trong đám người. Lão đẩy bà Nghị sang một bên, ôm chầm lấy cô gái, bế thốc cô ấy lên, hai cánh tay gầy gò gân guốc ấy không biết lấy đâu ra thứ sức mạnh phi thường như thế. Lão gào lên như một kẻ điên, ôm cô gái xông ra khỏi đám đông đang vây quanh. Người ta chỉ thấy lão già đó chạy về hướng bệnh viện thị trấn, nước mắt cứ giàn giụa tuôn ra trên gương mặt nhăn nheo của lão, miệng không ngừng hét lên: "Con ơi!", "Con ơi!" Tiếng thét của lão át đi tiếng bàn tán nhỏ to của mọi người chung quanh, át cả tiếng xe cộ ồn ào trên đường, tiếng thét đau đớn như xé toang cả bầu trời đẹp đẽ ngày hôm đó, tiếng thét tuyệt vọng của ông già Hóa...

    Ngày trước lão khác lắm, khác hẳn lúc bây giờ, một lão già thân thiện. Lão gặp ai cũng tươi cười, cứ luôn miệng khoe về cô con gái học trường sư phạm xinh xắn, giỏi giang. Rồi từ ngày con bé lấy được thằng chồng làm công an, lão càng tự hào hơn nữa, ai cũng thấy lão hớn hở ra mặt, mấy người khách mang đồng hồ đến tiệm có khi lão sửa mà chẳng cần lấy tiền công, lão bảo giúp đỡ mọi người thì cũng là tích chút công đức cho con cháu, lão mong có đứa cháu ngoại lắm rồi. Ấy vậy mà đời thì cay nghiệt quá, lão có nằm mơ cũng không ngờ bất hạnh lại ập xuống đầu mình nhanh đến thế. Đùng một cái, ông trời đã lấy đi đứa con gái độc nhất của lão, đứa con mà lão xem như lẽ sống của đời mình, còn thằng rễ thì từ ngày vợ mất, nó cứ lao đầu vào công việc, chẳng đoái hoài gì đến lão. Bao nhiêu mất mát làm cho lão như biến thành một con người khác. Lão đổ hết mọi tội lỗi cho những người xung quanh, những con người vô cảm đã trơ mắt đứng nhìn đứa con gái độc nhất của lão nằm thoi thóp trên cái vỉa hè lạnh lẽo đó. Lão tự cô lập mình, lão ở lì trong nhà, chẳng gặp một ai. Một ông già răng đã long, đầu đã bạc, ở cái độ tuổi gần đất xa trời, vậy mà ở bên cạnh chẳng có lấy một người thân, một kẻ thích, một ông già cô độc đến đáng thương.

    - Có lẽ ông ấy vẫn còn giận cháu lắm!

    Anh Hoàng nói, giọng vẫn còn run run.

    Bà Nghị vuốt nhẹ bàn tay anh, bàn tay lạnh giá như băng. Bà biết anh đau khổ, dằn vặt như thế nào, một người đàn ông với vẻ ngoài rắn rỏi, mang trên người bộ sắc phục công an, vậy mà sâu thẳm trong tâm can cũng chỉ như một đứa trẻ yếu đuối, cố trốn tránh một hiện thực tàn nhẫn. Bà vào trong rót cho anh một cốc bia, nhè nhẹ đặt lên bàn, nói:

    - Đôi lúc, ai trong chúng ta cũng cần một liều thuốc an thần!

    Anh gượng cười, hớp một hớp bia, lôi trong túi quần ra một bao thuốc lá. Anh châm lửa đốt một điếu, rít một hơi thật sâu rồi thở ra như cố gắng trút hết mọi tâm sự trong lòng. Khói thuốc lượn lờ, phảng phất thành từng mảng, là là ngay trước mặt, giống như những mảng ký ức ngày hôm đó chợt ùa về, vây quanh rồi bám riết lấy anh mà chẳng chịu tan ra.

    Hôm đấy là một ngày cuối tuần, cả anh và vợ đều tan ca sớm, hai người hẹn nhau đi ăn tối để kỷ niệm tròn ba năm yêu nhau. Anh rời cơ quan vào đầu giờ chiều, trên đường về nhà không quên ghé vào một tiệm hoa. Một bó hồng tươi thắm với ba mươi sáu bông được gói lại gọn gàng, treo cẩn thận trên chiếc xe máy. Họ yêu nhau ba năm, nhưng về chung một nhà thì chỉ mới một năm nay thôi. Anh vẫn còn nhớ như in ngày hai người cùng nắm tay đi vào lễ đường, lúc đó anh thấy mình là người đàn ông hạnh phúc nhất trên đời, trước mặt là một cô gái xinh đẹp với chiếc áo cưới màu trắng tinh khôi, khoảnh khắc đó với anh giống như một giấc mơ, một giấc mơ mà anh không bao giờ muốn tỉnh lại.

    Những dòng suy nghĩ lãng mạn ấy bị cắt ngang bởi tiếng chuông điện thoại, anh dừng xe, nhấc máy, đầu dây bên kia là trung úy Thành:

    - Trên đoạn đường gần nhà anh vừa xảy ra một vụ cướp, hai nghi phạm điều khiển xe máy chạy về hướng quốc lộ, anh có thể đến đó ngay được không?

    Anh nhận lệnh, chiếc xe tăng tốc đột ngột, một bóng xanh thấp thoáng lao nhanh trên con đường.

    Một cửa hàng tiện lợi vừa bị cướp. Hai nam thanh niên đi xe máy giật túi xách của một nữ khách hàng ngay đằng trước cửa tiệm. Một nhân viên tả lại hình dáng và phương tiện của bọn cướp, chúng chỉ vừa rời đi được vài phút. Anh nổ máy đuổi theo, chiếc xe vọt mạnh, mấy cánh hoa lả tả rơi xuống đường.

    Trong lúc cuống cuồng tẩu thoát, hai tên cướp đâm phải một người đi đường rồi bỏ chạy, anh vẫn quyết định bám theo chúng đến cùng. Sau lưng anh, người ta bắt đầu hô hoán ầm ĩ. Bọn cướp chạy được một quãng xa, mãi đến khi ra tới quốc lộ thì chiếc xe máy vừa cướp được bỗng hết xăng, cả hai tên ngã nhào xuống đường, xây xát cũng không nhẹ. Người đi đường thấy cảnh sát bắt cướp, liền hỗ trợ anh không chế hai thanh niên này.

    Một lúc lâu sau mới thấy mấy đồng chí trong cơ quan đến hỗ trợ, ai nấy cũng khen anh gan dạ, anh bàn giao hai tên tội phạm lại cho họ, hẹn ngày mai lên cơ quan sẽ làm báo cáo rồi gấp gáp lấy xe đi. Bó hoa tươi giờ đây tơi tả hết rồi, anh chép miệng tiếc rẻ, lòng thầm lo không biết cô vợ có giận dỗi hay không, anh chạy xe thật nhanh về nhà.

    Anh chạy ngang qua hiện trường vụ tai nạn mà hai tên cướp gây ra lúc nãy, người dân đã tản ra hết rồi. Anh chạy xe chầm chậm, thấy có mấy đồng chí giao thông đang đo đạc, chụp ảnh hiện trường, trên vỉa hè máu loang đỏ cả mấy ô gạch, không ngờ lại nặng đến vậy. Anh còn đang mãi suy nghĩ, không biết nạn nhân có qua khỏi hay không, bỗng nghe có người gọi:

    - Này! Cậu Hoàng, sao cậu còn ở đây!

    Một bà lão đứng ở đầu con hẻm vẫy tay gọi, anh nhìn tới nhìn lui, một hồi mới biết bà ấy đang gọi mình. Anh tắt máy, đi đến chỗ bà cụ, hỏi:

    - Cụ gọi cháu ạ? Sao cụ biết tên cháu?

    - Tôi ở cùng khu phố với bố vợ anh, mà chuyện đó để sau hẳng nói, ông ấy vừa bế cái Thùy chạy vào viện rồi, cậu cũng mau mau vào đó đi thôi!

    Anh sửng sờ, gặng hỏi bà cụ:

    - Sao lại vào viện ạ? Có phải cụ nhầm cháu với ai hay không?

    Bà lão mặt càng lúc càng nhắn nhúm lại, nói:

    - Nhầm thế nào mà nhầm! Cậu là cậu Hoàng, con rễ ông Hóa, chồng cái Thùy, cái Thùy nó đi dạy về thì bị người ta đụng ở đây, ông Hóa vừa ôm nó chạy vào bệnh viện rồi, cậu cũng nhanh vào xem con bé thế nào đi, tội nghiệp con bé!

    Hai chân anh run rẩy, đến nổi không đứng vững được nữa, cả cơ thể quỵ xuống, bà lão phải đưa hai tay đỡ mới giúp anh không bị ngã. Anh cố lấy lại bình tĩnh, nhưng đầu óc anh bây giờ trống rỗng, chỉ biết gắng sức chạy thật nhanh về hướng bệnh viện thị trấn, quên cả chiếc xe máy đang đậu trên đường...

    Bây giờ nhớ lại, anh vẫn không ngừng tự trách, nếu như hôm đó anh sáng suốt hơn, quả quyết hơn, không cố đuổi theo hai tên cướp mà dừng lại chở người bị nạn đi cấp cứu, chắc có lẽ hai vợ chồng anh vẫn còn vui vẻ, hạnh phúc biết nhường nào. Anh cũng không phải suốt ngày vùi đầu vào công việc để quên đi cái tội lỗi của mình, không phải né tránh ông bố vợ đáng thương, cô độc không một người thân bên cạnh. Hai hàng nước mắt anh chảy dài, lăn xuống gò má, rơi lả chả trên mặt bàn.

    Bà Nghị nhìn anh, ruột gan như thắt lại. Bà sống ngần ấy năm trên đời với một ngôi nhà xập xệ, một cái quán ăn cũ kỹ, vợ chồng thì suốt ngày lục đục, cha con thì bất hòa, cứ tưởng như thế đã là điều bất hạnh nhất không gì hơn được nữa, nhưng ít ra bà cũng còn may mắn hơn anh, hơn ông Hóa, hơn cả khối người ngoài kia. Bà còn có ông chồng già, có cô con gái và cậu con rễ, có một đứa cháu ngoại, sắp tới lại còn có thêm một đứa nữa; còn anh và ông Hóa, thứ quý giá duy nhất mà hai người bọn họ có, bây giờ đã không còn nữa. Bà lặng im một hồi lâu, nói với anh:

    - Cái Thùy nó đẹp người, đẹp nết, nhưng không may lại yểu mệnh. Thôi thì người chết cũng đã chết rồi, còn người sống dù có muốn hay không cũng phải sống tiếp, hai bố con nhà anh tại sao cứ phải tự hành hạ bản thân mà làm gì? Cứ để cho nó ra đi thanh thản đi! Bà già này cùng lắm sống trên đời trước anh mấy chục năm, ăn hơn anh mấy nắm muối, thôi thì nghe tôi khuyên, hôm nào cứ sang gặp ông ấy, cho lão vui. Mà lão chắc cũng chẳng giận hờn gì anh đâu, lão thương cái Thùy bao nhiêu thì cũng quý anh bấy nhiêu!

    Anh Hoàng dụi điếu thuốc xuống bàn, rầu rỉ nói:

    - Cháu cũng tính là sẽ sang gặp ông ấy cụ ạ, nhưng chắc là phải một thời gian nữa cơ!

    Anh hớp thêm một ngụm bia rồi nói tiếp:

    - Cụ gói mớ thức ăn cho cháu mang về được không ạ? Bây giờ cháu không thấy đói!

    Bà Nghị gật đầu, gói hết đồ ăn vào trong mấy cái bọc, dặn đi dặn lại là phải hâm cho nóng rồi mới được ăn. Anh cảm ơn bà rồi sách mấy cái bọc ra về.

    Bầu trời đêm chỉ loáng thoáng mấy ánh sao, gió nam lùa từng cơn ớn lạnh, anh cứ lửng thửng bước đi trong vô thức. Con người ta dù có đi đến đâu, có vấp ngã thế nào, có chịu bao nhiêu mất mát thì cũng không bao giờ từ bỏ cái ước muốn được trở về nhà, trở về với gia đình, bởi ở đó có những người mà họ yêu thương, là nơi yên bình nhất, nơi ấm áp mà bất cứ đâu cũng không bì được, nơi họ có thể ngủ yên giấc mà chẳng cần biết ngày mai ra sao. Nhưng anh không nghĩ vậy, anh cố lê từng bước thật chậm, anh muốn mình đi chậm đến mức sẽ chẳng bao giờ về được đến nhà, vì với anh bây giờ, nơi đó chẳng khác nào nhà giam, nơi mà hằng đêm anh phải đối diện với chính cái tòa án do lương tâm anh phán xử. Anh cứ bước đi trong đêm tối như thế, thật chậm, thật chậm, đến khi hai mắt nhòe hẳn đi, trời đất như quay cuồng trước mặt, anh không còn biết gì nữa...

    Đã hơn một tuần, bà Nghị không thấy anh Hoàng ghé qua đây, bóng dáng ông già Hóa cũng chả thấy đâu, bà tự nhủ hai bố con nhà đấy đều cứng đầu như nhau, chắc lại đang chui nhủi ở cái xó xỉnh nào đó nữa rồi. Cô Mai con bà cũng sắp sinh, bà loay hoay với cái quán ăn, chăm nom ông chồng già, giờ lại phải lo cho đứa con gái, thành thử cũng không còn tâm trí đâu mà lo cho người khác. Bà tính bán hết ngày hôm nay rồi sẽ nghỉ vài bữa để vào viện chăm con gái, cho nên đã hơn sáu giờ tối mà quán vẫn chưa đóng cửa. Trong quán cũng còn mấy người khách, ai cũng ăn uống gần xong hết cả rồi, bà chỉ đợi lượt khách này ra về là dọn dẹp, đóng cửa luôn một thể.

    Chợt có tiếng bước chân càng lúc càng gần, ngoài đường lớn vắng xe cộ nên bà nghe rất rõ, ai đó đang chạy về hướng quán ăn. Người đó chạy thục mạng vào trong quán, quần áo màu đỏ thẫm, thấy cái bàn chính giữa không có người nên ngồi luôn xuống đó, bộ dạng thất thần như vừa bị ma đuổi. Ở bàn bên cạnh có hai mẹ con đang ăn cơm, đứa bé khoảng chừng sáu, bảy tuổi, người đó vừa ngồi xuống nó liền kéo tay bà mẹ, nói:

    - Mẹ ơi! Chú này lớn rồi mà còn nghịch quá, lấy màu nước bôi đầy người!

    Người phụ nữ nghe con nói mới quay sang nhìn, bà ta hoảng quá, vội lấy tay bụm miệng thằng bé lại, rút ra mấy tờ bạc để trên bàn rồi bồng thằng bé chạy thẳng một mạch ra khỏi quán. Mấy người khách còn lại không hiểu sao cũng ùa chạy theo sau, có người vội quá quên luôn cả trả tiền, bà Nghị phải chạy theo ra tận cửa nhắc thì họ mới nhớ ra.

    Bà chẳng hiểu đầu cua tai nheo gì, đi đến chỗ người khách mới vào, thấy người cậu ta mồ hôi mồ kê nhễ nhại, uớt đẫm luôn cái áo sơ mi màu đỏ thẫm. Bà thấy mặt mũi cậu quen quen, hồi lâu mới nhớ ra, chính là cậu thanh niên thiếu phép tắc hôm trước. Cậu thanh niên thấy bà chứ nhìn mình chằm chằm, liền quát lớn:

    - Nhìn cái gì? Bà già! Làm cho tôi một bát mì hải sản lớn vào!

    Bà Nghị giật bắn người, muốn đưa tay lên tán cậu ta một cái cho chừa cái thói vô phép, nhưng nghĩ lại thì dẫu sao cậu ta cũng là khách, ai đời một bà già hai thứ tóc lại đi đôi co với thứ con nít làm cái gì. Bà quay vào trong, vừa đi vừa trả lời cho có lệ:

    - Chờ một chút!

    Bà làm mì xong, mang ra bàn rồi tới ngồi ở trước cửa, cứ mặc cậu ta muốn ăn kiểu gì thì ăn, có thiếu thứ gì thì tự mà lấy, mà bà nghĩ cậu ta cũng chẳng thấy thiếu thứ gì đâu, có chăng là thiếu lễ phép mà thôi. Bà vừa ngồi vừa ngẩm nghĩ, miệng lẩm ba lẩm bẩm.

    Nghe "cạch" một tiếng rõ to, giống như lần trước, cậu ta lại đặt đôi đũa xuống bàn như thể nó có thù với mình, để lại một tờ bạc mới tinh rồi thủng thẳng ra khỏi quán, vừa đi vừa húyt sao, điệu bộ đó chả ai mà ưa nổi. Bà chau mày nhìn hắn một cái rồi vào trong dọn dẹp.

    Nhìn cái bàn mà người thanh niên kia vừa ngồi, bà chỉ biết lắc đầu rồi thở dài ngán ngẩm. Không hiểu cha mẹ cậu ta nuôi dạy kiểu gì mà để con cái ra đường ăn uống rồi bày bừa phát kinh, trên bàn không phải rau thì là giấy, vứt lung tung cả lên như cái bãi rác thu nhỏ, đến cả trên ghế cũng đổ nước sốt lên, thật quá quắc hết sức. Bà nhúng cái khăn ướt lau một hồi mà vẫn không sao sạch hết chỗ nước sốt dính trên ghế, nó lại còn có mùi tanh, ngửi một hồi cứ thấy nôn nao, muốn ói hết cả ra.

    Mấy cái bóng đèn trong quán cũ hết cả rồi, cái nào cũng mờ, mắt bà lại kém, thành thử lau tới lau lui cũng không kiểu gì sạch được. Bà vào trong nhà mang cái đèn để phòng khi mất điện ra dùng, bấy giờ mới thấy rõ, cái thứ dính trên ghế có phải là nước sốt như bà nghĩ đâu. Nó đông lại, đỏ thẫm, hình như là máu...

    Còn tiếp...
     
    Chì Đen, Dana Lê, LieuDuong12 người khác thích bài này.
  4. TrieuNguyen

    Bài viết:
    51
    Phần Bốn

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Cả người run rẩy, mãi một lúc sau bà Nghị mới lấy lại được bình tĩnh. Ai có thể tưởng tượng nổi một người mất máu nhiều như thế mà mặt mày thản nhiên, rồi ngồi đó ăn uống, chẳng biểu lộ ra chút gì gọi là đau đớn. Đến giờ bà mới nghĩ ra, quần áo của cậu ta cũng dính đầy máu mà mình cứ tưởng chúng có màu đỏ thẫm, cho nên đứa nhỏ kia mới thốt lên những lời như vậy. Chẳng biết cậu ta bị tai nạn hay là đi đâm thuê chém mướn, nói không chừng là một tên tội phạm nguy hiểm cũng nên. Bà mới nghĩ bấy nhiêu đã rùng mình ớn lạnh, vội kéo cửa lại, khóa cẩn thận rồi lật đật dọn dẹp quán, tắt đèn đi ngủ...

    Bà Nghị thức dậy từ sáng sớm chuẩn bị cơm nước cho ông chồng, thấy lão còn ngủ nên bà đặt đồ ăn ở trên bàn, rồi vội vã đi ra ngoài. Bà xách theo một cái giỏ lát thật lớn, bên trong toàn là đồ dùng cho phụ nữ mới sinh. Bà còn hầm nguyên cả cái giò heo với đu đủ đựng trong hai cái cà mèn, lần trước cô Mai sinh thằng Tít bị thiếu sữa nên lần này bà chuẩn bị mọi thứ thật tươm tất.

    Trời còn chưa sáng mà trong viện cũng không yên tĩnh gì mấy, tiếng người ta rên rỉ, tiếng thân nhân trò chuyện, tiếng mấy cô y tá giục nhau đi làm việc, rồi cả tiếng trẻ con khóc oe oe. Bà đi hết hai dãy hành lang mới tới căn phòng mà cô con gái đang nằm. Trước cửa phòng hộ sinh, người ta trải chiếu nằm sắp lớp, chật kín cả lối đi, toàn là mấy anh đàn ông đi chăm vợ đẻ. Bà lắc đầu, chẳng hiểu chăm vợ chăm con cái kiểu gì mà lão nào cũng ngủ say như chết, có ông còn ngáy khò khò, cứ tự nhiên như đang ở nhà.

    Bà vào trong phòng, thấy cô Mai nằm trên một chiếc giường ở trong góc, bên cạnh là đứa con nít còn đỏ hỏn, đã sinh được vài giờ rồi, hai mẹ còn đều ngủ cả. Bà nhẹ nhàng đến bên cạnh, nhìn đứa bé, thấy khuôn mặt nó bụ bẫm, hai hàng mi cong dài, cái mũi cao cao sao mà đáng yêu đến thế, thiệt giống hệt cái Mai lúc còn bé.

    Tiếng đàn ông ồm ồm phía sau lưng làm bà giật mình:

    - Mẹ mới vào đấy ạ? Cô ấy vừa ngủ được một lúc!

    Bà ngoái đầu lại, là anh Sang, con rễ bà.

    Bà Nghị nheo mắt nhìn anh, tỏ vẻ khó chịu nói:

    - Anh chăm vợ chăm con cái giống gì mà tôi đến đây nãy giờ không thấy anh? Còn thằng Tít đâu, sao không thấy nó?

    Anh Sang gãi đầu gãi tai, miệng cười hì hì, nói:

    - Con mệt quá nên ra ngoài chợp mắt một tí, thằng Tít còn ngủ ở nhà mẹ ạ, sáng nay nó còn phải đi học!

    Cặp mắt nheo lại, hai hàng lông mày lưa thưa như muốn chạm vào nhau, bà nhìn anh như thể không hài lòng rồi chẳng nói thêm tiếng nào.

    - Mẹ đấy ạ? Con mệt quá nên không biết mẹ vào!

    Cô Mai hé mắt nhìn, khuôn mặt nhợt nhạt. Bà Nghị kéo chiếc ghế lại sát bên giường con gái rồi ngồi xuống. Anh Sang muốn để cho hai mẹ con họ trò chuyện, liếc nhìn đứa con gái mới sinh một cái rồi đi ra ngoài.

    - Mẹ biết cái thằng chồng vô tích sự của mày chắc là chưa chuẩn bị gì nên là có hầm canh giò heo mang vào, để mẹ đút cho mà ăn, ăn rồi còn có sức mà lo cho con bé!

    Trên mặt cô thoáng lên một nét buồn, cô vừa thương mẹ khổ tâm lo cho mình, vừa giận mẹ sao nặng lời với chồng mình như vậy. Bà Nghị biết ý con, không nói nữa, lấy canh giò heo sớt ra bát, đút cho cô từng thìa, từng thìa một.

    Cô uống hơn nửa bát canh thì tươi tỉnh hơn một chút. Quay sang nhìn đứa con gái nhỏ, hai mắt cô ngân ngấn, thều thào:

    - Con đã từng tuổi này rồi mà còn khiến cho cha mẹ phải cực khổ, lo lắng, không biết mai này cái Trúc lớn lên có như vậy không hả mẹ?

    Nghe cô nói như vậy bà không khỏi chạnh lòng, nhưng cố phớt lờ đi, nói lảng sang chuyện khác:

    - Gớm, chúng bây đã đặt tên cho nó rồi đấy à?

    Cô Mai nhoẻn miệng cười, vẻ tự hào hiện rõ trên khuôn mặt, đáp:

    - Vâng ạ, là lão chồng nhà con nghĩ ra đấy, hay lắm phải không mẹ?

    Bà khẽ gật đầu. Nhìn đứa cháu gái mới sinh, bao nhiêu buồn vui, lo lắng chất chứa trong lòng bấy lâu nay dường như tiêu tan hết, chỉ còn lại đó những ấm áp vô thường...

    Cô Mai nằm trong viện hết một tuần. Bà Nghị cứ sáng vào chăm con, trưa về cơm nước cho ông chồng, chiều tối lại tiếp tục vào bệnh viện, mãi đến nửa đêm mới về nhà tranh thủ chợp mắt một lúc, bà cứ đi đi về về liên tục như vậy suốt một tuần, cái quán ăn nhỏ cũng vì thế mà đóng cửa theo.

    Hôm nay bà bắt đầu buôn bán trở lại. Con hẻm nhỏ vắng vẻ như thường lệ, suốt cả buổi trưa cũng chỉ có được vài người khách. Bà nhân lúc rảnh tay, đem mấy tấm ảnh cũ ngày xưa ra xem. Bức ảnh chụp cách đây đã hơn ba mươi năm, ngày ấy cái gì cũng đắt đỏ, cả nhà bà phải đi thuê quần áo, giày dép rồi thuê cả thợ chụp hình, tốn cũng không ít tiền. Bà mân mê tấm hình trên tay, chợt buồn chợt vui. Cái Mai lúc đó khoảng chừng bốn, năm tuổi, gương mặt rạng rỡ như nụ hoa mới chớm, còn thằng con cả của bà nữa, hồi đó nó cũng hơn mười sáu tuổi rồi. Cả nhà bốn người tuy thiếu thốn nhưng vui vẻ lắm, chẳng có ai thấy họ to tiếng với nhau bao giờ. Nhưng đời thì đâu có êm đềm mãi như vậy. Chiến tranh khốc liệt, đứa con cả hy sinh ngoài chiến trường, rồi thì con gái đi lấy chồng, trong nhà chỉ còn lại hai vợ chồng già, thành thử hai người cứ lục đục, gây gỗ mãi không thôi.

    Những hoài niệm hiện lên trong trí óc khiến bà thẫn thờ, ngây ra như người mất hồn. Mãi đến khi có giọng nói sang sảng làm bà giật thót người:

    - Này bà già, có buôn bán nữa không đấy? Một bát mì hải sản!

    Là cậu thanh niên với giọng điệu xấc xược hôm nọ. Bà Nghị tức tối đến nỗi muốn chửi té tát vào mặt cậu ta rồi đuổi quách ra khỏi quán, nhưng nhỡ đâu cậu ta là tội phạm nguy hiểm thì sao? Có trời mới biết chuyện gì sẽ xảy ra. Bà cố kìm cơn giận, "ừ" một tiếng rồi vào bếp làm mì.

    Vẫn là cái nết ăn xấu xí đó, cậu ta ăn bát mì như thể bị bỏ đói từ đời nào, xong lại đặt đôi đũa xuống. Mặc dù trên bàn vẫn bề bộn như thường lệ, nhưng bà Nghị thấy trong lòng như dịu bớt nỗi bực tức, chí ít cậu ta cũng không quăng đôi đũa như một tên du côn giống mấy lần trước. Chắc có lẽ mất nhiều máu làm cho cậu ta hòa nhã lại, giống như nhiều người sau khi thay máu thì tính tình cũng thay đổi đấy thôi, bà nghĩ vậy. Cậu tiến đến chỗ bà đang ngồi, lấy ra một xấp tiền mới tinh, mới đến nổi có thể nghe được mùi thơm của giấy bạc , rút ra một tờ phẳng phiu chưa có lấy một nếp nhăn đưa cho bà, nói lớn tiếng:

    - Mùi vị thật giống với bà ấy, cám ơn vì bữa ăn, bà già!

    Nói rồi đi thật vội. Bà Nghị trợn tròn cặp mắt, ai mà ngờ cái con người đó cũng có lúc nói ra được mấy lời tử tế, mặc dầu cũng không phải là dễ nghe cho lắm. Bà suy nghĩ một hồi rồi tự lắc đầu, nhủ thầm: "Trời còn có lúc mưa lúc nắng huống gì con người, thôi kệ, nghĩ lắm chỉ đau đầu!"...

    Bà Nghị vừa về tới nhà đã ngồi tựa lưng vào tường, thở hổn hển. Hôm nay là đầy tháng đứa cháu ngoại, bà ở bên nhà cô Mai từ tối qua tới giờ. Con rễ của bà côi cút từ bé, bà con dòng họ cũng chẳng được mấy người, còn gia đình bà thì tái định cư ở đây, làm gì có người thân, thành thử khách khứa đa phần là hàng xóm của vợ chồng cô Mai, chưa tới hai mươi người. Bà thương con gái còn đang trong thời gian ở cử nên không cho cô đụng tay đụng chân vào, từ chợ búa tới nấu nướng bà đều chuẩn bị hết. Bà cũng đã quen với cái việc phục vụ người khác này lắm rồi nên không thấy cực nhọc gì mấy, chỉ tội cho anh con rễ tay chân vụng về, cứ lăng xa lăng xăng, bị bà mắng suốt cả một buổi sáng.

    Đến xế chiều thì tàn tiệc, bà lại lao đầu vào dọn dẹp. Nhà cửa, chén dĩa đều sạch sẽ hết cả rồi, bà ẵm cô cháu gái một tí rồi ra về. Thằng Tít cứ đòi bà ở lại ngủ với nó thêm một đêm nữa, bà phải dỗ ngọt mãi nó mới chịu cho bà đi.

    Trời đã chập choạng tối, bà nhìn qua nhìn lại kiếm anh Sang, muốn nhờ anh đưa về một đoạn nhưng chẳng thấy bóng dáng đâu, đành lửng thửng đi bộ về.

    Bà ngồi nghỉ được một lúc thì nghe tiếng ông chồng trong nhà ho sù sụ, mới chạy vào xem thế nào. Vào đến nơi thì lão đã ngủ mất rồi, bà thở phào một cái rồi trở ra lo cơm nước, giặt giũ, sửa soạn mọi thứ cho ngày mai.

    Tiếng xe cộ ồn ào, mấy cái máy trộn bê tông bên công trường cứ xình xịch kêu liên hồi, bà Nghị choàng tỉnh, đã quá mười giờ trưa, có lẽ hôm qua mệt quá nên bà ngủ quên mất.

    Ngoài cửa có người gọi, giọng nói khản đặc rất quen thuộc:

    - Chị Nghị có nhà không?

    Bà đi ra mở cửa, thấy ông Hóa đứng đợi dưới mái tôn, ngoài trời mưa lất phất. Lão vẫn như mọi khi, quần tây xẫm màu, áo sơ mi rộng thùng thình, đầu đội nón cối, nhưng bà lại thấy dường như lão có điều gì đó khác thường, khác thường đến độ chỉ một chút nữa thôi là bà không nhận ra lão. Lão đang cười.

    Mặt mày hớn hở, khác hẳn ngày thường, lão cười hà hà nói:

    - Chị làm ơn cho tôi một cốc bia có được không?

    Bà Nghị thấy lão đang vui vẻ như vậy, chẳng hiểu tại sao lại muốn uống bia làm gì, mấy cái thứ như rượu bia đâu có hợp với cái tuổi của lão nữa? Bà đăm chiêu nhìn lão, cặp lông mày chau lại.

    Ông Hóa lại cười hà hà, nói:

    - Tôi uống vì chuyện vui, chị không cần phải lo!

    Lão lấy cái nón cối xuống cầm trên tay, thong thả đi vào quán. Bà Nghị đặt lên bàn một cốc bia, lão hớp một hơi gần nửa cốc rồi nói:

    - Tự dưng hôm nay tôi lại thèm cái món rau luộc chấm kho quẹt, chắc phiền chị lần này nữa thôi!

    Nói xong lão lại cười, hai mắt híp lại, mấy nếp nhăn trên trán cũng nhăn tít, một vẻ mặt hiền hòa đến lạ lùng. Bà "Vâng" một tiếng rồi đi làm đồ nhắm cho lão, trong bụng cứ cảm thấy khó hiểu vô cùng, điều gì khiến cho lão thay đổi khác thường như vậy?

    Thức ăn nóng hổi đã dọn ra trên bàn, ông Hóa gắp một đũa rau chấm kho quẹt cho vào miệng, hớp thêm một hớp bia, trên mặt đầy vẻ mãn nguyện, ngỡ như đây là bữa ăn cuối cùng của lão vậy. Lão đưa tay lên chùi mép, nét mặt chợt trở nên trầm ngâm, nói:

    - Không hiểu sao lại giống nhau đến vậy chị ạ, cái mùi vị này cứ giống hệt con bé làm!

    Lão lại gắp thêm một đũa nữa rồi nói tiếp:

    - Ngày trước còn ở quê, hai vợ chồng tôi khổ lắm chị ạ, tới gần bốn mươi tuổi mới dám sinh đứa con, vậy mà khổ thì vẫn hoàn khổ. Ngày nào cũng rau luộc với kho quẹt, tôi ngán đến tận cổ, vậy mà hai mẹ con nó cứ tấm tắc khen ngon, người làm chồng làm cha như tôi sao mà không đau lòng cho được hả chị? Tôi bàn với mẹ con nó là tới chỗ khác mà làm ăn sinh sống, chứ chui nhủi ở cái xó quê mùa đó thì biết bao giờ mới khá nổi, vậy mà có ai chịu nghe tôi đâu, cứ bảo là nơi chôn nhau cắt rốn, không bỏ được. Lúc cái Thùy được sáu tuổi, bà ấy mắc hiểm bệnh, tôi cố lắm mà cũng không đào đâu ra tiền chữa chạy, đến khi bà ấy mất tôi cũng không có tiền lo ma chay, phải nhờ làng xóm giúp cho chút đỉnh mới mua nổi cái hòm, đến giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy có lỗi với bà ấy cụ ạ!

    Nói đến đó thì giọng lão nhỏ dần, lão đưa tay lên dụi mắt rồi uống cạn luôn cốc bia.

    Dẫu là hàng xóm của lão cũng gần ba mươi năm, bà Nghị cũng không ngờ đời lão lại lắm éo le đến vậy. Bà nhớ hồi đó mới về làm dâu, cái Thùy nó còn bé tí, hôm nào đi học về nó cũng sang quán của bà chơi, có hôm còn phụ bà dọn dẹp. Cô bé vừa xinh xắn, vừa hiền lành, cả nhà bà ai cũng quý mến, nhất là cái Mai. Hai đứa chúng nó hay dắt nhau đi chơi, có lúc đi mãi sang công viên ở khu phố bên cạnh, làm chồng bà phải đi kiếm chúng khắp nơi.

    Bà nhớ có lần con bé lủi vào trong bếp xem chồng bà nấu ăn, bị lão mắng cho một trận sợ chết khiếp, khóc ré lên cả buổi không chịu nín. Bà dắt nó vào trong nhà dỗ dành, nói:

    - Cháu vào nhà chơi với chị Mai, đừng có ở đây quậy phá ông ấy, kẻo ông ấy lại mắng cho đấy!

    - Cháu đâu có quậy phá, cháu chỉ muốn học nấu ăn thôi mà, cháu muốn giống như mẹ, nấu cho bố những bữa ăn ngon nhất!

    Bà xoa đầu con bé, thấy mới có tí tuổi đầu mà nó đã biết hiếu thảo như vậy mới gặng hỏi:

    - Vậy cháu muốn học món gì để bác dạy cho?

    Con bé vui sướng vỗ tay, reo lên:

    - Dạ, là rau luộc kho quẹt, là rau luộc kho quẹt!

    Bà nghĩ đến đây, nước mắt tự nhiên ứa ra, trong lòng xúc động.

    Còn nữa...
     
    Chì Đen, Dana Lê, LieuDuong11 người khác thích bài này.
  5. TrieuNguyen

    Bài viết:
    51
    Phần Năm

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Ông Hoá thấy bà ta đồng cảm với mình, mặt mày bỗng trở nên ủ rủ nên vội xua tay nói:

    - Ấy chết, đang vui mà tự dưng tôi lại kể chuyện buồn, thật là bậy hết sức!

    Lão cười hà hà, cố xua đi cái không khí buồn bã đang vây lấy hai người. Lão đâu có biết được cái nguyên do sâu xa khiến bà Nghị buồn như vậy, mà có lẽ lão cũng chẳng bao giờ hiểu được tại sao món rau luộc kho quẹt do con gái mình làm lại có mùi vị giống của bà đến thế.

    - Ngày mai tôi chuyển về quê ở hẳn luôn chị ạ! Lúc sinh thời bà nhà tôi với cái Thùy cứ nằng nặc đòi ở đó, mà tôi đâu có chịu, tôi nhất quyết phải bỏ xứ đi nơi khác làm ăn. Tới hôm nay thì hai mẹ con bà ấy cũng bỏ tôi mà đi, âu cũng là ông trời trách phạt tôi mà thôi! Cho nên hôm nay tôi tới đây chào tạm biệt anh chị, dù gì cũng là tình làng nghĩa xóm mấy mươi năm. Từ ngày cái Thùy nó mất, tôi cứ như điên điên khùng khùng, nhỡ may có làm cái gì phật lòng cũng mong hai vợ chồng bỏ qua cho!

    Hai năm qua, tuy lão như trở thành một con người khác, lủi thủi trong nhà chẳng mấy khi giao tiếp với ai, nhưng nói làm điều gì mất lòng làng xóm thì cũng không có, chẳng qua lão áy náy vì cái hôm cô Thùy chết, lão cư xử không phải với bà mà thôi. Bà Nghị cũng chẳng còn để bụng chuyện đó, ai ở vào hoàn cảnh của lão mà lại không như vậy? Bà lấy thêm cho lão một cốc bia, đặt lên bàn rồi nói:

    - Thôi cụ ạ! Chuyện đã bao nhiêu lâu mà còn nhắc làm gì. Nhưng cụ cũng nên nói với cậu Hoàng một tiếng, dầu gì cũng gọi nhau bố bố con con suốt mấy năm trời, cụ mà lẳng lặng ra đi như thế cũng không nên!

    Ông Hóa lại bật cười, không nhớ nỗi từ khi đến đây lão đã cười bao nhiêu lần. Có lẽ nụ cười là thứ mà lão đã khao khát suốt ngần ấy thời gian, lão cười như một đứa trẻ. Lão lôi từ trong túi áo ra hai tờ giấy, đặt trên bàn rồi nói:

    - Chị nhìn xem! Thằng Hoàng nó còn mua hẳn vé tàu cho tôi đây này!

    Bà Nghị thấy hai tấm vé, đúng là vé tàu ngày mai thật.

    Lão chậm rãi nói tiếp:

    - Thằng này cũng chu đáo phết chị ạ, nó sợ ông già này về quê thì tứ cô vô thân, chẳng quen biết ai thì xoay sở làm sao, nên nó xin nghỉ phép hẳn một tháng, về đó phụ tôi sửa sang lại nhà cửa, rồi dời cả bàn thờ mẹ con cái Thùy về đấy luôn!

    Bà Nghị lấy làm lạ:

    - Thế cậu ấy không thờ cái Thùy nữa hay sao?

    Lão nói:

    - Đấy là ý của tôi, nó bảo muốn để bàn thờ con bé trên đây nhưng tôi không cho!

    - Sao cụ lại làm thế? Dù gì cũng là tình nghĩa vợ chồng, người có mất đi nhưng cái nghĩa thì làm sao bỏ được?

    Mặt lão hơi xịu xuống, tay vuốt ve cái nón cối, nói:

    - Cái đó tôi biết chứ, nhưng tuổi nó còn trẻ, hai đứa cũng chưa có con cái gì, trong nhà cứ thờ cúng cô vợ quá cố thì ai mà dám rớ vào? Mà có rớ vào đi chăng nữa cũng sinh ra lắm chuyện thôi chị ạ! Cho nên tôi mới mang cái Thùy về quê, còn phần cậu ấy có nhớ thì hằng năm về phụ tôi cúng quảy, vậy là tôi vui lắm rồi, từ đây về đó cũng đâu có xa xôi gì mấy! Tôi làm vậy chắc cái Thùy nó cũng mãn lòng nơi chín suối!

    Bề ngoài lão khô khan, khó gần, ai ngờ cũng sâu sắc như thế. Bà Nghị thấy lão nghĩ chuyện quả thật hợp lý hợp tình, cứ tưởng như đây là một người khác, đâu có phải ông già Hóa, hàng xóm của bà. Bà nhìn lão với ánh mắt khác lạ, một lúc sau mới lên tiếng:

    - Cả tháng nay tôi không thấy cậu ấy, chẳng biết lại bận bịu công việc gì rồi?

    Lão thở dài một cái rồi nói:

    - Nó bệnh, nằm trong viện hơn nữa tháng chị ạ! Tội nghiệp, chắc từ ngày cái Thùy mất, nó suy sụp dữ lắm nên mới ngã bệnh như thế! Mà vừa ra là viện nó lại chạy đôn chạy đáo lo cái vụ bán tiệm của tôi nên chẳng còn mấy thời gian để ghé qua đây.

    - Cụ bán tiệm rồi sao? Tôi cứ lu bu mãi nên chẳng nghe ai nói gì!

    Lão cười mãn nguyện nói:

    - Bán rồi chị ạ! Nghĩ mấy mươi năm công sức cũng thấy tiếc, mà thôi, nhờ bán cái tiệm mà tôi cũng kiếm được ít tiền, về quê an hưởng tuổi già, chứ bây giờ mắt mũi kèm nhèm, có giữ lại cũng chả làm ăn gì được! Mà tôi bán lại cho người quen, người ta tu sửa một ít rồi tiếp tục làm nghề, nên thấy cũng an ủi phần nào!

    Lão ngưng một lúc rồi nói:

    - Chị cho tôi thêm một cốc nữa chứ chẳng biết bao giờ lại có dịp ngồi uống bia ở đây, mà chắc đây cũng là lần cuối rồi chị ạ!

    Nghĩ cũng phải, lão lớn tuổi rồi, lần này về quê chắc ở hẳn dưới đấy, sức đâu mà mò lên đây nữa. Bà mang thêm cho lão một cốc bia, lão nói thêm vài câu, gắp thêm vài gắp, uống hết bia trong cốc rồi đi về...

    Hôm nay có mấy tốp sinh viên đi tham quan trong thị trấn, buổi trưa họ ghé quán bà Nghị ăn cơm. Ai nấy đều tấm tắc khen đồ ăn ngon, quán lại sạch sẽ, bà Nghị trong lòng phấn khởi, vừa kiếm được tiền, vừa được khen như thế thì ai mà chả vui. Họ ăn uống xong, nán lại trong quán trò chuyện, không khí trong lành ở cái trị trấn nhỏ này thật khó kiếm trên thành phố, đến hai giờ chiều bà mới được rảnh tay ngồi nghỉ mệt. Từ đầu năm đến giờ, có lẽ hôm này là ngày quán bà đông khách nhất, cũng là ngày mà bà phải làm việc nhiều nhất, cả người mệt lã, bà tính đóng cửa sớm để sang thăm hai đứa cháu ngoại. Bà kê bàn kê ghế cho gọn gàng, đóng cái tủ đựng thức ăn lại, chuẩn bị đi vào trong thì nghe tiếng người nói:

    - Bà già, một bát mì hải sản!

    Không cần nhìn bà cũng đoán được là tên thanh niên xấc xược kia. Cậu tự lấy ghế xuống ngồi, cứ như là khách quen. Mà kể cũng phải, cậu ta đến đây mấy lần rồi, cũng xem như là khách quen còn gì? Bà Nghị chẳng nói chẳng rằng, làm mì rồi đem ra cho cậu ấy.

    Cái cảnh tượng cậu ta ăn uống như chết đói lâu ngày lại làm bà thấy bực bội, nên bà đặt bát mì lên bàn rồi đi ra cái bàn trước cửa ngồi. Bà chỉ vừa quay lưng thì nghe người thanh niên đó gọi:

    - Bà ơi, cho cháu hỏi thăm một chút có được không?

    Bà Nghị thấy quái lạ, sao ai tới đây ăn vài lần cũng trở nên khác thường như vậy? Bà vẫn còn chưa tin vào tai mình, quay lại hỏi:

    - Cậu vừa gọi tôi đấy à?

    Người thanh niên đó liếc ngang liếc dọc mấy cái rồi mới trả lời, giọng cậu ta nhỏ đến mức bà phải lắng tai mới nghe rõ:

    - Dạ vâng, bà ngồi xuống cho cháu hỏi thăm một tí có được không?

    Bà vẫn chưa hết bất ngờ nhưng cũng kéo ghế ngồi xuống. Người thanh niên kia cũng kéo ghế tới ngồi kế bên bà. Mặt cậu ta bắt đầu đỏ bừng lên, hai con mắt to tròn khiến cho người đối diện vừa cảm thấy sợ hãi, lại vừa cảm thấy dễ gần. Cậu nói rất nhỏ dường như sợ người khác nghe thấy, mặc dù trong quán chỉ có hai người họ:

    - Bà có thể... có thể...dạy cho cháu làm món này được không?

    Bà Nghị càng nghĩ càng thấy quá đỗi ngạc nhiên, vừa ngạc nhiên vừa tức cười, ai mà tưởng tượng nổi cậu ta sẽ nói như vậy, mà người như cậu ta lại muốn học nấu ăn thì chả phải buồn cười lắm sao? Bà cố nén lại, hỏi:

    - Chả nhẽ có người thuê cậu đi học lóm công thức của tôi sao?

    Ngoài miệng nói vậy nhưng bà biết là không phải, bởi trong cái thị trấn nhỏ tí này thì có được mấy quán ăn? Quán nào cũng chỉ là mưu sinh kiếm miếng cơm manh áo sống qua ngày, làm gì dư giả mà thuê người khác đi ăn cắp công thức? Mà cho dù quán của bà có là gia truyền đi chăng nữa nhưng chỉ cần đến đây ăn vài lần, xem bà nấu là biết ngay, bà có bao giờ dấu diếm cách chế biến đâu, có khi còn dạy cho người khác nữa ấy chứ. Bà hỏi như vậy cốt là để cậu ta nói ra một lý do chính đáng, giải tỏa cái thắc mắc trong lòng mà thôi.

    Người thanh niên càng luống cuống hơn, nhìn bộ dạng cậu ta lúc này những tưởng cậu ta chỉ là anh em sinh đôi với người lần trước, chỉ có mặt mũi là không thay đổi, còn cách ăn nói, xử sự thì khác hẳn. Cậu gãi đầu gãi tai một hồi rồi mới trả lời được:

    - Không phải đâu, tại cháu muốn làm món này cho bà cháu, bà ấy thích nhất là món này!

    Bà Nghị thấy cậu ta hiếu thảo như vậy, xem ra cũng đâu đến nỗi nào, chắc là hoàn cảnh cũng có chút éo le. Bà nói:

    - Dạy cho cậu thì cũng được, nhưng cậu phải nói cho bà già này biết cậu là ai, cậu ở đâu, làm nghề gì!

    Cậu thanh niên ấp úng một hồi lâu, cuối cùng mới chịu nói:

    - Cháu tên là Quân, sống ở làng chài trên huyện!

    Bà nhớ ngày xưa hai vợ chồng còn trẻ, sức khỏe còn tốt, ngày nào hai người cũng lặn lội tới cái làng chài đó để mua nguyên liệu, vừa rẻ lại vừa tươi. Nhưng khoảng chục năm trước, bão to gió lớn, cái làng chài bé nhỏ đó chỉ còn là những đống đổ nát trên cát trắng. Nhà thuyền thì hết vốn, ngư dân thì mất việc, không còn nơi ăn chốn ở, ai rồi cũng bỏ xứ mà đi, làm gì có người nào sống ở đấy? Bà nheo mắt nhìn cậu, hỏi:

    - Nhưng tôi nhớ ở đấy bây giờ chỉ toàn là cát biển, không có nhà cửa thì cậu sống kiểu gì?

    - Cháu chuyển đến thị trấn này cũng gần tám năm rồi!

    Hai mắt cậu trĩu xuống, để lộ trên mí mắt trái một vết sẹo nhỏ, dài đến tận đuôi mày.

    Bà Nghị lại hỏi:

    - Thế cậu làm nghề gì?

    Người thanh niên lặng im, dường như khó nói ra, một hồi lâu mới ngập ngừng:

    - Cháu... cháu đi đòi nợ thuê cho người ta!

    Bà Nghị không hỏi thêm nữa. Nhìn cái cách cậu ta cư xử, rồi cái đêm cậu ta vào quán rồi để lại một vũng máu trên ghế thì bà đã đoán được phần nào. Có lẽ chỗ máu đó cũng không phải là của cậu.

    - Thật ra cháu cũng không muốn làm cái công việc gớm ghiếc này, nhưng không làm thì biết lấy cái gì mà ăn, lấy cái gì mà sống...

    Giọng cậu ta nghẹn ngào rồi không thốt ra được nữa.

    - Con người sao mà cứ thích đổ lỗi cho hoàn cảnh, không lẽ bao nhiêu người mất nhà, mất cửa, họ cũng đổ xô đi ăn trộm, ăn cướp hết hử? Tôi sẽ dạy cho cậu nấu món này, nhưng ngày mai hãy quay lại, hôm nay tôi bận rồi!

    Bà nói rồi đứng phắt dậy, quay lưng đi vào nhà, bỏ mặc cậu ta ngồi ở đó. Bà thấy trong lòng khó chịu, chẳng hiểu bọn trẻ bây giờ nghĩ thế nào mà cứ đâm đầu vào tệ nạn, không trộm cướp thì cũng hút chích, khiến cho bao nhiêu người phải khổ sở. Mà chẳng ai xa lạ, chính cái Thùy con ông Hóa cũng là nạn nhân của đám thanh niên hư hỏng, nghiện ngập rồi trộm cướp đấy chứ đâu. Con bé vừa xinh xắn, lễ phép, vừa giỏi giang, hiếu thuận, tuổi xuân chỉ vừa chớm, thế mà cái bọn khốn nạn kia lại nhẫn tâm cướp đi tính mạng của nó. Bà càng nghĩ thì càng thấy đau lòng, càng đau lòng lại càng thêm tức giận.

    Mãi một lúc sau bà mới quay trở ra, cậu ta đã đi rồi. Cái bàn mà cậu ta vừa ngồi cũng sạch sẽ hơn mọi khi, chỉ thấy mì trong bát đã hết, bên cạnh có một tờ giấy bạc phẳng phịu nằm dưới hai chiếc đũa. Bà dọn dẹp một lượt trong quán rồi tranh thủ đóng cửa, đi sang nhà cô Mai.

    Còn tiếp...
     
    Dana Lê, LieuDuong, THG Nguyen8 người khác thích bài này.
  6. TrieuNguyen

    Bài viết:
    51
    Phần Sáu

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Những ngày đầu hạ nắng gắt, trên con hẻm nhỏ thấp thoáng mấy bóng người, họ hối hả chạy đi dưới tiết trời như thiêu như đốt. Ông già Hóa đã dọn đi được hơn mươi bữa rồi, cậu Hoàng chắc là cũng theo lão về đó, bà Nghị ngồi trong quán nhìn ra, thấy con hẻm đột nhiên im ắng lạ thường. Cậu thanh niên bữa trước cũng chưa thấy quay lại, chắc cậu ta cũng từ bỏ cái ý định học nấu ăn luôn rồi.

    Tấm biển hiệu đung đưa trước mặt, cơn gió nhỏ hiếm hoi trong ngày chợt thổi ngang qua, mấy cọng tóc bạc lõa xõa của bà cũng rung rinh theo. Tiếng ông chồng ho lên mỗi lúc một nhiều, lão ho thành từng cơn, từng cơn kéo dài. Lòng bà se lại, lão cứ nằm đó mấy tháng trời, chẳng biết bao giờ mới khỏi, cũng chẳng chịu vào bệnh viện thăm khám, lão sợ tốn tiền. Bà đi vào trong xem chừng, thấy lão cứ ho sù sụ như vậy, hai mắt thì nhắm nghiền, xem ra đã mệt lắm rồi. Lão nghe tiếng bước chân nên biết là bà vợ đi vào, cố hít một hơi thật sâu rồi yếu ớt nói:

    - Bà gọi cả nhà cái Mai sang đây, tôi có chuyện muốn nói với chúng!

    Bà Nghị ngơ ngác, chẳng hiểu lão lại muốn trách mắng chúng chuyện gì mà tự dưng lại dở chứng như thế. Hai vợ chồng đã cãi nhau suốt mấy chục năm, bây giờ mà vặn vẹo hỏi thêm không khéo lão lại nổi điên lên, bà thấy lão đã yếu lắm rồi, không nỡ đôi co với lão nên chạy vội ra đầu hẻm, đánh điện cho vợ chồng chị Mai.

    Chị Mai đi làm công nhân tới mịt tối mới tan ca, còn anh Sang chạy xe ôm nên về nhà sớm hơn. Họ chờ thằng Tít đi học về, rồi cả nhà bồng tống nhau trên chiếc xe máy chạy sang nhà bà ngoại.

    Bà Nghị dẹp quán từ sớm, ngồi đợi cả nhà chị Mai đến. Hơn sáu giờ tối mà chẳng thấy tăm hơi bọn họ đâu cả, mãi một lúc sau mới có ánh đèn lờ mờ của một chiếc xe máy từ đầu ngõ rọi vào, bà đi ra cửa thì đúng là vợ chồng anh Sang. Chiếc xe máy đã cũ lắm rồi, nổ to như pháo liên, anh Sang vừa quẹo vào con hẻm đã vội vàng tắt máy, xuống dẫn bộ một đoạn vào trong. Anh biết ông bố vợ khó tính lại thiếu thiện cảm đối với mình nên mỗi lần sang đây anh đều làm như vậy, đến đi đứng nói năng cũng không dám tùy tiện, rồi cứ thế thành thói quen lúc nào cũng chẳng hay. Cô Mai chạy lại chỗ bà Nghị, ghé sát tai hỏi nhỏ:

    - Lại có chuyện gì thế mẹ? Bọn con còn chưa ăn uống, tắm rửa gì hết!

    Bà Nghị lắc đầu, nói:

    - Thì mày cũng rõ cái tính của bố mày quá mà, lão nghĩ cái gì trong đầu cũng có bao giờ mở miệng nói với mụ già này đâu! Thôi vào gặp lão xem thế nào!

    Gương mặt cô Mai hơi sượng sùng, mỗi lần gặp bố là thể nào cô cũng bị ông quở mắng, cho nên bây giờ cứ nghe ông ấy gọi là cô lại thấy nơm nớp trong lòng, mà không chỉ mình cô, cả chồng cô cũng vậy.

    Mọi người cùng nhau đi vào, từ lúc họ đến đây thì không ai nghe thấy lão ho nữa, có lẽ lão đợi lâu quá nên ngủ rồi. Bà Nghị đi khẽ đến cửa phòng, vừa bước vào vừa nói:

    - Tụi nhỏ đến cả rồi đây này, ông có muốn nói cái gì thì nói cho lẹ vào, để chúng còn về nhà ăn uống, nghỉ ngơi!

    Lão vẫn im lặng, chắc đã ngủ thật rồi. Bà đi đến cạnh giường, thấy cặp mắt lão mở to, sáng hoắc, mồm há to như muốn chửi ra mấy câu nhưng mãi mà không thốt ra lời nào. Lão chết rồi.

    Bà bàng hoàng quá, ngã quỵ xuống, ngất đi...

    Sáng sớm hôm sau, cả khu phố ồn ã cả lên. Người người cứ đi đi lại lại trong con hẻm nhỏ nhà bà Nghị, tiếng kèn trống inh ỏi, tiếng trò chuyện râm ran, xen lẫn trong sự ồn ào là những tiếng nấc nghẹn ngào, tiếng thút thít khe khẽ. Bà Nghị, anh Sang và thằng Tít mặc đồ tang, trên đầu quấn khăn trắng đứng xung quanh cỗ quan tàu màu nâu. Chị Mai ôm đứa con gái chỉ hơn một tháng tuổi ngồi bên cạnh, thi thoảng lại ngất đi, bà Nghị phải thay cô bồng đứa cháu, còn anh Sang đứng bên cạnh ôm chặt lấy vợ.

    Đến trưa thì đội tang lễ của khu phố khiêng chiếc quan tài đi, cả nhà bà Nghị đi trước, mấy chục người đưa tiễn bước theo sau. Dưới cái nắng như thiêu như đốt, ai nấy đều mồ hôi nhễ nhại, chỉ nghe tiếng kèn trống đinh tai nhức óc, mấy lá cờ màu trắng phất phơ trong gió, một đoàn người lặng lẽ đi về hướng nghĩa địa, có người thấp, có người cao, có người khóc, có người không, nhưng tuyệt nhiên chẳng một ai thốt ra lời nào...

    Bà Nghị thắp ba nén nhang, cắm vào lư hương rồi lẩm nhẩm khấn vái:

    - Mấy chục năm nay ông chẳng bao giờ chịu nhường tôi câu nào, đến chết mà cũng muốn chết sớm hơn tôi, chả hiểu ngày xưa tôi nghĩ cái gì mà lại chịu lấy ông!

    Bà vái mấy cái rồi tự nhiên lại mỉm cười, trong lòng dường như đang suy nghĩ về một điều gì đó, một điều gì đó vui vẻ.

    - Cháu đến thắp cho ông cụ mấy cây nhang!

    Bà quay lại nhìn, là anh Hoàng.

    - Sao cậu lại biết ông ấy mất? Chẳng phải cậu ở dưới với ông Hóa đến một tháng hay sao?

    Anh Hoàng đốt nhang, chắp tay khấn mấy câu rồi quay lại nhìn bà, nói:

    - Cháu cũng định ở dưới đấy một tháng phụ ông cụ sắp xếp mọi thứ đâu vào đó, mà cũng chẳng mấy việc nên xong cả rồi, vừa lên đến đây thì nghe ông lão mất nên vội qua đốt cho ông ấy mấy nén nhang ạ!

    - Lão ấy ra đi đột ngột quá cậu ạ, chẳng kịp gặp mặt con cháu lần cuối!

    - Vậy chị Mai chắc buồn lắm cụ nhỉ?

    Bà Nghị cười, lắc đầu nói:

    - Không, lão không giận con bé nữa, lão tha thứ cho nó rồi!

    - Từ bao giờ vậy cụ?

    - Tôi cũng không biết nữa, chỉ biết lúc sắp chết, trong tay lão nắm chặt một lá thư, hình như lão viết từ năm ngoái lận!

    - Vậy ra ông cụ biết mình bệnh nặng nên viết sẵn một lá thư để lại!

    Bà Nghị nghĩ ngợi một hồi, thở ra một hơi dài rồi nói:

    - Lão ấy bị lao phổi cậu ạ, nặng lắm, mà lão giấu nhẹm đi. Lão đi khám mà đâu có cho ai hay, khám xong cũng im ỉm một mình luôn, đã vậy còn viết hết trong thư rồi đem giấu dưới gối. Mà lão cũng tài thật, ngày nào tôi cũng dọn dẹp mà đâu có thấy thư từ gì, mãi đến khi lão chết mới lấy ra nắm trong tay. Lão nói lão bị lao phổi, thời kì cuối rồi, có tốn tiền thuốc thang cũng chả cứu được cái mạng của lão nữa, nên lão cứ ho suốt rồi nằm mãi trên giường chẳng chịu ra gặp ai, lão sợ lây bệnh cho mọi người, lây cho con cháu nên gặp chúng lão cũng chẳng thèm nói một câu. Cái lão già ngu ngốc, bác sĩ đã bảo bệnh của lão không lây cho người khác, thế mà lão vẫn sợ, suốt nửa năm vừa rồi cứ ngậm miệng như người câm, chẳng chịu nói với ai câu nào, chỉ khi bị tôi chọc cho nổi khùng thì lão mới chịu mở miệng, làm cho con Mai với thằng Sang cứ tưởng lão còn giận chuyện chúng nó tự ý làm đám cưới, thành ra đâu có dám đến gặp lão. Rồi lão buồn, mà chúng nó cũng buồn, cậu xem lão có ngốc hay không?

    Anh Hoàng cười gượng, không biết trả lời thế nào.

    Lại nghe bà Nghị hỏi:

    - Thế còn cậu? Đau ốm thế nào mà không chịu nói cho ai biết? Cứ giấu giấu diếm diếm rồi làm khổ người khác, cậu phải lấy cái lão chồng nhà tôi mà làm gương đấy!

    Anh cười hì hì, nói:

    - Không có đâu ạ, cháu chỉ bị suy nhược một chút thôi, bác sĩ cũng đã bảo là không sao! Cái tối mà cháu tới quán của cụ, lúc ra về tự nhiên lại lăn ra ngất xỉu giữa đường, cũng may lúc ấy còn sớm nên người ta thấy kịp, đưa cháu vào bệnh viện rồi gọi cho ông cụ vào chăm. Ông ấy còn thương cháu lắm cụ ạ, cứ ở mãi trong bệnh viện với cháu không chịu về, đến khi bác sĩ bảo là cháu không sao, nếu ống ây cứ ở mãi trong viện như vậy không chừng cũng đổ bệnh thì ông ấy mới chịu về nhà nghỉ.

    - Mà lão ấy ở dưới đấy một mình liệu có ổn không cậu?

    - Cụ an tâm, ông cụ về đó gặp lại mấy người bạn già nên cũng vui lắm ạ, không còn suy nghĩ đến những chuyện cũ nữa!

    Bà Nghị thấy hơi yên lòng, mĩm cười hỏi:

    - Còn cậu thì sao? Bao giờ mới chịu đi bước nữa?

    Anh Hoàng gãi đầu, ngượng nghịu đáp:

    - Thật ra lâu nay cũng có một cô bạn đồng nghiệp để ý cháu, mà cháu thấy cô ấy cũng được cụ ạ, nhưng cứ nghĩ đến Thùy thì lòng cháu cứ đau đáu không yên, nên chắc cứ ở vậy thôi cụ ơi!

    Bà vuốt mái tóc xoăn của anh, trong lòng cứ tưởng đây chính là đứa con cả của mình, nhẹ nhàng nói:

    - Con bé mà thấy cậu như vầy thì làm sao yên nghỉ được? Những thứ mà con bé chưa làm được cho cậu, hãy để một cô gái khác làm thay nó, giống như ngày xưa nó đã rất cố gắng làm cho bố nó vui thay mẹ nó, cậu thấy có đúng không?

    Anh mỉm cười, không nói gì, một lúc sau thì chào bà ra về...

    Ngoài trời mưa như trút nước, một cơn mưa trái mùa. Từ ngày ông chồng qua đời, bà Nghị cứ lủi thủi trong nhà một mình, may mà còn có cái quán ăn này để khuây khỏa, nếu không chắc bà buồn đến chết. Mấy lần bà tính gọi cho cô Mai, bảo cô ấy về đây ở với bà vài hôm cho đỡ cô quạnh, những nghĩ lại cô ấy bây giờ đã có chồng, có hai con, có một gia đình nhỏ của riêng mình, đâu còn là đứa con gái bé bỏng của bà như ngày xưa nữa mà cứ bám riết lấy mẹ. Người ta hay nói con gái mà có chồng rồi thì cũng như thành con của người khác, bà càng nghĩ lại càng thấy đúng, dù thi thoảng anh Sang cũng chở mẹ con cô ấy sang thăm bà, nhưng đến được một lúc rồi cũng đi, đâu có như ngày xưa hai mẹ con ôm nhau ngủ, trò chuyện tới tận khuya. Bà buồn rầu thở dài, phải chi lúc này trong quán có vài người khách thì nghe họ trò chuyện cũng vui được một chút. Mà hôm nay mưa to quá, người ta ngại ra đường nên trong quán vắng tanh, cái công trường kế bên cũng hoàn thành lâu rồi, mấy anh công nhân đã chuyển đi nơi khác hơn nửa tháng trước, thành thử lúc này chỉ có mỗi mình bà ngồi rủ rượi trong quán.

    Bên ngoài mưa càng lúc càng to, sấm chớp cứ thi nhau nổ, dưới làn mưa như thác đổ có một người chạy thật nhanh, người đó chạy vội vào trong quán.

    Là cậu thanh niên tên Quân, bà Nghị thấy quần áo cậu ta ướt sũng, không, là ướt như chuột lột mới đúng. Cậu Quân cứ đưa tay lên vuốt mặt, hai hàm răng đánh vào nhau cồm cộp, run rẩy nói:

    - Cháu đến học nấu mì như đã hứa!

    Bà Nghị chẳng nói chẳng rằng, đi vào trong nhà. Một lúc sau bà trở ra với một bộ quần áo trên tay, chìa về phía cậu Quân rồi nói:

    - Nếu cậu không ngại mặc quần áo của người đã chết thì ra sau thay vào đi, chứ nhìn cậu bây giờ cứ như mấy con chuột vừa chui ra khỏi cống thì làm sao mà nấu nướng được!

    Cậu nghe nói đó là quần áo của người đã chết nên thấy hơi rùng mình, nhưng lạnh quá không chịu nổi nữa, đành đi ra sau nhà thay quần áo. Cậu đi ngang qua phòng khách, thấy bàn thờ có hình một ông lão, nhang khói còn nghi ngút, biết là mới chết nên mới có nhiều người đến thắp nhang như vậy, bất chợt ớn lạnh hết cả người. Cậu thay quần áo xong thì trở ra đằng trước, quần áo cũ bị ướt cũng còn cầm trên tay, mặt mũi tái mét như người bị chết trôi, run run nói:

    - Bộ đồ này thật vừa vặn nhưng không hợp với một ông già cho lắm!

    Bà Nghị lườm cậu ta một cái, nói:

    - Đồ này là của con trai tôi, nó mất lúc cũng trạc tuổi cậu, lâu nay tôi vẫn cất trong tủ, cái gì mà hợp với không hợp, còn nếu không thích thì cứ mặc đống quần áo ướt mèm như ngâm nước của cậu đi!

    Bà đưa cho cậu hai cái móc, nói:

    - Treo quần áo lên dây cho khô rồi vào bếp tôi dạy cho, may phước cho cậu là hôm nay tôi cũng đang rảnh đấy!

    Bà còn ác cảm với cậu ta nên giọng điệu cũng khó nghe vô cùng. Cậu luống cuống hết chân tay, treo vội bộ quần áo lên rồi tò tò đi theo bà vô bếp.

    Bà Nghị cho cậu ta xem mớ nguyên liệu cần dùng, chỉ cậu ta cách chế biến một cách tỉ mỉ, vừa cho mì vào trong nồi bà vừa hỏi:

    - Thế bà cậu đã bao nhiêu tuổi rồi? Người già thì răng cũng yếu đi, phải nấu lâu hơn một chút!

    Cậu ngập ngừng một hồi lâu mới trả lời:

    - Bà cứ dạy cháu nấu như bình thường là được rồi!

    - Vậy là bà ấy cũng chưa lớn tuổi lắm nhỉ?

    - Hết năm nay là bà ấy được bảy mươi tám tuổi!

    Bà Nghị quay sang nhìn Quân, bĩu môi nói:

    - Gớm! Thế mà tôi cứ tưởng cậu cũng hiếu thảo lắm cơ đấy!

    Môi cậu ta mấp máy nói không nên lời:

    - Bà ấy... chết đã hơn mười năm rồi, bà ấy cố ôm cháu khi ngôi nhà sụp xuống trong chính cơn bão khủng khiếp đó, còn bố mẹ cháu thì đang ở trên thuyền đánh cá, cũng vào ngày hôm ấy!

    Tay cậu ta run lên, chẳng biết vì lạnh hay là vì đau lòng, hai mí mắt cứ chớp liên tục như bị thứ gì đó bay vào.

    Bà Nghị lặng im, trong lòng cứ thấy thương cảm, chẳng hiểu một đứa trẻ khi ấy chỉ mới bảy, tám tuổi thì làm sao mà tồn tại đến tận ngày hôm nay.

    Mặt Quân vẫn trắng bệch, hai bên khóe mắt trào ra nhưng giọt lệ nóng hổi, lẩn vào những giọt nước mưa lăn xuống từ mái tóc như cố che đi sự yếu đuối của một đứa trẻ trong thân xác người lớn. Cậu lẳng lặng xem bà Nghị nấu mì, không nói thêm lời nào.

    Trời cứ mưa mãi không dứt, những giọt mưa lớn như những hạt thóc cứ lũ lượt rơi xuống, nặng trĩu như lòng của cậu thanh niên đang đứng trong quán. Cậu đợi mãi nhưng mưa chẳng chịu tạnh, đành đội mưa ra về. Bà Nghị gọi với theo, trên tay cầm một cái ô muốn đưa cho cậu ta nhưng không kịp nữa rồi...

    Đã bốn tháng trôi qua kể từ khi ông chồng mất, bà Nghị cứ quanh quẩn trong cái quán ăn mà ông ấy để lại. Anh con rể của bà đã tìm được công việc mới, thu nhập cũng đỡ bấp bênh hơn, chị Mai cũng không còn phải tăng ca như lúc trước, thành thử hai vợ chồng cứ tối tối lại dắt hai đứa con sang đây. Bà vui lắm, không biết đã bao nhiêu lâu rồi bà không được vui như vậy, nhìn hai đứa cháu ngoại cười đùa ttrước mặt khiến bà thấy mình như trẻ ra cả chục tuổi, nếp nhăn cũng không nhiều thêm nữa.

    Hôm nay bà mở cửa quán thật sớm để đón khách, thế nhưng vẫn như thường lệ, trong quán chẳng có một ai. Đến xế trưa mới có người vào gọi cơm:

    - Một phần rau luộc chấm kho quẹt, một phần rau luộc chấm trứng cụ ơi!!

    Là anh Hoàng, bà thấy anh ấy đi cùng một cô gái cũng trạc tuổi cái Thùy. Bà nhìn anh mỉm cười:

    - Tiên sư nhà anh, vẫn còn nhớ đến cái quán nhỏ của tôi đấy à!

    Anh Hoàng cười tươi trả lời:

    - Cháu làm sao mà quên được, mà cụ đổi tên quán từ bao giờ đấy ạ?

    -Lâu rồi, tại anh không chịu ghé qua đây nên không biết đấy thôi!

    Anh Hoàng lôi từ trong túi ra một cái thiệp màu đỏ, hai tay đưa cho bà Nghị, ngượng nghịu nói:

    - Cuối tháng này mời cụ sang uống với bọn cháu chén rượu mừng!

    Bà Nghị nhận lấy, chẳng hiểu sao trong lòng cũng thấy vui lây. Anh Hoàng đưa cho bà thêm một cái thiệp nữa, nói là không biết nhà của cô Mai nên nhờ bà chuyển hộ cho cô ấy, dù sao cô ấy với Thùy cũng là chỗ chị em thân thiết. Hai người ăn xong bữa rồi chào bà ra về, trên đường còn phải ghé qua nhiều chỗ nữa để phát thiệp.

    Họ đèo nhau trên chiếc xe máy, chẳng hiểu vì trời lạnh hay tại sao mà cô gái kia cứ ôm chặt lấy anh Hoàng, chiếc xe chậm chậm chạy ra khỏi con hẻm rồi mất hút ở đường lớn.

    Mùa đông năm nay cũng thật lạ, trời se lạnh nhưng lại không có mưa. Dưới mái hiên của một quán ăn nhỏ, có một bà già nhỏ thó cứ đứng ngây người ra, bà ta mỉm cười trong vô thức, đưa mắt nhìn xa xăm như đang tìm kiếm một khoảng trời tươi đẹp. Những cơn gió lạnh lùa qua làm cho mấy sợi tóc bạc trên đầu bà ấy khẽ rung rinh, tấm biển hiệu bằng gỗ treo lủng lẳng bên trên cũng đu đưa theo gió, gõ vào trong vách những giai điệu lách cách nghe thật vui tai. Tấm biển hiệu thật lớn, từ ngoài đầu đường người ta cũng có thể nhìn thấy nó, một tấm biển bằng gỗ dường như sắp mục nát, bên trên có viết bốn chữ theo lối thư pháp bằng mực đỏ: "Quán Ăn Ấm Áp".

    Hết!

     
    Dana Lê, LieuDuong, THG Nguyen9 người khác thích bài này.
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...