Review Sách Quái Vật Ghé Thăm - Patrick Ness

Thảo luận trong 'Sách - Truyện' bắt đầu bởi zoeytorren, 17 Tháng tám 2021.

  1. zoeytorren

    Bài viết:
    2
    "Nguồn gốc thực sự của đau khổ là sự nhút nhát của chúng ta" (Heinrich Heine). "Quái vật ghé thăm" là cuốn sách kể về những sự mất mát, sự kìm nén nỗi đau của một đứa trẻ phải đối diện trước số phận của cuộc đời mình.

    "Quái vật ghé thăm" được tác giả người Mỹ Patrick Ness dựa trên ý tưởng của tác giả người Anh Siobhan Dowd qua đời trước khi kịp hoàn thành cuốn sách. Patrick Ness, ông là người giành được huân chương Carnegie trong hai năm liên tiếp 2011 và 2012, trong đó có tác phẩm "Quái vật ghé thăm" (2012). Cuốn sách này đã được dựng thành phim điện ảnh vào năm 2016.

    "Quái vật ghé thăm" kể về một cậu bé mười ba tuổi tên là Conor, đang sống với mẹ của mình, ba của cậu đã ly hôn với mẹ trước đó và hiện tại ông đang sống với gia đình mới của mình. Conor, một đứa trẻ luôn phải đối mặt với những cơn ác mộng trong giấc ngủ của mình và cứ đến 12: 07 phút con quái vật ấy lại đến. Nhưng đây cũng chẳng phải là con quái vật Conor trông đợi. Thằng bé đã tưởng con quái vật này là thứ bước ra từ cơn ác mộng của mình, cơn ác mộng với bóng tối, gió lộng và tiếng hét. Con quái vật đến để kể cho Conor ba câu chuyện, đổi lại Conor phải kể cho nó câu chuyện thứ tư.

    [​IMG]

    Những câu chuyện của con quái vật.

    Ba câu chuyện mà con quái vật kể cho Conor, đều có những giá trị nhân văn sâu sắc riêng. Qua câu chuyện thứ nhất về chàng hoàng tử và bà hoàng hậu xấu xa. Có thể thấy con người vốn dĩ là một thực thể vô cùng phức tạp, đa dạng nhưng lại rất cụ thể. Con người ta có trình độ khác nhau, bản lĩnh khác nhau, quan điểm khác nhau, tầm nhìn khác nhau.. dẫn đến con người là một thực thể vô cùng phức tạp. Một con người như một cái tiểu vũ trụ mà vũ trụ thì chúng ta chưa thể nắm bắt được. Cho nên "Không phải lúc nào cũng có người tốt. Cả kẻ xấu cũng vậy. Phần lớn mọi người đều ở đâu đó giữa hai thái cực ấy". Kẻ ác chưa chắc là kẻ xấu hoàn toàn còn người tốt chưa chắc là người hoàn toàn tốt đẹp như những gì ta nhìn thấy. Vì vậy, ta nên nhìn sự vật, hiện tượng theo một cách khách quan, đa diện, nhiều chiều, không nên có cái nhìn phiến diện, chủ quan duy ý chí.

    Câu chuyện thứ hai kể về dược sư tham lam và vị mục sư, một câu chuyện về vị mục sư phải bị trừng phạt. Tại sao vị mục sư ấy lại bị trừng phạt chỉ vì muốn cứu con của mình? Ông ta bị trừng phạt vì trong hệ tư tưởng, đức tin của ông ta có vấn đề. Ông ta đã sẵn sàng bỏ đi cả đức tin, niềm tin của mình khi bước đến đường cùng. "Niềm tin là phân nữa của mọi sự chữa lành". "Ông ta là người sống bằng đức tin nhưng lại hy sinh đức tin ngay khi mới gặp phải thử thách đầu tiên". Ông ta đã tin tưởng vào một điều khác một cách ích kỷ và sợ sệt. Vì thế, niềm tin chính là cách tạo ra hiện thực mạnh mẽ nhất.

    Câu chuyện thứ ba, nỗi sợ khi biến thành người vô hình của cậu bé Conor. Không phải là Conor thực sự vô hình chỉ mọi người đã quá quen với chuyện không nhìn thấy cậu bé. Rồi cậu bé đó quyết định mình sẽ không còn vô hình nữa bằng cách, đó chính là giải quyết vấn đề bằng bạo lực. Khi sức chịu đựng của con người đã đạt đến giới hạn, người ta thường có xu hướng giải quyết vấn đề bằng bạo lực, bằng nắm đấm.. Giống như trong tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao có nói "Ai cho tôi lương thiện". Đời người là quá trình bôn ba vật lộn từ sinh ra tử. Đường khó đi, việc khó làm nhưng làm người còn khó hơn, người tốt thì khó làm, người xấu càng không được làm. Thực sự cuộc sống rất khó khăn, ta phải chịu đựng mọi áp lực bên ngoài, đồng thời phải đối mặt với sự nghi ngờ của bản thân. Trong lúc đấu tranh vật lộn, nến như có ai đó nhìn ta bằng ánh mắt thấu hiểu và đồng cảm. Có thể ta sẽ cảm thấy một hơi ấm trong cuộc đời cho dù nó ngắn ngủi nhưng lại khiến ta phấn chấn vô cùng.

    [​IMG]

    Câu chuyện thứ tư của Conor

    Các câu chuyện trên tuy kể về những nhân vật khác nhau, nhưng đều ẩn dụ cho cuộc đời của Conor. Câu chuyện thứ tư mà Conor phải kể cho con quái vật nghe, đó chính là câu chuyện về cơn ác mộng thực sự của mình – cơn ác mộng buông tay mẹ. Nhiều lúc Conor cảm thấy rất mệt mỏi khi phải chăm sóc mẹ và bệnh của mẹ ngày một tệ hơn, nó không hề khá lên như mẹ cậu nói. Một sự thật cậu đã biết từ lâu về bệnh tình của mẹ mình nhưng tâm trí cậu vẫn muốn tin vào những lời nói dối an ủi của mẹ. Và cơn ác mộng nhiều ngày ấy luôn kết thúc bằng khung cảnh cậu "buông tay mẹ" ra. Và cậu cảm thấy như bị dày vò, cái chết của mẹ là do lỗi của cậu gây ra. Nhưng con quái vật đã khẳng định đó không phải là lỗi của cậu, cậu bé chỉ đơn thuần mong ước được chấm dứt nỗi đau, nỗi đau của chính cậu, đó là ước mong con người nhất trong tất cả các ước mong. Con quái vật đến là để chữa bệnh cho cậu bé, nó đến là vì cậu bé, nó là của cậu bé. Và nó đến để giúp cậu nói sự thật. Cậu bé phải nói ra sự thật này nếu như không muốn rằng mình sẽ bị mắc kẹt trong cơn ác mộng này mãi mãi. Sự thật rằng Conor rất yêu mẹ, câu cuối Conor nói với mẹ bên giường bệnh "Con không muốn mẹ đi đâu". Đôi khi trong cuộc đời có những điều tiếc nuối khi ta chưa kịp nói ra sự thật và điều ấy đã khiến ta ân hận, nuối tiếc biết nhường nào. "Tôi nuối tiếc điều tôi không làm, không phải điều tôi đã làm" (Ingrid Bergman). Trên thế giới này, không có nơi trú ẩn để trốn chạy khỏi ký ức và sự ân hận, để thoát khỏi điều ấy thì chính ta phải là người đối diện với sự thật đó. Đối diện ngay lúc ấy thì đau khổ ngay khoảnh khắc ấy nhưng nó sẽ không làm ta day dứt, hối hận về cả một đời mỗi khi ta chợt nhớ lại hay nhìn lại.

    Tuy hồi kết để lại nhiều tiếc nuối, nhưng nhìn tổng thể câu chuyện, nó đã giáo dục con người ta về cuộc sống, về niềm tin, về giải phóng nỗi đau, về tìm kiếm, chấp nhận và đối mặt với sự thật.. Đặc biệt là tác phẩm này càng cho người đọc hình dung rõ nét hơn và đồng cảm hơn về những câu chuyện ấy thông qua những bức tranh được Jim Kay minh họa trong cuốn sách. Đây là quyển sách có sự kết hợp giữa cổ tích và thế giới thực nhằm diễn tả tâm lý phức tạp của nhân vật. "Quái vặt ghé thăm" nó không giống như là cuốn sách dành cho thiếu nhi mà nó là cuốn sách dành cho mọi người bởi nó là cuốn sách chứa đựng trong mình những lời khuyên dành cho bất kỳ ai trên thế giới.

    Our lives change in two ways: Through the people we meet and the books we read.

    (Cuộc đời ta thay đổi theo hai cách: Qua những người ta gặp và qua những cuốn sách ta đọc)

    Chúc các bạn tìm được những cuốn sách giúp đỡ bạn.
     
    Chỉnh sửa cuối: 9 Tháng tám 2021
Trả lời qua Facebook
Đang tải...