QUÁI THAI TÌM CHA Thể loại: Truyện ngắn Tác giả: Lý Minh Kỳ Tôi, một kẻ bị xã hội ruồng bỏ, là quái thai của xã hội này, là gay! Tôi từng là một bào thai lành mạnh như bao bào thai khác. Tôi sinh ra không mang dị tật về thân thể, nhưng mang dị tật về trái tim. Mẹ tôi cố gắng nhào nặn trái tim tôi về lại bình thường. Nhưng tôi phản kháng. Tôi muốn sống dị tật! Tôi đã chọn một cuộc sống có trái tim dị tật. Chỉ là trái tim mang dị tật, nhưng mặc cảm lây lan toàn thể xác. Người ta xem tôi như thứ quái thai, mầm bệnh. Mười chín tuổi, tôi đặt chân vào con đường đau khổ. Cuộc đời giam trái tim tật nguyền của tôi trong ngục tù. Tuổi trẻ, ai cũng phải yêu, ít nhất là một lần! Tôi đi tìm tình yêu với cứu cánh phá vỡ ngục tù vô hình. Mười chín tuổi, mọi trái tim đều rung động, kể cả trái tim mang dị tật. Trái tim tôi khao khát một đích đến lạ thường. Tôi ôm ấp mối tình đơn phương với người đàn ông hơn tôi mười tuổi. Tôi yêu anh, một tình yêu dị tật. Nhưng mộng đẹp chỉ về với tôi mỗi đêm, còn đời thực thì trái ngược. Trái tim dị tật bầm dập trong cuộc tình đơn phương. Đối với tôi, cuộc đời mở ra hai lối rẽ; hoặc là sống hạnh phúc với người mình yêu, hoặc là sống đơn độc suốt đời và nhìn người mình yêu hạnh phúc. Ấy vậy, tôi không được phép chọn lối rẽ cho riêng mình. Tôi là con rối để xã hội đặt để. Thế rồi, tôi bị buộc phải chọn cuộc sống đơn độc. Một năm, rồi hai năm. Thời gian trôi như những trận lũ. Tôi xoay xở sao kịp với quyền năng của vũ trụ? Thể xác tôi già cỗi, nhưng trái tim tôi vẫn ấm nóng, vẫn yêu như ngày mới yêu. Đau đớn! Nhục nhã! Tôi ra phố, ghé vào một tiệm thuốc, mua mấy vỉ thuốc trị đau đầu. Tôi tự kết liễu cuộc đời mình để mở ra một bắt đầu khác. Tôi phải lên đường tìm lại cha, qua địa ngục tăm tối, nhằng nhịt. Cha ơi, nòi giống Lạc Long ơi! Con đã rong ruổi tìm Người khắp nơi vì chỉ có Người mới có thể cho con biết nỗi bất hạnh con phải gánh lấy. Tôi quỳ gối trước mặt Người. Người không trách tôi là quái thai. Người ôm tôi vào lòng: "Dầu sao, con cũng là con của ta! Trong người con, từng thớ thịt đều có dòng máu đỏ thắm của ta. Nhân thế xa lánh con, nhưng ta không thể ghét bỏ con mình!" Người đàn ông thời hồng hoang có lẽ không phải chịu nhiều khổ ải như tôi. Tôi ngấn lệ và thổ lộ những đau khổ: "Thưa cha, con có phải là quái thai của giống nòi ta không? Người ta bảo con là quái thai, là thứ ngoại lai gớm ghiếc!" Cha ôm tôi vào lòng. Cha thương tôi nhưng có lẽ không thấu hiểu được lòng tôi vì thời của Cha, trăm bào thai đều được sinh nở lành mạnh. Tôi quá đỗi khiếp sợ một dòng giống lành mạnh sẽ không chấp nhận một đứa con tật nguyền, yếu ớt. Và sự thật ấy đã diễn ra khi tôi còn sống; cả một xã hội chối bỏ tôi! Tôi nằm trong lòng Mẹ Âu Cơ. Tôi dè dặt kể lại chuyện tình của tôi.. Mẹ thông cảm cho thân phận của tôi, một người con gái đuối sức trong tình yêu. Mẹ cũng từng đuối sức trong tình yêu. Mẹ yêu Cha nhưng vẫn phải chấp nhận xa Cha, vì đó là định mệnh, không thể bất chấp. Còn tôi, tôi yêu người đàn ông ấy, không có cản trở của "định mệnh" nhưng có một cản trở khác tuy vô hình nhưng quá khủng khiếp; đó là "thành kiến", một bức tường thành vô hình và vững chắc! *** Tôi lặng lẽ bước đi. Tôi sắp được tái sinh, một cuộc trải nghiệm mới. Tôi không trông mong gì hơn được sinh ra trong một xã hội của những con người có trái tim dị tật. Khi một xã hội chỉ có những kẻ mang tật tồn tại thì sẽ không có một ai là bất thường cả, ai cũng đẹp. Tôi mang theo câu chuyện tình của mình, để nó được đầu thai cùng tôi. Hỡi ôi, khi sắp bước qua cánh cửa đầu thai, chuyện cũ lại phơi bày ra trước mắt tôi. Ngày cũ ùa về. Tôi mở mắt chào đời vào một đêm mùa hạ u buồn, một đêm mùa hạ già nua sắp chết. Bà ngoại thương tôi nhiều lắm, để bù đắp một thiếu thốn lớn cho tôi, tôi không có cha. Xóm giềng tránh tôi như tránh hủi. Ngày thơ ấu, tôi chịu những lời nói độc địa mà không rõ thực hư. Về sau, tôi mới biết, mẹ bị cưỡng hiếp trong một lần đi làm về khuya. Tôi đau đớn, chấp nhận mình là thứ không cha. Người ta chửi rủa mẹ là "gái hư", "không chồng mà chửa". Mẹ cũng mang mặc cảm dị tật như tôi, chỉ khác là tôi bẩm sinh, còn mẹ thì bị người ta hại. Tôi lớn lên trong tình thương của bà ngoại và mẹ. Thời xuân sắc, bao gã đàn ông theo đuổi mẹ. Nhưng thuở ấy, mẹ luôn là người con gái kiêu hãnh. Cái thai không chủ đã khiến cho mẹ từ địa vị của một nữ hoàng, trở thành một "người đàn bà bỏ đi", người ta nói mỉa mẹ tôi thế. Có một người đàn ông, trong ký ức trẻ thơ tôi, thường đến nhà và cho tôi quà bánh. Mẹ tôi kiên quyết từ chối mặc dù khi ấy, tôi đói sữa và khát thèm những món bánh kẹo. Lúc vắng mẹ, tôi vì đói nên đã nhận bánh của ông ấy. Bà ngoại thương tôi nên cũng giữ kín chuyện. Bà khẽ bảo: "Con cảm ơn bác H đi!" Tôi ngoan ngoãn làm theo lời bà, nói lời cảm ơn với bác H. Bác ôm tôi vào lòng, thơm lên trán tôi. Tôi từng ước ao, người đàn ông tốt bụng ấy là cha mình. Năm tôi lên mười, một người đàn bà tự xưng là vợ của bác H đã đến, chửi rủa mẹ tôi. Tôi không hiểu tại sao bác H tốt bụng như vậy lại lấy một người vợ độc miệng như thế; mụ ta chửi mẹ là "con điếm hư thân", chửi tôi là "đồ con hoang" Tôi đã nhiều lần hỏi mẹ về bác H, nhưng mẹ không bao giờ trả lời cả. Mẹ cấm tôi không được tò mò chuyện người lớn, không nhận bất cứ thức quà nào của bác H cả. Nhưng vì quá hiếu kỳ, tôi đã được nghe chính bác H nói ra những điều bí mật. Vào một buổi chiều cuối tháng Mười, tôi buồn rũ rượi, lê bước trên dải hè lở loét. Đã vào năm học lâu rồi, bạn bè đã có sách vở đầy đủ, chỉ mỗi tôi là đứa thiếu sách vở. Cô giáo lúc nào cũng khuyến khích thằng bạn ngồi bên cạnh cho tôi xem chung sách. Nhưng nó là một đứa xấu tính. Nó không cho tôi xem sách cùng vì khinh tôi nghèo khó. Rình rập lúc tôi lúi húi viết bài, nó bôi mực lên áo tôi, chiếc áo trắng duy nhất, gia tài của tôi, nhưng là chiếc áo giẻ rách trong mắt nó. Chiếc áo bẩn thỉu vì lem nhem màu mực tím, mặt mũi tôi cũng lem nhem, nước mắt, nước mũi rỏ lộn xộn trên khuôn mặt tái nhợt. Ngày ấy, tôi dễ khóc lắm. Bị người ta hiếp đáp là khóc. Khóc trong nghẹn ngào, không để lọt ra một tiếng rền rĩ nào. Chỉ có nước mắt. Ai đó gọi tôi. Tôi ngước mặt lên và đã nhận ra bác H. Tôi lê cái thân gầy còm, kể lể với bác. Mười tuổi rồi mà tôi vẫn còn cái thói mè nheo. Bác H chở tôi đến hiệu sách, mua một bộ sách mới. Tôi còn được bác cho ăn kem, mua tặng vài chiếc áo sơ mi học sinh. Tôi hỏi bác: "Sao bác tốt với mẹ con cháu thế?" "Vì ngày xưa, bác yêu mẹ cháu." "Vậy, tại sao bác không cưới mẹ cháu?" "Vì gia đình, vì định kiến, vì sự ép buộc đội lốp chữ hiếu!" Tôi không hiểu bác ấy nói gì, lúc ấy. Nhưng bác nhìn xa xăm, mắt buồn rười rượi. Bác dang cánh tay săn chắc, ôm tôi. Tôi có cảm giác như mình được một người cha bảo vệ. Khi ấy, tôi cũng đủ hiểu rằng bác còn thương yêu mẹ tôi lắm. Sau này hiểu chuyện một chút, tôi tự hỏi, sao mẹ tôi và bác không trốn đi, bỏ mặc những gì đau thương lại nơi này? Nhưng nếu vậy, mẹ tôi sẽ tính sao với tôi? Mẹ phải mang tôi theo cùng chứ nhỉ? Còn bà ngoại tôi thì sao? Còn đứa con trai của bác H thì sao? Bế tắc! Sau vụ đánh ghen, bác H đã quỳ xuống chân mẹ tôi và bà ngoại tôi xin tha thứ, xin hãy cho bác vào nhà như một người khách. Bác đã phải quỳ dưới mưa suốt mấy tiếng đồng hồ. Tôi thương bác, gào khóc xin mẹ đừng tàn nhẫn với bác. Mẹ tôi cũng òa khóc, ôm tôi vào lòng. Mãi sau này, tôi mới biết tất cả. Nhưng khi tôi biết thì cũng muộn màng. Mẹ tôi mất vì căn bệnh tim quái ác. Tôi sống với bà vào những năm cuối đời của bà. Khi ấy, tôi cũng vừa mười chín tuổi. Tôi từ chối sự giúp đỡ của bác H. Tôi lớn rồi, có thể vừa học vừa làm để trang trải việc học. Bà ngoại cũng gắng sức nấu một nồi chè đề bán, kiếm tiền sống qua ngày. Mẹ tôi mất không lâu thì bác H cũng trông vàng vọt da dẻ, ốm theo rồi mất. Bác để lại di thư cho con trai bác, Hoàng Phong, với những lời trăng trối không thể nói trực tiếp. Phong kém tôi mười tháng tuổi, nhưng cậu ấy trông khỏe mạnh, lực lưỡng hơn tôi. Cũng phải thôi, Phong là con của một bà chủ tiệm vàng mà. Tôi lặng lẽ yêu một người thầy nơi giảng đường. Đó là người đàn ông duy nhất tôi yêu, của đời mình. Thoạt đầu, tôi tự nguyền rủa mình vì đã yêu thầy. Tôi gớm sợ những gì đã và đang diễn ra bên trong con người mình. Tôi tự hỏi, phải chăng có một con quỷ yêu đang tồn tại trong người mình chăng? Tôi nhìn vào gương, tự khiếp sợ mình. Mẹ Âu Cơ có sinh ra một con quỷ như tôi không? Con quỷ yêu ấy lớn mạnh dần, thế là nó tìm đủ mọi cách để phá vỡ nhà tù, như muốn phanh da thịt tôi ra để lộ nguyên hình vậy. Tôi đứng trước gương, con quỷ ấy nhìn tôi trừng trừng. Nó đe dọa tôi không được kiềm hãm nó nữa. Tôi yêu anh như điên như dại. Trước đó và về sau, tôi không thể yêu một ai khác, ngoài anh. Bao gã đàn ông hơn anh về vật chất, diện mạo nhưng không khơi lên trong tôi một tình yêu như anh. Đớn đau cho một trái tim dị tật như tôi, anh đã có gia đình dù sự nghiệp của anh hãy còn dang dở. Tôi trò truyện với anh rất nhiều về lĩnh vực "văn hóa học". Tôi ngưỡng mộ anh vì anh hiểu biết vô hạn. Tôi phục anh vì có ý chí, muốn đạt đến những học vị cao hơn. Tôi nguyền rủa người phụ nữ anh yêu. Cô ta đã khiến cho anh thêm một gánh nặng, đã cướp mất anh khỏi cuộc đời tôi. Tôi ích kỷ! Nhưng một đứa trẻ từ nhỏ đã thiếu thốn thì lớn lên nó phải ích kỷ thôi! Mẹ tôi hiện về trong những giấc mơ. Mẹ rưng rưng nhìn tôi, muốn tôi hãy từ bỏ mối tình đơn phương với người đàn ông kia. Mẹ tôi muốn tôi "trở lại bình thường". Tôi cũng van xin mẹ trong giấc mơ, gắng sức phản kháng những hình ảnh đau khổ của mẹ. Tôi yêu anh, mặc kệ tất cả! Con quỷ yêu trong tôi đã có một mãnh lực tuyệt đối! Tôi viết cho anh một lá thư, thổ lộ tình cảm. Thưở nhỏ, trong mấy đứa nhỏ quanh xóm, có đứa nào giỏi giấu giếm như tôi đâu? Đứa nào cũng khai sạch tội trước mẹ chúng. Còn tôi, tôi chẳng bao giờ để con điểm xấu tồn tại trong vở, chẳng bao giờ đánh nhau với mấy đứa xấu bụng, chẳng bao giờ buông một lời chửi rủa chúng.. mà tôi chỉ có một lỗi lớn là nhận quà từ bác H. Mẹ tôi có dọa đánh, tôi cũng không khai ra những gì bác H đã cho tôi. Nhưng mười chín tuổi, tôi yêu điên dại và không thể kìm nén lời yêu, giấu giếm chỉ càng thêm khổ sở. Tôi phải cho anh biết, nếu không, sẽ chết mất. Sau khi lén bỏ lá thư vào cặp táp của anh, ba ngày sau, tôi nhận được hồi đáp. Cùng một lúc, tôi nhận được hai lá thư, một của anh, còn lại của vợ anh. Anh trả lời chỉ có vài dòng cụt ngủn, đại ý là chê trách tôi "bệnh hoạn". Và từ đó, anh không nhìn mặt tôi nữa. Thế giới đổ vỡ trong tôi. Tôi không buồn ngó qua thư của vợ anh, chỉ bỏ vào trong ngăn tủ rồi quên bẵng đi. Tôi chỉ tìm đến Phong một lần. Đó là lần hạnh phúc ánh lên trong mắt Phong, cuộn trào trong từng thớ thịt đôi môi Phong. Cậu hôn tôi rất nhiều, hôn khắp nơi. Còn tôi thì sao? Tôi cũng hòa nhập với dòng hạnh phúc của Phong. Lúc ấy, da thịt thức giấc, tôi không quan tâm người đang làm tình cùng tôi là ai vì trong đầu tôi chỉ là hình ảnh của người đàn ông tôi yêu. Tôi phải thét lên: Cứ từ từ! Chúng ta còn cả ngày mà! Nhưng Phong vẫn cứ điên cuồng, và tôi cũng bị cuốn theo. Vài ngày sau cuộc truy hoan ấy, Phong chủ động đến tìm tôi. Phong cứ ngỡ rằng tôi đã xiêu lòng nhưng anh đâu biết, anh chỉ là người thay thế. Từ ngày gặp tôi, Phong hết sức chiều chuộng tôi. Tôi đã khước từ tất cả từ Phong cũng như từ bác H, vì tôi đã tự đi làm rồi. Nhưng Phong quyết theo tôi, giúp đỡ tôi về mặt tiền bạc vì biết tôi túng thiếu nhiều khoản lắm. Tôi vẫn cứ yêu người đàn ông mà tôi từng gọi là thầy, chấp nhận lời dèm pha của mấy đứa bạn cùng khóa. Họ cứ nói, còn tôi thì cứ việc mặc cảm rồi xa lánh. Tôi đi đến đâu, những nhóm bạn đều xì xầm, đá mắt rồi cười lớn. Liệu cuối đời, răng họ có bị long? Tôi thường tự chất vấn mình rằng: "Mày có đang sai lầm không?". Rồi tôi cũng không tự tìm được câu trả lời. Khi ấy, tôi chìm vào một thế giới khác, thể giới chỉ có mình tôi, tránh xa những kẻ kỳ thị. Tôi sống cô độc từ khi bà tôi qua đời. Phong ở nhà riêng, được mẹ chu cấp tiền xài dư dả hàng tháng. Phong mời tôi đến ở cùng và xúi tôi cho người ta thuê căn nhà của mình để có thêm tiền tiêu. Tôi từ chối ngay. Tôi rất lấy làm ngạc nhiên khi Phong đãi tốt với tôi cho đến khi tôi nghe Phong kể tường tận. Bác H đã để lại di thư cho Phong, tâm nguyện của ông là muốn Phong giúp đỡ tôi. Cuối cùng, anh quỳ xuống dưới chân tôi và thú nhận: Phong yêu tôi kể từ lần gặp đầu tiên! Tôi chỉ muốn tránh mặt Phong như mẹ tôi tránh mặt bác H. Vì quá khao khát một cuộc vui xác thịt nên tôi đã tìm đến Phong. Nhưng trong cuộc vui ấy, Phong vẫn không chiếm được trái tim tôi. Tôi vẫn trở về trong sự cô độc. Thế rồi, trong một đêm mùa hè nóng bức, lòng tôi lại khao khát, lại điên cuồng khi nhớ về người đàn ông mà tôi từng gọi là thầy. Tôi đã thủ dâm, đã tự trèo lên ngọn đồi hoan lạc. Nhưng lúc ấy, hình ảnh trong đầu tôi lại là Phong, lại là căn phòng sạch sẽ, tiện nghi của Phong. Từ đó, mỗi lần khó ngủ, tôi lại thủ dâm, lại nhớ đến Phong, lại hưởng hoan lạc một mình, ngắn ngủi có vài giây thôi, rồi cảm thấy ê chề và nhục nhã vì không giữ trọn lòng chung thủy với người đàn ông tôi yêu. Tôi cứ sống trong cô độc, ê chề và nhục nhã. Tôi cảm tưởng mình thật bẩn thỉu. Sau cuộc vui một mình, tôi lại quyết tâm từ bỏ cái việc làm gớm ghiếc này. Tôi ao ước giữ mình thật thanh sạch, nhưng những đêm cô đơn khiến tôi không thể từ bỏ. Phong rồi cũng phải từ biệt tôi để cưới vợ. Tôi luôn cầu chúc cho Phong sẽ có được hạnh phúc. Nhưng khi nhìn nụ cười gượng gạo của anh khi sánh bước cùng vợ và ánh mắt vàng võ khi nhìn tôi, tôi chợt day dứt, cho anh và cả cho tôi. Tôi nhìn người tôi yêu sống hạnh phúc bên gia đình, thăng tiến trên đường công danh. Tôi cũng nhìn Phong sống hạnh phúc miễn cưỡng. Tôi day dứt, cảm giác như mình có tội với Phong. Thượng đế đã trừng phạt tôi bằng cách không cho một người đàn ông nào tốt như Phong đến với tôi cũng như bắt tôi phải nhớ đến người thầy lãnh đạm kia. Rồi một ngày kia, lá thư của vợ anh phơi ra trước mặt tôi. Tôi đã đọc nó, tôi khóc nghẹn ngào, mãi khôn nguôi. Vợ anh chửi rủa tôi một cách tàn nhẫn. Chị đe dọa tôi phải cách xa chồng chị vì sợ tôi lây bệnh cho anh. Tôi bị người ta sỉ nhục đến đau khổ. Tôi chỉ còn biết thương cho phận mình dị tật. Tôi tọng nắm thuốc vào miệng, gắng sức nuốt, như nuốt những mẩu gạch vụn từ bức tường "thành kiến" của xã hội. Tôi phải chết thôi! Chết để từ bỏ một xã hội từ bỏ tôi. Chết để từ bỏ những con người nguyền rủa thôi. Chết để từ bỏ những mặc cảm đang giày vò thân xác tôi. Tuổi trẻ bị bức tử, tôi chết khi bước sang tuổi hai mươi lăm. Cha Long Quân không ghét bỏ tôi nhưng vẫn chưa muốn chấp nhận tôi. Còn Mẹ Âu Cơ ôm tôi, nói với tôi những lời làm tôi nhớ mãi: "Con là sự kết hợp hoàn hảo của Cha và Mẹ. Rồi cuộc đời sẽ chấp nhận con như Mẹ!" Cánh cửa đầu thai đã mở cho tôi tự tin bước vào với hy vọng được tái sinh trong một xã hội không còn những bức tường giam lỏng trái tim mình. Hết