Hỏi đáp Quá cầu toàn trong công việc có tốt hay không?

Thảo luận trong 'Tổng Hợp' bắt đầu bởi Mạnh Thăng, 19 Tháng mười hai 2022.

  1. Mạnh Thăng

    Bài viết:
    8,713
    Chào mừng các bạn đã quay trở lại với Game Show - Ai Là Nhà Tâm Lý Tài Ba?

    Để tiếp tục chương trình, mình xin gửi đến các bạn một câu hỏi mà mình cảm thấy khá thú vị, vì đây chính là trạng thái mà mình đang rơi vào

    Và câu hỏi đó chính là:

    Theo bạn, quá cầu toàn trong công việc có tốt hay không?

    Bạn cũng biết rồi đấy, cầu toàn là một trong những đức tính cần có ở mỗi chúng ta, vì có cầu toàn thì mới có thể đem lại cho ta nhiều thành quả tốt được. Có cầu toàn thì chúng ta mới có thể phấn đấu, nỗ lực từng ngày được. Nhưng bạn thử nghĩ xem, nếu một người quá cầu toàn thì sẽ như thế nào? Tốt nhiều hơn hay xấu nhiều hơn?

    Hãy cho mình biết suy nghĩ của bạn ở dưới bài viết này nhé. Đừng quên cho 1 like và đánh giá 5 sao nếu bạn thấy hay
     
  2. Bụi I'm the dust in the wind... ♥️

    Bài viết:
    1,717
    *vno 14* tật xấu lắm đó, bản thân em cầu toàn trong công việc hơi nhiều và đòi hỏi sự chuẩn chỉ, nhanh chóng trong công việc, cũng như tính linh hoạt, đa nhiệm hơi cao.

    Bởi vậy nhiều khi nóng tính cáu bẩn, gái nó mắng hoài.
     
  3. Đậu Anh Tử

    Bài viết:
    134
    Chào bạn, theo ý kiến cá nhân của mình thì bất cứ điều gì "quá" đều không tốt, chẳng quan trọng từ phía sau nó là nghĩa tốt hay xấu. Vì vậy mà cầu toàn cũng không phải là ngoại lệ.

    Nếu chỉ nói về cầu toàn là mong muốn mọi thứ phải hoàn hảo, phải chỉn chu thì chẳng có gì là không tốt cả, thậm chí chính thói quen đó lại giúp cho chúng ta hoàn thiện hơn và luôn hướng về những điều tốt đẹp.

    Tuy nhiên, nếu sự cầu toàn không chỉ đến từ mong muốn hoàn thiện bản thân, mà thậm chí còn yêu cầu người khác phải hoàn hảo thì đó lại là một thói quen không tốt chút nào, nó còn có thể khiến cho chính chủ gặp phải những rắc rối và bực bội không đáng có. Hiểu một cách đơn giản là bạn sẽ có cảm giác gì khi bạn muốn tất cả mọi thứ xung quanh mình, tất cả những người khác phải hoàn hảo theo cách bạn muốn, nhưng chắc chắn điều đó là không thể vì bạn chẳng thể yêu cầu ai khác thay đổi ngoài chính bản thân mình. Đó là vấn đề thứ nhất.

    Vấn đề thứ hai là khi sự cầu toàn của bạn vượt đi quá xa, hay nói cách khác là bạn "quá cầu toàn", thay vì làm tốt thì bạn muốn nó phải hoàn hảo không chút khiếm khuyết, và đương nhiên, điều đó cũng là không thể, bởi vì trên đời vốn dĩ chẳng có gì là hoàn hảo cả. Rồi liệu bạn có vì thế mà phát điên lên vì cuối cùng chẳng có gì giống như mình muốn.

    Suy cho cùng thì cầu toàn là tốt, nếu nó chỉ xuất phát từ mong muốn hoàn thiện bản thân của chính bạn, và đừng để nó vượt quá giới hạn của bản thân, đừng yêu cầu tất cả mọi thứ xung quanh phải hoàn hảo. Cầu toàn thôi là đủ, đừng "quá cầu toàn" làm gì cho mệt thân, bạn nhé!
     
  4. Ruby Esther

    Bài viết:
    8
    Hình như đây cũng là một bệnh về tâm lý. Bản thân mình cũng mắc chứng cầu toàn (tự đánh giá ở mức độ vừa, chưa tới mức "ép" những người bên cạnh phải như thế, thỉnh thoảng vì lợi ích chung thôi).

    Đến mức khi viết chữ, thà ẩu thì thôi chứ đã viết đẹp mà chữ sai 1 ly thôi cũng phải ngồi bôi xóa sửa lại. Làm ppt thì chỉnh đi chỉnh lại, người ta làm 1 tiếng, mình làm 3-4 tiếng vẫn còn thấy thiếu, không làm thì ngứa ngáy.. Trước khi có ý định làm gì, thường lên kế hoạch tỉ mỉ không thiếu cái nào, cố gắng không sai những gì đã vạch ra. Mắc phải cái tính này không nhất thiết là người siêng năng, làm biếng lắm (như mình), nhưng một khi xác định xách cây chổi lên quét nhà thì không có quét 1 chỗ, quét nửa nhà, mà moi hết ngóc ngách ra quét mới vừa (có lúc định quét cái nhà thôi mà thành tổng vệ sinh nhà cửa luôn).

    Người ta hay nói đã không làm thì thôi làm thì phải làm cho tới.

    Đôi khi thấy cái tính này thiệt thòi lắm, nhất là trong công việc, ôm hết làm cả ngày. Người mắc tính này cũng rất khó tính, khó chịu (khi sống chung với đứa có cái tính ẩu). Nhưng không sửa được vì.. nó vậy rồi, cũng không muốn sửa. Nếu nhìn theo hướng tích cực thì làm nhiều, biết nhiều, chu đáo, tỉ mỉ!
     
  5. Nguyễn Thị Linh

    Bài viết:
    337
    Cầu toàn trong công việc là một đức tính tốt. Nó sẽ giúp mỗi người đạt được sự thành công trong công việc. Sự cầu toàn cũng sẽ giúp bản thân tránh được những rủi ro không đáng có trong môi trường làm việc.

    Nhưng cầu toàn không phải là tất cả, đôi lúc trong nhiều tình huống công việc ta không thể đòi cầu toàn được. Những công việc yêu cầu tốc độ, sự nhanh nhạy thì tính cầu toàn đôi khi phải bớt lại để dung hòa mọi thứ. Giữ cho mình sự cầu toàn trong công việc là một một sự cần thiết, nhưng cần áp dụng sự cầu toàn sao cho khéo léo sẽ giúp công việc của bạn được thuận tiện hơn
     
  6. Cầu toàn là gì thì mọi người phần lớn cũng đã biết rồi phải không nào, cầu toàn thật ra chính là một từ ngữ dùng để chỉ tính cách của một người mà luôn đặt ra những tiêu chuẩn, những mục tiêu, những yêu cầu cao trong công việc và cả trong cuộc sống.

    Cầu toàn để giảm nguy cơ phạm phải sai lầm, cầu toàn để đạt được thành công, để đạt được kết quả tốt. Trong nhiều trường hợp thì đúng là như vậy, nhưng trong công việc, trong sự nghiệp, tính "cầu toàn" này đôi khi sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy xấu mà bản thân bạn không hề mong muốn.

    Trên thực tế, người "cầu toàn trong công việc" trước tiên họ là những người có sự kỹ tính, có sự chỉn chu, luôn muốn kiểm soát mọi thứ, luôn cố gắng hoàn thành công việc một cách tốt nhất và không cho phép mình phạm phải sai lầm, dù cho đó có là một sai lầm nhỏ. Bởi vì thứ họ hướng đến chính là sự hoàn hảo tuyệt đối. Cũng vì vậy, trên vai những người có tính "cầu toàn" họ thường phải gánh vác mức độ công việc và áp lực lớn hơn người bình thường. Điều này sẽ khiến họ dễ mắc phải những vấn đề về sức khỏe tinh thần.

    Đây không phải chỉ là một mình mình nói, vì theo nghiên cứu của nhiều nhà tâm lý học, những người có tính "cầu toàn" nói chung và những người có tính "quá cầu toàn trong công việc" nói riêng, họ sẽ dễ bị mắc những triệu chứng tâm lý tiêu cực như chứng lo âu, chứng trầm cảm, chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế, chứng rối loạn ăn uống, chứng rối loạn tiêu hóa.. hơn người bình thường.

    Bởi lẽ, những người "quá cầu toàn trong công việc" họ thường đặt ra mục tiêu rất cao cho bản thân. Họ luôn đòi hỏi sự hoàn hảo tuyệt đối, nhưng sự hoàn hảo mà họ luôn muốn hướng tới ấy ngoài bản thân họ ra thì sẽ chẳng ai có thể làm họ cảm thấy hài lòng. Và vì để có thể thực hiện công việc một cách tốt nhất theo ý muốn của mình, họ buộc phải tự mình làm hết thẩy mọi chuyện. Thứ họ muốn trước sau chỉ có một, đó chính là thành công, là một kết quả tốt đẹp, vậy nên họ đã không ngừng cố gắng và cố gắng. Thế nhưng họ lại rất ít khi quan tâm đến vấn đề, là liệu sự "cầu toàn" đó có khiến mình bị áp lực, khiến mình cảm thấy bức bối, khiến mình cảm thấy mệt mỏi, hay có ảnh hưởng gì tới mình và sức khỏe của mình hay không.

    Chưa kể đến trường hợp mục tiêu phấn đấu không đạt được, những người có tính "cầu toàn" này họ sẽ cảm thấy vô cùng xấu hổ, vô cùng buồn bã, vô cùng có thất vọng và cảm thấy mình thật có lổi với bản thân. Mà theo phân tích trong nhiều cuộc nghiên cứu, mức độ "cầu toàn" của một người càng lớn, thì đồng nghĩa với việc khi gặp thất bại, tình trạng tinh thần của họ sẽ càng sa sút, cộng thêm những ảnh hưởng của môi trường sống xung quanh.. Họ khi ấy sẽ rất khó để có thể tiếp nhận sự thất bại đó, cũng như rất khó chữa lành vết thương tâm lý do sự thất bại trước đó đã tạo ra. Đấy cũng là một trong những nguyên do ảnh hưởng, tác động xấu đến sức khỏe và tinh thần của họ.

    Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần, việc "quá cầu toàn trong công việc" nhiều lúc còn ảnh hưởng không nhỏ đến những mối quan hệ xung quanh. Khiến cho những mối quan hệ xung quanh ngày càng trở nên xa cách.

    Nói một cách dễ hiểu, người có tính "cầu toàn cao trong công việc" thì họ bao giờ cũng muốn hướng đến những đều lớn lao, hướng đến những điều tốt nhất. Thế nên đôi lúc trong công việc họ sẽ không tránh khỏi được việc yêu cầu hoặc nói đúng hơn là áp đặt những người xung quanh họ, bắt buộc những người ấy phải "hoàn hảo" và phải "chỉn chu" theo ý mình. Nhưng những người xung quanh không phải ai cũng có năng lực, cũng có yêu cầu cao, cũng hướng đến sự hoàn hảo tương tự như những người có tính "cầu toàn". Cho nên, nếu là trong trường hợp này sự "cầu toàn", đặc biệt là sự "cầu toàn quá mức" đối với những người xung quanh (những người bình thường không có tính cầu toàn) thì đấy chẳng khác nào một loại hình phạt, làm bọn họ cảm thấy rất áp lực và mệt mỏi. Lâu dần, những người xung quanh (những người bình thường không có tính cầu toàn) không chỉ sinh ra mệt mỏi, mà còn sinh ra tức giận, và sinh ra bất mãn với chính cái người đã áp đặt sự "cầu toàn" vô lý ấy lên người mình.

    Chưa kể, những người có tính "cầu toàn cao trong công việc" thường được nhận xét là người lạnh lùng, người ít nói, người nghiêm khắc, nếu là trong một mối quan hệ, thì đây chẳng khác nào một bức tường ngăn cách bản thân với những người xung quanh, mà điều này nó không hề tốt một chút nào.

    "Quá cầu toàn trong công việc không hẳn là chuyện tốt" nhưng điều đó cũng không có nghĩa là "Quá cầu toàn trong công việc là một chuyện xấu."

    Tại sao mình lại nói việc "Quá cầu toàn trong công việc không hẳn là một chuyện xấu"?

    Đầu tiên, người "cầu toàn trong công việc" họ thường có khả năng thích nghi cao với môi trường làm việc.

    Thứ hai, cũng giống như mình đã có nói ở trên, tính "cầu toàn" trong công việc có thể làm giảm nguy cơ phạm phải sai lầm, điều đó cũng có nghĩa tính "cầu toàn" càng lớn, nguy cơ phạm phải sai lầm sẽ càng thấp, cơ hội đạt được thành công, đạt được kết quả tốt trong quá trình làm việc sẽ càng cao.

    Thứ ba, những người "cầu toàn" thường có kế hoạch sống, có tổ chức sống, có quy tắc sống và quy tắc làm việc rõ ràng. Vậy nên, tính "cầu toàn trong công việc" cũng có thể xem là một phương pháp rèn luyện, giúp con người trở nên hoàn thiện hơn.

    Thứ tư, những người "cầu toàn" luôn muốn đạt được những thành tích cao, thế nên trong quá trình làm việc, vì để hỗ trợ công việc của mình, họ sẽ không ngừng học hỏi, không ngừng trau dồi, theo đấy kiến thức và kinh nghiệm cũng sẽ ngày một tăng cao.

    Thứ năm, "quá cầu toàn trong công việc" đôi khi không phải là xấu, mà ngược lại còn là một chuyện cực kỳ tốt. Dẫn chứng chứng minh thực tế nhất chính là những nghề nghiệp như bác sĩ, kỹ sư, dược sĩ, nhân viên ngân hàng.. Tất cả những nghề nghiệp này đều đòi hỏi sự kỹ lưỡng và mức độ chính xác rất cao. Đặc biệt là bác sĩ, như các bạn đã biết, trong quá trình chữa trị cho bệnh nhân, không cho phép xảy ra bất kỳ sai sót nào, bởi vì chỉ cần một sai sót nhỏ thôi thì đấy cũng đủ gây ra những hậu quả vô cùng đáng tiếc. Vậy nên trong những nghề nghiệp này, tính "cầu toàn" sẽ giúp chúng ta hoàn thành công việc một cách tốt hơn.

    Tóm lại, theo suy nghĩ của mình, đối với câu hỏi "Quá cầu toàn trong công việc có tốt hay không" thì cần phải xem xét từng trường hợp, từng cá nhân, từng khía cạnh, khi ấy mới có thể có được một câu trả lời chính xác được.

    Nhưng nếu phải có một lời khuyên thì mình chân thành khuyên các bạn, người có tính "cầu toàn" trong công việc là tốt, nhưng sẽ tốt nhất là khi tính "cầu toàn" ấy chỉ dừng lại ở mức hoàn thiện, phát triển bản thân và không gây ảnh hưởng xấu cho ai.

    Và tất nhiên đây cũng chỉ là suy nghĩ của cá nhân mình thôi, không mang tính chất áp đặt hay dạy bảo ai cả.

    Cảm ơn mọi người vì đã xem, tạm biệt!
     
    Chỉnh sửa cuối: 25 Tháng mười hai 2022
  7. Paingun Chim cánh cụt muốn bay

    Bài viết:
    1
    Với kinh nghiệm hơn 5 năm trong nghề, tôi nghĩ "cầu toàn" quá cũng không tốt đâu bạn ạ. Nghề của tôi, đôi khi biết gu thẩm mĩ của Sếp chưa đạt lắm, nhưng tôi vẫn phải đứng im nghe Sếp giảng và thực hiện theo, chỉ vì nếu cố cãi đúng sai với Sếp chính là khiến Sếp mất mặt, chính là đánh mất đi hòa khí trong văn phòng. Tôi cũng đã từng cầu toàn, mong muốn mọi thứ phải thật hoàn hảo, nhưng tiếc là cuộc sống công sở quá khắc nghiệt, đôi khi phải bỏ đi rất nhiều thứ hoàn thiện, chỉ vì đối với bản thân đó là điều hoàn hảo nhưng đối với Sếp thì là không cần thiết.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...