QA/QC trong hoạt động lấy mẫu

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Milk Milk, 12 Tháng tám 2021.

  1. Milk Milk

    Bài viết:
    82
    1. Mục tiêu của chương trình kiểm soát chất lượng lấy mẫu

    Mục tiêu chương trình kiểm soát chất lượng lấy mẫu:


    • Cung cấp được những phương pháp giám sát và phát hiện các sai sót do lấy mẫu và do đó có các biện pháp loại trừ các dữ liệu không hợp lệ hoặc sai lạc.
    • Chứng minh được rằng các sai số lấy mẫu đã được kiểm soát một cách thích hợp.
    • Chỉ ra được các thay đổi của việc lấy mẫu và từ đó truy nguyên các nguồn gốc gây sai số.

    Mục tiêu của việc lấy mẫu là lấy được một thể tích mẫu đủ để vận chuyển và xử lý trong phòng thí nghiệm nhằm phân tích chính xác các thông số cần thiết tại vị trí lấy mẫu. Tuỳ thuộc vào mục đích lấy mẫu là để phân tích các chỉ tiêu (thông số) lý học, hóa học hay vi sinh mà lựa chọn phương pháp lấy mẫu thích hợp.

    2. Đảm bảo chất lượng lấy mẫu

    Một kế hoạch đảm bảo chất lượng lấy mẫu cần phải được thiết lập, bao gồm:


    • Các nhân viên lấy mẫu đều đã được đào tạo và tập huấn.
    • Chuẩn bị công tác thực địa chu đáo: Dụng cụ, thiết bị, hóa chất thuốc thử bảo quản mẫu phải đầy đủ và phù hợp.
    • Đảm bảo rằng các phương pháp lấy mẫu đều được phổ biến tới tất cả các nhân viên ở trong nhóm quan trắc.
    • Đảm bảo rằng mỗi một bước lấy mẫu hiện nay và quá trình lấy mẫu trước đây đều tuân theo một văn bản.
    • Đảm bảo rằng dụng cụ lấy mẫu và máy móc đo đạc hiện trường phải được bảo trì và hiệu chuẩn định kỳ, sổ sách bảo trì cần phải được lưu giữ.
    • Quy định thống nhất về nhận dạng mẫu được lấy bao gồm dán nhãn lên tất cả các mẫu được lấy, trên đó ghi chép chính xác ngày tháng, địa điểm, thời gian lấy mẫu và tên người lấy mẫu, số mã hiệu của mẫu bằng mực không thấm nước.
    • Quy định về ghi chép lại tất cả các chi tiết có liên quan đến việc lấy mẫu vào biên bản/nhật ký lấy mẫu, những điều kiện và các biến động bất thường từ kỹ thuật lấy mẫu thông thường đến những yêu cầu đặc biệt.
    • Quy định về điều kiện, nơi để các dụng cụ tránh làm nhiễm bẩn mẫu, làm sạch dụng cụ lấy mẫu, kiểm tra độ sạch và hiệu quả của dụng cụ (bằng cách phân tích mẫu trắng và mẫu so sánh thích hợp).
    • Quy định về tiến hành bảo quản mẫu cho từng thông số chất lượng nước, trầm tích, phù du, vi sinh vật.. theo các chỉ dẫn trong các tiêu chuẩn tương ứng. Bảo đảm độ chính xác của các phép đo, phân tích ngoài hiện trường khi các điều kiện môi trường không được đảm bảo. Các thông số hiện trường (nhiệt độ, độ ẩm, áp suất.) cần phải ghi chép khi lấy mẫu để chuyển đổi các giá trị đo được về điều kiện tiêu chuẩn khi lập báo cáo, thí dụ: Số liệu pH phải chuyển về điều kiện 250 C.

    Cần phải mô tả chi tiết:

    • Quá trình trao đổi chi tiết để cho những người chưa có nhiều kinh nghiệm vẫn có đủ khả năng để hoàn thành việc lấy và xử lý mẫu;
    • Quá trình chuẩn bị thuốc thử và bảo quản; • Hướng dẫn sử dụng dụng cụ lấy mẫu, máy đo hiện trường.. bổ xung cho các tài liệu vận hành của nhà sản xuất; Phương pháp chuẩn bị mẫu QC;
    • Tiêu chí kiểm soát chất lượng (nghĩa là giới hạn chấp nhận) ;

    Nguyên nhân gây ra sai số do lấy mẫu:

    Những nguyên nhân gây ra sai số do lấy mẫu có thể là:


    • Nhiễm bẩn: Nhiễm bẩn do các thiết bị lấy và chứa mẫu gây ra; do dụng cụ chứa mẫu bẩn; do sự lây nhiễm giữa các mẫu; do cách bảo quản, lưu kho và bố trí vận chuyển mẫu không thích hợp.
    • Tính không ổn định của mẫu: Bản chất của mẫu, Tương tác của mẫu với dụng cụ khác, ảnh hưởng của nhiệt độ, ánh sáng.
    • Lấy mẫu không chính xác: Quy trình lấy mẫu không phù hợp, Không tuân thủ đúng quy trình lấy mẫu.
    • Vận chuyển mẫu: Do thời gian vận chuyển mẫu quá giới hạn cho phép, Do điều kiện vận chuyển không phù hợp.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...