Phương pháp viết văn - Những điều cần chú ý

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Mạc Kỳ Nguyệt, 9 Tháng tư 2020.

  1. Mạc Kỳ Nguyệt

    Bài viết:
    8
    Bài viết trước mình đã nhắc đến việc bồi dưỡng cảm xúc để luôn tràn đầy năng lượng khi viết văn. Trước khi chuyển sang những lưu ý tiếp theo, mình nhấn mạnh lại một lần nữa: Bài văn thể hiện được cảm xúc chân thành, sẽ chạm đến trái tim người đọc. Sau đây là những tips tiếp theo mình chia sẻ với các bạn:

    Bạn cần chuẩn bị những gì trước khi viết?

    1. Thể loại: Mỗi bài văn được yêu cầu viết đều thuộc một hoặc một vài thể loại nhất định. Thông thường, đối với học sinh, một bài văn chỉ yêu cầu thể hiện theo một thể loại (miêu tả, tự sự, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận, phân tích.). Trước khi viết, bạn chắc chắn phải nắm được đặc trưng thể loại được yêu cầu. Bài văn không thể hiện được đặc trưng thể loại, chính là một kiểu lạc đề.

    2. Kiến thức: Một bài văn cần có nội dung. Nội dung ấy không thể tự nhiên nảy ra trong đầu được mà phải dựa trên kiến thức thực sự. Với mỗi đề bài, bạn hãy xác định đề bài yêu cầu viết về đối tượng nào? Viết tất cả về đối tượng ấy hay chỉ thể hiện một khía cạnh nào đó của đối tượng? Để thể hiện yêu cầu đề bài, cần những đơn vị kiến thức nào? Sau khi ghi chú ra những đơn vị kiến thức liên quan (hãy gạch đầu dòng tất cả những gì bạn biết), bạn tập trung xem những gạch đầu dòng và xác định nội dung nào cần viết, nội dung nào không cần, nội dung nào là trọng tâm bài viết, nội dung nào có thể gộp lại thành một đoạn.. Thực ra đối với những bạn mới bắt đầu luyện tập, bước này sẽ hơi khó và mất thời gian. Tuy nhiên, khi đã thành thói quen và tích hợp được nhiều kiến thức, bạn sẽ ngay lập tức có ý tưởng khi nhìn thấy chủ đề. Làm tốt bước này, bạn có thể không cần dùng dàn ý nữa.

    Đừng cho rằng mở rộng kiến thức không quan trọng. Mình lấy ví dụ, từ lớp 9 về sau, các bạn thường xuyên cần viết văn nghị luận và phân tích tác phẩm. Đối với cách viết hai dạng văn này, mình sẽ chia sẻ một số mẹo nhỏ ở những bài sau. Bây giờ chỉ đặt ra một vấn đề cho các bạn. Các bạn cho rằng chỉ cần thuộc văn bản, dựa vào văn mẫu hoặc vở viết thì có thể viết tốt rồi sao? Không đơn giản như thế. Bạn cần biết tác phẩm ấy ra đời vào lúc nào? Thời gian ấy nằm trong bối cảnh nào? Cuộc đời, tính cách của tác giả ra sao? Khi viết tác phẩm, tác giả đang trong hoàn cảnh nào? Lý do nào khiến họ viết ra những lời ấy? Tâm trạng của tác giả thế nào? Không biết những điều ấy, làm sao bạn thấu hiểu được tác phẩm? Làm sao bạn thấy được giá trị của tác phẩm ấy giữa biết bao nhiêu tác phẩm khác? Viết văn, nếu chỉ viết ra những gì người khác đã biết thì có tác dụng gì? Người viết văn hay, trước tiên phải thể hiện được điều đặc biệt giữa những thứ bình thường giản dị. Bài văn không nhất thiết phải diễn đạt được tất cả mọi ý. Điều đó là bất khả kháng. Tuy nhiên, nếu bạn đã thể hiện nội dung và cảm xúc nào đó trong bài văn, đừng thể hiện ra theo số lượng, hãy chú ý đến chất lượng và độ sâu của bài viết. Thể hiện kiến thức một cách chi tiết, đẩy cảm xúc của bài viết đến mức sâu sắc nhất có thể. Bạn cần có tham vọng khiến cho người đọc đau đớn, hạnh phúc, cay đắng, vui vẻ.. theo từng từ ngữ của bạn. Muốn như vậy, chính bạn phải thấu hiểu được điều đó trước.

    - Chữ viết: Chữ đẹp thì tốt nhưng không phải chữ ai cũng đẹp. Chữ viết cốt sao cho ngay ngắn rõ ràng. Trong bài biết, cần đặc biệt chú ý trình bày chữ viết ở phần mở bài và kết bài. Trường hợp giáo viên chấm quá nhiều bài, đây là hai phần dễ gây chú ý cho giáo viên nhất. Những bạn viết chữ nghiêng về bên trái cần chú ý sửa. Theo quan niệm dân gian, chữ viết nghiêng về bên phải là người tình cảm, chữ nghiêng về bên trái là người dễ có vấn đề không tốt về tính cách. Thực tế, nhiều giáo viên rất khó chịu khi chấm những bài chữ nghiêng về bên trái hoặc quá nghiêng về bên phải. Chữ viết thẳng hoặc hơi nghiêng một chút về bên phải là thuận mắt nhất.

    3. Chính tả: Chú ý các lỗi chính tả. Đây là lỗi sơ đẳng và dễ mắc nhất. Lôi này chủ yếu do thói quen. Hãy luyện tập.

    4. Trình bày: Trình bày rõ ràng, và đặc biệt phải sạch, chữ viết cách đều nhau không quá sát hoặc quá xa nhau. Khuôn mặt một người khi nhìn vào, bạn sẽ thấy có người có khuôn mặt rất sáng, có người lại có khuôn mặt hơi tối tăm. Chúng ta đương nhiên thích những người trong tươi tắn sáng sủa. Bài văn cũng giống như vậy. Bài viết trình bày rối mắt, tẩy xóa nhiều.. trông rất cẩu thả gây khó chịu, dù viết có ý tứ cũng khó đạt hiệu quả diễn đạt. Đừng nghĩ "tốt gỗ hơn tốt nước sơn", gỗ tốt, nhưng nước sơn cũng phải tốt. Chất lượng nội dung và hình thức phả đi đôi với nhau. Muốn biết mình trình bày bài viết thế nào, hãy đưa cho người khác nhìn vào và nhận xét. Thực tế không cần đọc, chỉ cần nhìn lướt qua đã có thể có cảm nhận rồi.

    Bạn cần chia được các đoạn trong bài làm. Bài văn gồm 3 phần chính (ai cũng biết). Trong đó, trình bày mở bài và kết bài, mỗi phần là một đoạn. Thân bài cần được chia thành nhiều đoạn. Mỗi đoạn chỉ được thể hiện trọn vẹn 1 ý. Hiểu đơn giản, trong phần thân bài, bạn sẽ muốn viết nhiều nội dung (thường có 3-5 nội dung), mỗi nội dung này là một ý, hãy viết chúng thành những đoạn riêng biệt nhé.

    5. Diễn đạt: Để tránh mắc lỗi này, các bạn cần nắm được ngữ pháp tiếng Việt. Mỗi câu cần có đủ chủ ngữ, vị ngữ (trừ những câu đặc biệt). Từng câu dài ngắn ra sao còn tùy vào ý đồ của người viết. Tuy nhiên, không viết những câu quá dài dòng, lan man. Mỗi ngày bạn hãy viết một đoạn văn ngắn khoảng 3-5 câu, xác định xem mỗi câu có đủ chủ - vị chưa nhé!

    Chú ý chọn từ ngữ phù hợp. Để viết văn tốt, bạn cần có vốn từ ngữ phong phú. Khi đặt bút viết, bạn hãy chú ý suy nghĩ xem từ nào sẽ mang lại hiệu quả diễn đạt tốt nhất. Không dùng từ mình không hiểu rõ. Cái này, chúng ta nên đọc trong từ điển, đọc nhiều sách của những tác giả uy tín. (Một số sách gần đây của vài tác giả, câu văn không chuẩn, rất trúc trắc khó chịu, nên cần tham khảo để tìm sách tốt nhé)

    Có một lỗi diễn đạt rất phổ biến mà mọi người không để ý và hay sai. Đó là sai ý nghĩa. Câu văn đọc lên nghe có vể rất hay, nhưng chẳng có ý nghĩa gì hoặc diễn đạt sai. Lỗi này ngay cả học sinh giỏi văn cũng sai rất nhiều, mà khi đã sai có khi lại sai nghiêm trọng hơn những bạn khác. Vì vậy, khi viết, cần để ý kĩ kiến thức mình diễn đạt có đúng hay không. Đừng mải cho rằng viết sao cho bóng bẩy trau chuốt là hay. Hay nhưng phải đúng!

    Tránh dùng quá nhiều những từ: Thì, là mà. Nếu không cần thiết thì không dùng. Muốn biết cần thiết hay không, thử bỏ từ đó trong câu văn đi xem nội dung có bị thay đổi không.

    Hiểu tác dụng của dấu câu. Dấu câu có tác dụng rất lớn trong việc diễn đạt nhé. Khi nào dùng dấu nào để mang lại hiệu quả diễn đạt, bạn cần nghiên cứu nghiêm túc.

    6. Cách cầm bút: Nói cái này nhiều bạn thấy hơi thừa nhỉ. Nhưng mà, bạn có để ý một số bạn viết rất nhanh và viết được nhiều không? Ngoài việc có sẵn nguồn kiến thức và cảm xúc, có một số chi tiết nhỏ cũng ảnh hưởng nhé. Ví dụ: Mỗi người có một kiểu cẩm bút va lực cầm bút khác nhau. Khi viết bài, cầm sai tư thế hoặc dùng lực viết nhiều sẽ nhanh mỏi tay lắm đó. Bạn sẽ không viết được nhiều. Tư thế ngồi cũng cần thoải mái, tránh đau nhức mỏi cổ mỏi lưng không cần thiết ^^! Nét chữ cần bỏ những nét rườm rà làm giảm tốc độ.

    7. Dùng văn mẫu: Cái này học sinh dùng nhiều lắm nè. Đọc bài văn mà nhiều bài như một, khác nhau chẳng là bao. Với những bạn không thích hoặc không giỏi văn, dùng văn mẫu để đối phó thì thôi vậy, không ép được. Nếu bạn đã chân chính muốn viết văn tốt, bạn phải viết dùng văn mẫu. Thứ nhất, cần chọn văn mẫu có chất lượng. Thứ hai, có một chú ý khi dùng văn mẫu: Tham khảo cách dùng từ, tham khảo ý tưởng, không được sao chép tổng thể. Bạn nên nhớ, KHÔNG PHẢI CỨ LÀ VĂN MẪU THÌ SẼ ĐÚNG VÀ CHUẨN. SAI RẤT NHIỀU NHÉ! Cho nên, tham khảo cái cần tham khảo thôi, học hỏi từ người khác những gì mình thấy hay, rồi lại dùng cảm nhận của bản thân để biến những điều đó trở thành kiến thức của mình.

    Hôm nay nghĩ đến đây viết đến đây thôi, nghĩ đến đâu viết đến đó, thiếu sót gì sẽ bổ sung sau nhé!
     
  2. Đăng ký Binance
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...