CÔNG THỨC VIẾT MỞ BÀI/ KẾT BÀI HAY CHO BÀI VĂN NGHỊ LUẬN VÀ PHÂN TÍCH Dưới đây, mình sẽ chia sẻ đến các bạn một số công thức mẫu để viết được một đoạn mở bài hay và đầy đủ do mình sưu tầm được trong suốt quá trình học tập. Tùy từng đề mà lựa chọn sao cho phù hợp nhé. I. Mở bài cho mọi tác phẩm * Mở bài 1: Văn học như thế giới huyền bí của đại dương. Ở đó nhà văn là người thợ lành nghề lặn sâu vào đáy đại dương không phải để nhặt nhạnh những mảnh san hô tầm thường mà để tìm kiếm những "hạt ngọc ẩn giấu trong tâm hồn của mỗi người" (Nguyễn Minh Châu). Và một trong những hạt ngọc đẹp nhất, tinh túy nhất chính là (vấn đề của bài) trong tác phẩm B của nhà văn C. * Mở bài 2: "Trái tim của người nghệ sĩ không ngừng thổn thức, rung động trước những điều đẹp đẽ, đập liên hồi vì tình yêu rạo rực với văn chương và chết đi nếu một ngày họ chẳng còn được sống để viết". Đọc một tác phẩm thật sự, bao giờ ta cũng bắt gặp hồn thi ca cất lên nỗi niềm suy tư, trăn trở và tình yêu còn lắng đọng với cuộc đời, với văn chương giống như nhà văn A trong tác phẩm B khi đã thể hiện trọn vẹn (vấn đề C) * Mở bài 3: Đâu là cầu nối giữa quá khứ và tương lai, đâu là thanh nam châm thu hútmọi thế hệ? Đó chẳng phải là văn học hay sao. Văn học vẫn luôn sống một cuộc đời cao đẹp gắn liền với con người và kết tinh những giọt ngọc của thời đại. Tất cả những giá trị vĩnh cửu đó đã thăng hoa cùng ngòi bút của nhà văn/nhà thơ.. để tác phẩm, đặc biệt là đoạn trích.. còn vấn vương trong trái tim biết bao bạn đọc. * Mở bài 4: Có một nhà văn đã nói rằng: "Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp bằng chính cuộc sống viết ra". Hiện thực cuộc sống được xem như là cái nền cho những cảm hứng nghệ thuật chắp cánh và đâm chồi. Chính vì vậy mà bức tranh hiện thực cuộc sống và con người trong tác phẩm ABC/XYZ của nhà văn/nhà thơ gây ấn tượng đặc biệt sâu đậm trong lòng người đọc.. Và nhân vật Y được phác họa như.. * Mở bài 5 "Những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ Như đám mây ngũ sắc ngủ trong đầu..". Có những tác phẩm ra đời để rồi lãng quên ngay sau đó, nhưng có những tác phẩm lại như những dòng sông đỏ nặng phù sa in dấu ấn chạm khắc trong tâm khảm. Những tác phẩm ấy đã trờ thành "những bài ca đi cùng năm tháng" và để lại trong tâm hồn bạn đọc những ấn tượng không bao giờ quên. Một trong số đó phải kể tới tác phẩm A của nhà văn B. Trong bài thơ có những vần thơ thật hay và ý nghĩa, ghim vào lòng ta nỗi khắc khoải mong chờ (trích thơ) * Mở bài 6: "Vạt áo của triệu nhà thơ không bọc hết vàng mà đời rơi vãi. Hãy nhặt lấy chữ của đời mà góp nên trang." (Chế Lan Viên) Thơ ca nói riêng cũng như văn chương nói chung phải bắt rễ từ cuộc đời để rồi "nở hoa nơi từ ngữ". Mỗi tác phẩm văn chương được ví như tấm gương phản chiếu thời đại. Trong nền văn học Việt Nam, có những tác phẩm văn học ra đời giữa thời kỳ mưa bom bão đạn của dân tộc để rồi trở thành "những bài ca không bao giờ quên". Trong số đó phải kể tới tác phẩm A của nhà văn B. II. Kết bài * Kết bài 1: "Thời gian hủy hoại các lâu đài nhưng làm giàu cho những con chữ". Một khoảnh khắc, ta bất chợt nhận ra rằng thời gian vô tình nhất cũng trở nên dịu dàng khi đứng trước những vần thơ, câu viết. Năm tháng chảy trôi không khiến tác phẩm A rơi vào quên lãng mà rơi vào khoảng trống trong trái tim và khối óc của con người, để người ta mãi nhớ, mãi trân trọng một tác phẩm để đời như thế. * Kết bài 2: Thạch Lam từng nói lời yêu: "Công việc của nhà văn chân chính là phát hiện cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới, tìm kiếm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, để lại bài học trông nhìn và thưởng thức cho người đọc." Thế giới của kẻ làm văn không bao giờ chỉ được sinh ra một lần mà luôn là nơi sự vật được tái sinh ngay cả khi chỉ còn le lói hơi tàn. Đứng trước sự băng hoại của thời gian, những trang văn thấm đấm tâm huyết của tác giả A sẽ luôn được người đọc của nhiều thế hệ nhớ đến và tìm đọc bởi "cách nghĩ, cách nhìn, cách cảm" độc đáo riêng. * Kết bài 3 "Lửa thử vàng gian nan thử sức." Thời gian có lẽ là phép thử lớn nhất cho một tác phẩm được coi là một tác phẩm chân chính. Để có chỗ đứng trên diễn đài văn học thì phải ghim vào lòng ta nỗi khắc khoải mong chờ, kì vọng, hạnh phúc, rồi xót xa. Như òa cùng tiếng khóc, như mừng cùng tiếng reo vui. Đó là những trang đời mà văn học đã tạc nên, thật kì diệu bởi vì nó vĩnh hằng. Tác phẩm A của nhà văn B đã làm được điều đó nên dù thời gian có phủ bụi thì trang sách vẫn sống mãi với cuộc đời. * Kết bài 4: Nhà văn Aimatov đã từng nhận định rằng: "Một tác phẩm chân chính không bao giờ kết thúc ở trang cuối cùng". Bởi lẽ khi trang sách đóng lại, tác phẩm mới thực sự đang sống, sống với những trăn trở và tình cảm của người đọc. Đứng trước sự băng hoại của thời gian, những trang truyện ngắn thấm đẫm nhiệt huyết của nhà văn/ thơ A sẽ đọng lại mãi trong tâm khảm mỗi độc giả bởi cách nghĩ, cách cảm, cách nhìn đời của tác giả từ đó tạo nên sức sống trường tồn cho tác phẩm.