Phương pháp tự tập tứ như ý túc kết hợp kinh nghiệm của bản thân

Thảo luận trong 'Cuộc Sống' bắt đầu bởi Diệu Đạt, 8 Tháng tư 2021.

  1. Diệu Đạt

    Bài viết:
    41
    TRÌNH BÀY PHƯƠNG PHÁP TU TẬP TỨ NHƯ Ý TÚC KẾT HỢP KINH NGHIỆM BẢN THÂN

    Tác giả: Diệu Đạt

    "Tư duy ngồi nghiệm lại

    Vạn pháp vốn giai không

    Duyên sanh càng như huyễn

    Phật pháp một tấm lòng"


    Cuộc đời như một giấc mộng huyễn, có cái gì là chắc thật và tồn tại mãi mãi trong kiếp sống nhân sinh ngắn ngủi. Tâm thân này rồi cũng sẽ trở về với hư vô thì vạn pháp có chi là thật có? Duyên sanh, duyên diệt là một quy luật tất yếu để vòng xoay luân hồi luôn vận hành theo quỹ đạo của nó, và chính ta sẽ nhận lấy quả khổ đau hay hạnh phúc còn tùy thuộc vào cái nhân hiện tại ta đã, đang và sẽ gieo trong từng giây phút. Khi nhận rõ thực tướng của cõi đời, tất nhiên chúng ta phải buông bỏ niệm ác và một lòng hướng Phật, uống nước thiện pháp để tưới tẩm tâm hồn đang u mê mà quyết tâm dùng pháp "Tứ Như Ý Túc" như một chiếc la bàn chỉ dẫn chúng ta đến với định tâm, đến với tuệ giác vô thượng để tận hưởng những niềm hỷ lạc vô biên mà chánh pháp đã âm thầm ban tặng cho tất cả chúng ta trong từng sát na, trong từng nhịp đập của cuộc sống.

    "Tứ Như Ý Túc" là gì? Như ý túc, dịch nghĩa từ tiếng Pali là Iddhipada, bao gồm hai thành phần là Iddhi và pada. Iddhi có nghĩa là thần thông, phát đạt, thế lực, Việt dịch là « như ý » đặc biệt chỉ cho đắc thần thông như ý và rốt ráo đối với các Thánh quả. Pada có nghĩa là vật thực, căn cứ, một phần tư, một câu kệ (trong bài tứ cú). Pada cũng mang ý nghĩa là bàn chân, bước chân, một lời nói, địa vị, chỗ, lý do, nguyên nhân, sự an nghỉ cuối cùng. Vì vậy, Iddhipada được dịch là như ý túc.

    Như vậy, tứ như ý túc là bốn pháp, bốn bước hay bốn căn cứ, cơ sở, nền tảng cho sự phát triển trí tuệ ; nền tảng cho sự chứng đắc những năng lực tâm linh (đạo trí, quả trí) ; nền tảng cho sự chứng đắc các thần thông, cho nên còn gọi là Tứ thần túc. Bốn pháp ấy bao gồm:

    - Dục như ý túc

    - Tinh tấn như ý túc

    - Tâm như ý túc

    - Tư duy như ý túc

    Nấc thang đầu tiên trong tứ thần túc là Dục như ý túc. « Dục » là mong muốn, chữ này trong tiếng Pali có hai nghĩa nghĩa: Một là chanda (mong muốn hướng thượng, trong lành, đẹp đẽ, thanh cao), hai là kama (mong muốn thỏa mãn những thú tánh, những tham vọng, tội lỗi). Ở đây, dục như ý túc có nghĩa là chanda, là thứ mong muốn một cách thiết tha, mong muốn cho kỳ được, mong muốn cho đến khi mãn nguyện mới thôi, nghĩa là đạt được tâm định, chứng đắc thần thông, thắng trí, cho đến khi lậu tận trí mới hài lòng, dừng nghỉ. Đây là pháp thiện không thể thiếu của hành giả trên bước đường tìm về bến giác. Nếu người thế gian ưa thích vật dục mạnh mẽ như thế nào thì hành giả cần phải mong muốn thành tựu những pháp thiền định của mình mãnh mẽ như thế ấy.

    Nấc thang thứ hai là tinh tấn như ý túc. Tất nhiên, tinh tấn này phải là chánh tinh tấn, đó là sự chuyên cần, siêng năng, dũng mãnh đi thẳng đến mục đích đã vạch ra mà không lùi bước vì bất cứ lý do gì, đặc biệt là chuyên nhất vào pháp thiền định mình đang tu. Khi tinh tấn được phát sinh từ dục như ý túc thì sự tinh tấn này sẽ là động lực thúc đẩy giúp hành giả luôn tiến tới, quyết tâm vượt qua mọi thử thách, chông gai ở phía trước mà không thoái lui ý chí, giúp hành giả thăng hoa trên con đường giác ngộ tâm linh. Nếu tinh tấn không có lòng mong muốn thôi thúc, mà hành giả chỉ lặng yên đứng nhìn, không cố gắng hành trì thì chỉ là mong muốn suông, không đạt được kết quả gì. Thế nên, trong kinh Di Giáo, Đức Thế Tôn có dạy:

    « Nếu tinh tấn không chuyên

    Không chi gọi khó khăn

    Nước nhỏ giọt soi mãi

    Đá cúng phải mòn lần

    Hành đạo tâm biếng lười

    Không khác chi nhen lửa

    Lửa chưa bén ngưng rồi

    Mong lửa, lửa đâu có »

    Nấc thang thứ ba là tâm như ý túc có chỗ gọi là nhất tâm như ý túc. Khi đã có dục và tinh tấn làm nền tảng thì ắt hẳn ta sẽ có được tâm này. Vì khi chúng ta hành trì đúng pháp, đúng đường đi nước bước trong việc bỏ ác làm lành theo tinh thần tứ chánh cần thì bụi phiền não, nhiễm ô dần dần được loại bỏ, chúng ta sẽ có được an lạc và có được tâm chuyên nhất vào đối tượng, chánh niệm, tỉnh giác trên thân, thọ, tâm, pháp cũng như trong bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi. Điều này cũng ví như dòng suối nhỏ chỉ chảy theo một đường, sức mạnh của nó có thể bào mòn những hòn đá kiên cố, cũng giống như hành giả nhất tâm tinh chuyên vào pháp tu thì sẽ có được sự thành công nhất định, kết quả đó sẽ thỏa mãn lòng ham muốn và sự chăm chỉ, siêng năng tu và học Phật pháp của hành giả bấy lâu nay.

    Nấc thang cuối cùng trong Tứ Như Ý Túc là tư duy như ý túc hay quán như ý túc. Đó là dùng trí tuệ quán sát pháp mình đang tu. Trí tuệ này do định phát sanh nên có thể thông đạt tất cả các pháp trong vũ trụ. Với sự quán sát, tư duy về cuộc đời, hành giả sẽ nhìn nhận mọi sự vật, hiện tượng theo chiều khách quan của nó, biết rõ các pháp là vô thường, khổ và vô ngã, từ đó hành giả phát triển trạch pháp giác chi trong thất giác chi và chánh kiến trong bát chánh đạo để có được thần thông diệu dụng và tuệ giác vô thượng. Với tuệ giác này, hành giả không còn buồn rầu, khóc la hay than trách cho kiếp sống nhân sinh ngắn ngủi mà lại có thêm sức mạnh và nghị lực phi thường trong việc chèo lái con thuyền đại giác đưa nhân sinh đến bờ giác ngộ, giải thoát.

    Để có cái nhìn dễ hiểu hơn về bốn pháp tu diệu dụng trên hành giả sẽ thấy nó ở ngay trong đời sống tu học của mình. Vì mỗi người đến với đạo Phật đều từ những nhân duyên khác nhau, nhưng cái đích chung để hướng đến là mong muốn có được sự bình yên trong nội tâm, đó được gọi là dục như ý túc, là mong muốn hướng đến sự thanh cao, tốt đẹp. Sau đó, nhờ có nhiều thời khóa tụng niệm mà hành giả tự giác siêng năng trong sự tu và nghiên cứu chánh pháp, đó là chánh tinh tấn hay tinh tấn như ý túc. Và nhờ sự tinh chuyên ấy hành giả luôn an trú tâm mình vào Pháp và luật của Chư Phật, bỏ qua mọi ham muốn tầm thường từ thế gian về tài, sắc, danh, thực, thùy hay sắc, thanh hương, vị, xúc. Hành giả luôn hướng tâm mình và kiên quyết đi theo dấu chân xưa của bậc đại giác để đạt đến Niết-bàn, giải thoát, đó là Tâm như ý túc. Cuối cùng, hành giả dùng trí tuệ của mình mà khiến cho Phật pháp cựu trụ lâu dài, chúng sanh được mưa pháp thấm nhuần thân tâm, để từ đó họ cùng nhau bỏ ác làm lành, cùng nhau chung sức xây dựng xã hội văn minh, quốc gia giàu mạnh, thế giới hòa bình và đạo pháp được tỏa sáng, lan xa, đó là quán như ý túc vậy. Với bốn tâm hạnh này, nếu không thoái lui ý chí hành giả sẽ cảm nhận được sự mầu nhiệm của nó, thấy được thần thông của mình là sự dũng mãnh xông pha vào đời đưa lời pháp lời thiện lành, có ích lợi vào đời sống thực tế với tuệ giác từ định sanh của chính mình.

    Khi đã hiểu Tứ Như Ý Túc là pháp tu đưa đến sự chứng đắc thần thông và trí tuệ vô lậu. Hành giả cần phải nắm bắt cơ hội hành trì. Việc tu tập theo bốn pháp như ý túc cần nên theo trình tự, thứ lớp mới mong có kết quả, phải có thái độ nghiêm túc trong công phu tu tập và luôn mong muốn hướng thượng là độ mình độ chúng sanh. Tứ như ý túc này được tu tập sẽ đưa đến nhất hướng yểm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn, là con đường đưa đến sự chứng đạt tâm vô lậu giải thoát, tuệ vô lậu giải thoát, có thần lực lớn, có uy lực lớn thậm chí là kéo dài mạng sống. Của chính mình. Thần thông màu nhiệm qua pháp tu tứ như ý túc mà kẻ phàm phu chúng ta có thể thấy được đó là cái hiểu biết có chánh kiến, và dùng nó làm phương tiện độ sanh hay nói khác hơn đó là thuyết pháp thần thông. Đó là loại thần thông mà khi còn tại thế Đức Thế Tôn luôn khuyến khích hàng đệ tử sử dụng trên bước đường giáo hóa chúng sanh.

    « Thiết nghĩ đời người chẳng bao năm,

    Trao dồi đạo nghiệp nguyện tinh cần.

    Vun mầm đức tuệ, xây niềm lạc,

    Tưới nước bi từ dựng cảnh an »

    Cuộc đời có là bao, xuôi theo dòng nghiệp thức ta đã đi mãi trong vô minh mà không biết đâu là bến bờ. Ngày nay có duyên gặp được chánh pháp, lại hiểu được công năng siêu việt của đạo màu, biết được tứ như ý túc là bốn nấc thang hỗ trợ liên quan mật thiết với nhau để đưa hành giả tu tập đạt được như ý giải thoát thì hãy mau mau tu tập tinh chuyên, vun trồng hạt giống tuệ giác để thành tựu định tâm và công đức viên mãn, tự độ, độ tha, tưới nước từ bi, dựng cảnh an vui trên khắp mọi nẻo đường của cuộc sống này.
     
    Bụi thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...