Review Sách Phương Pháp Đọc Sách Hiệu Quả - Mortimer J.Adler, Charles Van Doren

Thảo luận trong 'Sách - Truyện' bắt đầu bởi violet98, 8 Tháng mười 2020.

  1. violet98

    Bài viết:
    28
    Phương pháp đọc sách hiệu quả

    Tác giả: Mortimer J. Adler, Charles Van Doren

    Người Review: Violet98


    [​IMG]

    P hương pháp đọc sách hiệu quả nhắc tới các phương pháp rất có lợi cho việc đọc sách ngày nay, nên tôi muốn chia sẻ cho mọi người một cách khái quát về quyển sách này. Sau đây là nội dung chính:

    1. Tóm tắt:

    Nếu như chỉ dùng một câu nói tóm tắt nội dung của quyển sách này thì đó là: Càng chủ động đọc sách càng có hiệu quả hơn.

    Sau đây tôi đem quyển sách chia làm 4 bộ phận:

    (1) Mục đích của việc đọc sách và các cấp độ

    (2) Cách đọc cơ bản và cách đọc kiểm soát

    (3) Đọc phân tích

    (4) Đọc chủ đề (nội dung chính)

    Trong sách còn có nhiều cách đọc khác nhau, tôi chỉ tổng hợp những phương pháp học phổ biến mà tôi thấy cần thiết.

    2. Mục đích của việc đọc sách và các cấp độ

    a. Mục đích của việc đọc sách: Mong muốn lấy thêm kiến thức và nâng cao sự hiểu biết.

    (1) Mong muốn lấy thêm kiến thức

    Bây giờ có rất nhiều lấy thêm kiến thức bằng cách "chia nhỏ nội dung đọc", ví dụ lướt facebook, zalo, instagram.. Cho rằng chia nhỏ nội dung đọc có thể mang lại rất nhiều kiến thức mà cảm thấy thỏa mãn. Nhưng thực ra nó cũng giống như chúng ta học thuộc từ vựng tiếng anh chỉ nhớ chữ cái và hàm nghĩa của nó mà không biết cách dùng cho nên rất hay quên. Đây là kiến thức chúng ta đạt được theo mục đích đọc sách để lấy thêm kiến thức. Kiến thức ở đây thường thường chỉ là đôi chút thông tin, không hề nâng cao năng lực của chúng ta. Cách đọc sách như thế này rất nhẹ nhàng nhưng điều đạt được lại rất ít.

    (2) Mong muốn nâng cao sự hiểu biết.

    Ở đây chúng ta cần nhắc tới điều chúng ta vừa nhắc ở phần tóm tắt, đó là: Càng chủ động đọc sách càng có hiệu quả hơn. "Chủ động" ở đây không phải có nghĩa là chủ động cầm sách lên đọc mà là trong quá trình đọc sách nên cố gắng tìm hiểu lối suy nghĩ của tác giả hoặc lại tìm cách đồng bộ suy nghĩ cùng tác giả.

    Cho nên, chúng ta chỉ có thể học hỏi từ những con người lợi hại hơn. Quá trình đọc sách là quá trình rút nắn khoảng cách giữa chúng ta và tác giả để dễ dàng nắm bắt và hiểu cách tư duy của tác giả. Muốn đạt được hiệu quả này thì cần phải trong quá trình đọc sách tìm hiểu điều tác giả muốn truyền đạt tới độc giả. Sách là một vật trung gian mà tác giả dùng để truyền đạt suy nghĩ của mình cho nên chúng ta cần thông qua nó để nắm bắt.

    b. Các cấp độ đọc sách

    (1) Đọc cơ bản: Nhận biết mặt chữ và các kỹ xảo đọc sách.

    (2) Đọc kiểm soát: Trong thời gian ngắn nhất khái quát nội dung sách.

    (3) Đọc phân tích: Là cách đọc phức tạp hơn, hiệu quả hơn, không ngừng tìm hiểu nội dung sách cho đến khi hoàn toàn nắm rõ ý nghĩ mà tác giả muốn truyền đạt.

    (4) Đọc đồng chủ đề: Là cách đọc cao nhất, phân tích những quyển sách cùng chủ đề, so sánh sự khác biệt của chúng.

    Trong 4 cấp độ đọc sách này không chỉ có mỗi quan hệ tiến dần lên mà còn có mối quan hệ bao hàm. Ví dụ lúc đọc kiểm soát có thể sử dụng kỹ xảo của cách đọc phân tích, mà đọc phân tích cũng có thể chia làm 2 giai đoạn. Đối với một quyển sách khó hiểu, không bắt buộc trong lần đọc đầu tiên đọc kiểm soát, lần thứ hai hẵng đọc phân tích giai đoạn 1, đọc lần ba đọc phân tích giai đoạn 2.. Các phương pháp đều có thể xen kẽ sử dụng, cho nên nói: Càng thuần thục các kỹ xảo đọc sách hiệu quả càng cao.

    3. Cách đọc cơ bản và cách đọc kiểm soát


    a. Đọc cơ bản

    Đây là cách đọc yêu cầu thấp nhất, chỉ cần hiểu ý nghĩa của câu từ là được.

    b. Đọc kiểm soát

    (1) Đọc lướt

    Có rất nhiều bạn tải rất nhiều sách về đọc nhưng thực sự đọc lại chẳng có bao nhiêu. Đây thực ra là vì trong số lượng lớn sách như vậy lại chẳng có mấy quyến sách là thực sự có tác dụng với bạn. Sau đây là một số kiến nghị của tôi về cách đọc lướt:

    - Đầu tiên đọc tên sách, rồi đọc lời nói đầu, bước này có tác dụng phân loại sách (ví dụ lịch sử, khoa học, văn học)

    - Đọc mục lục, mặc dù bây giờ có rất nhiều quyển sách làm mục lục không tốt nhưng cũng có những quyển sách mục lục tóm tắt hệ thống nội dung sách rất tốt, như là khung sách.

    - Nếu như trong sách có hướng dẫn tra cứu thì cũng đọc qua một chút, điều này là để chúng ta chú ý tới những từ thường xuất hiện và lúc đọc nội dung chú ý hơn.

    - Đọc giới thiệu về nhà xuất bản, mặc dù đại đa số là thổi phồng, nhưng cũng giúp chúng ta tăng thêm hiểu biết về quyển sách.

    - Chọn một vài chương mà mình thấy thích đọc, điều này thực hiện sau khi làm bước 2 (đọc mục lục).

    - Bước cuối cùng, chọn một đoạn văn bất kỳ trong sách đọc, đặc biệt là đoạn kết của sách (ngoại trừ tiểu thuyết, truyện tranh) bời vì thông thường tác giả thường tổng kết ở cuối sách.


    (2) Đọc bề mặt

    - Quy tắc đọc bề mặt: Chúng ta xác định đây là một quyển sách kinh điển, nội dung khó hiểu thì chúng ta cần phải dùng đến cách đọc thô thiển. Cụ thể là lần đầu đọc từ đầu đến cuối một lần, bỏ qua phần không hiểu, đây là giúp chúng ta có thể vui vẻ đọc sách, cảm nhận khái quát về quyển sách.

    - Tốc độ đọc: Mặc dù là đọc bề mặt thì cũng không nên dùng một tốc độ từ đầu đến cuối đọc sách. Đầu tiên chúng ta cần phải hiểu tốc độ đọc sách là tốc độ chúng ta lấy thông tin, cần phải nhanh hơn so cách đọc thở ơ, chỉ cần chúng ta tập trung là làm được, ví dụ dùng bút, ngón tay di chuyển hoặc hơi phát ra âm thanh. Nhưng tập trung không có nghĩa là khả năng đọc hiểu của chúng ta tăng lên, nên khi chúng ta đọc tới đoạn văn khó hiểu hoặc nội dung rất quan trọng thì cần phải giảm tốc độ để mắt và não đồng bộ.


    4. Đọc phân tích

    a. Trở thành một độc giả yêu cầu cao

    "Yêu cầu cao" có nghĩa là tăng cường khả năng đọc hiểu để đọc sách, cụ thể như sau:

    - Bốn câu hỏi cơ bản

    + Quyển sách nói về vấn đề gì? Tìm ra chủ đề của quyển sách.

    + Quyển sách này phân tích chi tiết về vấn đề gì? Tìm ra quan điểm của quyển sách.

    + Quyển sách này nói đúng hay không? Học cách chất vấn và phán đoán.

    + Quyển sách này có liên hệ gì tới bản thân? Tìm ra điều mình đạt được thông qua quyển sách.

    Bốn câu hỏi này luôn gắn liền trong quá trình đọc sách.


    - Làm cho sách biến thành của mình.

    Chỉ có bốn câu hỏi này thường không đủ để dùng, số lượng sách chúng ta muốn đọc quá nhiều, đọc xong quyển này lại muốn đọc quyển khác. Vì vậy, chúng ta cần một số kỹ xảo để biến sách thành của mình. Cách tốt nhất đó chính là viết ra, khi một người đọc xong sách rất muốn thể hiện cảm nhận của mình ra nhưng không biết nói như thế nào, thực ra là do người đó vẫn chưa hiểu quyển sách này, trong đầu vẫn chưa có ý tưởng. Cách đơn giản nhất là biết ghi chú, đánh dấu bằng bút hoặc trích dẫn nội dung để nhắc nhở bản thân. Tác giả phân ghi chú thành 3 cấp độ:

    + Ghi chú kết cấu: Làm rõ quyển sách đang nói về điều gì, và tác giả làm cách nào để triển khai quan điểm, loại ghi chú này chú trọng kết cấu chứ không phải chi tiết.

    +Ghi chú khái niệm: Phán đoán về quan điểm của sách, đọc càng kỹ, thì càng thể hiện rõ quan điểm của bản thân.

    + Ghi chú biện chứng: Là ghi chú cao nhất, không chỉ yêu cầu chúng ta đọc sách mà còn cần phải thảo luận những vấn đề có trong sách.

    - Thông thạo áp dụng các phương pháp

    Từ lúc bắt đầu đọc phân tích thì có càng nhiều phương pháp hơn. Thực ra quá trình đọc sách là quá trình nhiều phương pháp cũng như quy tắc kết hợp với nhau, nhưng nếu muốn nâng cao khả năng đọc sách thì cần phải thông thạo sử dụng các phương pháp, chỉ có như vậy mới quên đi đây là các phương pháp mà hình thành một thói quen.


    b. Giai đoạn 1 của đọc phân tích

    - Quy tắc 1: Phân loại sách

    - Quy tắc 2: Khái quát sách

    Dùng một câu nói hoặc vài câu nói để khái quát nội dung sách, đây là cách tốt nhất để kiểm tra bản thân có thực sự đọc hiểu quyển sách này không, không được thỏa mãn với "Tôi biết đại khái nội dung nhưng không biết diễn đạt thế nào". Có đôi khi tác giả sẽ khái quát về nội dung của sách, chúng ta có thể tham khảo của tác giả để sửa chữa khái quát của mình.

    - Quy tắc 3: Thống nhất cấu trúc quyển sách

    Yêu cầu chúng ta phải liệt ra những chương quan trọng để xem cách sắp xếp của chúng. Ở đây nói đến kỹ xảo vạch ra đại cương của một quyển sách, dựa theo điều này phát triển nội dung nhỏ của chúng: Đầu tiên chia sách thành vài phần, sau đó lại đem vài phần đó chia thành những phần nhỏ hơn, hoặc trọng điểm của mỗi phần. Theo nguyên tắc, phần đại cương này có thể còn dài hơn cả sách gốc nhưng chúng ta không cần làm đại cương quá hoàn mỹ, thậm chí không cần phải viết ra, chỉ cần phân tích trong não là được, sắp xếp và vẽ ra giấy một sơ đồ tư duy là được. Hơn nữa không nhất thiết phải dựa theo các chương trong sách mà phân, có thể dựa vào cách của bản thân.

    - Quy tắc 4: Ý muốn của tác giả

    Tìm ra điều tác giả muốn hỏi, điều tác giả muốn truyền đạt, có đôi khi tác giả có đáp án, có đôi khi tác giả cũng không có câu trả lời. Những phương pháp mà bên trên nhắc tới không nhất thiết phải thực hiện lần lượt, mà có thể kết hợp một cách hệ thống để đặt ra câu hỏi: Quyển sách này muốn nói lên điều gì?


    c. Giai đoạn 2 của đọc phân tích

    - Quy tắc 5: Tìm ra từ mấu chốt, làm cho tư duy chúng ta đến gần hơn với tác giả

    Trong quá trình đọc sách, có rất nhiều từ thường xuyên xuất hiện. Những từ này chủ yếu là khái niệm, thuật ngữ hoặc là từ ngữ mà tác giá chú trọng giải thích.

    - Quy tắc 6: Thông qua những câu quan trọng trong sách tìm ra mục đích chính

    Sau khi tìm ra những từ mấu chốt thì chúng ta cần tìm ra những câu quan trọng, câu quan trọng thường là những câu chứa từ quan trọng, khái quát nội dung của cả đoạn văn hoặc là những câu mà chúng ta cảm thấy khó hiểu. Chúng ta thường nói tới nội dung chính rồi mới nhắc tới quan điểm, cho nên chúng ta cần phải học thông qua từ ngữ, câu nói và đoạn văn tìm ra thông tin mà tác giả muốn truyền đạt. Đôi khi trong một câu nói có nhiều ý chính, chúng ta cần học cách phân tích kết cấu của câu văn để tìm ra từ mấu chốt.

    - Quy tắc 7: Tìm ra các lập luận chính

    Quy tắc 7 và quy tắc 6 quan hệ mật thiết với nhau, yêu câu chúng ta tìm ra những lập luận chính trong những chương quan trọng. Nếu như tác giả không có lập luận như thế này thì chúng ta cần phải tự thiết lập, cách cụ thể là tìm ý chính trong câu quan trọng, dựa theo thứ tự liên kết với nhau. Trong quy tắc này có vài điều cần chú ý:

    + Mỗi lập luận đều cần phải có cơ sở, chúng ta cần phải đem nguyên nhân và kết luận liên kết với nhau.

    + Lập luận có thể vận dụng nhiều phương pháp khác nhau, có khi là nhận định hiển nhiên hoặc là giả định, cần phải biết phân biệt hai điều này.

    + Tìm ra giả thiết mà tác giả đặt ra, cái nào cần chứng minh và cái nào không cần chứng minh. Tức là tìm cách kiểm định điều tác giả nói có đáng tin hay không.

    - Quy tắc 8: Tìm ra lời giải đáp của tác giả

    Giai đoạn 2 chúng ta mới thực sự thông qua nội dung sách để hiểu sâu về sách, lúc này thì có thể thực sự hiểu rằng làm thế nào để làm cho sách biến thành của mình. Tại đây chúng ta có thể trả lời câu hỏi: Quyển sách này nội dung chi tiết là gì?


    d. Giai đoạn 3 của đọc phân tích

    Giai đoạn này chỉ được thực hiện khi hoàn thành hai giai đoạn trên, bởi vì giai đoạn 3 quan trọng ở việc đánh giá. Đọc sách là một quá trình được giáo dục, nhưng đây không có nghĩa là độc giả chỉ có thể nghe tác giả không ngừng giảng đạo lý mà không được phát biểu. Mục đích của tác giả là dẫn dắt độc giả, mà độc giả cũng nên phản hồi cho tác giả quan điểm của mình. Chỉ có hai bên đều nêu ra quan điểm của mình thì quá trình giao lưu mới tính là hoàn thiện. Mà chúng ta phản hồi cho tác giả thường chia thành những trạng thái sau: Đồng ý, không đồng ý, tạm thời không đánh giá.

    - Quy tắc 9: Trước lúc đưa ra đánh giá cần phải hiểu một cách toàn diện về quyển sách

    - Quy tắc 10: Đưa ra bất cứ lời đánh giá nào cũng cần dựa theo cơ sở lý thuyết, lúc phản đối tác giả cần đưa ra ý kiến một cách lý trí.

    Giai đoạn 3 của đọc phân tích chính là trả lời câu hỏi: Quyển sách này nói có đúng không? Có thể làm tới bước này có nghĩa là tư duy chúng ta đã cùng tác giả đồng bộ, quyển sách đã được chúng ta đồng hóa.

    Sau khi trả lời 3 câu hỏi trên chúng ta đã có thể đưa ra đáp áp của câu hỏi cuối cùng. Bởi vì chúng ta đã biết quyển sách nói về điều gì, quyển sách này nói về những quan điểm này bằng cách nào và những quan điểm này có đúng không. Sau đó liên hệ tới bản thân thì sẽ biết chúng ta đã đạt được điều gì sau khi đọc quyển sách này, có phải mà chúng ta đang cần hay không. Sau khi đọc phân tích tới bước này thì chúng ra có thể bước vào giai đoạn tiếp theo, là đọc đồng chủ đề.


    5. Đọc đồng chủ đề

    Khi chúng ta muốn kiến thức của lĩnh vực mới thường bị nhiều trường phái khác nhau ảnh hưởng. Kể cả là tác phẩm kinh điển cũng sẽ có sự xung đột. Chúng ta thường không biết phân biệt cái nào tiên tiến hơn, hoặc có thể nói là không có sự khác biệt tiên tiến hay không, nhưng chúng ta không biết nên áp dụng như thế nào. Nghiêm trọng hơn là điều này thường do kiến thức của chúng ta không đủ, tới khi tiếp nhận lượng thông tin quá lớn thường không biết phân biệt. Là một học giả của nhà văn vĩ đại, nếu như chúng ta mù quáng tuân theo thì sẽ bị quan điểm sai lầm dẫn dắt. Để tránh tuân theo một cách mù quáng, chúng ta cần tới đọc đồng chủ đề, tức là đem nhiều quyển sách có cùng chủ đế tiến hành đọc phân tích, phân tích điểm mạnh điểm yếu của chúng.

    Năm bước của đọc đồng chủ đề:


    a. Dựa vào chủ đề tìm kiếm phần có liên quan

    Muốn tiến hành đọc đồng chủ đề cần phải tìm một chủ đề rông, ví dụ "điện ảnh", "tâm lý học", "văn học".. Dựa vào những chủ đề này để tìm kiếm sách để đọc. Sau đó tại thu hẹp chủ để, ví dụ "tình thân", "lịch sử điện ảnh", "tâm lý tích cực".. Không ngừng thu hẹp chủ đề làm cho số lượng sách cũng càng ngày càng ít, sau khi thu hẹp nhất định, sự quan trọng của đọc kiểm soát được thể hiện ngay. Bởi vì có quá nhiều sách không biết phán đoán có thực sự liên quan đến chủ đề này, mà có khả năng chỉ có một lượng nhớ sách là phù hợp với chủ đề của chúng ta, lúc này cần áp dụng đọc lướt và đọc về mặt để tìm ra nội dung liên quan tới chủ đề của chúng ta. Là sách đang phục vụ chúng ta chứ không phải chúng ta phục vụ sách.

    b. Thiết lập tư duy đồng bộ cùng tác giả

    Sau khi chúng ta lọc nội dung liên quan tới chủ đề ra thì chúng ta gặp phải một vấn đề. Những tác giả này có khả năng không sông cùng một thời kỳ, không cùng quốc gia, cách dùng từ cũng không giống nhau. Lúc này chúng ta cần áp dụng phương pháp giai đoạn 2 của đọc phân tích, đem những từ mấu chốt của các tác giả dịch thành từ ngữ mà chúng ta hiểu được. Điều này giống như là giải trừ tấm màng ngăn cách giữa các tác giả, họ có thể có tương đồng tư tưởng. Công việc dịch những từ ngữ này khó khăn hơn cả vì chúng ta có khả năng là người sáng tạo một loại từ ngữ.

    c. Giải quyết vấn đề

    Sau khi tìm ra sự tương đồng về hàm nghĩa của những từ mấu chốt chúng ta có thể tìm hiểu sự tương đồng về ý chính. Cách tốt nhất là đầu tiên liệt kê ra những vấn đề mà chủ đề thể hiện một cách rõ ràng, sau đó xem cách các tác giả giải đáp, đây cũng là một công cuộc khó khắn vì những vấn đề mà chúng ta đặt ra không phải lúc nào tác giả cũng có câu trả lời, thậm chí có khả năng họ cũng không cảm thấy đây là một vấn đề nên trong sách không nhắc tới. Cho nên những vấn đề được đặt ra tốt nhất là vấn đề mà mọi người cùng quan tâm.

    d. Xác định vấn đề

    Chúng ta đem những đáp án mà tác giả đưa ra tiến hành sắp xếp tiến hành phân loại.

    e. Phân tích thảo luận

    Bước cuối cùng là chúng ta tìm ra sự liên hệ và khác biệt giữa những đáp án của các tác giả. Chúng ta cần phải tìm ra các vị tác giả căn cứ vào đâu giữ vững quan điểm. Trong quá trình sắp xếp chúng ta cần phải giữ thái độ khách quan và lý trí, không ngừng đọc và trích dẫn nguyên văn của tác giả để tránh hiểu nhầm ý nghĩ của tác giả. Sau đó từ trong kết luận tìm ra điểm mạnh điểm yếu để hiểu biết hơn về chủ đề.

    Cần đặc biệt nhấn mạnh, đọc đồng chủ đề là một công việc vô cùng tốn sức và mất thời gian, lúc đọc đồng chủ đề cần phải kiên nhẫn, bởi vì nếu không kiên nhẫn thì không thể giữ được tính khách quan, đọc đồng chủ đề cũng sẽ mất đi ý nghĩa tồn tại.

    Trong sách còn nhắc tới cách đọc của nhiều loại sách khác nhau nhưng tôi xin phép chỉ nhận xét về những điểm chung ở trên.

    Nếu mọi người có ý kiến muốn đóng góp xin cứ tự nhiên.

    Xin cảm ơn!
     
    Chỉnh sửa cuối: 8 Tháng mười 2020
  2. Đăng ký Binance
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...