PHÙ THỦY Truyện viết tặng người bạn Xiao Zhuang (Tiểu Trang). Ảnh truyện mình xin được từ thầy Zick của mình (cảm ơn thầy Zick nhiều) 1. Phù Thủy Meo meo meo.. Tiếng mèo vọng lại trên quãng đường vắng khiến Trang giật mình và thoáng nhìn xung quanh. Tiếng mèo kêu như kèm theo tiếng rên rỉ của những cơn đói khiến Trang lắng tai lại nghe ngóng xem nó phát ra từ đâu. Sau một hồi lặng thinh và dùng tất cả sự nhạy bén của thính giác Trang cũng phát hiện ra tiếng kêu đó phát ra từ một góc tường cạnh thùng rác của một nhúm lông đen thùi lùi. Cúi nhìn con mèo con đang cuộn tròn người lại không ngừng kêu lên làm lòng Trang cũng như đang thổn thức. Cô nhớ đến cuộc đời mình, nhớ đến cảnh không cha, không mẹ bị bỏ rơi được người người ông hiện tại nhặt về nuôi nên Trang quyết định mang con mèo ấy về nhà. Cô nhẹ nhàng ôm con mèo con vào lòng hân hoan bước từng bước về phía căn nhà rách nát của người ông mình ở phía Đông thành phố. Có lẽ Trang không hề biết rằng ở cách đó chừng năm mươi mét xác của con mèo mẹ và hai chú mèo con đang nằm trong vũng máu phía ngã tư đường nên cô bé khẽ ngân nga một vần thơ nảy ra trong đầu: "Có cô phù thủy nhỏ Nuôi một chú mèo con Nuôi bao năm chẳng lớn Nhưng cô chẳng dỗi hờn!" Vì câu thơ nảy ra trong đầu ấy nên Trang quyết định tên của cái nhúm lông đen thùi lùi ấy chính là Phù Thủy. Bước về đến cổng cô bé khe khẽ lấy tay che miệng Phù Thủy lại để nó không kêu meo meo nữa. Cô biết ông là một người không thích động vật cho lắm đặc biệt là mèo thế nên khi mang Phù Thủy về nhà cô cũng lo lo, cô bé rón rén đi từng bước vùa đi vừa ngó nghiêng xem người ông của mình ở đâu thì bất chợt thấy cái nhìn sắc lẹm của người ông từ trong bếp đi ra kèm theo câu nói: - Trang, cháu đi đâu mà giờ này mới về? - Cháu, cháu đi qua nhà Duy để nhờ bạn ấy hướng dẫn mấy bài tập sau khi học thêm về ạ! - Trang này, cháu là con gái, lại lớn từng này rồi. Cháu có qua nhà bạn chơi thì lưu ý về sớm một chút chứ. Mà cháu giấu cái cục gì đen thùi lùi sau lưng kia? - Không có gì đâu ông. Nhưng vừa dứt lời xong thì con Phù Thủy kêu meo meo meo lên ba tiếng và nhảy phóc một cái xuống dưới sân chạy ngay đến chân của ông Trang mà dụi dụi. Điều này làm Trang cảm thấy vô cùng kì lạ vì trước nay rõ ràng là không hề có con mèo nào ở trong nhà Trang mà tại sao nó lại thân với ông vậy. Thấy vậy Trang sung sướng chạy đến khoác tay ông và nói: - Ông với nó cứ như thân nhau lâu rồi ấy. Hay ông để cháu nuôi nó đi, cháu hứa sẽ không để nó làm lộn xộn nhà cửa đâu ông. Đi ông cháu hứa mà! Sau đó Trang làm ra một vẻ mặt dễ thương hết sức để thuyết phục ông của mình và cuối cùng cũng được một cái gật đầu của ông. Được sự đồng ý của ông Trang mang con Phù Thủy đi tắm cho sạch sẽ nhưng với một đứa nhóc chưa có kinh nghiệm như Trang thì khiến con Phù Thủy vô cùng khó chịu và kêu lên những tiếng meo meo đinh tai nhức óc. Thấy vậy ông bèn vào và với những động tác thuần thục nhanh nhẹn tắm xong cho con Phù Thủy rồi quay qua nói với Trang. Chăm mèo cũng như chăm trẻ con vậy phải có kiến thức, nếu cháu chưa từng chăm sóc một con vật nào thì khó nuôi đó. Nói đoạn, ông bọc ngay Phù Thủy vào chiếc khăn bông và lau khô bộ lông cho nó con mèo nằm im lặng với đôi mắt buồn thiu trong lòng bàn tay ông như một đứa trẻ con nằm yên trong vòng tay mẹ sau những dỗi hờn. Ông mang nó lại gần bếp rồi làm cho nó một tô cơm trộn với tất cả những đồ còn lại đặt vào một cái bát to rồi đẩy về trước mặt Phù Thủy. Chắc vì cơn đói làm cho con Phù Thủy như mạnh dạn hơn, nó tiến đến tô cơm và xơi một cách ngon lành rồi lại quay về trèo lên lòng ông. Tất cả những điều vừa xảy ra làm cho Trang cảm thấy sửng sốt vô cùng, một loạt câu hỏi dồn dập trong đầu Trang nhưng cô bé chẳng nói lên lời. Ông nhấc con mèo con lên trước mặt rồi ngắm nghía rồi bỗng bất giác ông nói lên một câu: - Giống thật đó. - Giống cái gì cơ ông? Trang quay sang ông nhìn. - Thì giống cái cuộn len đen thùi lùi ấy cháu. Cháu nhìn nó này, ngoài cái mũi màu hồng và một cái chấm màu trắng bên mép phải thì cả người nó đen thùi lùi này. - Vâng, thế cháu mới đặt nó tên là Phù Thủy đấy ông. - Phù Thủy à? Haha, cũng được dù hơi xấu. Ông khẽ nựng nựng chú mèo con rồi đặt tạm nó vào trong cái hộp giấy ở góc nhà. Con Phù Thủy cũng im lặng im. Trang quay sang nhìn ông một cách nghi ngờ rồi hỏi: - Có phải nó trước kia đã ở trong nhà này rồi đúng không ông? - Làm gì có, cháu có thấy tiếng mèo kêu trong nhà bao giờ không? Cái lũ mèo này ấy à, nó mà đói lên đòi ăn thì ông không giấu được tiếng kêu của nó đâu. Trang vẫn nghi ngờ hỏi tiếp: - Cháu là cháu nghi lắm ấy. Tuy nhiên nói xong Trang vẫn lặng lẽ xách ba lô vào bàn ngồi học mà chẳng cả buồn ăn cơm tối. Đến lúc khi mỏi quá cô bé ngủ gục trên bàn thì người ông lặng lẽ ôm cô bé đặt lên giường đắp chiếc chăn lên người cô bé rồi vẫn thói quen cũ, ông xuống bếp trộn một tô cơm với cá đặt ra trước cổng nhà. Âm thanh của cánh cổng mở ra thì cũng là lúc con Phù Thủy bật dậy chạy ra ngoài cổng. Nó ngồi lặng yên ở góc cổng một hồi lâu làm người ông giật mình suy nghĩ, Không lẽ đây là một trong số những con mèo hay đến đây ăn ư? Là nó sao? Ừ nhỉ nó y hệt như con Hải Âu năm nào của bà ấy. Ông thoáng nhìn nó nhưng lúc này mắt con Phù Thủy vẫn đăm đăm nhìn về phía cuối đường. Hễ ông đưa nó vào trong nhà thì nó lại chạy ra, ông biết chắc là nó lạc mẹ và đang chờ mẹ nó đến đây để cùng nó về nên ông lặng lẽ đóng cánh cổng lại rồi đi vào. Có lẽ Trang chẳng hề biết ông từng là một người rất yêu mèo, ông với bà trước kia rất hay cho mèo ăn tại trong gia đình. Chính Trang lúc được hai ông bà nhận về nuôi ấy cũng đã từng được nô đùa với đàn mèo nhỏ suốt ngày trong sân. Nhưng kể từ khi bà mất, ông không còn muốn lũ mèo đến nhà nữa vì mỗi lần đến nhà thì mọi kỉ niệm về bà lại ùa về khiến ông không chịu nổi. Ông không để thức ăn ở sân nên lũ mèo cũng không còn đến nữa. Duy chỉ có Hải Âu- con mèo có bộ lông gần giống với con Phù Thủy vẫn cứ quanh quẩn ở trước cổng nhà, sự quyến luyến của nó làm ông không lỡ nên cứ mỗi tối trước khi đi ngủ ông lại trộn một tô cơm để trước cửa nhà rồi đóng cửa lại. Hải Âu có lẽ cũng biết ý nên chẳng bao giờ kêu khi đói mà chỉ meo lên một tiếng sau khi ông đóng cổng vào. Có lẽ con Phù Thủy là con nó thật, ông nghĩ đến điều đó rồi bất giác mỉm cười. Hình ảnh về bà cũng như hiện ra trước mắt ông khẽ mỉm cười với ông, rồi tất cả kỉ niệm như ùa về và lặng lẽ đưa ông vào giấc ngủ với nụ cười trên môi. Vẫn theo thói quen của một người già, cứ bốn giờ ba mươi là ông thức giấc và bao giờ cũng thế ông ra mở cổng để mang cái bát tối qua vào trong nhà. Nhưng sáng nay mưa quá, không biết cơn mưa từ khi nào những nó làm những giọt mưa chảy thành từng dòng phía góc sân, những chiếc lá cây như oằn mình đỡ từng giọt nước từ trên cao rơi xuống. Hôm nay chẳng có những tiếng chim buổi sớm, cũng chẳng có những tia nắng ban mai của bình minh ngày hè chỉ có tiếng mưa dội vào cành lá, tiếng từng giọt nước chảy từ trên mái nhà. Nhưng vẫn là thói quen, khi ông ra mở cổng để mang chiếc bát về thì điều làm ông ngạc nhiên hơn đó là bát cơm đó vẫn còn nguyên và chìm dưới lớp nước mưa. Con Phù Thủy vẫn ở đó, nó ướt nhẹp nép một bên góc cổng mắt vẫn nhìn đăm đăm về phía cuối đường thân mình nó run lên từng đợt theo những hạt mưa. Ông vội vã nhấc con Phù Thủy lên cuộn nó vào vạt áo rồi chạy vào trong nhà. Lấy cái khăn bông ông nhanh chóng lau khô người cho nó rồi ủ nó vào trong một cái khăn khác. Ông thấy gì trong mắt nó đây? Một nỗi buồn xa xăm như khi mới mất đi ai đó thân yên bên cạnh, rồi nó lặng lẽ cuộn đầu nằm tròn lại trong chăn. Có cảm giác như một giọt nước mắt lăn nhẹ từ khóe mi nó xuống dưới lớp khăn bông. Sau từng ấy năm cùng bà chăm lũ mèo thì ông cũng biết mèo cũng như người cũng có tình cảm, cũng muốn yêu thương, cũng biết đau, cũng biết ghét. Có lẽ hôm nay con Phù Thủy đang đau lòng. 2. Bà Năm Vẫn là thói quen của một học sinh tiểu học thế nên ngày thứ bảy bao giờ Trang cũng ngủ đến tận sáu giờ ba mươi mới dậy. Và hôm nay khi dậy thì Trang ngạc nhiên hơn nữa khi thấy ông đang rót ra bát một ly sữa rồi mang đến cho con Phù Thủy đang nằm gọn trong khăn. Với anh mắt tò mò Trang đến bên ông nhìn ngắm rồi bất giác nói một câu: - Cháu sắp thấy cháu bị xếp sau con Phù Thủy rồi đấy ông ạ! - Nào, ai lại ghen với một con mèo. Cháu không thấy nó đang rét run lên đây à. Nó dính mưa đấy cháu. Cháu đem nó về thì phải để tới nó chứ? - Vâng, Trang ỉu xìu nói rồi đi đánh răng rửa mặt. Từ trước đến nay Trang chỉ quen với việc ông chăm bẵm mình nên trong lòng có chút ghen tỵ. Nhưng sau đó cô bé nghĩ có lẽ có thêm Phù Thủy thì lúc mình không ở bên ông có lẽ vui hơn. Hôm nay là thứ bảy nhưng có lẽ do bài toán ngày hôm trước trên lớp khó quá nên Trang lại bỏ sách vở vào ba lô qua nhà bạn học nhóm. Điều này cũng khá thường xuyên thế nên khi Trang khoác ba lô lên và xin phép ông qua nhà bạn học thì ông cũng chỉ khẽ ừ một tiếng còn mắt vẫn dán vào con Phù Thủy. Trang đi rồi, chỉ còn lại một mình ông trong căn nhà trống vắng với con Phù Thủy, nó vẫn cuộn mình trong chăn không nhúc nhích cũng chẳng đụng tới một chút sữa nào trong chiếc bát cả, nó gục đầu xuống dưới hai chân như chẳng muốn nghe gì nữa, như chẳng muốn để ý gì nữa, chỉ muốn một mình. Có lẽ sau bao năm ký ức ngày ấy lại hiện về, ông nhẹ nhàng ngồi lên chiếc ghế trường kỷ trong phòng khách, sau lăm năm ông mới lại pha một tách cà phê. Làn khói nghi ngút bốc lên từ cốc cà phê sữa như đang kéo tất cả kỷ niệm về bà Năm – người vợ quá cố của ông hiện về. Có lẽ đối với mọi người một người tật nguyền cả nửa đời ngồi trên xe lăn như bà ấy chẳng có gì đáng nói nếu như không ở bên và không tìm hiểu về bà. Và ông là người nằm trong số ít người hiểu về bà ấy từ trước lúc lấy bà làm vợ. Ông biết lý do tại sao đôi chân bà vĩnh viễn chẳng thể đi lại được, ông biết vì sao bà lại quý lũ mèo và ông biết tại sao bà lại nhận nuôi Trang. Vốn dĩ bà là một người lành lặn, xinh đẹp, được nhiều người theo đuổi nhưng vì lòng trắc ẩn mà bà vĩnh viễn mất đi đôi chân, mất đi cả tuổi thanh xuân tươi đẹp. Ai cũng vậy cũng có những bí mật, bí mật cả đời bà chẳng hé răng với ai khác nhưng với ông ông biết rõ điều ấy. Ông, một người thích mèo điều này chắc ông không hề phủ nhận, thế nhưng Trang và tất cả mọi người đều không biết người thanh niên tên Hiếu năm nào ấy có một con mèo cưng luôn sát bên người là con mèo đó mang tên Đi Hia. Ngày ấy vào một ngày mùa đông của nhiều năm về trước, một người thanh niên với con mèo trong lòng tay đang đi trên hè phố với cái lạnh căm căm thì bỗng nhiên con mèo vụt nhảy xuống và chạy sang đường, người thanh niên ấy vội vã đuổi theo và cũng nhanh chóng băng sang bên kia. Thế nhưng điều không ngờ tới là cũng có một chiếc xe máy từ đâu lao về phía cậu thanh niên, và điều cậu thanh niên cảm nhận được đó là một lực đẩy rất nhanh từ phía sau làm cậu ngã dúi dụi sang bên kia đường. Khi cậu quay đầu nhìn lại thì chỉ thấy một cô gái đang nằm trên vũng máu với chiếc xe máy đổ bên cạnh và một người đội mũ bảo hiểm đang lồm cồm bò dậy sau cú ngã. Đi Hia lúc này vẫn đang ngoe nguẩy cái đuôi, cọ cọ phần đuôi nó vào chân người thanh niên ấy. Thế nhưng điều người thanh niên ấy quan tâm lúc này đó là cô gái – người đã cứu cậu thoát chết trong gang tấc kia. Vội vã cùng người lái xe máy bắt taxi đưa cô gái đi viện và gọi báo cho Cảnh sát giao thông đến giải quyết vụ việc, người thanh niên cùng người lái xe máy theo xe đưa cô về bệnh viện, con Đi Hia lúc này cũng nhảy tót theo chủ nó lên xe. Làm thủ tục cấp cứu người thanh niên ấy mới biết người con gái ấy tên đầy đủ là Nguyễn Thị Thanh Hương cũng chạc tuổi ông. Sau hai ngày cuối cùng cô gái cũng tỉnh lại, nhưng câu đầu tiên cô ấy nói chính là: Em có cứu được người không? Sau đó cô gái đưa mắt nhìn những người xung quanh. Cô không biết có một chàng trai sau khi nghe câu nói ấy đã lặng lẽ quay người lau giọt nước mắt trên mi, con Đi Hia thì khẽ trèo lên bụng cô nằm tròn ngủ một giấc ngon lành. Sau giây phút xúc động, người thanh niên quay lại cầm tay nói khẽ với cô: - Tôi đây, tôi không sao, cảm ơn cô nhiều! Cô gái thì thào: - Anh không sao là tốt rồi. Sau đó cô khẽ xoay người nhưng cơ đau phần thân bên dưới làm cô nhăn mặt lại. Người thanh niên nhanh nhẹ đỡ cô và hỏi thăm về người nhà cô gái để tiện liên hệ vì từ hôm cô tai nạn đến nay anh không có cách nào liên hệ được điện thoại cô khóa và hơn hết là trên người cô chỉ có mỗi chiếc chứng minh nhân dân nhưng đáp lại chỉ là một nụ cười nhẹ kèm theo ánh mắt buồn bã của cô. Cô nói: - Em làm gì còn ai mà người thân chứ anh? Bố, mẹ, em trai cũng đều chết trong chuyến du lịch cách đây ba năm. Có nhiều người nói em may mắn khi không đi du lịch cùng gia đình nhưng thực sự em thấy hối hận vô cùng. Cả nhà bỏ lại mình em ở Thế giới này cô đơn lắm. Cô gái bật khóc thành tiếng, những giọt nước mắt dài lăn trên má chảy ướt thẫm một bên gối. Những giọt nước mắt khiến chàng trai bất giác nắm lấy tay cô, hai bàn tay cứ thế đan nhẹ vào nhau. Rồi cô gái lại thiếp đi trong chính những giọt nước mắt ấy. Khi anh đang nhẹ nhàng đặt bàn tay cô gái xuống giường thì một nhân viên y tế đi vào ra hiệu cho anh sang gặp bác sỹ của viện. Anh nhẹ nhàng đi từng bước ra ngoài, con Đi Hia vẫn nằm cuộn tròn trên người cô gái. Linh cảm của anh cho anh biết rằng có điều gì đó chẳng lành sắp xảy ra, và điều đó đúng là sự thật. Bác sỹ thông báo với anh là cô gái ấy sẽ mãi mãi không thể đi được nữa, nửa đời sau sẽ gắn với chiếc xe lăn. Lời thông báo như một cái tát, tát thẳng vào mặt của anh điều đó khiến anh sững người trong giây lát nhưng cũng khiến anh có một quyết tâm đó chính là dành phần đời còn lại để chăm sóc cô gái ấy. Kể từ khi nhận được thông báo trên mọi hành động của anh đối với cô vô cùng dịu dàng, gần như anh giành thời gian cả ngày để chăm sóc cô. Con Đi Hia như cũng coi cô là người một nhà suốt ngày quấn lấy cô. Nhưng chuyện gì đến cũng phải đến, việc cô không đi lại được cũng đã đến tai cô. Ngày hôm ấy, mưa rất to, tiếng mưa bên ngoài như át hết khóc của một người con gái dưới chiếc chăn trùm kín đầu, những giọt nước mắt lăn dài trên má thấm đẫm cả chiếc gối. Mọi ước mơ, mọi hoài bão như tan biến, mọi thứ như bị một cơn bão cuốn phăng đi, trong đầu cô là vô vàn suy nghĩ tiêu cực xuất hiện. Lúc ấy tiếng mở cửa và chân người bước vào nhưng những nỗi đau khiến cô chẳng buồn để ý, anh khẽ cắm những bông hoa vào lọ và ngồi lặng lẽ bên giường. Anh biết cô đang rất buồn, con Đi Hia như cũng cảm nhận được, nó khẽ khẽ dụi đầu vào chăn hai cái rồi ngoan ngoãn nằm cạnh bên cô. Sau chừng nửa tiếng, cô cũng thôi không khóc nữa và ngồi dậy nhìn anh với anh mắt nghi hoặc, xen chút căm phẫn vì đã giấu cô chuyện này, cô vung tay tát anh một cái nhưng đáp lại là một cái ôm thật chặt. Anh khẽ thì thầm vào tai cô: - Cả đời này anh sẽ lo cho em, em về với anh để cùng chăm con Đi Hia nhé! Cô không đáp lời, chỉ có những giọt nước mắt lăn dài trên má, những giọt nước mắt nóng hổi rơi xuống trên vai áo người thanh niên. Con Đi Hia như cũng đồng tình nó khẽ meo lên một tiếng. Bên ngoài trời cơn mưa đã tạnh, ánh sáng mặt trời xuyên khẽ qua làn mây, xa xa trên bầu trời ngoài khung cửa sổ xuất hiện một chiếc cầu vồng bảy sắc và hôm ấy là "Thứ Năm". Có lẽ cuộc đời đơn độc sau hai năm người cha già đáng kính mất đi của anh cũng được ủ ấm lại. Hai tâm hồn đơn độc đã tìm thấy nhau, sưởi ấm cho nhau dù rằng ở một hoàn cảnh hết sức éo le. Từ hôm ấy Đi Hia có thêm người chủ thứ hai. 3. Hải Âu Từ ngày Hương về sống với Hiếu căn nhà nhỏ như cũng nhiều hơn tiếng cười, tuy cuộc sống có phần vất vả hơn do Hiếu phải kiếm sống để nuôi hai người nhưng niềm hạnh phúc lúc nào cũng như hiện hữu trên mặt ông vậy. Thế nhưng Hiếu có một thói quen nhỏ làm Hương thắc mắc mãi từ khi về chung một nhà đó là việc hàng đêm trước khi đi ngủ Hiếu luôn mang một tô cơm đã trộn sẵn thức ăn ra ngoài cổng rồi để ở đó. Đầu tiên Hương nghĩ đó là cơm cho những người ăn xin do Hiếu để phần lại cho họ nhưng khi lắng nghe âm thanh ngoài cổng thì ngoài sự yên tĩnh ra thỉ chẳng có lấy một tiếng người Hương đâm lo Hiếu có điều gì mờ ám, bà rùng mình khi nhớ lại loáng thoáng câu chuyện nuôi ma xó hồi trước được nghe. Sau nhiều đêm dằn vặt, dày vò Hương quyết định quay sang hỏi Hiếu và điều khiến Hương yêu Hiếu niều hơn đó chính là Hiếu nói bát cơm đó là để lại cho lũ mèo hoang bên ngoài. Hiếu nói: - Mèo cũng như người thôi em, cũng có con sướng con khổ. Như con Đi Hia này thì số nó sướng, nó được cả anh và em săn sóc nên chỉ có ăn và ngủ. Chứ như những con mèo hoang khác phải kiếm ăn từng bữa, bới thùng rác lấy thức ăn số chúng nó khổ và lam lũ như những người ăn xin ăn mày vậy. Cơm thừa, thức ăn từa mình có nếu bỏ cũng phí, thà rằng mình cứ cho chúng nó ăn còn hơn bỏ vào thùng rác. Các cụ bảo "Cứu một mạng người hơn xây bảy tòa tháp" mình không cứu người mà cứu mèo thì coi như xây mấy căn nhà ngói đi em. Hương lúc này trầm ngâm chẳng nói gì, trong đầu cô như thầm thương mến người chồng của mình hơn, cô biết người nuôi mèo thường là người sống nội tâm ấy thế nhưng cô chẳng nghĩ được sâu xa như Hiếu, chẳng nghĩ rằng anh lại là người thương người mến vật đến thế. Cô ngập ngừng nói với anh: - Thì các cụ cũng có nói "Thương thì thương cho trót" thế nên em nghĩ hay anh để thức ăn trong sân đi như thế mình biết chúng nó có bao nhiêu con để còn ước lượng thức ăn, với lại cho con Đi Hia chơi cùng nó biết đâu nó lại vui hơn với hoạt bát hơn thì sao? - Ừ, em nói có lý. Thôi giờ muộn rồi, ta đi ngủ nào. Mai anh sẽ để thức ăn ở trong sân thử xem sao. Sau một ngày dài trôi qua, cuối cùng thời gian thường cho lũ mèo hoang ăn cũng đến. Hôm nay khác thường lệ Hiếu để bát cơm vào phía trong cánh cổng rồi cùng Hương từ trong nhà nhìn ra. Lũ mèo lúc đầu còn rón rén nhìn quanh cảnh giác, nhưng sau đó vì đói và một phần vì thói quen được cho ăn nên chúng lần lượt tiến vào trong. Có tổng cộng bốn con trong đó có một con đen thùi lùi chỉ có một chấm trắng phía bên dưới mắt phải khác hẳn ba con mèo mướp khác, nó là con cảnh giác nhất vừa ăn vừa ngó nghiêng xung quanh. Hương chỉ vào con mèo đó nói khẽ với Hiếu: - Nó đẹp nhỉ, nhìn nó trái ngược với cu Đi Hia trắng muốt nhà mình kìa. - Ừ, em nói anh mới nhớ. Mà nó là mèo đực hay cái nhỉ? Là mèo cái thì tốt, cu Đi Hia có vợ thế này chắc con kháu khỉnh phải biết. Hiếu nói xong rồi quay sang vợi cười tủm tỉm. Sau bao ngày nỗ lực cuối cùng Hiếu và Hương cũng dụ được lũ mèo vào trong sân và không còn cảnh giác nữa, ấy thế nhưng con mèo đen thùi lùi với một chấm trắng dưới mắt phải ấy Hương và Hiếu vẫn không thể sờ được. Nó vẫn đến ăn nhưng kiêu ngạo lạ thường, chỉ ăn rồi sau đó tót lên tường chạy đi. Nhìn dáng vẻ nó nhảy lên tường một cách nhẹ nhàng Hương lẩm bẩm: - Thuần được nó khó như thuần con chim hoang dã vậy, nhìn nó thoăn thoắt ăn rồi đi kìa chắc chắn là nó là kiểu chẳng thích gò bó rồi. Đôi chân nhanh nhẹn quá, ước gì mình cũng được như nó, ước gì mình như cánh chim hải âu tự do trên bầu trời. Điều Hương lẩm nhẩm ấy khiến Hiếu đau lòng vô cùng, vì anh mà cô vĩnh viễn mất đi khả năng đi lại, vì anh mà cô mất đi cả tương lai nghĩ đến điều đó anh quyết tâm phải thuần hóa được con mèo ấy. Từ hôm đó, ngày nào anh cũng cố gắng lại gần lũ mèo hoang, có những hôm anh còn mua cả đồ ăn ngon về để dụ lũ mèo và đặc biệt là chú mèo đen kia ấy thế mà anh chẳng lại gần được. Thế nhưng vợ anh thì khác, sau hơn nửa tháng thì Hương đã có thể ngồi trên xe lăn giữa lũ mèo và cho chúng ăn, con mèo đen ấy sau một tháng cũng đã ngoan ngoãn ngồi trên đùi Hương. Té ra nó là mèo cái, đúng như mong ước của hai vợ chồng. Hương vỗ nhè nhẹ trên lưng con mèo đang nằm gọn lỏn trong lòng mình quay qua hỏi Hiếu đăng dùng hai tay túm má con Đi Hia: - Đặt tên nó là gì nhỉ? Em muốn đưa nó về nhà nuôi cho cu Đi Hia có bầu có bạn. - Hải Âu. Anh nghĩ vậy con Đi Hia là anh đặt tên theo một nhân vật trong Truyện cổ Grimm trong truyện đó nó là con mèo thông minh giúp chủ rất nhiều. Còn con mèo này nó chạy nhảy nhẹ nhàng và có vẻ thích tự do nên anh nghĩ để tên nó là Hải Âu. Hải Âu tượng trưng cho khát khao bay cao, bay xa, tự do và điềm lành. Hiếu nói khi nhớ về lời thầm thì của vợ hôm nào. - Vâng, Hương nói nột tiếng rồi để con con Hải Âu xuống dưới đất. Con mèo sau đó nhẹ nhàng thoắt lên bức tường rồi quay đầu nhì lại hai người với ánh mắt như thầm cảm ơn cho cái tên nó được nhận rồi vút vào màn đêm. 4. Trang Có lẽ cuộc đời là thứ mà chẳng ai trong chúng ta có thể biết trước được điều gì xảy ở tương lai, ai sẽ đến bên mình, ai sẽ rời xa mình. Chuyện con Hải Âu đến bầu bạn với Hương và Hiếu thấm thoát đã hơn chục năm, chuyện một cặp vợ chồng già với người vợ ngồi trên xe lăn cho lũ mèo cũng đã in sâu vào tâm trí của mọi người. Khi nhìn họ ai cũng thấy một niềm hân hoan, vui vẻ, một tâm thái tích cực lan tỏa ra xung quanh, thế nhưng những nỗi buồn sâu thẳm trong đôi mắt của đôi vợ chồng già ấy có lẽ chỉ có con Hải Âu và Đi Hia biết được. Mỗi lần người phụ nữ trên xe lăn ấy nhìn lũ trẻ chơi trước cổng nhà đôi mắt mà như thoáng chợt dừng lại mà ngắm, ngắm một cách say xưa, mỗi lần như vậy con Đi Hia lại nhảy tót lên lòng người phụ nữ chăm bẵm mình bao ngày kể từ ngày thứ năm năm nào bà về với ông Hiếu. Nó cũng như hiểu được sự thèm muốn có một đứa con của người phụ nữ ấy, nó như hiểu được sự chăm bẵm bao lâu nay người phụ nữ ấy dành cho nó và những con mèo khác giống hệt như cách người mẹ chăm con. Thế nên mỗi khi thấy người chủ của nó ngắm lũ trẻ nó lại tót lên lòng bà rồi meo meo mấy tiếng gọi Hải Âu đến năm cùng để xua đổi nỗi cô đơn đang đến bên chủ nó. Đã bao lần Hiếu có ý định nhận nuôi một đứa nhóc để vui của vui nhà nhưng bà nhất quyết gạt đi. Bởi vì bà lo bản thân mình tàn tật thì sao lo được một đứa nhỏ huống hồ gánh nặng kinh tế giờ đặt toàn bộ lên vai của ông Hiếu, mà ông cũng đã già rồi. Thế nhưng là một người chồng ông cũng phần nào hiểu được nỗi lòng của vợ, mỗi lần nhìn thấy hai con mèo ngồi lặng thinh trên đùi vợ và cùng ngắm nhìn lũ trẻ phía ngoài kia ruột gan ông cũng như thắt lại. Mưa, lại là một đêm mưa phùn gió Bắc. Đi Hia ngồi lọt thỏm trong chiếc chăn trên đùi bà, căn nhà vắng nay lại càng trở lên heo hút hơn. Ngoài trời tiếng gió rít lên từng hồi liên tục, những chiếc lá cuối cùng như bị những cơn gió nhổ đi từng chiếc khỏi thân cây, cái lạnh của gió Bắc cộng thêm những hạt mưa phùn khiến cho người ta cảm thấy như cái lạnh cứa từng nhát dao vào da thịt. Ông Hiếu ngồi trên bộ trường kỉ nhâm nhi tách trà gừng, ông cũng không quên việc mang cơm cho lũ mèo đặt ở ngoài sân thế nhưng cái lãnh cũng làm ông đôi phần thêm do dự. - Chà, rét thật. Có lẽ mình già thật rồi. Ông Hiếu khẽ lẩm nhẩm một mình, có lẽ cái lạnh khiến ông cảm thấy cái thân già của mình nay đã không còn sung sức nữa. Nhưng rồi thói quen vẫn chiến thắng tất cả, ông lục đục xuống bếp trộn cơm vào bát rồi mang ra cửa, lúc đi qua vợ mình ông vẫn thấy bà nhìn vào khoảng không tay vẫn không ngừng vốt ve con Đi Hia đã nằm ngoan ngoãn trên đùi bà. Ông biết ba, bốn năm nay bà vẫn vậy vào những ngày mùa đông giá lạnh, trong căn nhà này sự yêu thương của ông và lũ mèo chưa đủ để sưởi ấm tâm hông ngày một khô héo của người phụ nữ. Mang bát cơm đặt dưới hiên nhà, ông thở dài một tiếng rồi bước vội vào trong, khi cánh cửa dần khép lai những tiếng kêu kì lạ của lũ mèo làm ông thoáng chững lại và lắng tai nghe, thế nhưng sau một hồi nó lại lặng thing. - Có lẽ chỉ là một con mèo lạ lại đến thêm nhà mình để ăn cơm, ngày mai chắc phải thêm chút thức ăn thôi. Ông nghĩ. Ông toan khép cửa lại thì vợ ông lại tự đẩy chiếc xe lăn của mình ra sát cửa để ngăn ông lại. Bà lặng thinh nghe ngóng âm thanh phía ngoài, và nhìn vẻ mặt có chút gì đó như vồn vã, xúc động của bà làm ông Hiếu có chút ngạc nhiên. Ông cũng ngó ra bên ngoài để cố nhìn lại và nghe lại âm thanh đó nhưng đáp lại vẫn chỉ là tiếng gió rít. Rồi như đáp lại sự mong mỏi của cả hai, thứ âm thanh kì lạ đó lại vang lên. Người vợ như không nén được cơn xúc động nhoài mình về phía trước khiến chiếc xe lăn mất thăng bằng đổ ập ra ngoài hiên, âm thanh đó cũng không ngừng vang lên, con Đi Hia lao từ trong nhà ra ngoài cổng nhanh như một tia chớp làm ông thấy giật mình, ông Hiếu nhanh chóng đỡ vợ mình dậy thì nghe lời thì thào của vợ mình bên tai: - Ông ra ngoài cổng xem đi, tôi chắc chắn đó là tiếng khóc của một đứa trẻ, ông ra nhanh đi không lạnh thế này nó chết mất! Ông Hiếu đặt vợ mình lên chiếc xe lăn rồi lúi húi vơ lấy cái áo mưa bên cửa sau đó nhanh chóng đi ra cổng. Một cảnh tượng kỳ lạ xảy ra ngay trước mắt ông, con Hải Âu ngồi ngay bên cánh cổng kêu liên hồi cạnh một cái bọc, con Đi Hia đi vòng quanh cái bọc không ngừng; còn cái bọc nhỏ ấy thỉnh thoảng lại phát ra những tiếng oe oe. Giờ đây ông biết chắc cái bọc đó chính là một đứa bé như những gì vợ ông nói, ôm đứa bé trên tay ông đưa mắt nhìn xung quanh nhưng chẳng thấy bóng hình một ai cả nên ông nhẹ nhàng bồng đứa bé vào trong. Con Hải Âu cũng ngừng kêu cùng con Đi Hia theo gót ông tiến vào trong ngôi nhà ấm áp và đón chờ họ ở trong cánh cửa chính là một cái nhìn hiền từ của vợ ông với một nụ cười trên môi. Ngày hôm sau, sau khi thông báo đến chính quyền cơ sở về việc ông bà nhặt được một đứa bé ngay trước của và nhờ tìm thân nhân cho cháu bé xong, hai vợ chồng ông cũng trình bày mong được chăm cháu bé trong thời gian tới, nhìn ánh mắt chan chứa yêu thương của người vợ với đứa nhỏ ông chỉ ao ước đó là con của mình. Sau một thời gian dài nhờ chính quyền tìm lại cha mẹ cho đứa bé không thành công ông quyết định nhận đứa bé làm cháu nuôi của mình, lần này ông quyết định làm xong tất cả rồi mới nói cho vợ biết. - Trang, tôi đặt tên nó là Huyền Trang nha. Huyền tức là sự huyền diệu, còn Trang là thôn trang. Huyền Trang chính là thôn trang huyền diệu. Khi cầm chắc được giấy khai sinh của đứa cháu mới nhận trong tay ông mới báo cho vợ mình một tiếng. Tuy rằng vợ ông có trách ông không hỏi ý kiến bà việc này mà đã tự quyết nhưng đâu đó trên nét mặt của bà đã thấp thoáng những niềm vui. Việc bé Trang đến với hai ông bà giống như cơn mưa giải hạn cho mùa hè nóng nực, dù rằng có những đêm hai ông bà mất ngủ vì đứa bé quấy, ốm, sốt nhưng trong ngôi nhà ấy tiếng cười đã rộn ràng hơn, lũ mèo như cũng được tiếp thêm sinh lực ngày ngày nô đùa trong sân cũng con bé, nhảy nhót khắp nhà. Chỉ có Đi Hia là có vẻ không hài lòng với việc này bởi vì nó là con mèo mũm mĩm nhất trong cả đám lại được ông Hiếu nuôi từ nhỏ và luôn ở trong nhà nên suốt ngày nó bị bé Trang lôi ra gối đầu, kéo đuôi, bẹo má, còn Hải Âu những lúc như vậy nó chỉ âm thầm nằm dài trên tường quan sát và không ngừng ngoe nguẩy cái đuôi. 5. Bão Người ta nói chuyện vui ngắn chẳng tề gang, những tháng ngày vui vẻ trong căn nhà ấy chẳng kéo dài được bao lâu. Nó bắt đầu bằng một buổi chiều nọ khi đàn mèo đang tung tăng chạy nhảy trong sân thì bỗng nhiên con Đi Hia gào lên những tiếng gào thảm thiết, nó chạy một cách không chủ đich và lao vào bất cứ thứ gì ở trước mặt, khi lao đến chiếc xe lăn thì nó không còn sức nữa mà dừng lại, nó nằm xõng xoài ra đất mắt trợn ngược, bốn chân lên trời không ngừng giãy dụa. Người đàn bà cố gắng gồng mình đẩy chiếc xe lăn lại gần bậc cửa để đặt đứa bé xuống rồi gọi người chồng đang làm cơm trong bếp. Nghe tiếng gọi thất thanh của vợ ông Hiếu chạy vội ra sân, lúc này con Đi Hia đã không còn một tia hi vọng nào nữa, mắt nó chỉ toàn lòng trắng, miệng không ngừng sủi bọt trắng, bốn chân nó đã cứng đơ thân mình nó vặn vẹo không ngừng. Nó ăn phải bả, có lẽ điều này ông hiểu nhưng chứng kiến con mèo cùng ông trải qua bao thăng trầm của cuộc đời phải vật lộn trước cái chết ông không lỡ. Ông lao vào ôm nó vào lòng và chạy vào trong bếp cố cạy mồm nó ra để lấy trứng sống đập vào mồm cho nó nuốt nhưng miệng nó đã cứng cơ lại không thể mở ra được. Ông ôm nó vào lòng cố giữ nó không giãy dụa và cố không nhìn nó để bớt đi sự thương đau. Mười năm phút sau thì nó đi, trước mặt ông có lẽ chỉ còn màn sương mờ do những giọt nước mắt chảy xuống. Hôm nay trong lòng ông có bão! Con Đi Hia chết như một cơn bão quét qua vùng thôn quê vậy, bầu không khí trong nhà dường như hoang tàn đi nhiều. Ông Hiếu cũng buồn rười rượi, suốt cả một thời gian dài trong những bữa cơm ông cứ ngồi lặng thinh chẳng nói lấy một lời. Bà Năm hiểu vì sao ông lại buồn như vậy nhưng bà biết những giây phút như vậy có nói gì đi chăng nữa cũng chẳng thể làm ông nguôi ngoai đi được chút nào. Nếu là bạn liệu bạn có buồn không? Tôi chắc rằng khi mất đi một người bạn thân yêu nhất của mình bạn cũng buồn vậy thôi. Ai chẳng có một thời khóc thút thít vì mẹ bán mất con cún yêu hoặc con mèo yêu quý trong nhà, nhưng nỗi đau của những đứa trẻ rồi sớm muộn gì cũng phôi phai theo thời gian, còn người lớn tuổi thì khác. Người lớn sống bằng những hoài niệm của quá khứ. Quá khứ từ nhỏ gắn bó với Đi Hia cứ lần lượt kéo về khiến ông Hiếu chẳng có đêm nào được ngủ yên. Buồn! Khi buồn người ta thường làm gì? Ai cũng vậy cũng đều muốn đi đến một nơi thoáng đãng để những cơn gió gột rửa đi những nỗi buồn trong tận trái tim mình, muốn cho những cơn gió cuốn phăng đi hết muộn phiền. Hôm ấy, ông Hiếu lẳng lặng một mình đến bên bờ kênh đầu xóm ngồi một mình. Thấy vẻ mặt rầu rầu của ông khi bước ra khỏi nhà và cầm theo chiếc cần câu là bà Năm đã biết ông đi đâu nên chẳng nói gì cả, bà chỉ lặng lẽ dùng một tay vuốt ve con Hải âu đang nằm trên đùi mình một tay khe khẽ quạt cho Trang đang nằm thiu thiu ngủ trên chiếc võng đong đưa. Không phải bà không buồn vì cái chết của Đi Hia nhưng nếu ai cũng để nỗi buồn trong trong lòng thì ai sẽ là người chăm Trang, đàn mèo ai sẽ chăm? Đang miên man với dòng suy nghĩ ấy thì bất chợt Trang thức giấc và khóc ré lên làm bà giật mình, bà nhanh chóng lấy đôi tay gầy gò ôm đứa cháu bé bỏng đạt lên đùi bên cạnh con Hải âu và nhẹ nhẹ xoa lưng cho Trang ngủ tiếp. Bà nhẹ nhàng đặt lại Trang lên võng, con Hải âu lúc này cũn tót theo lên nằm cạnh Trang như muốn giúp bà Năm ru đứa bé ngủ tiếp, bà khe khẽ lấy tay đưa chiếc võng theo nhịp tiếng khóc bé dần Trang lại chìm vào giấc ngủ. Bình thường những lúc như vậy bà sẽ là người ru Trang tiếp tục ngủ còn ông Hiếu là người đi pha sữa để chờ sau khi Trang tỉnh hẳn sẽ có luôn một bình sữa ấm để lót dạ. Nhưng hôm nay ông Hiếu đã ra ngoài nên bà đành phải tự làm việc ấy, khe khẽ nói nhỏ với Hải âu để ý đến bé Trang rồi bà tự dùng tay đẩy bánh xe lăn để đi vào trong gian buồng lấy sữa và nước pha sữa cho Trang. Đang rót nước ấm vào bình bỗng một cơn gió khẽ lướt qua khiến bà Năm lạnh sống lưng, chiếc cốc trên tay rơi xuống với một tiếng choang inh tai nhức óc. Trang khóc ré lên, Hải Âu vọt chạy vào trong gian buồng với những tiếng kêu thê lương, ai oán. Gió mát, buông cần tả hồn theo gió, đưa ánh mắt nhìn xa xăm, tất cả ký ức với Đi Hia hiện về. Trước đây mỗi lần ra đây hóng gió câu cá, để làm vơi đi những chuyện buồn trong cuộc sống đều có bà Năm, Đi Hia, Hải Âu, vậy mà giờ thì.. ông khẽ thở dài một tiếng. Bất chợt chiếc phao nhấp nhá, ông nắm chắc cần giật mạnh. Chiếc cần câu bỗng gẫy đôi, một cơn gió thoảng qua khiến ông rùng mình. Tiếng khóc dai dẳng của Trang hòa cùng tiếng kêu thê lương đầy sự ai oán không dứt khiến cho hành xóm xung quanh thấy thật lạ lùng. Bình thường chỉ cần tiếng khóc vang lên một lát là lại yên ngay do được ông bà dỗ nhưng hôm nay nó dai dẳng lạ. Đẩy cánh cổng bước vào nhà lớn tiếng kêu tên bà Năm và ông Hiếu nhưng đáp lại chỉ là tiếng khóc, tiếng mèo kêu. Khi gọi đến câu thứ ba thì một con mèo bất chợt từ trong nhà lao ra lấy miệng cắn khẽ vào ống quần của người hàng xóm như muốn lôi đi. Linh tính chẳng lành, người hàng xóm bước vào đến trong buồng thì mọi chuyện rồi. Hôm ấy trời lại mưa! 6. Cô đơn Bước về nhà với một cảnh tượng chẳng hề tưởng tượng được. Bà Năm nằm giữa những người hàng xóm đứng xung quanh, gương mặt bà vẫn vậy, chỉ là hơi thở không còn nữa. Giây phút ông ôm chầm lấy thi thể bà nước mắt lã chã rơi ấy mọi thứ bỗng như nhòe đi, cảm quan về không gian và thời gian của ông như ngừng lại. Khi ấy chỉ còn những đau thương giày vò trong con người ông mà thôi. Mưa, những ơn mưa luôn luôn làm cho nỗi buồn của con người ta nhưng trở nên buồn hơn nữa. Cái chết của người ông yêu nhất, cái chết của con mèo ông yêu quý nhất như hai nhát dao chí tử đâm thẳng vào trong trái tim ông, ngày ông đưa thi thể của người ông yêu thương nhất đi chôn dưới ba tấc đất ai ai cũng nhận thấy ông như một kẻ vô hồn bước đi giữa nhân gian. Hôm đưa tang ấy, ông không khóc, bé Trang cũng như hiểu chuyện, nó chẳng khóc lấy một lời và đám tang ấy có một con mèo lặng lẽ theo đoàn người đến tận nghĩa địa. Nó lặng lẽ nhìn người ta hất từng xẻng đất lên chiếc quan tài của người chủ mà nó hằng yêu quý. Khi xẻng đất cuối cùng được lấp lên, một tiếng: "Meoooo" kéo dài, đầy ai oán, xót thương của mộ con mèo ướt nhẹp đứng dưới chân ông Hiếu khiến tất cả phải giật mình. Hóa ra loài vật cũng có tình cảm với người mà nó yêu quý nhất! Sau cái chết của bà Năm, bé Trang cũng như trở lên hiểu chuyện hơn, nó không khóc, không quấy nhiểu như trước nữa, có vẻ như nó biết ông đã mệt lắm rồi sau cái chết của bà và sự ra đi của Đi Hia. Hải Âu cũng vậy, nó ngày ngày chỉ nằm im một chỗ với đôi mắt u sầu ngắm nhìn mọi vật ở xung quanh. Ban đêm, giữa không gian tĩnh mịch ông Hiếu châm điếu thuôc trên tay lặng lẽ nhớ về cuộc đời mình, nhớ về những biến cố mãi mãi làm con người ông thay đổi: Bà Năm, Hải Âu, bé Trang, mọi dòng suy nghĩ lởn vởn trong đầu ông khiến ông châm hết điếu này đến điếu khác. Thuốc lá không làm cho con người ta quên đi những muộn phiền của cuộc sống nhưng khiến cho người ta trở lên bình tĩnh hơn. "Sống, nhất định phải sống tiếp, bà ấy chẳng bao giờ muốn mình trở thành một kẻ yếu đuối, còn bé Trang nữa mình phải lo cho nó." Những dòng suy nghĩ ấy hiện lên một cách rành mạch và rõ ràng hơn bao giờ hết ở trong đầu ông. Ông quyết định: Vì thứ giết chết con người ta chính là kỉ niệm thế nên muốn sống tiếp chỉ có chôn sâu những kỉ niệm ấy vào trong tận đáy lòng. Sáng hôm sau, ông thu dọn tất cả những thứ liên quan đến bà Năm bỏ gọn vào một chiếc hòm và khóa trái lại. Với lũ mèo, chắc chắn chúng sẽ con quanh quẩn ở đây và dù ông có đem nó bỏ đi xa tận đâu nó cũng sẽ tìm về. Và đem bỏ chúng đi cũng trái với lương tâm của ông. Bỏ hết những chỗ nằm của chúng vào sọt rác, đem tô đựng thức ăn của chúng ra ngoài cửa, không vuốt ve, ôm sờ chúng nữa để chúng dần xa mình. Sau đó chuyển dần tô đựng thức ăn của chúng ra ngoài cửa, đuổi chúng ra khỏi nhà để quên đi mọi thứ. Ông quyết rồi! Dĩ nhiên lũ mèo ban đầu chẳng bao giờ có thể quen ngay với việc chúng bị xa lánh, hắt hủi như vậy. Trong vòng một tháng đầu tiên chúng vẫn quẩn quanh trong nhà ông, nhưng thái độ lạnh nhạt và thờ ơ của ông cùng những lần xua đuổi đã làm cho chúng dần dần cũng bỏ đi, chúng vẫn đến ăn nhưng không còn vào trong nhà ông nữa. Chỉ có Hải âu dù ông có làm cách nào thì nó vẫn về nằm im đúng chỗ ngày trước nó hay nằm. Nhưng đã có một thứ khiến Hải âu lặng lẽ rời đi. Đến một trăm ngày sau ngày bà Năm mất, ông Hiếu lặng lẽ đứng trước linh vị bà khấn nhỏ: "Tôi biết bà thương lũ mèo lắm, nhưng bà cũng thương tôi và cả bé Trang nữa thế nên tôi mong sao bà nói với Hải Âu đi, nếu nó cứ ở đây tôi chẳng thể nào bình yên mà chăm bé Trang được. Bà biết đấy, tôi là một người sống trong kỉ niệm, thế nên Hải Âu còn ở đây thì tôi chỉ mong sao sớm đoàn tụ với bà ở suối vàng." Lời khấn của ông rất nhỏ ấy thế nhưng ại làm Hải Âu vô cùng chú ý. Không biết mèo có hiểu tiếng người hay không, thế nhưng từ sau bữa ấy Hải Âu không vào trong nhà nữa. Ngày ngày, nó chỉ lặng lẽ ngồi trên mái nhà quan sát cuộc sống của ông cùng bé Trang, nó không rời đi đâu xa, chỉ là không để ông nhìn thấy nó bao giờ và nó cùng đàn mèo vẫn đến ăn cơm do ông Hiếu để ở cổng trong cái tô của chúng ngày nào. Thấm thoát thời gian cũng trôi đi, nỗi buồn của người ở lại cũng dẫn nguôi ngoai, giờ đây ông Hiếu chỉ cố gắng sao cho lo cho Trang được một cuộc sống tốt nhất. Bữa ấy, nhìn thấy ba lô của Trang đã bị rách, nên tranh thủ lúc nấu cơm chiều xong ông đi ra đầu ngõ mua cho Trang chiếc ba lô mới. Chiếc ba lô ấy ông cảm thấy vô cùng hài lòng và tin chắc rằng Trang sẽ thích nó. Cầm nó trên tay ông vui vẻ bước trên đường về mà chẳng hề biết rằng có một chiếc ô tô đang lao từ trong ngõ ra. Két.. Tiếng phanh xe khiến ông giật mình. Khi lái xe bước xuống ông vọi vàng nói câu xin lỗi vì mình không để ý rồi tránh qua một nhanh chóng bước đi. Ấy thế nhưng ông đâu để ý điều làm cho người lái xe bước xuống ấy chính là sự sợ hãi. Cái bóng người phụ nữ lao ra ngay trước mũi xe trước khi khi kịp nhìn thấy ông già kia là gì? Người lái xe bước xuống mặt tái xanh soi đèn xuống gầm xe. Có lẽ do hoa mắt, thứ anh ta thấy dưới xe chỉ là xác một con mèo đen thui với một chấm trắng dưới mắt phải. Anh ta cầm xác con mèo quăng vào trong thùng rác thì bất chợt có tiếng meo meo đâu đó làm anh ta giật mình soi đèn lại phía sau. Hóa ra tiếng meo meo đó phát ra từ một con mèo con đen thùi lùi với một chấm trắng trên mép phải. Chắc nó là con của con mèo lúc nãy nhưng thôi, mặc xác nó, nãy không đâm phải người là may rồi. Người đàn ông lặng lẽ lên xe rời đi. HẾT