Phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 23 Tháng hai 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    Nền văn học Cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX ghi danh tên tuổi của những nhà văn, nhà thơ kiệt xuất: Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Ái Quốc - những người đã có công khai móng, đắp nền cho nền văn học cách mạng trẻ tuổi Việt Nam. Tố Hữu xuất hiện muộn hơn nhưng kể từ khi đến với độc giả những tác phẩm đầu tiên, chàng thanh niên Quốc học Huế này đã tỏ ra vô cùng xuất sắc và trở thành một hiện tượng đặc biệt, một tác giả văn học lớn cho đến mãi sau này.

    Bước vào lứa tuổi thanh niên, Tố Hữu cũng mang tâm trạng chung của thế hệ mình với nhiều nỗi buồn và trăn trở tìm hướng đi. Nhưng Tố Hữu đã may mắn sớm gặp gỡ lí tưởng cộng sản và sớm hòa mình vào cuộc cách mạng của dân tộc. Sự gặp gỡ lí tưởng cách mạng không chỉ quyết định con đường đời của một con người mà còn quyết định toàn bộ sự nghiệp sáng tạo của một nhà thơ, tạo nên một trong những hồn thơ tiêu biểu nhất của thơ ca cách mạng Việt Nam.

    Với quan niệm làm thơ là làm cách mạng bằng thơ, trên mọi nẻo đường chiến đấu và sáng tác, ông đã để lại một sự nghiệp văn học đồ sộ, mang phong cách riêng độc đáo.

    Phong cách thơ Tố Hữu


    1. Thơ Tố Hữu là thơ trữ tình chính trị

    Tố Hữu sáng tác thơ trước hết để phục vụ sự nghiệp cách mạng, phục vụ nhiệm vụ chính trị của đất nước. Bởi thế đời sống được ông cảm nhận chủ yếu trên phương diện chính trị mà ít đề cập đến phương diện đời thường, đời tư. Chính trị trở thành nguồn cảm hứng, nguồn cảm xúc chân thật, sâu lắng. Với Tố Hữu làm thơ là một hoạt động cách mạng nhằm mục đích giáo dục, tuyên truyền đấu tranh cho thắng lợi Cách mạng. Hồn thơ của Tố Hữu luôn hướng tới cái chung với những lẽ sống lớn, tình cảm lớn với những niềm vui của cả dân tộc, cái tôi trữ tình là cái tôi chiến sĩ cá nhân danh Đảng. Thơ Tố Hữu không đi sâu vào thể hiện cuộc sống tình cảm riêng tư cá nhân mà tập trung vào làm sáng tỏ những tình cảm lớn lao, cao cả của con người cách mạng tình yêu và lý tưởng với vị lãnh tụ, đồng bào, đồng chí, đó là niềm vui chung của nhân dân. Về phương diện này, Chế Lan Viên đã nhận định rất xác đáng: "Tả tình hay tả cảnh, kể chuyện mình hay kể chuyện người, viết về các vấn đề lớn hay về một sự việc nhỏ, đối với anh chỉ là để nói cho được cái lí tưởng cộng sản ấy thôi." Và giáo sư Trần Đình Sử cũng đánh giá: "Thơ Tố Hữu là đỉnh cao của trữ tình, chính trị Việt Nam".

    2. Thơ Tố Hữu thiên về khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãnh mạn.

    - Khuynh hướng sử thi trong thơ Tố Hữu thể hiện ở phương diện: Tố Hữu coi những sự kiện chính trị lớn của đất nước là đối tượng thể hiện chủ yếu, ông thường đề cập đến những vấn đề lớn lao có ý nghĩa lịch sử và có tính chất sống còn của cộng đồng. Đó là những sự kiện chính trị lớn có ý nghĩa lịch sử như: Xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, cả nước ra trận chống Pháp, chống Mỹ... Cảm hứng chủ đạo trong thơ ông là cảm hứng lịch sử dân tộc chứ không phải cảm hứng thế sự, đời tư. Con người trong thơ Tố Hữu là con người của sự nghiệp chung với những cố gắng phi thường. Họ được nhìn nhậ chủ yếu từ nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân và họ là những con người đại diện kết tinh phẩm chất anh hùng của cả dân tộc.

    - Cảm hứng lãng mạn được thể hiện ở phương diện: Thơ Tố Hữu thường hướng về tương lai với niềm tin vô bờ. Ông tin cuộc đời cũ sẽ qua đi, tin cách mạng sẽ xây nên một thế giới mơ ước, trong đó, con người sẽ sống thật tốt đẹp: Người với người sống để yêu nhau.

    3. Thơ Tố Hữu có giọng điệu tâm tình, ngọt ngào.

    Đó là giọng điệu riêng tâm tình, tha thiết rất dễ nhận ra. Thơ Tố Hữu đã thể hiện sự ngọt ngào qua cách xưng hô với mỗi đối tượng trò chuyện từ sự kêu gọi "đồng bào ơi", "anh em ơi", "xuân ơi", "hỡi các chị các anh", "hỡi người xưa của ta nay".. như lời tâm sự, trò chuyện, nhắn nhủ.

    Giọng điệu tâm tình, ngọt ngào ấy có liên quan đến chất Huế trong con người ông. Là người con của xứ Huế, của những điệu nam ai, nam bằng.. giọng thơ ông ít nhiều có sự thấm nhuần chất ngọt ngào của những làn điệu dân ca ấy. Hồn thơ của ông thể hiện tình cảm mến thương, ngọt ngào là do quan niệm của ông "Thơ là tiếng nói đồng ý, đồng chí, đồng tình" và "Thơ là những điệu hồn đang đi tìm những tâm hồn đồng điệu". Rõ ràng giọng thơ Tố Hữu rất đa dạng lúc thì sang sảng hùng ca, lúc lại nhỏ nhẹ tâm tình nhưng chủ yếu là đằm thắm, tự nhiên và chân thành.

    4. Thơ Tố Hữu đậm đà tính dân tộc.

    Tính dân tộc thể hiện trong nội dung và hình thức. Về nội dung, những vấn đề cốt lõi của cách mạng và đời sống được Tố Hữu phản ánh và giải quyết theo truyền thống đạo lý của ông cha. Về hình thức, ông sử dụng đa dạng các thể thơ đặc biệt thành công ở các thể thơ truyền thống như thơ lục bát, thơ bảy chữ. Tố Hữu còn vận dụng tục ngữ, ca dao, những lối nói quen thuộc của nhân dân; phát huy tính nhạc, sử dụng tài tình từ láy, thanh điệu...
     
    LieuDuong, Diggory, chiqudoll6 người khác thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 1 Tháng một 2022
  2. Đăng ký Binance
  3. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    Giá trị nghệ thuật của bài thơ Việt Bắc:

    - Thể thơ lục bát truyền thống vừa thống nhất lại vừa biến hóa đa dạng, lúc dung dị gần gũi với ca dao, có lúc cân xứng, nhịp nhàng trau chuốt đến độ cổ điển

    - Kết cấu độc đáo thể hiện sáng tạo một tình huống trữ tình. Đó là cuộc chia tay có kẻ ở người đi, có lời giao duyên tỏ bày tình cảm để thể hiện những hồi tưởng, những hoài niệm, những ân nghĩa cách mạng. Cấu tứ đó theo lối đối đáp giao duyên quen thuộc của ca dao dân ca. Nhưng đối thoại chỉ là hình thức bề ngoài, thực chất là lời độc thoại bộc lộ tâm trạng, tình cảm của nhà thơ với tư cách là người kháng chiến trở về xuôi bày tỏ với quê hương cách mạng

    - Lối nói giàu hình ảnh cụ thể, cách chuyển nghĩa truyền thống như: So sánh, ẩn dụ, tượng trưng ước lệ.. tạo nên phong vị dân gian và màu sắc cổ điển

    - Ngôn từ gần gũi quen thuộc với nhân dân và mang màu sắc miền núi. Đặc biệt đại từ "mình- ta" quen thuộc trong ca dao được sử dụng rất khéo léo. "Mình- ta" khi thì là chủ đề, khi thì là đối tượng, khi tách biệt, khi hòa nhập. Tất cả đều thể hiện sự hòa quyện gắn bó không thể tách rời. Thể hiện tấm lòng son sắc thuỷ chung đối với người Việt Bắc cách mạng kháng chiến

    - Giọng điệu êm ái, ngọt ngào như âm hưởng của lời ru khiến cho người đọc trôi theo dòng cảm xúc. Đặc biệt các tiểu đối tạo nên nhịp thơ uyển chuyển, cân xứng hài hòa. Lối trùng điệp của ngôn từ tạo nên giọng điệu trữ tình tha thiết
     
    LieuDuong, Diggory, chiqudoll2 người khác thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 18 Tháng mười hai 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...